Phật Học Vấn Đáp


Tôi bị sao La Hầu, Kế Đô. Tôi phải làm cách nào để giải hạn bây giờ?
Tôi bị sao La Hầu, Kế Đô… năm nay là năm Tam Tai của tôi, tôi phải làm cách nào để giải hạn bây giờ?

2/25/2023 8:11:17 PM

Bạn dùng công đức để hóa giải, những việc nào là công đức? Phóng sanh là công đức, in Kinh là công đức, niệm Phật là công đức. Vì sao phải dùng công đức để hóa giải? Vì “Đức năng thắng số”, còn bạn chỉ cúng một bình bông, một đĩa trái cây và cúng giấy đồ thế để giải hạn thì không có đạo lý bạn may mắn cả năm.

1. Cổ Đức thường nói: “Phật không độ chúng sanh vô duyên”, đây không phải là Phật không từ bi. Vô duyên là gì? Họ không tin tưởng. Họ không chấp nhận, họ không thể lý giải. Đây chính là vô duyên. Chỉ cần có duyên, không phân biệt quí vị là người nước nào, không phân biệt là dân tộc nào, cũng không phân biệt bối cảnh văn hóa nào, tín ngưỡng của quí vị, đều không phân biệt. Chỉ cần quí vị có thể tin, có thể hiểu, có thể hành. Phật sẽ toàn tâm toàn lực giúp đỡ quí vị. Phật Pháp dạy học chính là điều kiện này, chính là hữu duyên, không có giới hạn.

Phật có trí huệ, Phật có đại đức, cho nên họ không có cực khổ. Chúng ta xem ra Ngài rất cực khổ. Bản thân Ngài rất thanh tịnh, vì sao vậy? Ngài không khởi tâm, không động niệm, làm sao mà vất vả! Khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, liền có cực khổ. Ngài hoàn toàn không có, cho nên độ mà không độ, không độ mà độ. Nói mà không nói, không nói mà nói. Mỗi ngày giảng từ sáng đến tối nhưng không nói một chữ. Tâm địa thanh tịnh, mảy trần không nhiễm. Như Lai từ thể (thanh tịnh, bình đẳng) khởi dụng, từ bi trí huệ đều dùng.

Chúng ta ngày nay thờ Phật, trong đó thờ một bức tượng Phật, hai bên là hai vị Bồ Tát. Tiêu biểu cho gì? Từ thể khởi dụng, Phật là thể. Phật tiêu biểu Thường Tịch Quang, Phật tiêu biểu Tự Tánh (Tự Tánh Chơn Như). Tự Tánh cái gì cũng không có, khởi tác dụng liền có rồi. Tác dụng nhiều hơn, phân nó thành hai loại lớn. Một loại là trí huệ, một loại là phước đức (từ bi). Phước huệ song tu, Phật xưng là nhị túc tôn (Phước Trí đầy đủ). Hai vị Bồ Tát, một vị Bồ Tát tiêu biểu cho trí huệ, một vị Bồ Tát tiêu biểu cho phước đức. Trí huệ là Giải, phước đức là Hạnh (Hành), Giải Hạnh tương ưng. Tây Phương Tam Thánh, Quán Thế Âm Bồ Tát tiêu biểu cho Hạnh, tiêu biểu phước. Đại Thế Chí Bồ Tát tiêu biểu cho trí huệ, tiêu biểu Giải.

Quí vị xem Quán Thế Âm Bồ Tát đặt ở bên tay trái Phật A Di Đà, Đại Thế Chí Bồ Tát đặt ở bên tay phải. Người Trung Quốc coi bên trái là lớn, bên trái là chỗ của khách, bên phải là chỗ của chủ nhà. Chủ nhân ở phía dưới, người khách ở phía trên, khách quí. Đây là gì? Pháp môn Tịnh Tông (Niệm Phật) đặt Hành vào vị trí số một, Giải đặt ở vị trí thứ hai, coi trọng niệm Phật. Một câu danh hiệu A Di Đà Phật này là tốt lắm rồi.

Hành Giải đều phải coi trọng, trong đó có nhẹ có nặng khác nhau. Tịnh Tông đặc biệt coi trọng Hành môn. Hành môn chính là nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật. Quan trọng, quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Tịnh Tông không hiểu cũng không sao, chỉ cần quí vị thật tin, thật làm, hoàn toàn không biết cũng không sao, đến Thế giới Cực Lạc liền biết hết. Nó và các tông khác không giống nhau.

Các tông giáo khác không hiểu thì hành sẽ khó. Nhất định phải nương theo bốn điều tuần tự mà đại sư Thanh Lương đã nói: Tín, Giải, Hành, Chứng. Đây là pháp môn phổ thông, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là như vậy, Tín, Giải, Hành, Chứng.

