Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tu-dao-noi-kho-thi-rat-kho-bao-de-thi-cung-rat-de

Tu đạo nói khó thì rất khó bảo dễ thì cũng rất dễ
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Hằng Đạt

Pháp tu đạo, nói khó thì rất khó, bảo dễ thì cũng rất dễ. Khó cùng dễ là hai pháp đối đãi. Người xưa chân thật dụng tâm, nên không cảm thấy khó chút nào, vì việc này vốn đã hiện thành. Tại sao khó? Lòng tin không đủ nên khó. Nếu chân chánh vì cầu thoát khỏi sanh tử, xem thường thân mạng, biết nó là huyễn hóa, cùng thấu suốt tất cả sự tình, không bị cảnh chuyển, thì tu đạo rất dễ. Không thích tu học siêng năng, lại muốn làm thánh hiền, cùng sợ cảnh địa ngục. Song, muốn là một chuyện, còn làm là một chuyện. Có nhiều người khi tu hành thì cảm thấy rất khó khăn. Vì sao? Do không xả chấp nổi. Ví như người thế tục, đối với những lời hay ho tốt đẹp, như chúc tụng phát tài, được vinh hoa phú quý, thì ai ai cũng đều thích nghe. Đối với những lời không tốt như nhà tan người chết, thì mọi người đều không muốn nghe. Chứng minh rằng mọi người đều thích những việc tốt lành, nhưng còn những việc không may, xấu xa, hư hoại thì bỏ chạy hết sao! Tất cả đều do không thể phóng xả được.

Xưa nay, trong các thành phố thường có các thành hoàng thổ địa. Bên dưới mái hiên của những thành hoàng thổ địa, thường treo những tấm bảng viết về thiện ác của người đời. Có một tấm bảng viết: "Quý vị lại đến".

Trên hai cây cột trụ có hai câu đối:

"Người ác, người sợ, trời không sợ

Người hiền, người dối, trời không dối".

Lại có câu:

"Thiên đường có lối, người không đi

Địa ngục không cửa, người cứ đến".

Phàm phu thường mưu mô xảo quyệt. Làm việc gì đều tính toán xem coi có lợi hay không. Đối với kẻ ác, mọi người đều không dám gần gũi vì sợ bị thọ tai họa. Nếu nhường nhịn họ, thì vẫn bị tổn hại. Song, đối với nhân quả báo ứng, trời không sợ kẻ ác.

Chúng ta ngồi thiền niệm Phật, vì muốn giải thoát sanh tử. Do vô minh, cống cao ngã mạn, nên không thể nhẫn nhục, đoạn trừ tập khí. Tuy có tu nhân lành, nhưng chẳng tránh được quả khổ. Sanh tử chưa cắt, thì theo nghiệp mà thọ quả báo, nên bảo:

- Quý vị lại đến.

Thọ khổ dưới địa ngục xong, Diêm Vương răn nhắc rằng chớ trở lại. Nếu trở lại tức sẽ không gặp điều lành. Vì xả chấp không nổi, nên cứ y theo thói quen tật xấu, gây phạm tội lỗi, rồi phải đọa vào địa ngục lần nữa.

Người thế tục si mê, tạo bao nghiệp ác mà không thường hành việc lành, nên phải chiêu vời quả khổ. Người xuất gia có muốn thoát khỏi vòng khổ lụy không? Nếu không muốn, thì cần gì nhập vào cửa Không? Nhập vào cửa Không tức là chẳng có một vật gì để chứng đắc, đều ngưng, sao còn có thiên đường địa ngục? Song, nếu chưa nhận rõ bốn đại là không, năm ấm chẳng có, thì vẫn chưa tính là nhập vào cửa Không. Muốn nhập vào cửa Không, phải nghiên cứu đọc tụng tường tận về kinh Lăng Nghiêm. Lời lẽ trước sau trong toàn bộ kinh, không bàn ngoài năm ấm. Trong đó, từ năm ấm lại thuyết đến sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới.

Bên trong thì là thân tâm, còn bên ngoài thì thuộc về khí chất của thế giới; chúng không ngoài năm ấm, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Kinh thuyết phàm thuyết thánh, thuyết ngộ đạo, thuyết nhập đường ma, đều muốn xiển minh năm ấm không thật có. Kinh dạy chúng ta hãy xem thấu rõ năm ấm đều là không. Cuối cùng, kinh nói đến Niết Bàn, cùng ba cõi bất biến. Kinh cũng nói rõ tường tận về tà ma năm ấm. Sắc dâm trong sắc ấm là căn bản sanh tử. Giết hại, tà dâm, nói láo vốn là cội gốc của địa ngục. Nhìn thấu năm ấm vốn không, thì thoát ly sanh tử, không còn bị luân hồi. Phải chiếu soi như thế nào? Chiếu soi tức giác chiếu. Thời thời khắc khắc, y theo lời kinh, dùng trí huệ quán chiếu năm ấm. Chiếu soi rõ ràng thì thấy năm ấm đều không. Lúc đầu quán chiếu, đều là vọng tưởng, nhưng không quan hệ chi. Người xưa bảo:

- Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.

Nếu vọng niệm khởi, phải nên giác chiếu, chớ để vọng niệm chuyển. Nếu không thể giác chiếu, thì lúc ngồi thiền lại sợ đau chân; lúc lễ Phật, sợ nhức lưng. Lười biếng nhút nhát, không thông lộ trình lên thiên đàng, nên tự nhiên chạy xuống địa ngục.

Đại sĩ Hàn Sơn viết kệ:

"Nhân gian hỏi đạo Hàn Sơn

Đường Hàn Sơn lộ không thông

Ngày hè băng tuyết chưa tan

Mặt trời hiện, sương lóng lánh

Tựa như tôi, sao chờ thời

So cùng bạn, tâm chẳng đồng

Tâm bạn nếu tựa như tôi

Lại được vào nơi đó".

Hàn tức là hàn băng giá lạnh. Trong mùa hè, băng tuyết vẫn chưa tan. Mặt trời hiện, sương lóng lánh; một phiến băng trong tâm của tôi không đồng với bạn. Nếu bạn muốn làm tựa giống như tôi, thì có thể vào tận núi Hàn Sơn, chứ chẳng phải đường Hàn Sơn chưa thông.

Người tu đạo phải thấy năm uẩn đều không. Trước hết, phải khô tâm lạnh ý. Nếu lửa cháy rực trời mà chưa tan băng tuyết giá lạnh tâm tràng, thì mới cùng đạo tương ưng.

Xưa kia, Lư Khâu Dận xuất quân tại Mục Đan Khâu. Ngày lâm trận, chợt bị nhức đầu dữ dội, mà các thầy thuốc không có cách nào chữa trị. May mắn thay, ông gặp một thiền sư, hiệu là Phong Can, tự bảo rằng từ chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai, đặc biệt tìm đến đó. Lư Khâu Dận bèn nhờ Thiền Sư chữa bịnh. Thiền Sư thong thả bảo:

- Thân trú nơi bốn đại. Bịnh từ huyễn sanh. Nếu muốn trừ khử, hãy uống nước tịnh.

Khi đem nước tịnh lên, thiền sư ngậm rồi phun nước, sắn tay áo lên, bảo:

- Chim biển Thai Châu rất độc. Từ nay, phải nên bảo trọng.

Sau đó, Lư Khâu Dận hỏi:

- Nơi đây có bậc thánh hiền nào đáng để cung kính thờ làm thầy chăng?

Thiền Sư đáp:

- Thấy mà không nhận ra. Nhận ra mà không thấy. Nếu muốn thấy, chớ nên chấp tướng. Hàn Sơn vốn là ngài Văn Thù, ẩn tích nơi chùa Quốc Thanh. Thập Đắc tức là ngài Phổ Hiền, dạng trạng như kẻ bần cùng điên cuồng, hoặc đến hoặc đi, đang làm lụng trong bếp tại chùa Quốc Thanh.

Nói xong, Thiền Sư liền cáo từ. Sau này Lư Khâu Dận làm quan, đến nhậm chức tại Thai Châu. Vì nhớ đến lời của thiền sư Phong Can năm xưa, nên vừa nhậm chức ba ngày, ông tìm đến các tự viện, cung kính vấn hỏi chư thiền đức. Quả nhiên hợp với những lời nói xưa kia của thiền sư Phong Can. Ông đến chùa Quốc Thanh, hỏi tăng chúng rằng thiền sư Phong Can cùng Hàn Sơn Thập Đắc, hiện đang trú nơi đâu. Khi ấy, có vài vị tăng cười ngây ngất, bảo:

- Thiền sư Phong Can đang trú đằng sau tàng kinh tạng. Nơi đó, không ai đến được vì có hổ dữ thường quanh quẩn. Hai ông Hàn Sơn và Thập Đắc, hiện đang nấu nướng trong bếp.

Nói xong, tăng chúng dẫn Lư Khâu Dận đến viện của thiền sư Phong Can. Mở cửa phòng ra, chỉ thấy dấu chân hổ. Khi họ vào nhà bếp, thấy hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc, chỉ tay về hướng họ mà cười to. Lư Khâu Dận liền lễ bái. Hàn Sơn và Thập Đắc cầm tay nhau, cười ha hả, và la to:

- Phong Can lắm lời. Di Đà không nhận ra, sao lễ lạy chúng tôi?

Tăng chúng tụ hợp, kinh ngạc vì thấy một vị thượng quan lại đi lễ lạy hai ông tăng điên khùng. Lúc đó, Hàn Sơn và Thập Đắc nắm tay nhau, bước ra khỏi chùa, rồi chạy vào núi tuyết. Lư Khâu Dận lại hỏi tăng chúng:

- Hai vị này thường trú ở chùa này phải không?

Hỏi xong, ông cho người đi tìm, thỉnh hai Ngài trở về chùa. Trở về dinh, ông mang hai bộ tịnh y ca sa, bày biện hương dược đặc biệt, cùng bao loại thức ăn, rồi mang vào núi cúng dường. Lúc đó, hai vị đại sĩ vẫn không chịu trở về chùa. Vừa thấy ông quan đến, hai ngài bèn hô to:

- Giặc! Giặc!

Hô xong, hai ngài lại nắm tay nhau, vừa chạy vào núi sâu, vừa bảo:

- Này quý vị! Mỗi người phải tự nỗ lực tu hành.

Nói xong, hai ngài chạy mất vào núi, không để dấu vết, khiến chẳng ai tìm được. Tăng chúng trong chùa, khi xem xét lại hành trạng hằng ngày của hai vị thì thấy thơ kệ, được viết đầy dẫy trên những vách đá nơi vườn trúc sau chùa, và trên các tường vách tại những nơi thờ thần hoàng thổ địa, cùng hơn ba trăm bài kệ trên những bức tường nhà cửa dân làng. Tăng chúng góp nhặt lại những bài thi kệ đó, rồi đóng thành một quyển, để lại cho đến nay. Theo lời của ngài Hàn Sơn thì: "Năm lời năm trăm thiên; bảy chữ, bảy mươi chín; ba chữ ba mươi mốt. Tất cả cộng thành sáu trăm bài kệ. Những lời viết trên đá thạch, tự khoe chữ viết rất hay. Nếu lãnh hội thơ của Ta, chân chánh là mẹ của Như Lai... Nhà có thơ Hàn Sơn, hơn cả kinh kệ. Thư để trên tấm bình phong, thời thời nên xem một biến".

Ngài Thập Đắc viết:

"Có kệ có muôn ngàn

Gấp gáp ứng đáp khó

Nếu muốn hiểu thấu rõ

Nên vào núi Thiên Thai

Trong hang sâu ngồi tọa

Thuyết lý và đàm huyền

Cùng Ta không thể gặp

Tựa đối diện ngàn núi".

Thơ kệ của hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc được lưu truyền cho đến ngày nay, mà người người đều tôn trọng. Nhà nho cũng có nhiều người thích đọc tụng. Hai ngài xuất khẩu thành thơ, lời lời đều đàm huyền thuyết lý. Song, hai ngài bảo rằng không nên chuyển văn làm thơ vận để đọc tụng. Nếu làm thì tuy đối diện với hai ngài, nhưng vẫn như cách xa ngàn núi.

Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân, Thượng Tọa Thích Hằng Đạt Tải Về
2 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
4 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về