Phật Học Vấn Đáp


Mật Tông nói tay lắc Chuyển Kinh Luân có công đức bất khả tư nghì, căn cứ vào điều gì ?
Bạn bè tặng cho con một cái Chuyển Kinh Luân, Mật Tông nói tay lắc Chuyển Kinh Luân có công đức bất khả tư nghì, căn cứ vào điều gì ? Người tu trì Tịnh Độ có thể thường dùng được không?

8/14/2022 6:43:35 AM

Trong “Kinh Bát Nhã” nói rất hay: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, vì sao vậy? Là vì căn tánh của chúng sanh không tương đồng. Tu học thì phải hiểu. Người xưa không giống như người hiện nay, người xưa biết, đời đời tương truyền “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, đây là dạy học truyền thống trong suốt năm ngàn năm của chúng ta. Trong nhà Phật, các vị cũng thường hay nghe thấy hai câu nói: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, cùng với câu “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” không hẹn mà gặp, là cùng một ý nghĩa. Cho nên dù học gì thì sau khi lựa chọn pháp môn rồi bạn phải nhất môn thâm nhập, bạn không được thay đổi, khi bạn thay đổi thì hiệu quả sẽ không còn nữa, bị phá hoại rồi. Nếu bạn muốn học Mật thì bạn y theo phương pháp của Mật tông để tu hành; Nếu tu Tịnh thì bạn chuyên môn y theo phương pháp của Tịnh Tông mà tu hành. Không được lẫn lộn với nhau, lẫn lộn với nhau thì không có chỗ tốt. Cổ Đại Đức có nói Thiền Tịnh song tu, Thiền Mật song tu, Mật Tịnh song tu. Cách nói này gọi là phương tiện nói, vì sao vậy? Vì họ không buông xuống được, họ là người học Thiền, không buông xuống được. Người nói với họ rất cao minh, nhìn thấy họ học Thiền không có thành tựu, khuyên họ học Mật họ lại không chịu làm, cho nên mới nói với họ là Thiền Mật song tu rất tốt! Đây là tiếp dẫn họ, dẫn dắt họ. Hoặc là Mật Tịnh song tu, đều là một loại phương pháp tiếp dẫn.

Người thật làm thì sao? Người thật làm không phải như vậy, người niệm Phật chân chánh, nói cho bạn biết, họ chỉ có một câu Phật hiệu. Họ cần phải đọc Kinh không? Không cần. Cần phải nghe Kinh không? Không cần. Vì sao vậy? Nghe Kinh, đọc Kinh đều không thể khiến họ được nhất tâm, nhất tâm là chuyên niệm. Vậy tại sao bảo bạn nghe Kinh? Bởi vì bạn có nghi hoặc, hiệu quả của Kinh sẽ giúp bạn đoạn nghi sanh tín, tín tâm thật sự sanh khởi rồi thì không cần nghe Kinh nữa. “Kinh Vô Lượng Thọ” là giảng giải cho bạn lý luận về Tịnh Độ, những phương pháp tu Tịnh Độ, những cảnh giới tu Tịnh Độ, bạn đối với những điều này không có mảy may nghi hoặc. Tôi đã một lòng niệm câu Phật hiệu đến cùng, vậy thì thành công rồi, còn phải nghe gì nữa! Cho nên người thượng thượng căn và người hạ ngu, hai loại người này dễ độ, họ không nghi hoặc, họ không có nghi vấn. Người thượng thượng căn vừa nghe thì hiểu toàn bộ, giống như Đại sư Huệ Năng, đó là người thượng thượng căn. Có rất nhiều người, bạn xem giống như ông già bà lão ở dưới quê, họ không biết chữ, là người hạ hạ căn, họ không nghi hoặc, bạn bảo họ niệm một câu A Di Đà Phật thì cả đời họ sẽ niệm A Di Đà Phật đến cùng, họ cũng không thay đổi, họ tin tưởng, một lòng một dạ. Bạn nói với họ bất kỳ pháp môn gì họ cũng không nghe, sau cùng vãng sanh thoại tướng thù thắng, phẩm vị rất cao. Còn lại một số lượng rất lớn khó độ nhất, đó là thượng chẳng ra thượng, hạ chẳng ra hạ. Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn tại thế, giảng Kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm là vì ai? Chính là vì những người rất khó độ này, đã chẳng phải thượng căn, lại chẳng phải hạ ngu, cho nên người trung căn rất khó độ. Vì sao vậy? Vấn đề của họ rất nhiều, nghi ngờ rất nhiều, ý kiến rất nhiều, nên rất phiền phức, vậy mới mở ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Phải hiểu đạo lý này.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Công Đức        Tịnh Độ        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật