Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Neu-Dung-Sac-Thay-Phat-Dung-Am-Thanh-Cau-Phat

Nếu Dùng Sắc Thấy Phật Dùng Âm Thanh Cầu Phật
Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh

Hỏi: Kinh Kim Cương Bát Nhã nói:

Nếu dùng sắc thấy Phật
Dùng âm thanh cầu Phật            
Người đó hành tà đạo
Không thể thấy Như Lai.

Lại nói: “Xa lìa tất cả các tướng gọi là chư Phật.” Tại sao hiện nay dùng pháp quán Phật hữu tướng, hành tà đạo mà cầu vãng sanh? (22)

Đáp: Các kinh Kim Cương Bát NhãQuán Vô Lượng Thọ đều là lời dạy của Phật. Quán vô tướng, quán hữu tướng đều không phải là chỗ phàm phu có thể luận bàn tà chánh, mà có ý nghĩa rất sâu xa. Không thể y vào Kinh Kim Cương Bát Nhã mà chỉ trích Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ông không những ôm trong lòng sự khen chê, tự thành tội nặng, mà kiến giải Phật pháp của ông cũng chưa được dung thông. Vì sao? Hai bộ kinh này vì hành giả căn cơ khác biệt, học tập không đồng, kiến giải sai khác mà giảng nói khác nhau.

(a) Do hành giả căn cơ khác biệt: Những người căn cơ nông cạn chưa thể quán lý, cho nên dạy họ quán sắc [tướng], quán báo thân, hóa thân Phật. Những người căn cơ thâm sâu có thể quán thực tướng, cho nên dạy họ quán vô tướng, quán pháp thân. Nếu người căn cơ thấp học pháp cao, thì pháp cao không lợi ích, như trong kinh nói có người uống Cam lộ mà vẫn chết yểu. Còn người căn cơ cao mà học pháp thấp, thì pháp tu đã không tiến bộ mà còn thụt lùi. Cho nên Đức Phật nói pháp khác nhau cho hai loại căn cơ khác nhau.

(b) Do sự học tập không đồng: Những người sơ học mới vào đạo, quán hạnh nông cạn, chưa thể học pháp cao, không thể dạy họ quán thực tướng. Trước tiên dạy họ quán sắc tướng, điều luyện tâm thức, sau khi thành tựu, thì mới dạy họ pháp quán vô tướng. Ví như vào biển lớn, từ chỗ nông đến chỗ sâu. Những người tu tập lâu năm mới có thể dạy họ pháp quán vô tướng. Đức Phật muốn những hành giả sơ học không bị vướng mắc vào sắc tướng, cho nên chê đó là “tà”, chứ không có ý nghĩa đó là tà kiến. Ví như có người keo kiết học pháp Bố thí ba la mật. Sau khi trừ diệt san tham, đang bị kẹt vào pháp bố thí, Đức Phật muốn họ tiến tu pháp Trì giới ba la mật, nếu như ngài không chê pháp bố thí, thì hành giả đó không thể nào thăng tiến tu học pháp trì giới. Cho nên Đức Phật mới chê bai pháp bố thí, khen ngợi pháp trì giới. Đây là Đức Đại Thánh tùy vào căn cơ mà thuyết pháp. Những người ngu muội, chấp vào mặt chữ, không hiểu ý nghĩa chân thật mà Phật muốn nói. Hiện nay, Đức Phật chê bai pháp quán hữu tướng là tà đạo, ý nghĩa cũng tương tự như vậy.

(c) Do kiến giải sai khác: Nếu hiểu rõ ý nghĩa “sắc tức là không”, thì sự quán sắc không phải là tà. Nếu cho rằng “sắc không phải không”, thì sự quán sắc là tà. Nếu hiểu “không tức là sắc”, thì sự quán không không phải là tà. Nếu cho rằng “không khác với sắc”, thì sự quán không là tà. Đây là do không hiểu rõ ý nghĩa “sắc không”, nên tự phân tốt xấu. Đâu có liên quan gì đến “sắc không” mà biện biệt chánh tà. Nếu ông hiểu rõ ý nghĩa này thì dù quán sắc cả ngày cũng là chánh, còn như mê muội bổn ý của Phật, thì dù quán không cũng là tà. Lành thay diệu chỉ của Phật, ông phải nên khéo léo suy ngẫm!
 

Trích từ: Tịnh Độ Thích Quần Nghi Luận
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
8 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
9 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
10 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về