Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nhin-Sau-Buong-Xa-Tu-Tai-Tuy-Duyen-Niem-Phat

Nhìn Sâu Buông Xả Tự Tại Tùy Duyên Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Vọng Tây

Có tâm tốt thì có thể làm được việc tốt. Thế nào gọi là việc tốt? Mặc áo, ăn cơm đều là việc tốt, chỉ cần làm trong chính niệm, hành động và tâm thức đều tương ưng với nhau thì là việc tốt; nếu không có chính niệm, hành động và tâm thức không tương ưng với nhau thì là việc xấu. Cho nên, năm điều tiếp theo đây: Nhìn thấu – buông xả – tự tại – tuỳ duyên – niệm Phật cũng chính là làm việc tốt, nói điều tốt, làm người tốt.  

- Nhìn sâu – buông xả  

Nhìn sâu chính là học hỏi, buông xả chính là công phu. Cái gọi là nhìn sâu đó là đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh mà nói. Vũ trụ là hoàn cảnh thế giới mà chúng ta đang sống, từ chiếc áo mặc trên thân thể cho đến vũ trụ vạn hữu vô cùng đều là hoàn cảnh sống của chúng ta, không gian sanh hoạt của chúng ta. Nhân sanh chính là con người. Nói một cách khác, chúng ta nhận thức bản thân mình và nhận thức hoàn cảnh mà bản thân mình đang sống, biết mối quan hệ giữa ta với người khác, với vạn vật, với môi trường tự nhiên, với trời đất và cả với quỹ thần nữa. Phải nhìn được một cách rõ ràng, minh bạch, như vậy mới có thể buông xả thực sự. Buông xả cái gì? Buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, phiền não, ưu tư, bận tâm. Buông xả tất cả mới có thể thực hiện thanh tịnh, bình đẳng, chính giác một cách chân chính được. Nếu như bạn vẫn còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm của bạn làm sao thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ được?  

Do đó, tâm tốt là chân tâm của chúng ta, nhà Phật gọi là chân như, bản tánh, cái đó ai ai cũng có. Nhưng tâm tốt vì sao không hiển hiện? Là vì do nghiệp chướng, cái nghiệp nó chướng ngại chân tâm. Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng? Phải nhìn sâu, buông xả ! Bốn chữ này là trí tuệ chân thật. Ðức Phật Thích ca mâu ni giảng kinh thuyết pháp trong 49 năm, thì đã dùng hết 22 năm để giảng Bát nhã. Nội dung của Bát nhã là gì? Chính là dạy cho chúng ta nhìn sâu và buông xả. Do đó có thể biết được rằng Bát nhã là trọng tâm của Phật pháp, Bát nhã là trí tuệ. Có trí tuệ chân thật và toàn diện rồi thì mọi vấn đề đều có thể nhìn thấy rõ ràng, chính xác và sau đó xử lý một cách dễ dàng. Cho nên, giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục cao cấp và toàn diện, Phật học là một nền học vấn trí tuệ toàn diện, thế thì vì sao chúng ta không học? Không những chúng ta phải học, mà thực tế, những tôn giáo khác cũng cần phải học, đây không phải là câu nói đùa. Vào năm 1967, lúc tôi đang giảng dạy tại đại học Phụ nhân, ngồi trước mặt tôi là hai hàng ghế toàn những nữ tu ki tô giáo, tôi khuyên họ học Phật. Tôi nói, các bạn có tín ngưỡng Thiên chúa giáo, Thượng đế là cha của các bạn, các bạn với Thượng đế có quan hệ cha con; các bạn đến đây học Phật, quan hệ của các bạn với đức Phật Thích ca mâu ni là thầy trò, không có gì mâu thuẫn. Những nữ tu nghe tôi nói vậy đều mỉm cười.  

Mấy năm gần đây (1996), tôi ở Châu Úc  tham gia diễn đàn với các dân tộc thiểu số,  có 14 đoàn thể tôn giáo tham gia, người chủ trì là cục trưởng, tin Do thái giáo, là người nhập tịch Châu Âu. Ông ta mời chúng tôi phát biểu, tôi thấy cùng ngồi ở đây có rất nhiều vị lãnh tụ các tôn giáo khác nhau, cho nên rất khó từ chối. Tôi đem Phật pháp ra giảng cho họ một cách rõ ràng rằng, Phật giáo là giáo dục, không phải là tôn giáo, Phật giáo siêu việt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo. Phật giáo tu tập trí tuệ, bất kỳ tôn giáo nào, tín đồ cũng đều cần có trí tuệ. Cần trí tuệ đến đâu để học? Ðến cửa Phật, ở đó có đầy đủ trí tuệ cao siêu, cứu cánh, có thể giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề.  

Tôi đã từng dạy học ở tu viện Thiên chúa giáo, họ có cả một cơ sở nghiên cứu tinh thần sanh hoạt người Ðông Á, học sanh là những nữ tu sĩ, họ là những nghiên cứu sanh, họ mời tôi giảng tinh thần sanh hoạt của Phật giáo. Tôi nói: Thật đáng tiếc! Nếu như mời tôi giảng kinh thánh thì còn có vị đạo, giúp các bạn giải quyết vấn đề. Trí tuệ thì dù ứng dụng ở bất cứ hình thức sanh hoạt nào, là công tác, học thuật, khoa học... nếu muốn đạt đến đỉnh cao thì cũng cần phải có nhận thức rõ ràng. Nói đến trí tuệ, đức Phật nói rằng trí tuệ đó là tự tánh của tất cả chúng sanh xưa nay vốn có đầy đủ, không cần phải tìm cầu bên ngoài, chỉ cần tiêu trừ nghiệp chướng đi. Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng là nhìn sâu, buông xả, nhận thức được chân tướng sự vật, nhìn thấy được bản chất chân thực của sự vật hiện tượng thì nghiệp chướng tự nhiên tiêu trừ.  

Nghiệp chướng là gì? Là vọng tưởng, là phân biệt, là cố chấp, là phiền não, lo lắng, sầu muộn... Hiểu rõ đây là những nghiệp chướng, các bạn nên nhớ, các bạn đi sám hối, tụng kinh... nghiệp chướng có tiêu trừ không? Lễ Phật sám hối, tụng kinh có phải là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không? Phiền não, lo âu, bận tâm có còn không? Nếu như những lời nói này là đúng thì rất có hiệu quả, bạn sám hối đúng nhất định nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Giả như mỗi ngày bạn chỉ làm cho có hình thức, thì những tập khí, phiền não của bạn ngày mỗi lớn mạnh, cho nên phải giác ngộ mà phản tĩnh, nếu không nghiệp chướng của bạn không những không tiêu trừ mà ngày mỗi tăng trưởng. Ðiều đó không thể không biết.  

- Tự tại – tuỳ duyên 

Tóm lại, then chốt của vấn đề tu hành chính là nhìn sâu, buông xả. Nhìn sâu là thành tựu của học vấn; buông xả là thành tựu của công phu, như vậy đời sống của bạn sẽ được tự do lớn: Ðại tự tại. Chúng ta ai cũng đã đọc qua Tâm kinh Bát nhã. Mở đầu Tâm kinh là câu Quán tự tại Bồ tát. Bồ tát Quán tự tại chính là Bồ tát Quán thế âm. Bồ tát Quán thế âm vì sao gọi Ngài là Tự tại? Trước hết có chữ quán. Quán chính là nhìn sâu. Quán là quán chiếu, là quan sát thật kĩ, cho nên Ngài có thể nhìn sâu. Một người có khả năng nhìn sâu nhất định sẽ buông xả, được tự do lớn, cuộc sống tuỳ duyên. Cuộc sống tùy duyên rất tốt. Tuỳ duyên nói theo ngôn ngữ hiện đại có nghĩa là phù hợp với tự nhiên. Nói một cách khác, cuộc sống của tôi là phù hợp với môi trường sanh thái tự nhiên, đó là cuộc sống kiện khương nhất. Người hiện đại không biết, không hiểu người Trung quốc thời xưa. Chúng ta đọc Lễ kí, trong sách Nguyệt lãnh có nói về vấn đề ăn uống, đi đứng và cư trú, trong một tháng nên ăn những loại rau nào, ăn những chất gì, và mỗi tháng không giống nhau. Ðiều này có ý nghĩa gì? Ðó là thuận theo tự nhiên vậy. Ở mùa nào thì phải ăn những vật thực sanh trưởng trong mùa ấy, điều đó giúp sức khoẻ lành mạnh. Cho nên vào mùa hạ, trời nóng, phải ăn những chất có tính nhiệt, rất tốt cho sức khoẻ, vì nó tương ứng với tự nhiên; vào mùa đông phải ăn những chất có tính mát. Các bạn thấy những rau cải trắng, cải cũ đều sanh trưởng vào mùa đông, đó là những loại rau có tính mát. Những loại rau sanh trưởng vào mùa hạ thì có tính nhiệt. Người ngày nay có biết được điều này không? Mùa hạ lại ăn những chất có tính lạnh, mùa đông lại ăn những chất có tính nóng, ăn vào cơ thể liền phát bệnh. Vì sao vậy? Bởi vì không thuận với tự nhiên, trái nghịch với tự nhiên. 

Người nước ngoài không biết được đã đành, mà người Trung quốc cũng không nhớ sách xưa. Lịch sử của Trung quốc có rất nhiều sách nói về phương pháp dưỡng thân. Cho nên chúng tôi đọc đến sách của người xưa rất khâm phục. Sanh hoạt, ăn uống, đi đứng, chỗ ở mà thuận với lẽ tự nhiên thì sức khoẻ rất lành mạnh. Phương pháp sống khoẻ mạnh và trường thọ là từ đó chứ không phải từ nhu yếu thực phẩm bổ dưỡng. Thực vật sanh trưởng theo từng mùa, chúng ta ăn đúng theo thời tiết, đó là thực phẩm bổ dưỡng nhất. Công việc của chúng ta cũng phải theo hoàn cảnh, thuận theo tự nhiên. Tâm tư của chúng ta cũng có thể thuận theo lẽ tự nhiên bốn mùa, xuân hạ thu đông, gọi là tuỳ duyên. Trong phẩm Hạnh nguyện của Bồ tát Phổ hiền có dạy: Hằng thuận chúng sanh, tuỳ hỷ công đức. Phải tuỳ duyên mới có thể đạt được niềm vui trong pháp, mới có thể thành tựu được công đức chân thật.  

- Niệm Phật  

Sau cùng, chúng ta thâu tóm bằng pháp môn niệm Phật. Mười điều tôi giảng ở đây quý vị nhất định phải biết, mỗi một điều đều thâu nhiếp, bao hàm chín điều kia. Mười điều nhất quán thành một thể, không phải mười điều riêng biệt, tách rời nhau, trong một điều có đủ mười điều. Bạn phải hiểu như vậy, sau đây tôi giảng về niệm Phật mới hiểu được. Thế nào gọi là niệm Phật? Ý nghĩa của chữ niệm theo cách chiếc tự là: ở trên có chữ kim, ở dưới có chữ tâm. Như vậy có nghĩa là gì? Là cái tâm hiện tại vậy. Trong nhà Phật nói một niệm hiện tiền, cái tâm một niệm hiện tiền đó là niệm. Trong cái tâm một niệm hiện tiền này có đầy đủ: chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chính giác – từ bi; có cả nhìn sâu – buông xả – tự tại – tuỳ duyên, đó gọi là niệm Phật. Như vậy, mười điều trên chính là Phật. Vì sao gọi là chân thành? Bởi vì trong chân thành có thanh tịnh, bình đẳng, chính giác, từ bi, cho đến nhìn sâu, buông xả, tự tại, tuỳ duyên, niệm Phật. Cho nên, trong một điều có đủ chín điều còn lại, kinh Hoa nghiêm nói: một tức nhiều, nhiều tức một, một và nhiều không phải hai; kinh Duy ma nói: bất nhị pháp môn.  

Nếu như khế nhập được cảnh giới này, bạn là người vui vẻ, hạnh phúc nhất thế gian. Nếu như bạn sanh ra trong nhà giàu có, bạn là người hạnh phúc nhất trong hàng những gia đình giàu có; nếu bạn sanh ra trong gia đình bần tiện thì bạn cũng là người hạnh phúc nhất trong hàng bần tiện; niềm vui và hạnh phúc không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nó rất bình đẳng. Hiện tượng phú quý, bận tiện từ đâu mà có? Từ nhân quả đã gieo trước đó. Chúng ta nhìn thấy những người có tiền, phát tài, đó là do đời trước họ đã tu hạnh bố thí tài vật, cho nên hôm nay họ được quả báo giàu sang là lẽ đương nhiên. Hôm nay tôi không được giàu có như người ta là do kiếp trước tôi không tu, không gieo nhân, cho nên đương nhiên là không có quả báo. Nhưng có lẽ tôi chỉ không tu hạnh bố thí tài vật thôi, chứ tôi có tu hạnh bố thí Phật pháp, cho nên có trí tuệ thông minh; hoặc giả tôi có tu hạnh ban bố sự không sợ hãi cho mọi loài cho nên hôm nay tôi rất khoẻ mạnh và trường thọ. Ðương nhiên, đức Phật khích lệ chúng ta gieo trồng ba nhân tố tốt là bố thí tài vật, bố thí pháp và bố thí sự không sợ hãi, thì quả báo của chúng ta sẽ trọn vẹn. Nếu như không nghe thiện tri thức giảng dạy thì làm sao chúng ta hiểu được điều này? Vì vậy, người đời không tu tập trọn vẹn, cho nên dù có đạo lý đó, nhưng không hiểu được chân tướng sự việc. Chỉ có những người hiểu biết chân chính và khế nhập được Phật pháp mới tu tập thiện nghiệp gặt hái được quả báo tốt đẹp.  
 
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhìn Thấu Buông Xuống
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhìn Thấu Buông Xả Là Then Chốt Của Sự Thành Đạo
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Nhìn Thấu Là Hiểu Rõ Chân Tướng Sự Thật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không