Trong kinh Hoa Nghiêm, Thế Tôn nói đến thế chủ hộ trì chánh pháp một cách tường tận.  Chánh pháp là gì?  Như Lai nói đến ‘Giáo - Lý - Hạnh - Quả’, [Giáo - Lý - Hạnh - Quả] được xưng là chánh pháp.  Sau khi Phật diệt độ, chúng đệ tử đem những lời Phật nói chép thành văn tự gọi là kinh điển.  Những lời nói và văn tự này tức là ‘Giáo Pháp’, giáo pháp nói rõ về chân lý của vũ trụ nhân sanh, lý này là y cứ cho những gì Như Lai thuyết giáo pháp, cũng như kinh Bát Nhã gọi là ‘Chư Pháp Thật Tướng’, cho nên giáo lý có lý luận chính xác, viên mãn, đây tức là ‘Lý pháp’.  Nếu đời sống của hết thảy chúng sanh tương ứng với lý luận và chân tướng sự thật thì được gọi là chánh hạnh, và cũng tức là sanh hoạt của Phật, Bồ Tát.  Ngược lại, nếu phản nghịch với chân tướng sự thật thì là tư tưởng, hành vi sai lầm.  Sửa đổi cho đúng những tư tưởng và hành vi sai lầm để tương ứng với chư pháp thật tướng thì xưng là tu hành, đây là ‘Hạnh pháp’.  Khi tư tưởng và ngôn hạnh của chúng ta tương ứng với chư pháp thật tướng thì có thể đạt được sự khoái lạc chân thật cứu cánh viên mãn trong cuộc sống, đây tức là ‘Chứng quả’.

Ðây là sự cống hiến cho chúng sanh khi Như Lai xuất hiện trong thế gian.  Ðây là việc hết thảy chúng sanh vô cùng cần thiết, bất luận là chánh hạnh chúng sanh (tức là Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn) hay là tà hạnh chúng sanh (tức là lục đạo chúng sanh) đều vô cùng cần thiết.  Chư Phật Như Lai đem kinh nghiệm, phương pháp, và những lợi ích sau khi tu chứng của mình, chẳng dấu diếm mảy may gì để dạy dỗ hết thảy chúng sanh, đây chính là giáo dục Phật đà, tức là sự giáo học của đức Phật, thường được xưng là ‘Nền giáo dục chí thiện viên mãn của đức Phật đối với chín pháp giới chúng sanh’.  Sự thị hiện và giáo học của đức Phật đối với hết thảy chúng sanh chẳng yêu cầu, đòi hỏi gì hết.  Nhưng hiện nay có một số người giảng kinh thuyết pháp còn bán vé vào cửa, đây là ‘buôn bán Như Lai’, phá hoại hình tướng của Phật Giáo.  Kinh Hoa Nghiêm nói đây là hiện tượng kỳ quái trong thời Mạt Pháp.  Ðức Phật là một người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội, ‘nghĩa vụ’ là chỉ có ‘hiến dâng’ chứ tuyệt chẳng có đòi hỏi, đây là chỗ Phật, Bồ Tát đáng cho người kính mến.  Lúc đức Phật trụ thế Ngài sống một đời sống có tiêu chuẩn sanh hoạt thấp nhất, mỗi ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, đó là để làm gương cho chúng sanh, làm mô phạm, chúng ta nên noi theo, học tập.

Phát tâm xuất gia làm đệ tử Phật phải gánh vác nguyện vọng giáo hóa chúng sanh của đức Phật.  Trước hết phải hiểu rõ cái hình tướng, thân thể này là giả, chẳng phải định tướng, nếu chấp trước cái tướng này là nhất định, chấp cái tướng này là Ta thì vĩnh viễn sẽ không thể thoát ly luân hồi.  Vả lại cái chấp trước này cũng nhất định sẽ chẳng như nguyện vọng của bạn; sau khi chết đi nếu đọa vào cõi súc sanh thì sẽ hiện thân súc sanh, đọa cõi ngạ quỷ thì sẽ hiện thân ngạ quỷ, chẳng giống cái thân bây giờ; cho dù sanh đến cõi người hiện thân người thì cũng sẽ thay đổi mặt mày, đó là sự thật.  Thế nên nhất định chẳng nên chấp trước, nhất định buông bỏ phân biệt và chấp trước.  Chư Phật Như Lai chẳng có thân tướng cho nên mới có thể tùy loại hóa thân, chúng sanh có cảm thì Phật sẽ thị hiện ứng hóa.  ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, Tướng thiên biến vạn hóa, Tướng có Dụng chẳng có Thể cho nên nhất định đừng chấp trước.

Tướng là giả, Phật thuyết pháp cũng là giả, Phật chẳng có định pháp gì để nói, Phật chẳng có pháp gì để nói.  Phật thuyết pháp hoàn toàn căn cứ vào căn bịnh của chúng sanh, tùy theo chứng bịnh mà cho thuốc; căn bịnh của chúng sanh sai khác muôn vàn cho nên Phật đều ứng cơ thuyết pháp.  Chúng ta học thuyết pháp cứ cho pháp là định pháp, nhất định phải dùng một cách nào để nói thì là sai rồi.  Pháp có nguyên lý nguyên tắc nhất định, nhưng chẳng có phương pháp nhất định, nên Phật giảng kinh là dựa trên nguyên lý nguyên tắc nhất định.  Những người kết tập kinh tạng tuy nói là học trò của Phật nhưng thật ra đều là chư Phật Như Lai ứng hóa đến, đúng như câu ‘Một vị Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ’, vì vậy các ngài kết tập kinh tạng có thể theo đúng nguyên lý nguyên tắc nói trên.  Cho nên khi người chân chánh lãnh ngộ mở cuốn kinh ra, mỗi chữ mỗi câu đều linh hoạt sống động, nói ngang nói dọc gì cũng chẳng trái ngược với nguyên lý và nguyên tắc, đây là chánh pháp.

Chánh pháp tức là ‘Giáo - Lý - Hạnh - Quả’, chánh giáo, chánh lý, chánh hạnh, chánh quả chỉ cần chẳng trái ngược, bất luận thuyết pháp như thế nào đều xưng là chánh pháp.  Nhưng trong kinh dạy chúng ta ‘chánh pháp’ nhất định phải xây dựng trên cơ sở của ‘chánh hạnh’, nếu chẳng có chánh hạnh thì sẽ chẳng có chánh giải.  Cho nên muốn làm được ‘Tín - Giải - Hành - Chứng’ thì phải thực hiện được ‘Giáo - Lý - Hạnh - Quả’, đó chính là ‘Tín - Giải - Hành - Chứng’.

Trong quá trình này phải có một sự nhận thức chính xác, nhận thức tận hư không trọn khắp pháp giới đều là chính mình, thế nên khi đối xử với hết thảy chúng sanh thì niệm niệm phải vì lợi ích chúng sanh.  Phàm phu tu học chẳng thể khế nhập là vì niệm niệm đều vì cá nhân mình, chẳng nghĩ đến người khác.  Chư Phật, Bồ Tát niệm niệm đều vì chúng sanh, chẳng vì mình, vì tận hư không trọn khắp pháp giới tức là chính mình, hết thảy chúng sanh đều là chính mình, trên từ chư Phật Như Lai, dưới đến chúng sanh trong A Tỳ địa ngục đều là chính mình.  Thí dụ thân thể chúng ta là do vô số tế bào tạo thành, tế bào tốt, tế bào khỏe mạnh ví như Phật, Bồ Tát, tế bào hư xấu, tế bào có bịnh ví như tam ác đạo, hết thảy đều trong một thân thể, chẳng có tế bào nào xa lìa thân thể.  Cho nên vì chúng sanh mới là chân chánh vì chính mình, chỉ vì mình mà buông bỏ chúng sanh thì là sai lầm quá đỗi.

Từ đó chúng ta mới hoảng nhiên đại ngộ, Phật vì hết thảy chúng sanh tức là chân chánh vì chính mình;  nhà Phật nói về ba thân, đây là Pháp Thân.  Báo Thân là trí huệ, triệt để giác ngộ minh bạch là Báo Thân.  Sau đó dốc toàn tâm toàn lực phục vụ hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh giác ngộ, giúp đỡ hết thảy chúng sanh hồi đầu cũng ví như giúp đỡ thân thể của mình, trong thân chỗ nào có bịnh đau thì liền chữa trị.  Có thể nhận thức hư không pháp giới là một thể thì quan niệm của chúng ta đối với hết thảy người, sự, và vật sẽ hoàn toàn biến đổi.

Niệm niệm vì hết thảy chúng sanh, niệm niệm vì sự hạnh phúc của toàn thể tức là chân chánh vì mình.  Ðối người, đối sự, đối vật sẽ từ từ tương ứng với ‘thanh tịnh, bình đẳng, giác’; khi tương ứng thì sẽ là Bồ Tát, tương ứng viên mãn thì sẽ thành Phật.  Một niệm tương ứng này cũng giống như một tế bào kiện toàn rồi, vĩnh viễn sẽ chẳng sanh bịnh nữa.  Cho nên chúng ta nên thương yêu đoàn thể, thương yêu thế giới, thương yêu hết thảy chúng sanh, như vậy thì tâm lượng tự nhiên sẽ mở rộng.  Khi tâm lượng mở rộng thì chân tâm bản tánh sẽ hiển lộ, vô lượng trí huệ đức năng sẽ tự nhiên hiện tiền.  Cho nên quý trọng sự dạy dỗ của Phật Ðà, hết lòng nỗ lực tu học sẽ có thể khôi phục lại trí huệ đức năng sẵn có trong tự tánh.

 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Tử Sanh Đại Sự
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lý Của Việc Niệm Phật Thành Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nói Về Nhân Quả Và Chuyển Cảnh Giới
Hòa Thượng Thích Tịnh Không