1.Phóng sinh và phát triển từ bi tâm.
Khi một người, cầu tới sự cứu giúp, họ cần đến sự phát khởi tình thương (ái tâm) hay từ bi tâm của người khác, vì thường nhân phải khởi ái tâm mới cứu giúp, người tu Phật thì khởi từ bi tâm. Để khởi ái tâm, người ta phải quan sát, đối tượng và hoàn cảnh trước đã, đối tượng phải là những người có quan hệ hữu hảo với đương sự, hoàn cảnh thì phải thật thê lương, trong những điều kiện đó ái tâm mới phát sinh tình thương để cứu giúp, vì vậy sự cứu tế này rất hạn hẹp và có điều kiện.

Từ bi là tâm cứu tế chúng sinh vô điều kiện, động lực cứu tế là do vì nhân sinh thị khổ, khổ lại do tập hợp rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung không ngoài hai nguyên nhân chính là vô minh, và sinh tử luân hồi.

Danh từ chúng sinh có nghĩa sinh tử bất tận không dứt, bậc chứng pháp liễu sinh thoát tử không còn gọi là chúng sinh nữa. Cảnh giới của sinh tử luân hồi nói hẹp là lục đạo, nói rộng là tam giới, tất cả chúng sinh nơi ba đời mười phương thuộc tam giới lục đạo đều ở trong cảnh giới sinh tử luân hồi bất tận, bồ tát thấy những chúng sinh bị sự chết chi phối này quả thực là khổ. Trong cảnh khổ miên viễn sinh sinh tử tử lưu chuyển mãi trong lục đạo, lúc ở cảnh giới người, lúc ở cảnh giới súc sinh, hay địa ngục, ngạ quỷ, chịu vô lượng khổ trong bao đời, mà chẳng biết đó là khổ thậm chí còn cho là lạc, như đứa trẻ chỉ tham chút mật trên luỡi dao, mà quên mất họa đứt lưỡi, vì vậy không hề có niệm muốn giải thoát, đó gọi là vô minh, điên đảo mộng tưởng. Vì vậy những ai còn vô minh và sinh tử luân hồi đều thuộc nhân sinh thị khổ, và đều là đối tượng cứu độ của từ bi tâm.

Tình thương từ thiện của chúng sinh hạn chế trong phương diện tình cảm, đối tượng được giúp cần có điều kiện hay hoàn cảnh làm xao xuyến được tình cảm của họ, thì mới phát tâm giúp, từ thiện cũng vậy, người ta có thể ra sức cứu tế đồng bào của mình bị thiên tai, nhưng thờ ơ với những nạn nhân ở các xứ khác, có những tổ chức từ thiện quốc tế, cứu trợ khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn hạn chế ở loài người, tình người vẫn thuộc tình cảm, và đối tượng cứu tế vẫn là hai chữ nạn nhân, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, hai chữ này nói lên hoàn cảnh bi đát của những người đang gánh chịu, nên tình thương và từ thiện luôn đi kèm với điều kiện tình cảm và hoàn cảnh bi thương.

Bồ tát đạo lấy từ bi làm thể, cứu khổ là động lực thúc đẩy phát sinh từ bi tâm, cứu khổ cần đủ hai phương diện, là tâm sẵn sàng cứu, và khả năng cứu, nếu thiếu một trong hai thứ này tất không thể cứu khổ được, tâm cứu là từ bi, khả năng cứu là trí huệ. Từ bi là tình cảm được hướng dẫn bởi trí huệ. Trí huệ là lý trí dựa trên căn bản từ bi, khác với tình cảm thế gian được hướng dẫn bởi mọi tư duy đầy tính ngã chấp, sự tư duy này dựa trên nền tảng tham ái.

Từ bi thiếu trí huệ thì chỉ là một thứ tình cảm, trí huệ mà không từ bi thì chỉ là trí khôn truy cầu ái dục. Trong bi có huệ, trong huệ có bi, bi huệ bất nhị. Từ trí huệ thấy nhân sinh thị khổ, rồi từ trí huệ vận dụng tính từ bi phát tâm cứu khổ, từ bi lại vận dụng trí huệ lập phương pháp cứu bạt nhất thiết chúng sinh thoát khỏi các khổ của vô minh, sinh tử và luân hồi. Do trí huệ thấy căn bản của khổ là vô minh, từ vô minh mà thành sinh tử luân hồi, tạo nên tam giới lục đạo, cảnh giới khổ này bao la, chúng sinh thì vô lượng nên từ bi cũng bao la vô lượng, biến khắp tam giới lục đạo và nhất thiết chúng sinh, không có cảnh khổ hay kẻ khổ nào ngoài phạm vi cứu bạt của từ bi được. Trí huệ thấy không sót một khổ, từ bi cứu không chừa một khổ, vì vậy sự cứu giúp của từ bi không cần bất cứ điều kiện ngoại tại nào, như cần phải cầu cứu, hay hoàn cảnh bi thảm, hoặc là người thân, bất luận cầu hay không cầu, bi thảm hay không, thân hay lạ đều được từ bi rủ lòng lân mẫn, vận dụng trí huệ thiết lập phương tiện cứu thoát khổ cảnh. Tình thương và tâm từ thiện ở thế gian thuộc hữu hạn, còn từ bi tâm thì vô hạn.

Năng lực vô hạn của từ bi tâm đến với tất cả mọi loài trong mọi hoàn cảnh. Hễ khổ tất cứu, cho dù chúng sinh mê muội sống trong cảnh sinh tử luân hồi khổ mà vẫn ngỡ là lạc, dù là rất sợ sinh tử, vẫn không muốn thoát ly, điên đảo như vậy, từ bi tâm vẫn thi thiết thiện xảo phương tiện cứu độ, giống như ngưòi điên nào biết mình điên nên không màng chữa trị nhưng lương y vẫn tìm cách trị liệu cho họ. Như loải súc sinh nào biết cầu được cứu khổ, mà không cầu thì không được cứu, may nhờ tâm từ bi vô hạn mà loài không biết cầu này vẫn được cứu.

Đệ tử Phật bất luận tại gia hay xuất gia, tu học Phật đều nhắm đến mục tiêu học cho thành trí huệ và hành cho được từ bi, nếu thiếu trí huệ và từ bi tất không thành Phật pháp, vì nếu thiếu huệ thì thượng cầu không thành, thiếu bi thì hạ hóa không xong. Chỉ dựa vào tình thương thế gian, ắt chỉ có thiểu số được giúp, vì tình thương này hữu hạn, nếu có từ bi tất nhất thiết chúng sinh bình đẳng được cứu, bất luận thuộc về đường nào trong lục đạo, từ địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, cho đến nhân thiên hễ còn sinh tử luân hồi là còn khổ, nên cần được cứu thoát khổ này. Đó là nguyên nhân thúc đẩy phóng sinh.

Dựa vào duyên cầu cứu, hay khổ cảnh mới phát tâm từ bi, được gọi là ái kiến từ bi, từ bi của phàm phu. Duyên vào pháp mới phát tâm từ bi, là từ bi của nhị thừa. Thường hằng từ bi, không cần nương duyên mới khởi là vô duyên từ bi hay tam muội từ bi, là từ bi của bồ tát. Nhờ từ bi này mà chúng sinh từ thú đến người đều được cứu dù u mê không biết cầu cứu. Từ bi này luôn nghĩ đến khổ của chúng sinh, quán chiếu thấy trong mỗi sát na có biết bao sinh mạng đang lâm nguy cần được cứu thoát, nên ra tay tế độ, như kinh Hoa nghiêm nói, bất vị tự thân cầu khoái lạc, đản vị cứu hộ chư chúng sinh (không cầu sự vui thích của bản thân, mà chỉ cần cứu hộ được muôn loài). Đó là nguyên nhân hành phóng sinh.

Thọ bồ tát giới, tu bồ tát đạo đều lấy từ bi làm thể, phát triển và gìn giữ tâm từ bi là trì giới bồ tát, thực hành từ bi nơi ba nghiệp, là hành bồ tát đạo. Nơi ý quán sát các khổ cần được cứu từ thú đến người, nơi thân hành bi hạnh tích cực cứu tế, nơi khẩu tuyên thuyết lợi ích của từ bi, khiến mọi người nỗ lực giữ bồ tát giới và hành bồ tát đạo để cứu giúp chúng sinh thoát cơn hiểm nghèo, để giảm bớt nỗi khổ khó vơi, và để thành tựu sự nghiệp hạ hóa chúng sinh, đó là động lực tu hạnh phóng sinh.

2. Phóng sinh để tạo nhân duyên đắc độ cho súc sinh.

Hoằng pháp là bổn phận của Phật giáo đồ, hoằng pháp tức đem pháp giải thoát phổ biến đến khắp chúng sinh trong tam giới lục đạo, pháp giải thoát không chỉ dành cho loài người, hay chỉ có lợi cho người, mà nhất thiết hữu tình trong tam giới lục đạo đều được ân triêm công đức. Pháp giải thoát không gì khác hơn là trí huệ và từ bi, do trí huệ bồ tát trải lòng từ bi đến khắp chúng sinh, do từ bi bồ tát khai thị nhất thiết chúng sinh trí huệ giải thoát, gọi là Phật tri kiến, nhờ nhận chân được trí huệ, chúng sinh diệt tận được khổ, nhờ nhận chân được từ bi, chúng sinh tiếp nối sự nghiệp cứu khổ, cứ vậy muôn đời không dứt, đó là hoằng pháp.

Điều kiện thiết yếu để có thể khai thị chúng sinh, là cần phải có nhân duyên, chư Phật cũng không độ được người vô duyên, vì vậy chư Phật thường hiện thân vô số ở mọi nơi để gieo duyên đắc độ và độ hóa nhất thiết chúng sinh. Trước khi niết bàn, Như lai nói, những người hữu duyên Như lai đều đã độ, người vô duyên thì Như lai đã gieo nhân duyên đắc độ, nhờ nhân duyên đắc độ này mà tương lai được độ. Như thầy giáo không thể dậy được những kẻ không đến trường, nên trước tiên phải làm sao đưa những kẻ này đến trường trước đã.

Như lai gieo duyên bình đẳng, song tùy theo căn tính của mỗi chúng sinh có khác nhau mà nhân duyên này có sâu và cạn, có người tin Phật để được Phật giúp cho toại nguyện những mong ước thế gian của bản thân, có người tin Phật để được giải thoát cho mình và người, có vô lượng đức tin, mỗi loại lại có vô lượng trình độ khác nhau. Nếu là hàng chính tín và thâm tín, chư Phật trực tiếp chỉ thẳng thật tướng của các pháp, tức chân lý, nếu vừa tà tín hay mê tín, lại tin nông cạn tất phải thiết lập nhiều phương tiện mới đưa họ đến gần chân lý được.

Không nên ngộ nhận chúng sinh được cứu độ giới hạn trong loài người, chúng sinh bao gồm hết mọi loài trong tam giới lục đạo, nên các vị bồ tát như Địa tạng và Quan âm hiện thân trong lục đạo cứu độ nhất thiết chúng sinh, bao gồm cả quỷ thần, địa ngục, súc sinh hay ngạ quỷ. Tâm từ bi trải đến muôn loài, chúng sinh vô hạn, từ bi cũng vô hạn, vì vậy bồ tát thiết lập mọi phương tiện để cứu những chúng sinh nghiệp dầy cang cường khó độ này.

Do chúng sinh nơi tam ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) không đủ trí huệ để nghe pháp, bởi ác báo chiêu cảm, nên thân hình đã hạ liệt lại sống trong cảnh giới hiểm nguy, do vậy phương tiện độ duy nhất là cứu chúng khỏi quả khổ hiện tiền trước đã, rồi mới tiếp tục cứu chúng khỏi quả khổ tương lai, khi đã vượt được những quả khổ này tức đã đủ phúc huệ, để được thân người, được biết Phật, được nghe pháp, và được tu hành, lúc đó diệt khổ đắc lạc không còn là nan sự nữa.

Hình thức tụng kinh niệm Phật, cúng thí thực, dộng hồng chung đều nhằm mục đích dùng oai lực của Phật pháp làm giảm thiểu cho đến tiêu diệt mọi nỗi khổ hiện tại của chúng sinh nơi địa ngục và ngạ quỷ. Đối với súc đạo thì có nghi quy phóng sinh để cứu mạng chúng sinh và giải thoát chúng khỏi cảnh chim lồng cá chậu. Bài pháp ngữ khi phóng sinh nói, chúng súc sinh này do đời trước ám tế ngu si, không tu chính niệm, nên đời nay làm kiếp ngu si phải mang vẩy mặc lông, lại bị sa lưới khiến tính mạng nằm trên đao thớt, hồn phách bay theo lửa bỏng nước sôi, may nhờ còn chút căn lành, thiện duyên với pháp Phật nên gặp thí chủ từ bi, hành hạnh bất sát, cứu giúp cho khỏi nạn bị cắt chặt hình hài, lột da sẻ thịt, vứt lên lửa bỏng hay ném vào nước sôi, đau đớn tột cùng, oán đến tận cốt, nạn khổ đó nếu hiện tại không được cứu giúp bằng Phật pháp, niệm kinh khai ngộ, quy y tam bảo, để gieo nhân duyên với Phật pháp sâu dầy hơn trong tương lai, thì nhiều đời bị chặt xương lóc thịt, chặt đầu chặt chân, moi móc tim gan, khổ không kể xiết, hận chẳng thể nguôi, mà biết nương vào ai để được cứu, ngoài tâm từ bi của Phật pháp. Người con Phật vận dụng trí huệ quán sát chúng sinh thật sự khổ, nên khởi từ bi cứu khổ chúng sinh, thế nhân vì ham ăn loạn sát, hành hình loài vật, khiến chúng thống khổ đau đớn và oán hận không dứt. Nghiệp sát này chiêu cảm quả báo bị giết chém cắt chặt đầu mình tay chân, nhai nuốt thành huyết cho những người mang sát nghiệp trong tương lai, không biết đến khi nào mới tận cùng, thực đáng kinh sợ, song vì không hiểu luật nhân quả nên vô tư sát sinh đổi chút ngon miệng lấy nghiệp bị chặt đầu tay chân, moi gan móc tim, rồi hoặc nướng hoặc luộc, cho thiên hạ giải trí trong tương lai. Bởi vậy trong kinh Pháp cú, đức Phật dậy, mọi người sợ dao gậy, và sợ hãi tử thần, hãy so sánh tự thân, không giết không bảo giết. Đến lúc thọ báo mới mới kêu cứu mà không ra lời, chỉ thấy quanh ta toàn những người thèm máu thịt ta, bấy giờ nếu không gặp người tu từ bi, thì trong thập tử làm sao tìm được nhất sinh. Vì vậy mới thấy tâm từ bi hy hữu, cần thiết cho chúng sinh trong khổ nạn.

Phát từ bi tâm là tự cứu mình và cứu chúng sinh, ra khỏi cảnh tam đồ (đao đồ, hỏa đồ và huyết đồ) của địa ngục, nhờ vậy tam đồ có khả năng bị tận diệt, chúng sinh nhờ đó được an lành. Thế nhân ăn thịt uống máu súc sinh, bằng tam đồ tức ba đường dữ, là dao, lửa và máu, trước hết dùng dao cắt chặt, sau đó dùng lửa nấu nướng, cuối cùng nhai cắn thành máu. Nếu không sát sinh ăn thịt chúng sinh, thì ba đường dữ này sẽ tận diệt, địa ngục sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Thế nhân đi đâu cũng mang theo một khối sát nghiệp và tích lũy nghiệp này theo ngày tháng, khối sát nghiệp này được chôn vùi trong bụng con người với bao xác chết, cái bụng đó tựa như một bãi tha ma, chất chứa biết bao xác chúng sinh, và nỗi oán hờn của những thây ma đó, và từ đó những hậu quả của nỗi hờn này sẽ lần lượt phát sinh, và kẻ sát sinh sẽ lãnh chịu nhiều nỗi mất mạng vì gươm dao trong nhiều đời, làm sao bình an và hạnh phúc được khi tương lai phải đối đầu với những nghiệp quả như vậy, khi quả trổ có cầu cứu thần linh hay đức Phật đi nữa cũng quá muộn màng rồi, chính vì muốn cứu chúng sinh truớc khi quả khổ xẩy ra, đức Phật mới dậy phát tâm từ bi, cứu tế chúng sinh, chặn đứng nghiệp sát của bản thân, tích tập nhân cứu tế để đền bù tội sát trong quá khứ, nhờ vậy được quả an lành nơi tương lai, lại giúp chúng sinh gieo duyên với Phật pháp, để chúng sinh nương pháp này sinh khởi từ bi và trí huệ, diệt tận mọi khổ được đại an lạc. Đó là lý do thường xuyên thực hành phóng sinh.

Khi phóng sinh, vì súc sinh ám tế ngu si, kêu cứu còn không được, hà huống tự quy y, nên thí chủ phải quy y cho chúng, mang nghiệp súc sinh mà có thể được quy y tam bảo là điều hy hữu nan đắc, những chúng sinh này nhờ nhân duyên ít ỏi với người con Phật mà còn được cứu thoát, nay lại được quy y, tăng trưởng nhân duyên với Phật pháp nên cơ hội thoát khổ càng tăng, do nhân duyên quy y hy hữu này mà chúng có thể được thân người nơi đời sau, lại do nhân duyên với Phật pháp nên thành người tin Phật, nhờ vậy biết tu học huệ và hành bi, thành tựu huệ mạng không còn ám tế ngu si, do đó vĩnh viễn lìa tam ác đạo. Như vậy phóng sinh là cứu mạng hiện đời và thành tựu huệ mạng cho những đời sau, đó là phương tiện thiện xảo để độ những chúng sinh trong tam ác đạo. Nên nói phóng sinh là gieo nhân duyên đắc độ cho những chúng sinh ám tế vô minh. Đó là động lực tu phóng sinh.
Càng hành phóng sinh càng tiêu trừ tội khổ tam đồ, và càng gieo duyên Phật pháp cho biết bao chúng sinh chịu nghiệp vô minh này, khiến chúng quy y tam bảo, đó là sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của người con Phật. Hoằng pháp không chỉ làm cho nhân loại quy y tam bảo mà cho nhất thiết chúng sinh trong tam giới lục đạo, quỷ thần, địa ngục súc sinh đều quy y tam bảo. Đó một trong những nguyên nhân hành phóng sinh hạnh.

3. Phóng sinh để tu phúc huệ.

Trong cảnh giới đầy khổ não, con người tùy theo phúc nghiệp mà tránh được nhiều hay ít khổ, phúc chỉ có thể giúp né tránh được khổ nhất thời, huệ mới đưa đến sự diệt khổ hoàn toàn. Vì vậy chư Phật chỉ dậy chúng sinh tu phúc để tạm thời giảm thiểu nỗi khổ đau, và tu trí huệ để vĩnh viễn giải thoát sinh tử khổ. Phúc tạo nên mọi thứ may mắn, tức được nhân sinh như ý, như ý thuộc về pháp hữu vi, như tiền tài danh lợi quyền lực sắc đẹp, những thứ này dựa vào phúc mà được. Huệ tạo nên giải thoát mọi khổ, giải thoát thuộc về vô vi, đời và đạo viên mãn là phúc huệ song toàn.

Thế nhân cho quyền lợi, tiền tài là cứu cánh hạnh phúc của đời sống, nên chỉ lo tìm cách tranh giành, mà không dè càng mưu toan tính toán càng tổn phúc, phúc giảm sẽ đưa đến tai họa, tiêu tan hết sự nghiệp hay khổ não và chết vì sự nghiệp đó. Cho dù có đạt được phúc hữu lậu đó, một mai tử thần đến cũng phải theo tử thần ra đi với hai bàn tay trắng, mọi tiền tài bảo vật, bao quyền lực tình cảm, tích chứa bằng tranh giành cả một đời đều không mang theo được thứ gì, ngoài nghiệp thiện ác trong đời đã gieo, nghiệp này dẫn dắt họ đến vận mạng mới trong tương lai, như cổ đức nói, nhất nhật vô thường đáo, phương tri mộng lý nhân, vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân (một khi vô thường đến, mới hay mình trong mộng, chẳng mang được một vật, chỉ có nghiệp theo thân). Truy cầu ngũ dục, tạo tác bao ác nghiệp, để rồi ra đi với nghiệp ác này, bỏ lại mọi thứ mà cả đời truy cầu, để đến một tương lai nghèo khổ đầy tai ương, chẳng bằng dùng ngũ dục tu phúc, cuối cùng ra đi với phúc nghiệp, đến một tương lai an lành, đầy đủ hạnh phúc. Chạy theo ngũ dục là tham ái, sử dụng ngũ dục như công cụ tu phúc thành được công đức.

Nhờ thiện nghiệp phóng sinh đời sau được phúc báo trường thọ, nhiều người xả thân theo giúp, không bị người giết, tránh được mọi tai họa. Lại do gây nhân cho súc sinh có duyên với Phật pháp nên tăng trưởng được duyên lành với bồ tát đạo và chư bồ tát nên bi trí được tăng tiến. Đó là lý do thường hành phóng sinh.
                                         
Có vô lượng lý do hành phóng sinh, nay chỉ đơn cử vài điểm chính yếu, qua đó cũng thấy trong hạnh tu phóng sinh có đủ giới định huệ. Phật pháp lấy độ sinh làm con đường đến bồ đề quả. Huệ quán chiếu thấy mọi nhân quả thiện ác ba đời. Giới ngăn nhân ác, chặn đứng quả khổ. Định nên không cần dựa vào duyên để khởi giới và huệ, mà thường hằng quán chiếu và đoạn ác hành thiện. Phóng sinh là pháp tự lợi lợi tha, tự lợi là tăng trưởng thiện căn, lợi tha là cứu và giúp chúng sinh có nhân duyên đắc độ nơi đương lai. Phóng sinh là tam tụ tịnh giới, cứu chúng sinh khỏi sự chết là bạt khổ (đoạn ác), ban sự sống và kết duyên Phật pháp cho chúng sinh là ban vui (hành thiện), làm chúng sinh lợi lạc là nhiêu ích hữu tình.

Cầu chư Phật gia hộ tất cả chúng sinh, dứt trừ hết mọi ác nhân ác quả, thành tựu nhất thiết thiện nhân và thiện quả.

Trích từ: Hiếu Giang Ni Tự
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Phóng Sanh Là Gì...?
Pháp Sư Viên Nhân

Công Đức Phóng Sanh
Pháp Sư Viên Nhân

Phóng Sinh Và Từ Thiện
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Xây Tượng Hay Cứu Tế
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