Pháp môn Tịnh Tông không phải, họ đặt Hành lên đầu tiên. Quí vị nhập môn thì bảo quí vị niệm A Di Đà Phật. Nhất tâm xưng niệm, có thể hiểu càng tốt. Người nào cần phải hiểu? Người đối với Tịnh Tông có hoài nghi thì nên hiểu. Bởi vì hiểu giúp quí vị đoạn nghi sanh tín. Họ dụng ý ở chỗ này. Thật tin rồi, hiểu hay không không vấn đề gì. Tôi thật tin, thực sự tin tưởng rồi, có Thế giới Cực Lạc, có Phật A Di Đà. Tôi niệm Phật chắc chắn Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi vãng sanh, vậy là được rồi, họ chắc chắn được sanh. Đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc ngày ngày nghe Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp, tự nhiên liền khai ngộ. Cho nên Giải Hạnh của Tịnh Tông là để nơi Thế giới Cực Lạc.

Ở trên thế giới này, Tịnh Tông người nào cần hiểu? Người hoằng pháp nên hiểu. Bởi vì quí vị hoằng pháp có rất nhiều người hoài nghi, quí vị không nói cho rõ ràng minh bạch về nó, họ không tin tưởng. Cho nên việc hiểu này không phải là vấn đề của bản thân mà là giúp đỡ người khác. Đạo lý này chúng ta nên hiểu. Nhưng hiểu được càng sâu, tín tâm của quí vị càng kiên định, nguyện tâm của quí vị càng khẩn thiết, nó nhất định giúp quí vị ở Thế giới Cực Lạc nâng cao phẩm vị. Điều này là chắn chắn. Nếu như thực sự hiểu rõ được, thấu suốt được một phần A Lại Da Thức (Tàng Thức) đó, quí vị đối với thế gian này dụng tâm sẽ khác nhau. Vì sao vậy? Hoàn toàn buông xả rồi. Tâm hành của quí vị và Tự Tánh hoàn toàn tương ưng. Đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm (Nhất Chơn Pháp Giới của các Đại Bồ Tát), không phải là cõi Phương Tiện Hữu Dư (Tứ Thánh Pháp Giới), không phải là cõi Phàm Thánh Đồng Cư (Thánh, Trời, Người…). Đó là được Lý nhất tâm bất loạn, cùng một cảnh giới với minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ của Thiền Tông. Cho nên có nhân duyên hiểu mới là điều nên học tập, đối với chúng ta có lợi ích rất lớn.

2. Tôi chưa bị biến thành xấu, nguyên nhân ở đâu? Là ngày ngày học kinh, giảng kinh. Giảng cho người khác nghe, cũng là giảng cho chính mình nghe vậy. Dạy người khác không nên học cái xấu, tự mình học cái xấu được sao? Như vậy mới bảo đảm. Hai tuần không giảng kinh, thì không bảo đảm được chính mình, cảnh giới hiện tiền, thì tâm dao động. Bản thân tôi trải qua, là dựa vào ngày ngày giảng kinh, ngày ngày dạy học, ngày ngày đọc tụng. Cũng là nói, gắn chặt với Phật Bồ Tát, không rời các Ngài, được thành tựu là như vậy.

Cho nên đối với thế giới Tây phương Cực Lạc, tôi lãnh hội rất sâu sắc, hoàn cảnh ở đó quá tốt. Quý vị sanh đến thế giới Cực Lạc, thì quý vị theo Phật A Di Đà, bất luận quý vị ở Cực Lạc vô lượng thọ bao lâu, quý vị sẽ không rời xa Ngài một ngày, vậy làm sao quý vị học cái xấu được? Không có chuyện đó. Dù cảnh giới xấu như thế nào, quý vị cũng không động tâm. Thầy giáo quá tuyệt vời, hoàn cảnh quá tuyệt vời! Ta đem hai thế giới (thế giới này và Cực Lạc) ra so sánh, thì ta sẽ rõ ràng.

Sở dĩ, Lưu Tố Vân thành tựu rất đơn giản, là đạo lý này. Mỗi ngày nghe kinh 10 tiếng đồng hồ, một ngày cũng không gián đoạn, có bận rộn đi nữa, có việc gấp đi nữa, cũng không ít hơn 4 tiếng đồng hồ. Bình thường là mỗi ngày nghe 10 tiếng đồng hồ. Ngoài nghe kinh ra, còn niệm A Di Đà Phật. Tâm của bà là định, bà không phải tán loạn.

Trong kinh, Đức Phật cũng dạy: “Trụ tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Bà đem tâm đặt ở một chỗ, đặt ở A Di Đà Phật. Cho nên bệnh hồng ban, chỉ hơn một tháng tự nhiên hết. Đi kiểm tra lại, ngay cả gốc cũng không còn, “Trụ tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Cuộc sống của bà vô cùng đơn giản, chúng ta ăn cơm còn phải thật nhiều món, bà ăn cơm chỉ có một món. Cuộc sống vô cùng đơn giản, rất mộc mạc. Nhất tâm nhất ý đều ở nơi đạo, thuần tịnh không nhiễm. 10 năm công phu tu thành, chuyển phàm thành Thánh.

Trích từ:  100 Câu Hỏi Phật Pháp. Huyền Ngu Quảng Tánh



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật