Một là chẳng sát sanh. Hai là chẳng trộm cắp. Ba là chẳng tà dâm. Bốn là chẳng nói dối. Năm là chẳng uống rượu.
 
a. Chẳng sát sanh: 
 
Loài vật cũng như ta đều tham sống sợ chết; ta đã ham sống thì lẽ nào loài vật lại muốn chết hay sao? Cứ theo đó mà suy thì có nên giết hại sanh mạng hay chăng? Hết thảy chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, tùy theo nghiệp lành, dữ sẽ bị thăng lên hay giáng xuống. Trong nhiều kiếp, ta cùng với chúng thay phiên làm cha mẹ, con cái; đáng lẽ phải nghĩ cách cứu vớt, lẽ nào nỡ giết hại? Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật trong đời vị lai. Nếu ta đọa lạc thì còn mong chi cứu giúp nữa!

Hơn nữa, đã tạo nghiệp sát ắt sẽ đọa ác đạo, đền trả nợ cũ, giết hại lẫn nhau chẳng biết bao giờ mới thôi! Lấy đó mà suy thì há còn dám giết hại nữa ư? Nguyên do của sát sanh là vì ăn thịt. Nếu đã biết nhân duyên như trên vừa nói sẽ tự chẳng dám ăn thịt nữa. Kẻ ngu còn cho thịt là ngon, chẳng hề biết thịt vốn là do tinh, huyết tạo thành, trong chứa đầy phẩn, tiểu, ngoài lẫn chất dơ, tanh tưởi, hôi bẩn, ngon ở chỗ nào? Thường nên quán bất tịnh thì ăn vào ắt sẽ ọe ra.

Thêm nữa, chúng sanh gồm có con người, cầm thú, giòi tửa, cá, tôm, muỗi mòng, rận, rệp. Hễ có sanh mạng thì đều là chúng sanh; chẳng thể bảo hễ con vật lớn thì chẳng nên giết, con vật nhỏ thì giết được. Kinh Phật đã dạy tường tận về lợi ích công đức của việc tránh sát sanh và phóng sanh. Người đời không đọc được những kinh ấy thì nên xem tác phẩm Vạn Thiện Tiên Tư của An Sĩ tiên sinh (*), ắt sẽ biết được đại khái vậy.
 
b. Chẳng trộm cắp:
 
Ý nghĩa của giới cấm này dễ hiểu. Chẳng trộm cắp là nếu chẳng cho thì chẳng lấy. Người biết liêm sĩ chẳng nên phạm giới này.

Bàn tỉ mỉ thì nếu người chẳng phải là bậc đại thánh, đại hiền sẽ khó lòng khỏi phạm. Dùng của công vào việc tư, tổn người lợi mình, cậy thế đoạt của, dùng kế đoạt vật, ganh tị sự phú quý của người khác, mong cho người nghèo hèn, phô trương làm lành để lấy tiếng, gặp các việc lành tâm chẳng hiểu chơn chánh.

Hoặc như khi lập nghĩa học (trường học làm nghĩa, không thâu học phí) lại chẳng chọn thầy nghiêm khiến cho con em người khác lầm lạc.

Hoặc khi thí thuốc men, chẳng xét thật, giả khiến người ta bị tổn mạng. Dẫu thấy nạn gấp nhưng chẳng cứu ngay; dùng dằng, hời hợt, thờ ơ hoặc là lầm lẫn, chỉ làm phận sự một cách tắc trách, lãng phí tiền tài người khác, trong lòng chẳng coi là khẩn yếu.

Những điều như thế đều gọi là trộm cắp vậy.
 
c. Chẳng tà dâm:
 
Người đời nam nữ ở tại gia sanh con đẻ cái thì trên là vì phong hóa, dưới là để [có người] thờ phụng tổ tiên. Vợ chồng hành dâm không phạm vào điều cấm; nhưng phải nên kính nhau như khách, chỉ cốt tiếp nối giòng giống, chẳng nên vì khoái lạc mà chạy theo lòng dục đến nỗi mất mạng. Tuy là vợ mình nhưng nếu tham lạc quá thì cũng là phạm giới; nhưng tội ấy vẫn còn nhẹ. Nếu chung chạ bậy bạ với người chẳng phải là vợ mình thì gọi là tà dâm; tội ấy rất nặng!

Hành tà dâm là đem cái thân người này làm chuyện súc sanh; khi báo hết mạng dứt, trước sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, sau sanh trong súc sanh đạo đến ngàn vạn ức kiếp chẳng thể xuất ly.
Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục sanh ra cho nên giới này khó giữ dễ phạm; ngay cả bậc đạt hiền có lúc còn vi phạm, huống là kẻ ngu. Nếu lập chí tu trì thì trước hết phải phân biệt lợi hại và phương pháp đối trị: coi như rắn độc, như gặp oán tặc, sợ hãi e dè thì dục tâm tự tắt. Phương pháp đối trị đã được dạy nhiều trong kinh Phật.

Nếu người đời chẳng có duyên xem đến thì nên xem cuốn Dục Hải Hồi Cuồng của An Sĩ tiên sinh, ắt sẽ biết được đại khái.
 
d. Chẳng nói dối:
 
Tức là lời nói đáng tin, chẳng thốt ra lời dối trá. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy bảo thấy, đem dối bảo thật, có nói là không v.v… những điều như vậy tâm và miệng chẳng tương ứng, muốn dối gạt người thì đều là nói dối cả.

Nếu lại có kẻ chưa đoạn được hoặc nghiệp mà bảo là đã đoạn hoặc; tự chưa đắc đạo bảo là đắc đạo thì gọi là đại vọng ngữ; tội ấy rất nặng. Phạm đại vọng ngữ thì sau khi mạng chung sẽ quyết định đọa thẳng vào A Tỵ địa ngục, trọn chẳng có kỳ ra.

Hiện nay, có nhan nhãn những người tu hành nhưng chẳng hề biết đến giáo lý Phật pháp nên phải thống thiết răn đe; quan trọng lắm lắm vậy.
Bốn điều trên đây chẳng luận là xuất gia hay tại gia, đã thọ giới hay chưa thọ giới, hễ phạm phải đều có tội lỗi vì thể tánh [của những sự ấy] là ác vậy. Người chẳng thọ giới tội lỗi một tầng; người đã thọ giới tội đến gấp đôi: ngoài tội làm điều ác còn thêm tội phạm giới. Nếu trì mà chẳng phạm thì công đức vô lượng vô biên. Vì vậy, cần phải gắng gỏi giữ giới vậy.
 
e. Chẳng uống rượu:
 
Là vì rượu hay làm mê loạn lòng người, hoại giống trí huệ. Uống vào khiến người điên đảo, hôn cuồng, làm điều xằng bậy nên Phật chế giới cấm hẳn. Phàm người tu hành đều chẳng được uống.
Thêm nữa, đối với các thứ hành, hẹ, tỏi, kiệu… năm thứ hăng nồng, mùi vị hôi hám, thể chẳng thanh khiết. Ngũ huân hễ ăn chín thì phát sanh lòng dâm, ăn sống thì thêm nóng giận; phàm là kẻ tu hành đều chẳng được ăn.

Tuy nhiên, đối với người chưa thọ giới này thì ăn dùng ngũ huân đều chẳng bị tội; còn nếu đã thọ giới rồi còn ăn thì mắc thêm một tầng lỗi, tức là tội phạm Phật giới. Phật đã cấm ngăn mà ta lại phạm nên có tội.
Thêm nữa, như kinh đã dạy: Mỗi tháng tám ngày: mười bốn, mười lăm, hăm ba, hăm chín, ba mươi (nếu tháng thiếu thì kể những ngày hăm tám, hăm chín); phàm trong sáu ngày này Tứ Thiên Vương tuần hành Nam châu, quán sát nhân gian thiện, ác.

Lại trong ba tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín, Ðế Thích dùng gương báu lớn chiếu thẳng xuống Nam châu, dò xét tội phước. [Trong những ngày ấy] đều phải nên trai giới niệm Phật, sám hối tu tỉnh. Ðó gọi là ba tháng trai và sáu ngày trai. Nếu trong mỗi tháng, lại tính thêm ngày mùng một, ngày mười tám, ngày hăm tám thì gọi là Thập Trai. Kẻ sơ phát tâm phải nên lưu ý điều này.
 
Trích từ: Tây Phương Công Cứ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
2 Trùng Đính Tây Phương Công Cứ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
4 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
5 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Ngũ Giới
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Khái Yếu Về Ngũ Giới
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm