Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tai-Sao-Chung-Ta-Tu-Theo-Phap-Mon-Tinh-Do

Tại Sao Chúng Ta Tu Theo Pháp Môn Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Diệu Âm

Mục đích thứ nhất của chúng ta khi tu học Phật Pháp đương nhiên là để liễu thoát sanh tử luân hồi, ra khỏi tam giới.  Ðây là một vấn đề trọng đại, là “một đại sự nhân duyên” mà Phật nói trong kinh Pháp Hoa; trong rất nhiều kinh luận Ðại thừa không kể là trên lý luận hoặc phương pháp đức Thế tôn không có chỗ nào không lấy đó làm mục tiêu tối hậu.

Nhưng Phật pháp truyền đến ngày nay, y cứ theo cách ghi chép của người Trung quốc đã trải qua ba ngàn năm, và theo cách tính của các nước khác thì cũng trên hai ngàn năm trăm năm.  Pháp truyền qua thời gian dài như thế sẽ không tránh khỏi sanh ra tệ đoan.  Hiện nay là thời mạt pháp, hai ngàn năm trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca diệt độ, căn tánh của chúng sanh trong thời đại này dĩ nhiên không giống với thời xưa vì vậy có rất nhiều kinh luận và pháp môn không phải là không tốt nhưng người hiện đại chúng ta tu học không được, thực hành không được.

Y cứ theo lý luận và nguyên tắc của kinh điển đại thừa, không kể là tu học pháp môn nào, Hiển Giáo, Mật Giáo, Thiền Tông, hay Giáo Hạ cũng vậy, tất cả đều phải đoạn dứt kiến tư phiền não mới có thể liễu thoát sanh tử.  Cái gì là kiến tư phiền não?  Nói một cách đơn giản ‘kiến’ là kiến giải sai lầm, cái nhìn không đúng đối với vũ trụ nhân sanh, đó gọi là ‘kiến phiền não’.  ‘Tư’ chỉ tư tưởng sai lầm và cách suy nghĩ không chính xác.  Phạm vi của ‘kiến tư’ quá rộng quá lớn.

Trong kinh luận đức Phật đem vô lượng kiến tư phiền não quy nạp vô mười loại, đây là vì để thuận tiện thuyết pháp.  Nói thiệt ra người hiện đại chúng ta không thể đoạn dứt được bất cứ thứ nào trong mười thứ kiến tư phiền não này; một thứ cũng đoạn không nổi, huống chi là mười thứ!  Nếu đoạn không nổi phiền não thì tu học cả đời cũng không thể thành tựu.  Ðây không phải là khuyết điểm của một vài người mà là căn bịnh chung của mọi người hiện nay.

Chúng ta thấy trong quyển ‘Niệm Phật Luận’ của Ðàm Hư đại sư, ngài nói cả đời ngài gặp được hoặc nghe đến những người tham thiền đến mức đắc được Thiền định đã là rất ít, còn người tham thiền đến khai ngộ thì không những một đời chưa gặp, mà nghe cũng không nghe đến.  Ở đây chỉ nêu lên một thí dụ để nói mà thôi.

Nếu tham thiền mà không thể đại triệt đại ngộ và minh tâm kiến tánh thì không kể là thành công; công phu đắc được thiền định có sâu có cạn, công phu cạn thì sanh đến cõi trời Sơ Thiền, Nhị Thiền; công phu sâu thì sanh đến cõi trời Tam Thiền, Tứ Thiền.  Cõi trời Tứ Thiền và Tứ Không cũng chưa thoát khỏi Thiên đạo, huống hồ những người đắc được thiền định thì hiếm như ‘lông phụng sừng lân’ vậy.  Ðiều này nói rõ chúng sanh trong thời mạt pháp phiền não tập khí quá nặng, lại còn thêm hoàn cảnh ngoại duyên không thiện.  Cái gì ‘không thiện’?  Danh, văn, lợi, dưỡng, tài, sắc, danh, thực, và thùy (danh, văn, lợi, dưỡng, tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, thức ăn ngon, và ngủ nghỉ) đều đang mê hoặc, dụ dỗ; bên trong có phiền não, bên ngoài có mê hoặc, bạn làm sao có thể thành tựu được?

Huống chi trong lúc tu học, những đại đức hồi xưa có nhắc đến chuyện ‘không lão thật’ (không thiệt tình không thật thà), phân lượng của câu này rất nặng, rất nặng, ý nghĩa rất sâu rộng.  Chúng ta nghe xong không màng tới chỉ cười trừ rồi thôi, không coi trọng mà không hiểu được câu này đã nói trúng phóc yếu điểm của chúng ta.
Tại sao không thiệt thà?  Không tránh khỏi hai nguyên nhân, nếu nói theo kinh Phật thì là thiện căn mỏng, không có phước báo.  Nếu dùng ngôn ngữ của người hiện đại mà nói là:

a.     Chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn nghĩa lý trong kinh điển.
b.    Chúng ta chưa nếm đủ chuyện khổ và vị đắng cay trong thế gian!

Cho nên tu học không thành thật và làm hỏng chuyện thoát ly sanh tử trọng đại của đời mình.

Như vậy làm thế nào để có thể đạt được sự lợi ích thù thắng của Phật pháp?  Tu học như thế nào thì đời này chúng ta mới có thành tựu?  Ðây đều là sự mong mỏi của mỗi vị đồng tu.  Nếu chúng ta có nguyện vọng như vậy, tâm nguyện này có thiệt là rất thiết tha không?  Nếu thiệt đúng là có sự nhận thức như vậy, thiệt là có tâm nguyện thiết tha như vậy, thì trong kinh Phật gọi là ‘người giác ngộ’.  Người này thiệt đã giác ngộ!

Nếu chúng ta còn say đắm mơ mộng trong sanh tử, qua được ngày nào hay ngày đó, lấy tâm trạng này đi học Phật, vẫn trong vô minh mê hoặc như cũ mà không tỉnh thức (giác ngộ), tu học công phu như vậy làm sao có thể đắc lực được?

Những năm gần đây quý vị nghe giảng kinh, hoặc đã nghe được từ băng video, hoặc có một số viết thành sách các vị đã đọc qua, chúng ta phải bắt đầu từ chỗ nào?  Nhất định phải từ ‘Tam phước, Lục hòa’.  Lục hòa  không phải chỉ dành riêng cho đạo tràng của các vị xuất gia; nếu Lục hòa chuyên dành cho đạo tràng của các vị xuất gia vậy thì các vị tại gia làm sao có thể thành tựu được?

Chúng ta phải hiểu Lục hòa không phân biệt xuất gia và tại gia, cho nên nói Phật pháp là pháp bình đẳng.  Ðặc biệt là pháp môn Tịnh Ðộ, đức Phật A Di Ðà đại từ đại bi có thể làm cho chúng sanh trong chín pháp giới đều bình đẳng thành Phật, trong thời mạt pháp muốn thành tựu được thì chỉ có pháp môn này thôi.

Trong số những người niệm Phật có người đứng vãng sanh, có người ngồi vãng sanh, biết trước ngày giờ ra đi, không có bịnh khổ, chúng ta đều có chứng kiến tận mắt hoặc đã nghe nói đến.  Pháp môn này được gọi là ‘Dị hành đạo’ (đạo dễ thực hành).  Cơ sở căn bản tu học của pháp môn này cũng chỉ là ‘Tam phước, Lục hòa’.  Tôi nghĩ chúng ta ai cũng biết đến Tam phước, Lục hòa, ai cũng có thể nói được, nhưng đã làm được chưa?  Chưa làm được thì không có ích lợi gì hết.

 Mấy tuần trước tôi ở Los Angeles thuyết giảng, có một vị đồng tu lại nói với tôi là ông có ‘trì’ kinh. 

Tôi hỏi: “Ông trì kinh gì?”

Ông nói:  “Con trì kinh ‘Vô Lượng Thọ’ đã được ba ngàn biến (lần).”

Tôi trả lời:  “Ông không có trì kinh.” 

Ổng hỏi:  “Như vậy nghĩa là sao?  Con mỗi ngày đều có đọc tụng mà.” 

Tôi nói:  “Ông chỉ đọc kinh, ông đọc qua ba ngàn lần, ông không có ‘trì’.” 

Ổng hỏi:  “Thế nào mới gọi là ‘trì’?” 

Tôi trả lời: “ ‘Trì’ nghĩa là làm được.  Những việc Phật dạy trong kinh, ông có làm được chưa?  Nếu ông chưa làm được thì gọi là ‘đọc kinh’, cho đến ‘niệm kinh’ cũng không có niệm.  ‘Niệm’ là gì?  Trong tâm ông thiệt có;  miệng có đọc mà trong tâm ông không có, phải không?” 

Ông nói:  “Dạ đúng”. 
Miệng đọc mà tâm không thiệt có thì gọi là đọc kinh, ‘niệm kinh’ còn không có niệm thì làm sao có thể nói ‘trì kinh’ được?

“Tôi cử ra một câu nói trong kinh: ‘Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá’ (Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, đừng chế giễu và bàn chuyện quấy của người khác) ông có làm không?” 

Ông cũng rất thiệt thà, lắc đầu và nói: “Con làm không được”.  Làm không được thì bạn không có ‘trì’ kinh.  Trong kinh luận Ðại thừa đức Phật nói với chúng ta: ‘Thọ trì đọc tụng, diễn thuyết cho người khác biết’.  Thọ trì được đặt ở hàng đầu.  Bạn đã hiểu những lý luận đức Phật dạy và đã biết phương pháp tu hành, bạn có thể đem lý luận phương pháp đi thực hành được hoàn toàn trong đời sống hàng ngày, đó mới gọi là ‘thọ trì’.  Cho nên thọ trì và đọc tụng là hai chuyện khác nhau, không thể xem là giống nhau được.

Tôi dạy những người mới học Phật, lúc ban đầu phải đem kinh niệm ba ngàn lần, mục đích để làm gì?   Ðó là dạy bạn đem những lời đã dạy trong kinh nhớ thuộc lòng, rồi trong đời sống hàng ngày lúc đối xử với người và tiếp xúc với sự việc phải hoàn toàn làm theo những lời dạy đó.  Như vậy mới gọi là ‘thọ trì’, mới có cảm ứng.  Giả sử bạn không làm theo rồi nói với tôi, tôi tin không?  Tôi tin.  Tại sao tôi tin?  Sự cảm ứng của bạn được không phải từ chư Phật Bồ Tát,  mà là cảm ứng của yêu ma quỷ quái, thiệt là có cảm ứng!  Yêu ma quỷ quái gia trì bạn, giúp cho bạn tăng trưởng thêm tham sân si, giúp cho bạn tạo thêm ác nghiệp, giúp cho bạn đi đọa địa ngục A Tỳ mau hơn.

Trong kinh Lăng Nghiêm đoạn sau chót đức Thế Tôn nói người học Phật có năm mươi thứ ấm ma; ma sẽ gia trì (phá khuấy), chúng ta không thể coi thường oai thần sức mạnh của ma.  Nếu tâm bạn chánh trực, hành vi ngay thẳng thì sẽ ‘cảm ứng đạo giao’ với Phật Bồ Tát.  Nếu tâm và hành vi tà vạy thì sẽ ‘cảm ứng đạo giao’ với yêu ma quỷ quái.

Xã hội ngày nay rất phức tạp, tình hình trong lục đạo so với chúng ta còn phức tạp hơn.  Một người trong thời đại này muốn liễu sanh tử ra khỏi tam giới đích thật là không dễ, nhưng cũng không thể xem là quá khó.  Xem là quá khó thì cũng sai lầm.  Ðích thật là có phương pháp, có con đường dẫn đến, nhứt định phải tuân theo lời dạy của đức Phật và y theo đó mà thực hành.
 
Trích từ: Tịnh Tông Nhập Môn
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
2 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
3 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
4 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
7 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
9 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
10 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
11 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
12 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
13 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về

Tìm hiểu ý nghĩa Niệm Phật
Thượng Tọa Thích Trí Đức

Khai Thị Về Việc Tụng Kinh Và Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Kệ niệm Phật hạ thủ công phu
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh