Phật Học Vấn Đáp


Xin hỏi vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng?
Xin hỏi vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng? Nếu lơ là giáo dục gia đình thì có hệ lụy gì?

8/13/2022 8:34:43 PM

Tôi nghĩ vấn đề này không cần nói nhiều, bạn chỉ cần suy nghĩ cho kỹ về gia đình của chính bạn, gia đình của bạn bè, người thân của bạn, gia đình hàng xóm của bạn thì bạn sẽ hiểu rõ thôi. Bạn lại thử nghĩ xem cổ Thánh tiên Hiền xưa kia đã nói với chúng ta một câu là: “Gia hòa vạn sự hưng”. Nếu gia đình bất hòa thì sao? Nếu gia đình bất hòa thì vạn sự đều suy. Bạn thử nghĩ xem có phải là tình trạng như vậy không? Hãy quan sát tỉ mỉ điều này. Bản thân bạn đang mong có một gia đình tốt đẹp, một gia đình hòa thuận, hay là mong bất hòa? Vợ chồng bất hòa, cha con bất hòa, anh em bất hòa, bạn có muốn sống trong gia đình này không? Đây là vấn đề rất thực tế, không cần phải nói đạo lý với bạn, bạn cũng có thể cảm thấy vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng.

Khi chúng tôi giảng kinh thường hay nói, mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, với quốc gia, với thế giới thì gia đình giống như một tế bào ở trong thân thể con người vậy, quốc gia giống như một cơ quan trong cơ thể. Trên thân chúng ta có rất nhiều cơ quan không giống nhau, bên ngoài có mắt tai mũi lưỡi thân, bên trong có lục phủ ngũ tạng, đều là do tế bào tổ hợp thành. Toàn thân giống như một thế giới, bạn sẽ hiểu được gia đình là đơn vị nhỏ nhất, là tế bào của thân thể con người. Nếu tế bào bị hư hỏng, có vấn đề, bị nhiễm virus thì liệu các cơ quan có thể khoẻ mạnh được không? Thân thể có thể khoẻ mạnh được không? Từ chỗ này bạn cứ suy nghĩ thì sẽ hiểu rõ thôi. Gia đình không tốt thì xã hội nhất định sẽ động loạn, đất nước chắc chắn không an toàn, thế giới nhất định sẽ đại loạn.

Xã hội ngày nay của chúng ta, địa cầu này của chúng ta bị bệnh rồi, bị bệnh ở chỗ nào? Ở tại gia đình. Khi tôi sống ở Queensland Úc Châu, từ sau khi xảy ra sự kiện ngày mười một tháng Chín, Học viện Hòa Bình ở Đại học Quensland đã cảm thấy hòa bình thế giới có khủng hoảng nghiêm trọng rồi. Làm sao để hóa giải xung đột? Làm thế nào mới có được hòa bình? Họ đã tìm tôi và các giáo sư đang dạy ở học viện Hòa Bình, có mười mấy giáo sư, chúng tôi đã tổ chức hai lần tọa đàm. Trước tiên, tôi nghe nhà trường báo cáo. Sau đó tôi nói với họ, tôi nói, các vị ngày ngày đang nghiên cứu hóa giải xung đột mà các vị không tìm ra nguồn gốc của xung đột. Việc này giống như thầy thuốc trị bệnh vậy, bạn luôn phải tìm ra được gốc bệnh, tùy bệnh cho thuốc thì mới có được hiệu quả. Họ hỏi tôi gốc bệnh ở đâu? Tôi đã nói với họ, ở gia đình. Họ không nghĩ đến điều này. Bạn xem trong trong xã hội ngày nay, tỷ lệ ly hôn cao cỡ nào? Tỷ lệ ly hôn chính là gì? Chính là vợ chồng bất hòa.Vợ chồng là cốt lõi của gia đình, giống như nhân của tế bào vậy, nhân tố này bất hòa thì gia đình sẽ tan vỡ. Vợ chồng bất hòa nhất định sẽ dẫn đến cha con bất hòa, anh em bất hòa, họ bước vào xã hội liệu có thể chung sống hòa mục với ai không? Không thể nào. Đây là điều mà người làm công tác hòa bình không nghĩ đến.

Sau đó tôi lại nói với họ, tôi nói còn có một nhân tố sâu xa hơn, họ hỏi nhân tố sâu xa đó là gì? Nhân tố sâu xa đó là chính mình, là bản thân bạn bất hòa với chính mình. Chính mình bất hòa với chính mình như thế nào? Trong giáo dục truyền thống xưa gọi là xung đột giữa bản tính và tập tính. Ở trong Phật Pháp nói là do xung đột giữa tánh đức, tự tánh với tập khí, phiền não. Điều này rất khó phiên dịch, họ thấy rất khó hiểu, nên chúng tôi đã đổi lại cách nói, nói dễ hiểu một chút. Tôi nói lợi hại, bạn nhìn thấy lợi thì bạn nghĩ chính mình sẽ chiếm lấy, hay là để cho người khác đoạt được? Điều này dễ hiểu. Lúc lợi ích hiện ra trước mắt thì đều muốn tranh lợi, nếu bạn tranh lợi, nhất định sẽ làm tổn hại người khác, xung đột sẽ xảy ra từ chỗ này. Tôi nói đây là nội tâm của chính mình, chính là xung đột giữa lợi mình và lợi người. Nếu chúng ta niệm niệm đều nghĩ đến lợi ích của người khác, không nghĩ đến lợi ích của chính mình thì xung đột sẽ hóa giải được thôi. Nếu niệm niệm chăm chăm vào lợi ích của chính mình, không ngó ngàng đến lợi ích của người khác thì làm sao có thể hóa giải xung đột?

Cho nên Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều nói rất hay, bạn xem nhà Nho nói: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân”, đây là hài hòa chính mình, hài hòa thân tâm chính mình. Khi thân tâm của mình hài hòa, gia đình hài hòa thì mới tề gia. Gia hòa rồi thì quốc gia sẽ hòa, là trị quốc. Sau đó thiên hạ hài hòa, thiên hạ thái bình. Tổ tiên xưa năm ngàn năm trước đã dạy dỗ chúng ta như vậy, cho nên dân tộc chúng ta xem trọng nhất là giáo dục gia đình. Lơ là giáo dục gia đình thì có hệ lụy gì? Trung Quốc trong một trăm năm trở lại đây đã lơ là giáo dục gia đình, nên xã hội đại loạn, trong xã hội không có cảm giác an toàn.

Xã hội một trăm năm trước không phải là như vậy. Mặc dù triều đình nhà Thanh hủ bại nhưng luân lý đạo đức, phong tục tình người trong dân gian vẫn thuần hậu, con người sống ở thế gian họ có niềm vui, thắm tình người, thật sự là đều có thể làm được tôn kính lẫn nhau. Chính mình khiêm tốn, nơi nơi đều nghĩ đến người khác, lễ nhượng, đều biết khiêm nhượng. Người lạ, khách vãng lai, trước đây không thuận tiện như bây giờ, đâu có nhiều khách sạn như vậy? Đặc biệt là ở ngoại thành, ở vùng quê. Đi trên đường thì phải đi nhanh, khi trời tối đen thì không có chỗ nghỉ, đến nhà người ta ở nông thôn gõ cửa xin một chỗ nghỉ. Người ta vừa thấy bạn đi đường xa như vậy, vô cùng hoan nghênh, tiếp đãi bạn, chuẩn bị đồ ăn cho bạn, cho bạn chỗ nghỉ ngơi. Sự nhiệt tình đó hiện nay không còn nữa. Sự nhiệt tình như vậy, trong thời gian kháng chiến chúng tôi vẫn thấy. Trong thời gian kháng chiến chúng tôi là học sinh lưu vong, chạy nạn khắp nơi, gặp người xa lạ, không ai mà không chịu giúp đỡ. Người không chịu giúp rất ít, chỉ một hai phần mười. Người nhiệt tình giúp đỡ thì có tám chín phần mười. Cho nên chúng tôi biết cảm ân đối với xã hội, biết cảm ân đối với mọi người, những điều này thảy đều nhờ vào giáo dục gia đình. Biết được mối quan hệ giữa người với người, giữa người với người phải nên tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hợp tác với nhau, đó là giáo dục luân lý đạo đức.

