Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Lam-The-Nao-De-Huong-Dan-Quyen-Thuoc-Hoc
Khi các bạn đồng tu dùng pháp môn niệm Phật để hướng dẫn quyến thuộc học Phật nhưng gặp người nhà phản đối và chẳng tiếp nhận thì các bạn phải biết nhẫn nại, hết lòng niệm Phật, để cho người nhà nhìn thấy tận mắt những lợi ích, công đức niệm Phật thù thắng, khi họ đích thân thể hội được thì dần dần họ cũng sẽ được cảm hóa.  Khuyên người nhà niệm Phật mà họ không chịu thì hãy nghĩ chắc tại mình chưa biểu hiện được hoàn hảo, chẳng thể làm cho người khác tâm phục khẩu phục, cho nên tự mình phải xoay lại hết lòng nỗ lực tu học.

Tuy phương pháp và đường lối tu học rất nhiều, có câu nói: ‘Pháp môn vô lượng, đường nào cũng về đến đích’[58], mục tiêu phương hướng đều giống nhau, mục tiêu chung cực đều nhằm thành tựu vô thượng đạo, tức là thành Phật.  ‘Vô thượng đạo’ chính là trí huệ cứu cánh viên mãn.  ‘Thành Phật’ chính là thành tựu trí huệ và phước đức viên mãn; người có trí huệ và phước đức đến mức rốt ráo viên mãn thì được xưng là ‘Phật’.  Vô lượng vô biên pháp môn đều nhằm đạt đến mục đích này.  Phật dạy nhiều phương pháp như vậy là vì căn tánh, sự ưa thích, và dục vọng của hết thảy chúng sanh chẳng giống nhau, sự giáo học của Phật vô cùng hoạt bát, thiệt giống như người xưa ví với ‘đẩy chiếc bè thuận theo dòng nước’, vì vậy nên tu học rất dễ dàng, rất dễ thành tựu, đây tức là ‘ứng cơ thuyết pháp’.  Trong hết thảy các pháp môn, chư Phật Như Lai đặc biệt tán thán pháp môn Niệm Phật vì duy chỉ có pháp môn Niệm Phật mới được hết thảy chúng sanh căn tánh chẳng đồng tiếp nhận, chẳng hạn định một loại chúng sanh nào, cho nên phạm vi nhiếp thọ vô cùng rộng lớn, hiệu quả cũng vô cùng thù thắng.

Lý do của sự thù thắng này nằm ở chỗ nào?  Trong kinh có nói đến sự khởi nguyên của vũ trụ, vạn vật, và sanh mạng.  Ðây là điều mà từ xưa đến nay những nhà khoa học, triết học, tôn giáo đầy đủ thông minh trí huệ đều mong muốn hiểu rõ nhưng chưa hiểu nổi.  Ðức Phật Thích Ca cũng vì việc này mà xuất hiện trong thế gian để giải đáp chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh cho chúng ta hiểu rõ.  Phật nói sanh mạng là một thể sanh mạng to lớn.  Phàm phu cho cái thân này là sanh mạng nhưng chẳng biết thân này không phải sanh mạng, thân này chỉ là sự biểu hiện ở trong một hình thái nào đó.  Sanh mạng là vĩnh hằng, chẳng sanh chẳng diệt, còn thân này có sanh có diệt.  Thí dụ sự biểu diễn trên sân khấu, người [nghệ sĩ] ví như sanh mạng, sự biểu diễn ví cho sanh diệt.  Trên sân khấu người này chẳng có sanh; rời khỏi sân khấu người này chẳng có diệt.  Nhưng nhân vật, vai trò đóng trên sân khấu khi lên sân khấu thì được sanh, rời khỏi sân khấu thì liền diệt.  Thế nên sanh mạng là vĩnh hằng bất biến, sự biểu hiện của sanh mạng thiên biến vạn hóa.  Sân khấu của chúng ta chính là thập pháp giới.  Nếu đức Phật Thích Ca chẳng giải thích chân tướng sự thật này thì chúng ta làm sao hiểu nổi!

Hết thảy hiện tượng đến như thế nào?  Phật nói: ‘duy tâm sở hiện duy thức sở biến’.  ‘Tâm’ là bản tánh của tự mình, chính là sanh mạng chẳng sanh chẳng diệt; ‘thức’ là tác dụng của sanh mạng, lúc sanh mạng khởi tác dụng biến hiện ra vô lượng vô biên cảnh giới.  Nhà Pháp Tướng Duy Thức giải thích định nghĩa của ‘Thức’ chính là liễu biệt, phân biệt.  Từ đây có thể biết y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới là do tâm phân biệt biến hiện làm nên.  Kinh nói: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, ngạn ngữ thế gian nói: ‘tâm tưởng sự thành’, ý tứ của câu nói này rất sâu xa.  Ở đây thuyết minh thập pháp giới là do tâm tưởng của chúng ta biến hiện ra, tưởng cảnh giới gì liền biến ra cảnh giới ấy, đây chính là sanh mạng.  Nếu chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu này và tin sâu chẳng nghi thì mới thể hội được thâm ý của chư Phật Như Lai khuyên chúng ta tu pháp môn niệm Phật.

Trong những cảnh giới được hiện ra, pháp giới Phật trong thập pháp giới là viên mãn nhất, thù thắng nhất.  Pháp giới Phật cũng là do niệm Phật mà thành, ‘niệm Phật là nhân, thành Phật là quả’.  Cho nên Bồ Tát muốn thành Phật thì cũng phải niệm Phật.  Chúng ta hiện nay niệm Phật là đi đường tắt làm Phật, chẳng đi đường quanh co.  Pháp giới Phật cũng có nhiều thứ chẳng đồng, những thứ chẳng đồng này đều là do tâm niệm biến hiện ra.  Trong truyện ký có ghi Thiên Thai Trí Giả đại sư đời Tùy, Ðường là đức Phật Thích Ca tái lai nên lời của ngài cũng giống như lời của Phật Thích Ca đích thân nói ra.  Ngài nói với chúng ta Phật có bốn hạng, tức là [bốn hạng Phật thuộc] Thiên Thai tứ giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên, bốn hạng Phật này sai khác rất lớn.  Tạng Giáo Phật và Thông Giáo Phật còn chưa kiến tánh, là địa vị cao nhất, phước báo lớn nhất trong thập pháp giới, nhưng vẫn chưa đột phá ra khỏi thập pháp giới.  Biệt Giáo Phật phá mười hai phẩm vô minh, tương đương với địa vị Nhị Hạnh trong Viên Giáo, vẫn còn sai khác với Viên Giáo Phật rất nhiều.  Vì địa vị Nhị Hạnh Bồ Tát vẫn còn tám ngôi vị mới tu thành Thập Hạnh viên mãn; phía trên Thập Hạnh còn Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa, Ðẳng Giác rồi mới chứng đến quả vị Phật viên mãn.  Chúng ta niệm A Di Ðà Phật là trực tiếp chứng quả vị Viên Giáo Phật, vô cùng thù thắng; thế nên chư Phật, Bồ Tát chẳng có ai không tán thán pháp môn Niệm Phật, đây cũng là pháp môn hết thảy chư Phật đều tu.

Trong kinh Vô Lượng Thọ nói có rất nhiều Bồ Tát muốn cầu được pháp môn này nhưng chẳng được, vì họ chẳng có cơ hội nghe và cũng chẳng biết có pháp môn này.  Tại sao họ mong cầu pháp môn này?  Chính là hy vọng chứng được quả vị Phật viên mãn sớm hơn.  Ðời này chúng ta gặp được pháp môn này là may mắn to lớn, vô cùng hiếm có!  Nếu gặp được mà chẳng tin tưởng, chẳng hiểu rõ, chẳng thể y giáo phụng hành thì thiệt là rất đáng tiếc.  Có cơ hội gặp được mà bỏ lỡ là một sự tổn thất, đáng tiếc vô cùng to lớn.  Trong kinh Di Ðà đức Thế Tôn xót lòng rát miệng khuyên chúng ta cầu sanh Tịnh Ðộ, chúng ta phải thể hội đến lòng đại từ đại bi của Như Lai.

Niệm Phật, niệm là tưởng, ngày ngày đều tưởng nhớ, tức là trong tâm thật sự có đức Phật A Di Ðà, niệm niệm đều có A Di Ðà Phật; có A Di Ðà Phật chính là có tâm, nguyện, và hạnh của Phật A Di Ðà.  Nói một cách khác, đem kinh Vô Lượng Thọ làm tư tưởng hành vi của mình thì đó chính là thực sự niệm Phật.  Niệm Phật chẳng phải là chỉ niệm ở ngoài miệng, niệm Phật ở ngoài miệng là tuyên truyền, là để niệm cho người khác nghe, để độ chúng sanh, có câu nói: ‘một khi lọt vào tai thì vĩnh viễn làm hạt giống đạo’.  Niệm Phật là ‘tâm, nguyện, hạnh’ phải giống y như Phật.  Tâm của Phật là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi;  Nguyện của Phật là giúp đỡ hết thảy chúng sanh trong pháp giới sớm thành Phật đạo;  Hạnh của Phật là thật sự làm, nguyện chẳng phải giả, chẳng phải nguyện suông, phải tùy phận tùy sức trong đời sống hằng ngày, tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ.  Ðây là sự nghiệp của hết thảy chư Phật, Bồ Tát, trong Phật môn gọi là ‘gia nghiệp Như Lai’, cũng chính là giúp đỡ hết thảy chúng sanh giác ngộ.  Pháp phương tiện hạng nhất ở thế giới Sa Bà là khuyến đạo, dùng cách giảng kinh thuyết pháp để khuyên lơn mọi người, giúp đỡ mọi người khai ngộ, đây là ngôn giáo; kế đó là thân giáo, làm ra hình dáng cho chúng sanh nhìn thấy.  Nếu có thể làm ngôn giáo và thân giáo viên mãn thì đương nhiên người nhà của bạn sẽ cảm động, sẽ tin tưởng.

Bởi vậy nên niệm Phật vô cùng quan trọng, công đức ấy vô lượng vô biên, vô cùng thù thắng; không những nghiệp chướng đời này có thể tiêu trừ, nghiệp chướng từ vô lượng kiếp về trước cũng có thể tiêu trừ.  Hơn nữa tiêu trừ ngay trong một niệm, ‘một niệm tương ứng, một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’.

Niệm niệm đều tương ứng cùng ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’, tức là tương ứng với Tâm của Phật. 

Niệm niệm đều tương ứng với bốn mươi tám nguyện của đức Phật A Di Ðà tức là tương ứng với Nguyện của Phật. 

Niệm niệm giúp đỡ chúng sanh thì tương ứng với Hạnh của Phật. 

Vọng niệm là từ nghiệp chướng biến hiện mà thành, vọng niệm tức là nghiệp chướng.  Bởi vậy nên niệm niệm của chúng ta đều là Phật thì vọng niệm sẽ không còn nữa, nghiệp chướng cũng sẽ tiêu trừ hết; lúc chẳng niệm Phật và có vọng niệm tức là nghiệp chướng hiện lên.  Thế nên phải thường niệm Phật, chẳng thể gián đoạn thì nghiệp chướng mới tiêu trừ được.  ‘Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn’ thì công phu nhất định sẽ đắc lực, đây là bí quyết của việc niệm Phật.
________________
[58]  (Pháp môn vô lượng, thù đồ đồng quy)
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