Xin chào quý Thầy, quý Cô cùng các vị Phật tử.
Hôm nay tôi muốn cùng quý vị chia sẻ câu chuyện trong kinh Phật, câu chuyện này được trích từ Kinh Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Ái Thân, thuộc Đại Chánh tạng quyển 4, trang 593b c.
Thuở quá khứ, có một quốc gia tên là Đa Ma La, cách thành phố hơn 3 km có một ngôi tịnh xá, bên trong có năm trăm vị thầy sống ở đó tụng kinh, tu tập. Có một vị thầy tuổi đã lớn tên là Ma Ha Lô, căn tánh đần độn, nên năm trăm vị kia phải thay phiên nhau dạy cho thầy, đã nhiều năm trôi qua nhưng thầy ấy đến một bài kệ cũng không nhớ nỗi, nên bị mọi người khinh chê, không muốn gần gũi thầy ấy nữa, nên thường kêu thầy ấy trông coi tịnh xá hoặc làm những công việc quét dọn.
Một hôm nọ, quốc vương muốn thỉnh các thầy trong tịnh xá vào thành thọ cúng dường, thầy Ma Ha Lô trong lòng suy nghĩ: Tôi sanh ra trong cuộc đời này làm một người ngu dốt, đến một bài kệ cũng không thuộc, thường bị người kinh thường, sống như vậy thì có ý nghĩa gì? Nghĩ vậy, liền lấy một sợi dây, đi gốc cây lớn phía sau ngôi tịnh xá, định treo cổ tự tử.
Đức Phật từ xa dùng đạo nhãn thấy tình trạng như thế, liền hóa thân làm thần cây, lớn tiếng ngăn chặn: Thầy Tỳ kheo! Tại sao thầy lại có hành động như thế? Ma Ha Lô hướng về thần cây thuật lại tường tận nổi khổ tâm của mình! Đức Phật hóa hiện thần cây quở trách thầy Ma Ha Lô: Cho dù thế nào đi nữa thầy cũng không được làm như thế. Thầy hãy dừng lại nghe tôi nói, trong quá khứ, khi đức Phật Ca Diếp còn tại thế, thầy là một vị thông thạo kinh luật luận, có năm trăm người đệ tử; Nhưng vì thầy tự cho mình trí tuệ cao siêu, thái độ kiêu mạn, xem thường đại chúng, không muốn truyền trao sự hiểu biết kinh điển cho họ; do lúc đó không chịu truyền đạt kiến thức cho đại chúng, cho nên đời đời kiếp kiếp phải lãnh lấy quả báo ngu si. Giờ đây thầy nên thức tỉnh hối cải những lỗi lầm mình đã gây ra, tại sao lại tự sát?
Sau đó, đức Thế Tôn hiện hào quang sáng ngời, và nói một đoạn kệ, đại ý như sau: Người biết quý trọng mạng sống, thì nên cẩn thận gìn giữ, hy vọng mượn thân người tu tập xa lìa các dục chứng được giải thoát, tu tập chánh pháp không biếng nhác. Thân người khó được nhất, mỗi phút giây nhắc nhở chính mình nỗ lực học tập, tự thân được lợi ích và cũng giúp ích cho người, tự mình không ngừng tinh tấn và dạy người không biết mệt mỏi, thì trí tuệ liền tăng trưởng. Học tập trước hết là chỉnh sửa bản thân, sau mới dạy cho người; nếu làm cho chính mình tăng trưởng trí tuệ, thì sẽ đạt đến cảnh giới cao hơn. Nếu không biết trân quý cái thân này, tự mình không được lợi ích, thì làm sao lợi người? Chỉ cần điều phục cái ý niệm của mình, thân làm những việc chân chính, thì có tâm nguyện gì mà không thực hiện được? Nghiệp vốn là do mình tự tạo mà có, thì sau này cũng chính mình lãnh chịu; tạo bất thiện nghiệp thì tự mình phải chuốc lấy quả báo, nghiệp lực có sức mạnh rất lớn, giống như mũi kim cương có thể xuyên thủng và làm nát viên ngọc vậy.
Ma Ha Lô vừa nhìn thấy đức Phật hiện thân hào quang sáng rực, vừa vui lại vừa buồn, cảm thấy vô cùng hoảng hốt, vội vàng đảnh lễ dưới chân của đức Phật, ngẫm nghĩ ý nghĩa của bài kệ mà đức Thế Tôn vừa nói, bèn nhập vào thiền định, trong chốc lát ở trước đức Phật chứng quả A la hán; Nhớ về những việc trong quá khứ của mình như đang diễn ra trước mắt, đã từng học thông thạo qua ba tạng kinh, luật và luận và lập tức thông suốt tất cả.
Đức Phật bảo Ma Ha Lô: Thầy nhanh vào đắp y, ôm bình bát đến hoàng cung nhận cúng dường, bây giờ vẫn còn đến kịp, đi thẳng vào ngồi trước năm trăm vị Tỳ kheo. Những thầy Tỳ kheo kia, trong quá khứ là đệ tử của thầy, thầy còn phải nói pháp cho họ nghe, hướng dẫn cho họ tu tập chứng thánh quả, và đồng thời cũng để cho đức vua hiểu rõ đạo lý nhân quả và tội phước. Ma Ha Lô làm theo lời dạy của đức Phật, đi về phía hoàng cung, tiến thẳng lên vị trí trên cao.
Mọi người nhìn thấy tình thế như vậy vô cùng tức giận, thầm trách những hành vi của Ma Ha Lô, nhưng vì giữ gìn tâm ý của đức vua, nên không dám tùy ý trách mắng hay đuổi người. Mọi người trong lòng đều nghĩ, Ma Ha Lô ngu si như thế, không biết cách giảng pháp bố thí cho thí chủ sau khi nhận cúng dường, mọi người đều thay thầy Ma Ha Lô lo lắng, nhưng lại không biết làm sao. Đức vua chuẩn bị thức ăn xong, tự tay bới cơm và thức ăn, múc canh dâng lên cúng dường thầy Ma Ha Lô. Sau đó thầy nói pháp cho quốc vương nghe, lời nói pháp của thầy hùng hồn như tiếng sấm, lời văn thanh nhã tuôn chảy như mưa không ngớt, thao thao bất tuyệt. Những thầy Tỳ kheo hiện diện nghe thấy, đều vô cùng kinh ngạc, thành tâm sám hối những lỗi lầm, tức khắc đều chứng quả A la hán; thầy thuyết pháp cho đức vua, giải thích tường tận rõ ràng, khiến cho đức vua tâm trí khai mở, những vị đại thần có mặt cũng đều chứng sơ quả.
Câu chuyện này có một vài điểm phản tỉnh chúng ta:
Trong kinh có dạy: Ham tiếc của cải, không muốn bố thí, sẽ chịu lấy quả báo bần cùng thiếu thốn; ích kỷ giáo pháp, không muốn chia sẻ truyền đạt giáo pháp, sẽ chịu quả báo ngu si. Như Bồ tát Long Thọ trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận có đề cập đến, có bốn thứ làm cho trí tuệ bị mất và cũng có bốn pháp giúp cho trí tuệ được tăng trưởng. Bốn thứ nào khiến cho trí tuệ bị mất?
Thứ nhất: Không cung kính giáo pháp và không kính trọng người giảng pháp.
Thứ hai: Mình hiểu được lời dạy của đức Phật, nhưng lại không muốn chỉ dạy lại cho người, không muốn giảng pháp.
Thứ ba: Có người muốn được nghe giáo pháp, nhưng lại cản trở họ, không để cho họ được đi nghe pháp.
Thứ tư: Kiêu mạn tự đại, khinh khi người khác.
Bốn loại người này sẽ bị mất trí tuệ.
Còn bốn phương pháp làm cho trí tuệ được tăng trưởng, là những phương pháp nào?
Thứ nhất: Không những cung kính giáo pháp mà còn tôn trọng người nói pháp.
Thứ hai: Tự mình nghe pháp hiểu được Phật pháp rồi hoan hỷ cùng người chia sẻ; hơn nữa, trong tâm rất thanh tịnh, không cầu tiếng tăm danh lợi.
Thứ ba: Vì biết rằng, muốn được tăng trưởng trí tuệ, cần phải nghe nhiều, nên vị ấy rất tinh tấn tìm hiểu học hỏi chánh pháp, khẩn cầu như cứu lửa cháy trên đầu (giống như lửa đang cháy trên đầu, sợ không còn kịp nên vội vàng nghe chánh pháp).
Thứ tư: Nghe xong giữ gìn không quên (không phải bên tai này nghe xong, rồi chạy ra tai bên kia, cần phải giữ gìn không quên), hơn nữa phải chú trọng thực hành, chứ không phải chỉ chú trọng ở lời nói. Được như thế mới có thể tăng trưởng trí tuệ.
Chúng ta tự thức tỉnh: Chúng ta có muốn làm người ngu si không? Nếu không muốn trở thành người thiếu trí tuệ, thì chúng ta cần phải tôn kính pháp và người thuyết pháp, cần phải tinh cần học hỏi chánh pháp, nương vào chánh pháp mà thực hành; không biết thì khẩn trương học tập, hiểu biết rồi nhanh chóng truyền đạt lại cho người.
Những lời trên đây để sách tấn quý vị!
Phước Nghiêm 16.11.2013