Ngày nay xã hội động loạn, nếu bạn không từ chỗ này mà bắt đầu làm thì không được. Chúng tôi ở Thang Trì đã làm một thí nghiệm, thí nghiệm này tôi đã từng nói nhiều lần với quý vị rồi. Sau hai lần hội nghị ở Đại học Queensland, tôi đã tiếp nhận sự ủy thác của trường, đại diện cho nhà trường, đại diện cho Úc Châu tham gia hội nghị Hòa bình Quốc tế, trước sau tham gia mười lần. Ở trong mười lần này thì bảy lần là do Tổ chức UNESCO Liên Hợp Quốc làm chủ đạo. Chúng tôi quen biết rất nhiều chuyên gia học giả, còn có một số lãnh đạo quốc gia, họ ngày ngày đang nghĩ, nhưng không nghĩ ra phương pháp tốt. Sau khi tôi tham gia mấy lần, tôi đã hoàn toàn hiểu rõ rồi, mở hội nghị có hiệu quả không? Không có hiệu quả. Nhất định phải học những gì Tổ tiên xưa truyền lại cho chúng ta, những gì Thích ca Mâu ni Phật dạy chúng ta, phải tổ chức lớp dạy học. Chúng tôi giới thiệu việc này với những bạn bè trong hội nghị. Sau khi họ nghe rồi rất hoan hỉ, rất tán thán, nhưng không tin tưởng. Họ nói đây là trước đây, hiện nay có thể làm được không? Cho nên chúng tôi mới ở Thang Trì làm ra thí nghiệm này, không ngờ rằng chưa đến nửa năm đã làm được, chứng minh những gì người xưa nói “người dân có thể dạy được tốt”, bạn không dạy thì không được.

Hiện nay chúng ta dạy rất khó khăn, bởi vì bạn đã bị gián đoạn mất một trăm năm rồi. Phải nên dạy như thế nào? Chọn một thị trấn nhỏ có mười hai làng, cư dân bốn mươi tám ngàn người, là cư dân sống ở địa phương đó, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, mọi người cùng nhau học tập, học cái gì? Học Đệ Tử Quy. Mọi người đều học Đệ Tử Quy, mọi người đều biết lễ, đều có thể chung sống hòa thuận rồi. Cho nên vợ chồng hòa hợp, không có ly hôn. Người muốn ly hôn, vừa tiếp nhận sự giáo dục này thì không ly hôn nữa. Quan hệ cha con tốt rồi, quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt rồi, quan hệ hàng xóm láng giềng tốt rồi, thị trấn Thang Trì trong nửa năm thì biến thành vùng đất lễ nghĩa, xã hội hài hòa, người đến tham quan đều vô cùng cảm động. Bạn nói xem giáo dục gia đình có quan trọng không? Việc chúng tôi làm ở Thang Trì chính là giáo dục gia đình, không có gì khác, cho nên không thể lơ là.

Trung Quốc lập nước được năm ngàn năm, một đất nước lớn như vậy, nhiều dân tộc như vậy, có thể chung sống hòa mục, có thể hợp tác lẫn nhau, duy trì hòa bình lâu dài, trị an lâu dài, dựa vào điều gì? Dựa vào giáo dục gia đình. Cho nên tôi thường hay nói, nhiều lần làm báo cáo ở Liên Hợp Quốc, Trung Quốc giải quyết vấn đề là dùng giáo dục, giáo dục gia đình. Giáo dục trường học là nối tiếp của giáo dục gia đình, giáo dục xã hội là mở rộng của giáo dục gia đình, giáo dục tôn giáo là sự viên mãn của giáo dục gia đình. Chúng tôi nói bốn nền giáo dục này, gia đình là gốc, bốn nền giáo dục này là nhất quán.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Giáo Dục       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật