Từng nghe: trong hằng hà sa số các đức Như Lai, thì Di Đà là bậc nhất. Mười phương vi trần cõi Phật, thế giới Cực Lạc chính là chốn trở về. Lý cùng tột vốn chỉ nơi tâm, nhưng môn ban đầu phải từ nơi nhân địa. Nên biết, cội cây to lớn phát sinh từ mầm chồi nhỏ bé, hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước ban sơ. Nếu muốn vượt qua sinh tử, nên lấy Tịnh Độ làm phương hướng trở về; muốn chứng Niết bàn, phải lấy niệm Phật làm trọng yếu để tâm trở nên chân chánh. Xét kỹ thì tin sâu Cực Lạc thật là cánh cửa nhiệm mầu của sự giải thoát, Phật Di Đà thật là bậc cha lành của chúng sinh. Trước nói rõ về chỗ cứu cánh nên nhìn về quả để tu nhân; đi dần trên con đường diệu huyền là từ nhân đến qua. Thế nên biết, việc hội tụ các bậc Hiền để kết Liên Xã là có ý chỉ. Chuyên niệm Phật để khuyên người cốt làm hưng thịnh giáo pháp. Nhân trùm biển quả, quả suốt nguồn nhân; hình thẳng tất bóng ngay, âm thanh hòa tự nhiên tiếng vang thuận. 

Bồ tát Thế Chí trình bày chỗ cốt yếu của sự chứng ngộ Viên thông. Đức Thế Tôn thì nói về nhân tu Tịnh nghiệp từ nơi nghe, tư duy, tu tập mà vào chánh định; nhờ nơi lòng tin, thực hành, phát nguyện mà vào cửa pháp giới. Do đó, một niệm hưng khởi muôn loài đều biết, lòng tin phát sinh thì chư Phật hiện tiền. Vừa xưng Hồng Danh, tức đã gieo giống nơi thai sen; mới phát tâm Bồ đề, liền nêu danh nơi Kim địa. Có duyên gặp gỡ, nên tự ngộ tự tu, còn như tin cạn chẳng thọ trì thì thật là sai lầm rất lớn! Thế nên nói, cùng tột của Nhất thừa là đạt đến Lạc bang; tu vạn hạnh vẹn toàn, chỉ có xưng niệm Phật hiệu là hơn hết. Nghiệp nặng nề trong tám mươi ức kiếp, rỗng thênh tan thành mây khói; phương trời xa xăm cả mười muôn ức cõi, trong khoảng chớp mắt đến ngay. Tưởng niệm chuyên chú, ngay nơi tâm quán tưởng thấy thân Phật, tâm cảnh dung thông, ngay nơi nhân thành tựu quả thù thắng. 
 
Cõi Tịnh Uế trong mười phương, mở ra và cuốn lại đồng ở nơi đầu sợi lông. Một tánh bao dung mênh mông trùm khắp cả pháp giới. Thế nên, chư Phật và chúng sinh thông suốt lẫn nhau; Tịnh Độ và Uế Độ thầm dung hội, kia đây đều tu, Sự Lý vô ngại. Giống như thần châu hàm chứa mọi báu vật, giống như mạng lưới của Đế Thích phản chiếu qua lại muôn ngàn tia sáng. Tâm ta đã vậy, tâm chúng sinh cùng chư Phật cũng thế. 
 
Nên biết, thần thức dạo nơi muôn ức cõi nước, nhưng thật ra sinh trong tâm của chính mình; tuy gởi chất nơi chín phẩm sen, mà đâu ra khỏi sát na khoảnh khắc. Do đó, bậc hiền Nhị thừa vừa xoay tâm trở lại, được đến Liên trì; phàm phu tạo tội Ngũ nghịch(5), chỉ trong mười niệm liền lên Bảo địa. 
 
Than ôi! Chúng sinh tâm thức mờ mịt, nghiệp chướng nặng nề, tin ít nghi nhiều, chê Tịnh nghiệp là Quyền thừa, cười trì tụng là thô hạnh. Như thế, há chẳng phải là tham đắm trong nhà lửa, tự cam chịu muôn kiếp đắm chìm trong mê muội, trái nghịch Từ thân. Thật đau đớn xót xa, cả đời trôi suông vô ích! 
 
Cần phải tin, nếu chẳng nhờ vào tha lực thì không sao dứt trừ nghiệp chướng mê lầm, không gặp tông này thì chẳng có đường vượt ra sinh tử. Thệ nguyện đồng như chư Phật, noi theo các bậc tiền nhân, khuyến tấn người sau, tôn sùng quý kính đạo này. Đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, mỗi việc như thế đều hướng về đức Phật A Di Đà. Hoặc sinh, nay sinh, hay đang sinh, trong từng niệm như thế đều quy hướng về nơi Tịnh Độ. Nếu muốn một đời xong việc thì hãy lưu tâm ở nơi đây. Trong tất cả thời, nghìn xe hợp lối; nơi bốn oai nghi, muôn việc lành đồng về, đều lên cánh cửa nhiệm mầu Cực Lạc, nhanh chóng thành tựu Niệm Phật Tam muội. 

Một bước ban đầu cần tỏ rõ 
Đến thẳng Tây Phương không đường khác.

Trích từ: Liên Tông Bảo Giám
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Liên Tông Bảo Giám, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về