Phật Học Vấn Đáp


Làm sao tinh tấn niệm Phật?
Niệm Phật Đường ở nơi đệ tử ở khi mới bắt đầu có hai trăm người tinh tấn niệm Phật, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà hiện nay chỉ có mười người niệm Phật, chúng con mong được Lão pháp sư chỉ đạo, để noi gương Viễn Công Đại Sư thành tựu nhân duyên thù thắng niệm Phật vãng sanh ạ.

8/14/2022 8:40:26 AM

Thành tựu nhân duyên niệm Phật vãng sanh không phải ở vấn đề Niệm Phật Đường, mà là ở đâu? Là ở người thật sự phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Loại người này khó, không dễ, là Đệ tử Phật chân thật. Thời đó của Viễn Công Đại Sư, Phật pháp thù thắng, gặp được pháp môn này là vừa mới gặp, Kinh Luận Tịnh Độ chỉ có một loại được phiên dịch ra là “Kinh Vô Lượng Thọ”, còn “Kinh Di Đà” và “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” lúc đó còn chưa phiên dịch ra. Đại sư Huệ Viễn chính là y theo “Kinh Vô Lượng Thọ”, có một số người chí đồng đạo hợp như vậy, một trăm hai mươi ba người, mọi người xây dựng một niệm Phật đường để cùng nhau niệm Phật, nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ, không có ý niệm thứ hai. Một trăm hai mươi ba người thành tựu, quá thù thắng! Nơi này hiện nay là ở núi Lô, hiện nay gọi là Chùa Đông Lâm, lúc đó gọi là Niệm Phật đường Đông Lâm. Đây là nơi khởi nguồn của Tịnh Độ Tông. Thật sự có những người chí đồng đạo hợp này thì đạo tràng đó đúng thật là Lục Hòa Kính. Kiến Hòa Đồng Giải chính là được xây dựng từ trên “Kinh Vô Lượng Thọ”; Giới Hòa Đồng Tu chính là xây dựng ở chỗ không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, đây thuộc về Giới luật; Thân Đồng Trụ, Khẩu Vô Tranh, Ý Đồng Duyệt, Lợi Đồng Quân. Đạo tràng có sáu phép hòa kính này được chư Phật hộ niệm, Long Thiên Thiện Thần ủng hộ. Họ thật sự không ra khỏi suối Hổ, họ lấy suối Hổ làm biên giới. Ở đó có một con suối nhỏ gọi là suối Hổ, lấy đó làm biên giới, người của Niệm Phật Đường đó không ra khỏi suối Hổ. Hơn ba mươi năm không xuống núi, trong tâm của họ nghĩ gì? Trong tâm nghĩ A Di Đà Phật, nghĩ Thế giới Cực Lạc. Hiện nay chúng ta có thể tìm ra người này không? Hiện nay người niệm Phật còn có danh văn lợi dưỡng, còn có ngũ dục lục trần, thậm chí còn có địa vị, quyền lực, còn có ý niệm này thì khó rồi.

Cho nên chúng ta hãy bình lặng tỉ mỉ mà quan sát, duyên nói thật ra là không dễ dàng, thiện căn phước đức nhân duyên. Nhưng trước hết bạn phải có thiện căn, phước đức. Thiện căn là có thể tin, có thể giải; Phước đức là có thể hành, có thể chứng, chỉ cần trọn đủ thiện căn, phước đức này, thì duyên, tôi tin là Tam Bảo gia trì, sẽ không thiếu. Nếu không có thiện căn, phước đức thì Phật muốn gia trì cũng không được, không giúp được. Bạn có đủ điều kiện này thì Phật Bồ Tát có thể giúp đỡ bạn, cho nên chúng ta cầu Phật Bồ Tát, cầu cảm ứng là phải dùng tâm hạnh của chúng ta để cầu, phương pháp khác không cầu được. Chân tâm của chúng ta, chân hạnh của chúng ta, đến đúng lúc thì đạo tràng tự nhiên thành tựu, hộ pháp tự nhiên sẽ đến. Đây đều là thật. Dù chúng ta không có đạo tràng tốt, đạo tràng tu hành chân chánh, ở trong đó thân tâm bất an, hoặc là thường trụ đều làm không như pháp, nhưng tâm hạnh của chính chúng ta như pháp, ở trong đây rèn luyện tâm nhẫn nại, rèn luyện nhẫn nhục Ba la mật của chính mình. Đến khi bạn thật sự thành tựu nhẫn nhục Ba la mật rồi, tín giải thành tựu rồi thì Phật Bồ Tát sẽ đến đổi người, hoặc là có đạo tràng mới để đi, duyên đến cho bạn đổi đạo tràng, cho bạn đổi duyên, Phật Bồ Tát sắp xếp. Cho nên chúng ta đối với bất kỳ người nào chỉ có một câu nói, cung kính đến cùng, cảm ân đến cùng, vậy mới gọi là chân tu hành. Họ làm có không như pháp đi chăng nữa là để cho chúng ta tu nhẫn nhục Ba la mật, chúng ta ở trong đó nếu khởi một ý niệm bất thiện, khởi một ý niệm không vừa ý, tâm oán hận, thì Phật Bồ Tát sẽ không để ý đến chúng ta, vì sao vậy? Bạn không phải là người chân tu hành. Người chân tu hành nơi nơi đều có thể chịu được khảo nghiệm, thuận cảnh thì không được khởi một chút tham ái, có một chút niệm tham thì hỏng rồi. Nghịch cảnh thì không được sanh một chút sân khuể, hay nói cách khác, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, ở trong đây tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu tâm chân thành, bạn là người chân tu hành, bạn mới có thành tựu!

Người chân tu hành thì đâu có ai mà không có đạo tràng? Một người thì Phật Bồ Tát giúp bạn, thành tựu cho một mình bạn; chúng đông thì sẽ có đạo tràng. Tôi học Phật nói thật ra đắc lực là nhờ câu nói của Lão sư nên tâm được định. Lão sư nói với tôi: “Cả đời con nếu con thật vì kế thừa huệ mạng của Phật, vì hoằng pháp lợi sanh, vì chánh pháp cửu trụ, thì cả đời của con hết thảy đều do Phật Bồ Tát chăm sóc cho con, bản thân con không cần phải lo lắng chút gì”. Tôi tiếp nhận, tôi hoàn toàn y giáo phụng hành, cho nên cả đời này của tôi, tôi biết đều là Phật Bồ Tát sắp xếp, thuận cảnh là Phật Bồ Tát sắp xếp, khảo nghiệm tôi, nghịch cảnh cũng là Phật Bồ Tát sắp xếp, tôi ở trong đây rèn luyện, rèn luyện đến khi Tham Sân Si Mạn Nghi thảy đều luyện mất hết, Tánh đức dần dần tăng trưởng, dần dần nâng lên. Muốn thành tựu người khác, trước hết phải thành tựu chính mình, chính mình không thể thành tựu thì không có chút mảy may giúp đỡ nào đối với người khác. Thời gian không đủ, tuổi thọ ngắn ngủi thì nó tự nhiên sẽ kéo dài. Tôi không cầu tuổi thọ. Việc kéo dài này, tôi rất cảm kích, vì sao vậy? Không có thời gian dài như vậy thì tôi không đến được cảnh giới này, nhờ thời gian kéo dài mà cảnh giới không ngừng nâng lên, vậy mới xứng đáng với Phật Bồ tát, xứng đáng với các thiện hữu hộ trì này.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Niệm Phật        Vãng Sanh        Nhân Duyên        Tinh Tấn       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật