Người phát tâm xuất gia nói chung cũng đã giác ngộ chút ít rồi.  Giác ngộ việc gì?  Giác ngộ việc sanh tử luân hồi rất đáng sợ, lập chí muốn liễu sanh tử, xuất tam giới ngay trong đời này, đây là như người xưa nói: ‘Thiệt vì sanh tử mà xuất gia’.  Một người có giác ngộ như thế sẽ có thái độ chẳng giống như người thường, khi đối xử với người, với sự, với vật, họ sẽ chẳng tranh danh đoạt lợi, sẽ chẳng ganh ghét chống đối.  Tại sao vậy?  Họ biết đó là nghiệp nhân luân hồi.  Hết lòng muốn liễu sanh tử, xuất tam giới chẳng phải là làm không được, nếu ‘chắc thật niệm Phật’ thì sẽ làm được, chúng ta phản tỉnh tự hỏi mình có ‘chắc thật’ hay không?

Chân chánh xuất gia phải nói đến nguyện vọng hoằng pháp lợi sanh, việc này sẽ bị chướng ngại hay chăng?  Chướng ngại rất nhiều.  Huynh đệ đại chúng ở chung trong một đạo tràng, nếu bạn là người muốn xuất sắc hơn kẻ khác, người ta sẽ đố kỵ, gây chướng ngại để dìm bạn xuống.  Mức độ nghiêm trọng của sự đố kỵ, chướng ngại này đã bắt đầu từ thời đức Phật Thích Ca, nhóm sáu tỳ kheo kết bè kết đảng [12] (Lục Quần Tỳ Kheo) là thí dụ cho sự đố kỵ chướng ngại này.  Trong ‘Lục Tổ Ðàn Kinh’ [có nói] Lục Tổ Huệ Năng đại sư phải trà trộn trong nhóm thợ săn hết mười lăm năm, tại sao vậy?  Vì để tránh sự đố kỵ chướng ngại của những kẻ khác.  Họ chẳng thể thành tựu nên cũng không muốn ngài được thành tựu.

Tại sao người xuất gia còn những tâm niệm như vậy?  Ðây là con cháu của Ma Ba Tuần.  Lúc Phật còn tại thế không phải trong kinh đã ghi lại rõ ràng hay sao: ‘Trong thời Mạt Pháp, Ma Vương Ba Tuần kêu ma con, ma cháu đều xuất gia, đắp ca sa lên mình để phá hoại Phật pháp’, chắc họ là những người này.  Nếu chúng ta có tâm niệm rằng: ‘Người khác giỏi hơn mình, họ làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, mình ganh ghét họ, mình phải kiếm cách phá đám, cản trở họ’.  Vậy thì mình đã là con cháu của Ma Vương, chuyên làm việc phá hoại Phật pháp.  Nếu có người chân chánh phát tâm làm việc hoằng pháp lợi sanh, chúng ta sanh tâm hoan hỷ, dốc toàn tâm toàn lực để giúp đỡ họ, lo lắng cho họ, như vậy mới thực sự là Phật tử.  Thế nên ngày nay chúng ta đã xuất gia, rốt cuộc chúng ta là con cháu của Ma hay là con cháu của Phật?  Tự mình phản tỉnh, kiểm điểm thì sẽ biết liền.  Con cháu của Ma Vương xuất gia quả báo tương lai nhất định sẽ ở trong ba đường ác, vì họ gây chướng ngại cho đạo pháp chứ chẳng hoằng pháp gì hết.

Thế nên chân chánh phát tâm hoằng pháp lợi sanh thì nhất định phải có thiện xảo phương tiện, đó tức là lúc tự mình dụng công, tư thế phải đặt ở những chỗ thấp nhất, tốt nhất là dụng công đừng để cho người khác biết.  Ở những chỗ người ta không thấy thì mình dụng công; những chỗ người ta có thể thấy thì mình hòa đồng với đại chúng, hòa mình với mọi người, hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức.  Ở những chỗ người ta không thấy thì tự mình nỗ lực gắng sức.  Buông bỏ hết thảy danh văn lợi dưỡng, tham - sân - si - mạn, đố kỵ chướng ngại.  Buông bỏ những thứ này tức là buông bỏ lục đạo luân hồi, một lòng một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, khuyên người niệm Phật, đây là con đường vãng sanh thành Phật.

Hôm nay nhìn người này chẳng ưa, ngày mai thấy người nọ chướng mắt, chúng ta phải biết như vậy là tạo nghiệp luân hồi.  Hết thảy những gì trên thế gian đều tùy hỷ, tự mình làm tròn bổn phận của mình, như vậy mới đúng, ngay cả Khổng lão phu tử cũng dạy tông chỉ này – ‘phải làm tròn bổn phận của mình’.  Bổn phận tu học của chúng ta là y theo kinh Vô Lượng Thọ, tu tập Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Chánh Giác, Từ Bi; trong đời sống hằng ngày phải thực hiện được Nhìn Thấu, Buông Xuống, Tự Tại, Tùy Duyên.  Thiện Ðạo đại sư dạy: ‘Hết thảy phải làm từ tâm chân thật’, như vậy mới đúng.

Chương Gia đại sư dạy tôi, ở đây tôi cũng tặng lại cho quý vị: ‘Người học Phật cả đời này bất cứ việc gì đều giao cho Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp an bài’.  Bản thân mình không cần lo lắng gì cả, được như vậy thì tâm mới thanh tịnh, bình đẳng.  Gặp cảnh thuận là do Phật, Bồ Tát an bài; gặp cảnh nghịch thì cũng do Phật, Bồ Tát an bài.  Do vậy trong cảnh thuận chẳng sanh tâm ưa thích, trong cảnh nghịch cũng chẳng sanh phiền não.  Hết thảy đều do Phật, Bồ Tát xếp đặt một cách ổn thỏa nhất, dùng công việc để luyện tâm, thành tựu đạo nghiệp, vậy thì đâu có chuyện oán trời trách người.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Quy Sơn Cảnh Sách
Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu