Người ngộ lý khi tập khí chưa hết gặp cảnh còn thất niệm, nên cần phải hậu dưỡng. Như người chăn trâu, dắt trâu đi chỗ nào cũng nghiềm roi, đợi cho tâm nó thuần thục, bước đi ổn thoả, không phạm đến lúa mạ mới có thể buông tay, chẳng cần chăn nữa. Nếu muốn thí nghiệm chơn tâm coi được thuần thục hay chưa, nên đem việc mà bình thường mình đã yêu hay đã ghét, tìm cho ở trước mắt, thấy nghe để thử nó. Nếu y như trước mà khởi tâm yêu hay ghét thì biết rằng Đạo chưa thuần thục. Nếu gặp cảnh thuận hay nghịch mà chẳng khởi tâm yêu ghét thì biết đã gần Đạo, và chơn tâm hiện vậy.
Nếu muốn thí nghiệm trở lại tâm yêu (ái), nên tưởng tượng cảnh yêu thích nào đó. Tâm yêu thích nầy hoàn toàn lặng lẽ chẳng khởi. Muốn thí nghiệm lại tâm ghét, nên tưởng cảnh giận ghét nào đó, tâm giận ghét hoàn toàn chẳng khới. Đến đây mới có thể tự tại tuỳ duyên, đối vật không ngại.
Hỏi: Chơn tâm chưa hiện tiền, khi dụng công dứt vọng, đồng thời cũng làm các điều lành, hầu giúp cho đạo dễ thành công. Như vậy lý kia có nên không?
Dứt vọng tâm là chánh tu, làm các điều lành là trợ tu. Nếu hữu tâm làm thiệnlại dính mắc vào thiện thì nấht định rơi vào phước báo cõi người, cõi trời. Nếu vô tâm tương ưng với các điều thiện, thì có thể bảo đó là một sợ trợ giúp cho việc tu hành. Kinh Bát Nhã nói: “Tu Bồ đề, Bồ tát nếu không trụ tướng bố thí, thì phước đức kia không thể nghĩ lường”. Nay thấy có người học, chấp nghiêng về một bên chẳng thấy toàn diện. Có chút ngộ lý liền tựa vào thiên chơn, chẳng làm các điều lành, nên phước kém mà ma lại mạnh.