Phật Học Vấn Đáp


Không có thì giờ rảnh để tu hành, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy con
Con hiện đang làm việc ở một Công ty, con cảm nhận đi làm phải động não (lo nghĩ, tính toán việc làm) bị áp lực của ông chủ, không có thì giờ rảnh để tu hành, nhưng có điểm lợi là có tiền để cúng dường Phật, bố thí, phóng sanh… Con muốn nghỉ việc ở nhà để có thì giờ rảnh, tâm con được an định hơn hầu tụng Kinh, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Nhưng con không biết nên chọn cách nào có lợi hơn cho bản thân và chúng sanh. Vậy, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy con.

8/19/2022 4:28:49 PM

1.  Con người sinh ra ở thế gian này là do nghiệp lực thúc đẩy, đến đây để trả nợ, đòi nợ, đền ơn hay báo oán. Xong rồi là chết, chết rồi đi về đâu? 

Kinh Niết bàn dạy: “Người chết đi, được lại thân người như đất dính ở đầu ngón tay (quá ít), mà mất thân người như đất ngoài đại địa (quá nhiều).” Thí dụ khác: Như con rùa mù ở dưới đáy biển, một trăm năm trồi lên mặt biển để chui vào bọng cây. Nên biết rằng bọng cây bềnh bồng nổi trên mặt biển, một trăm năm bị sóng, gió đưa đẩy, trôi giạc biết đến phương trời nào mà tìm, dù có gặp, rùa mù không thấy đường làm sao chui vào bọng cây, thật là thiên nan, vạn, vạn nan (ngàn, muôn, muôn lần khó) thế mà đức Thế tôn nói còn dễ hơn được lại thân người. Mất thân người thì đi về đâu? Bị đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Vì trong những tiền kiếp, và đời hiện tại, cố ý hoặc vô tình (vì kém hiểu biết) chúng sanh tạo quá nhiều ác nghiệp.

2. Kinh Kim Cang dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, diệc như điện”, nghĩa là mọi sự mọi việc trên đời này đều như: chiêm bao (mộng mị, không thật), giả dối (huyễn ảo, không thật có), bọt nước trên biển cả (bào, dễ bị tiêu diệt), hình bóng (ảnh, bóng trong gương, không thật), như hạt sương trên đầu ngọn cỏ (mặt trời vừa mọc là sương tan tức khắc), cũng như ánh chớp trên bầu trời (điện, không thật, bị mất nhanh chóng). Tóm lại mọi sự, mọi việc trên đời này (cõi Ta bà) giả có, không thật, hư vọng (vô ngã), không ngừng biến chuyển, thay đổi nhanh chóng (vô thường). Do đó sanh ra tam khổ, bát khổ (xin đọc sách Niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh, Phần II Tư Lương Tịnh Độ Hạnh).

3. Còn vãng sanh Cực Lạc thì chuyển phàm thành Thánh, thân tướng trang nghiêm, có sáu phép thần thông, vô lượng thọ, ở ngôi vị bất thoái chuyển, một đời thành Phật, tự tại cứu độ khắp chúng sanh.

4. Trong các pháp cúng dường, tu hành đúng theo pháp Phật dạy là pháp cúng dường tối thượng. Tại sao? Vì có hành trì, có chứng đắc, thì mạng mạch Phật pháp mới trường tồn, mới dài lâu cứu độ chúng sanh liễu sanh thoát tử.

5. Kinh Niết Bàn nói: “Một tiếng niệm Phật phân làm mười sáu phần công đức. Nếu có một người bố thí cho chúng sanh khắp cả một thế giới trải qua ba tháng, nhưng chỉ đem một phần trong mười sáu phần công đức của một tiếng niệm Phật, thì cũng hơn công đức người bố thí kia”.

Thế nên biết niệm Phật hơn cả sự bố thí tiền của gấp trăm ngàn vạn lần.

6. Về phóng sanh, đâu cần phải có nhiều tiền mua chim, cá phóng sanh, mà hàng ngày, kiến, dán, ruồi, muỗi…. vào nhà, mình nhẹ tay bắt, rồi niệm Phật, chú nguyện cho chúng, xong đem ra ngoài thả là phóng sanh rồi.

Vã lại, phóng sanh như vậy chỉ là cứu sống nhục thân của chúng mà thôi, chúng vẫn còn phải trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.

Nếu liên hữu niệm Phật được vãng sanh Cực Lạc, sau đó trở về Ta bà cứu độ chúng sinh liễu sanh thoát tử, như vậy mới thật là “phóng sanh rốt ráo”.

7. Người hiểu được sáu điều sơ lược ghi trên, quyết định phải chọn con đường niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, chứ không thể chọn con đường nào khác.

8.  Tuy nhiên phải biết tùy duyên như sau:

a/ Nếu đồng lương của liên hữu dùng nuôi sống gia đình, thì nhất định phải tiếp tục đi làm, đây gọi là tùy duyên nhưng phải biết bất biến. Là sao? Nghĩa là không bỏ ý chí tu hành của mình, mà uyển chuyển hành trì pháp: “Thập niệm”. (Xin đọc sách Niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh Phần IV, Phương pháp hành trì Pháp Thập niệm).

b/ Bằng như đồng lương của liên hữu chỉ để làm Phật sự, như liên hữu đã nói, thì nên nghỉ việc làm ở Công ty, để ở nhà, có nhiều thì giờ tu hành theo ý muốn của liên hữu là thượng sách. (Xin đọc sách Niệm Phật đạt Bất niệm tự niệm bảo đảm vãng sanh Phần V, Chuyên tu Chánh hạnh).

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ


Thẻ
Phóng Sanh        Niệm Phật        Tụng Kinh        Bố Thí        Cực Lạc       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật