Phật giáo cận đại có ‘tam Hư’ nổi tiếng, tức là hòa thượng Hư Vân, đại sư Thái Hư và pháp sư Đàm Hư. Ngoài ra còn có đại sư Ấn Quang và Viên Anh đại hoằng dương Tịnh độ tông, thiền sư Lai Quả tu trì Thiền tông nghiêm mật, pháp sư Đan Hà và pháp sư Ứng Từ đại hoằng truyền Hoa Nghiêm tông, cư sĩ Dương Nhân Sơn và Âu Dương Tiệm chấn hưng Duy thức tông.[1]Đàm Hư xuất gia thời trung niên (43 tuổi), nhưng là một cao tăng nổi tiếng thời cận đại, [2]một nhà giáo dục Phật giáo, truyền nhân đời thứ 44 Thiên Thai tông, cống hiến đột phá đối với lĩnh vực kiến lập đạo tràng, sáng biện giáo dục Phật giáo. Do từ sự kiến tạo đại tùng lâm Trạm Sơn ở Hồng Kông với kiến trúc quy cách rất lớn cũng là đạo tràng Thiên Thai tông rất sớm và còn thiết lập Phật học viện nổi tiếng cho nên thế nhân gọi ngài là Đàm Hư Trạm Sơn, tự hiệu Trạm Sơn lão nhân. Ảnh trần hồi ức lục (影塵回憶錄)[3]của ngài tự thuật, đề xướng quan điểm “Hoằng dương Phật pháp vốn do Tăng nhân”, “Nếu không có người hoằng pháp, tất nhiên bị ngoại nhân đả kích phá hoại, tự thân Phật giáo sẽ tiêu giảm”, cho nên chủ trương tùng lâm học viện hóa, học viện tùng lâm hóa.[4]Đến giảng pháp nơi nào, đều hưng kiến đạo tràng, sau mỗi đạo tràng hoàn thành đều thiết lập Phật học viện, đào tạo vô số Tăng tài trong nước và ngoài nước hoằng pháp rộng khắp. Tổng cộng kiến tạo 9 đại tùng lâm, 13 Phật học viện, 17 chi viện, 2 địa điểm in ấn kinh sách Phật, 2 trường trung học và 2 trường tiểu học của thế tục, đệ tử xuất gia tăng ni hơn 1000 người, [5]quy y Tam bảo cho hơn 10 vạn cư sĩ tại gia, đã xuất bản 24 tác phẩm như Tâm kinh nghĩa sớ, Đại thừa khởi tín luận giảng nghĩa v.v... giới học thuật khen ngợi: “Người được hóa độ, đều hơn mười vạn người, duyên quy y Tam bảo, và Phật pháp hưng thịnh, rất là hy hữu”. Bởi tôn chỉ Phật học thâm hậu, công đức hiển bày siêu xuất, và là đại biểu cho học phái Phật giáo do đó được gọi là Trạm Sơn học phái (湛山学派). Đàm Hư sinh năm 1874. Sau khi thấy rất nhiều người trong thôn xóm mắc bệnh dịch tả mà chết, muốn học pháp trường sinh bất lão, rồi học tập qua thuật luyện đan, vận khí, điểm huyệt nhưng cảm thấy mị dân nên vứt bỏ. Tiếp đến đọc sách y học, có tâm đắc rồi mở một phòng mạch trong nhà, kê toa hốt thuốc cho bách tánh, tự hiệu là Đông kế sanh. Nhân đọc Phật điển như kinh Kim Cang, kinh Lăng Nghiêm v.v... “Cảm thấy chỉ có Phật pháp cao và sâu, cầu đạt được tôn chỉ Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, quyết tâm xuất gia làm Tăng”.[6]
Năm 40 tuổi, đến lão hòa thượng Bảo Nhất chùa Tư Phước xin được xuất gia, nhưng có người thưa với Hòa thượng: “Ông ấy là danh y ở Doanh Khẩu, có vợ và con”, Hòa thượng không nhận. Sau đến xin hòa thượng Thanh Trì ở Thanh tu viện, Thanh Trì từng nghiên cứu kinh Phật nhiều năm, dạy cần phải lạy một vị tôn túc làm thầy, bèn dẫn đến sư huynh thiền sư Hiển Văn chùa Cao Minh, cầu thỉnh thiền sư Thuần Khôi thay mình nhận ngài làm đồ đệ. Sau thế độ, đến Thanh tu viện tu học, hằng ngày đánh trống gõ chuông, lau dọn Phật đường, quyét rác cửa chùa, không ăn biệt chúng, không giữ tiền bạc. Mùa thu năm sau, đến Quán Tông tự của đại sư Đế Nhàn để thọ cụ túc giới. Và ở lại học tập giáo quán Thiên Thai tại Phật học nghiên cứu xã do Đế Nhàn sáng lập. Phật học nghiên cứu xã, sau này đổi thành Quán tông học xã, là một cơ cấu giáo dục học Tăng rất nổi tiếng lúc đó. Tháng 3 năm 1918, các cư sĩ kiến lập “Mậu Ngọ giảng kinh hội”, thỉnh Đế Nhàn giảng kinh Viên Giác, Đế Nhàn giảng kinh này hơn ba tháng, dưới sự trợ giúp của Giang Vị Nông ghi chép ra giấy và chỉnh lý, Tương Duy Kiều cùng Đế Nhàn giám định, rồi Đế Nhàn lấy tên bản sách là Viên Giác kinh thân văn ký.
Ngài khổ học tại Quán tông học xã 2 năm, Mùa đông năm 1918, nội trú Quán Tông thiền tự, bèn khai trí ngộ lý rồi trình lên Đế Nhàn một bài kệ: “Quán niệm tức vọng, giác vọng đều chân”, được Đế công khen ngợi. Sau từ biệt Đế Nhàn mà tham học các nơi. Ngài kiến tạo chùa Vạn Thọ và thiết lập Phật học viện, chủ giảng 12 bộ kinh như kinh Di Giáo, kinh Tứ Thập Nhị chương, kinh Bát Đại Nhân Giác suốt 3 năm. Đến Trường Xuân giảng Bát nhã Tâm kinh, kiến tạo chùa rồi lấy tên Bát nhã và thiết lập Phật học viện, từ đó Phật giáo ở Quan Đông phát triển mạnh, thiện nam tín nữ quy y Phật giáo không thể đếm xuể. Năm 1927, xướng kiến chùa Pháp Hoa rồi thiết lập Phật học viện, đến mùa hạ thì sáng lập hội Phật giáo. Kiến tạo chùa Lăng Nghiêm ở Doanh Khẩu, thỉnh lão hòa thượng Thiền Định chùa Thiên Đông đến truyền giới, làm cho nơi này cực thịnh một thời. Kiến tạo chùa Hưng Thiện, chùa Di đà, chùa Vĩnh An, Đại Bi viện, Di lặc viện hoàn thành và đều thiết lập Phật học viện. Còn kiến tạo tinh xá Thiên Thai, Hoằng pháp Phật đường. Mượn thư viện Phật giáo Hồng Kông và thư viện Năng Nhân làm trường học. Đặc biệt kiến tạo chùa Cực Lạc, tháng 4 năm 1929 tổ chức hội truyền giới và thỉnh ân sư Đế Nhàn đăng đàn làm hòa thượng truyền giới. Trong hội này, tư tưởng phẩm chất đạo đức và học vấn của ngài đều bộc lộ xuất cách, tự thân Đế Nhàn soạn một bản chánh thống pháp nhãn, Phật tổ nguyên lưu, truyền cho ngài làm tổ sư đời thứ 44 Thiên Thai tông, ngài là pháp từ tục thừa Thiên Thai tông.
Năm 1935, cư sĩ Hiệp Cung Xước mời ngài đứng ra kiến tạo chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo Hồng Kông. Sau khi chùa hoàn tất thì thiết lập Sơn Đông Trạm Sơn Phật học viện. Viện này thành lập năm 1940, đến nay gần 90 năm nhưng vẫn chiêu sinh đông đúc, đào tạo nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ, đề xướng học thuật tự do, học tăng nội trú với nếp sống thiền môn, chuyên sâu nội điển do đó lưu xuất rất nhiều Tăng tài ưu tú, nhân tài chuyên môn, phẩm chất thanh cao. Bởi viện thuộc Thiên Thai nên lấy việc giảng dạy kinh Pháp Hoa làm chính, còn kiêm dạy các kinh: Lăng Nghiêm, Tâm kinh, Kim Cang, Duy ma, Di đà và Khởi tín luận. Bản viện chia ba khoa: chuyên khoa, chánh khoa và dự khoa. Chuyên khoa lấy Phật học làm chính. Chánh khoa kiêm học tập Phật học và văn hóa. Dự khoa lấy văn hóa làm chính. Còn có nghiên cứu khoa, yêu cầu cần phải thông thấu căn bản một số kinh tạng và luận tạng của một tông phái nào đó, tiến hành nghiên cứu thảo luận những vấn đề trọng đại của Phật giáo. Các môn học chính là: Lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc, giới luật học cương yếu, đại ý các tông phái Phật giáo, Thiên Thai tông cương yếu, Đồng mông chỉ quán của Thiên Thai Trí Di, Giáo quán cang tông của Ngẫu Ích Trí Húc, Thỉ chung tâm yếu của Kinh Khê Trạm Nhiên, Hiền Thủ ngũ giáo nghi của Pháp Tạng, Trung quán luận tụng và Thập nhị môn luận của Long Thọ, Duy thức học, Tây phương triết học sử, Trung Quốc triết học sử, Hán ngữ cổ đại, thời sự chính trị, kế toán, thư pháp.
Ngài căn cứ giới luật và thanh quy tùng lâm từ viễn cổ cho đến ngày nay, chế định Quy ước cộng trụ chùa Trạm Sơn (湛山寺共住规约), quy định đời sống tăng già và chuỗi quy tắc tu học liên quan, cải cách chế độ pháp từ truyền thống thay vào đó là tuyền dụng người có đức hạnh có tài năng làm trụ trì, đảm nhiệm trụ trì chỉ có 3 năm. Ngài định ra 20 điều, như điều thứ ba là mỗi tuần giảng Tứ phần luật 2 lần, và bồ tát giới 1 lần v.v... Mời luật sư Hoằng Nhất đến Học viện dạy cho học Tăng về môn luật học như Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma và Tứ phần luật hàm chú giới bổn của luật sư Đạo Tuyên thời Đường. Hoằng Nhất dạy hoàn tất, sau đó căn cứ những bản giới luật mà soạn thành hai bộ sách: Tùy cơ yết ma biệt lục và Tứ phần luật hàm chú giới bổn biệt lục. Mời đại sư Ấn Quang đến chủ trì đạo tràng tịnh độ, mở một niệm Phật đường. Còn quy định học Tăng học tập Thiên Thai tam đại bộ, ngũ tiểu bộ làm chính. Tam đại bộ là ba thánh điển căn bản của Thiên Thai: Diệu Pháp Liên Hoa kinh huyền nghĩa, Diệu Pháp Liên Hoa kinh văn cú, Ma ha chỉ quán tổng cộng 10 quyển của đại sư Trí Di giảng thuật. Ngũ tiểu bộ là: Kim Quang Minh kinh huyền nghĩa, Kim Quang Minh kinh văn cú, Quán Âm huyền nghĩa, Quán Âm nghĩa sớ, Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ tổng cộng 13 quyển của Trí Di sở soạn.
Hiệp Cung Xước (1881 1968) là học giả cận hiện đại, nhà hoạt động xã hội, từng du học Nhật Bản. Ông chú trọng việc bảo tồn di sản kinh Phật, vận động ấn loát Thích Sa tạng 500 bộ, Vạn tự tục tạng của Nhật Bản, chọn điển tịch Pháp tướng duy thức 64 loại trong Tạng kinh triều Kim rồi lấy tên Tống tạng di trân. Còn thành lập Nhà bảo tàng Pháp bảo, chuyên cung cấp sử liệu Phật giáo cho học giả nghiên cứu.
Năm 1948, gặp thời cuộc chiến loạn, rất nhiều học Tăng ở Đại lục đến Hồng Kông lánh nạn, không chỗ nương nhờ, có những người bị dụ dỗ vào Viện nghiên cứu tôn giáo trên núi Đạo Phong của Cơ đốc giáo. Ngài sáng lập Phật học viện Hoa Nam (华南佛学院) đặt tại tinh xá Hoằng Pháp, thâu nhận học Tăng Hồng Kông. Lúc 76 tuổi, ngoài việc giảng truyền Phật học cho tăng sinh, mỗi ngày chủ nhật, giảng kinh Pháp Hoa tại Đông liên giác uyển. Lúc 84 tuổi, sáng lập Thư viện Phật giáo Trung Hoa, thâu gom 7 bộ Đại tạng kinh và chỉnh trang hơn 2 vạn quyển kinh Phật, trước tác Phật học. Mỗi tuần đến Thư viện giảng kinh Lăng Nghiêm, thính chúng ngồi trang nghiêm, không khí học hỏi sinh động.
Ngài hay nói: “Nhân sinh như làm tuồng, khua chiêng một tiếng, vén rèm lên để ra sân khấu xướng kịch xướng xong, khua chiêng một tiếng bèn dừng kịch, đời sống con người biểu hiện như thế, chết cũng như thế, hiện nay diễn kịch của ta trôi qua, khua chiêng ra tiếng, nên dừng kịch”. Đến mùa xuân năm 1963, giảng kinh Lăng Nghiêm hoàn tất, theo thỉnh cầu của tứ chúng tiếp tục giảng kinh Kim Cang. Đến mùa hạ tháng 5 cùng năm, giảng đến chương Cứu cánh vô ngã trong kinh Kim Cang, tự biết tuổi thọ đã hết, sức khỏe giảm sút, ăn cháo ít lại, dặn dò đệ tử; đến quá trưa ngày 13 tháng 8 năm 1963, ngồi kiết già nhập tịch diệt trong tiếng niệm Phật, hưởng thọ 89 tuổi, 46 Tăng lạp. Lúc trà tì, chất tre thành đống châm lửa đốt, mây trắng ẩn ẩn mờ mờ, hương thơm phảng phất vài dặm còn nghe. Sau thiêu xong, có hơn 1000 viên xá lợi, xương nở ra năm đóa hoa, ngũ sắc sáng lạng, lung linh rực rỡ, tro cốt an trí tại Áo môn trên núi Đại Dũ, xá lợi thờ trong tháp chùa Trạm Sơn, còn có các nơi nghinh thỉnh thờ phượng.
Mỗi lần lên pháp tòa thuyết pháp, tứ chúng vân tập, giọng nói oang oang như tiếng đại hồng chung, tướng mạo quách thước lẫm liệt, giải quyết vấn đề sắc bén. Cuộc đời giảng thuyết Tâm kinh 64 lần, kinh Kim Cang 42 lần, kinh Di đà 24 lần, kinh Lăng Nghiêm 134 lần, giảng giải kinh tạng và luận tạng, chú sớ vài lần, giảng kinh tùy bút. Tự định ra một nguyên tắc cho mình đó là: “Khán phá phóng hạ tự tại, hoằng pháp kiến tự an Tăng” (看破放下自在, 弘法建寺安僧), cho rằng khán phá cũng là bát nhã đức, phóng hạ là giải thoát đức, tự tại là pháp thân đức; muốn được giải thoát, tự tại, cần quyết tâm khán phá. Khán phá là bước đầu tiên, một bước trọng yếu liên quan. Không chấp mê là khán phá, bởi các loại đều khán phá, nên đức Phật có thể tùy duyên mà bất biến, bất biến tùy duyên tự tại.[7]Tuy xuất thân Thiền tông, nhưng học tập giáo quán Thiên Thai do đó tâm ấn Thiên Thai, và Tào khê thiền dòng chảy hỗ tương kết hợp để hoằng pháp, “Chân nghĩa Phật giáo chú trọng ở thực hành”. Thường khai thị tụng kinh niệm Phật, niệm đến công phu thành thục, trong tâm tự nhiên thanh tịnh, và nêu lên năm nguyên tắc:
Một là cần tuân thủ giới luật. Ngoại duyên rườm rà cần phá bỏ, chẳng chút lấm lem, Định ra thời khóa mỗi ngày, tâm niệm Phật, lạy Phật là duy nhất pháp.
Hai là mọi ngoại duyên đều giảm bớt. Gia quyến có thể xa rời và rồi cuối cùng ly tán. Công danh phú quý như mộng như huyễn, bỗng hóa hư vô, không đủ để lưu luyến, . Nếu chưa đắc đạo thì cần nương tựa Phật bồ tát, nếu ngoại duyên thanh tịnh thì trí tuệ trong tâm tự mở.
Ba là lúc nhàn rỗi tĩnh tọa, có thể quán tưởng, tượng Phật, bồ tát, cõi cực lạc làm cho tâm chuyên nhất. Mỗi sớm mai thức dậy đều niệm Phật để tâm sáng soi, ban đêm đứng mặc tưởng “Ngày nay khởi phiền não không? Sinh ác niệm không”. Nếu có thì sửa bỏ, đó là nhập chánh đạo cõi cực lạc.
Bốn là công dụng niệm Phật, không nên mong cầu Phật phóng hào quang, bồ tát ban giấc mộng đẹp, các truy cầu huyền tưởng, nếu thế dễ sinh chướng ngại, tâm không theo cảnh chuyển, tự được thanh tịnh.
Năm là cần dọn sạch tham ái. Khai thị niệm Phật là cầu được nhất tâm niệm giác ngộ và rõ ràng trước mặt.
Cho rằng niệm Phật không chỉ là miệng niệm, cần phải tâm niệm, mà cảnh giới chân thật của tâm niệm cũng là vô niệm. Luôn nhấn mạnh hàm ý thâm áo của bốn chữ “chấp trì danh hiệu” trong kinh Di đà. Chấp trì danh hiệu tức là chuyên tâm xưng niệm danh hiệu A di đà Phật. Trong A di đà kinh sớ của cao tăng Thiên ngoại phái Thiên Thai tông Trí Viên giải thích: “Chấp là chấp thọ, trì là trụ trì, tín lực nên chấp thọ trong tâm, niệm lực nên nhậm trì chẳng quên”. Lúc giảng kinh Di đà, nhấn mạnh ba yếu tố: tín, nguyện, hạnh” viên dung thống nhất; nghĩa lý chân thực trong kinh Di đà, “Tuyệt đối không chỉ đơn thuần cầu sanh tịnh độ. Phương tiện thiện xảo của Phật đà, chúng ta cần dụng tâm để thể hội”. Mùa đông năm nọ, ngài và thiền sư ở Nhật Bản thảo luận kinh Di đà và Lâm Tế lục liên quan suốt ba ngày ba đêm. Khi chia tay, vị thiền sư này nói: “Thông đạt nhị tông: Tịnh độ tông và Thiền tông trong giới Phật giáo Đông Á thời này, có lẽ chỉ có lão pháp sư Đàm Hư”.
Phật giáo nói “Pháp lại Tăng hoằng” (法赖僧弘), tức là chỉ có giáo dục nhân tài liên tục, mới có thể hoằng dương giáo lý Phật giáo, Phật giáo mới được kế thừa và phát triển, mà Phật học viện là môi trường đào tạo Tăng tài. Ngài đóng góp rất lớn đối với Phật giáo, phục hưng Phật giáo miền đông bắc, nhà Phật học Tương Duy Kiều nổi tiếng khen ngợi: “Thiên Thai nhất tông thịnh rạng ở phương bắc, Đàm Hư cũng không để mất sáng giáo của đại sư Trí Di”. Cổ đức sớm nói qua “Mọi tri thức, học thuật, đều có dựa từ sự phát khởi của nhân tài, mà phát khởi của nhân tài cũng không tách rời giáo dục, cho nên giáo dục là căn bản, nhân tài là căn bản”.[8]Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân” (人能弘道, 非道弘人), ý nghĩa là: “Người mới có thể làm cho đạo phát triển và đề xướng sáng lớn, đạo không thể khiến cho người phát triển”. Xuyên qua công tác giáo dục, đào tạo nhân tài, dựa vào tăng tài Phật giáo mới hưng long, nhân tài nhất định phải dựa vào giáo dục. Bốn nấc thang: tín, giải, hành, chứng Phật giáo, thì giải là lý giải về nghĩa lý Phật giáo, một mắt xích rất trọng yếu trong giáo dục. Hoa Nghiêm kinh sớ của đại sư Trừng Quán ghi: “Có tín vô giải, vô minh tăng trưởng; có giải vô tín, lại sinh tà kiến”. Giải là hiểu Phật pháp, có hiểu mới thực hành, hiểu tỏ mới có thể mở mang trí tuệ. Giải hành tương ưng mới có thể đạt được chân đế Phật pháp.
Đại sư Thái Hư là nhà giáo dục Phật giáo và có sức ảnh hưởng rất lớn trên lịch sử cận đại, đã sáng lập hơn 10 Phật học viện, mở ra một mô thức hiện đại hóa Phật giáo, kết hợp giáo dục Phật giáo truyền thống và hiện đại, giao lưu và trở thành văn hóa Phật giáo mang tính quốc tế. Trong bản văn Lược sử vận động cải tiến Phật giáo của tôi (我的佛教改進運動略史) của Thái Hư ghi: “Tư tưởng cải tiến Phật giáo đối với tôi, cũng cần căn cứ chân lý Phật giáo, nhằm thích ứng quốc gia và xã hội hiện đại, làm cho Phật giáo phục hưng sau khi suy tàn”.[9]Pháp sư Tây Tạng Thích Đế Văn nổi tiếng cũng là giáo thọ sư Phật học viện Trung Quốc[10]cho rằng, Phật giáo là vĩ đại, Tăng bảo là đại biểu cho Phật giáo; tiến thêm một bước, muốn chấn hưng Phật giáo thì trước là chấn hưng giáo dục Phật giáo. Trong bản văn Luận bàn giáo dục và Phật hóa liên quan (论教育与佛化之关系) của Đế Văn, ví giáo dục như gốc, xương sống; Phật hóa như hạt, ánh sáng; muốn “Phật hóa phổ cấp, đầu tiên đào tạo nhân tài, muốn nhân tài phát khởi, đặc biệt đề xướng giáo dục. Phi nhân tài thì chẳng có căn cứ để hoằng Phật hóa, phi giáo dục thì chẳng có căn cứ tạo nên nhân tài...... Không đề xướng giáo dục mà hy vọng Phật hóa phổ cập, thì ắt hẳn không thể”. Thái Hư đề xướng Phật học viện nên cơ cấu năm khoa: khoa Hoa văn, khoa Phạn văn, khoa Âu văn, khoa phiên dịch và khoa soạn thuật; đặc biệt khoa soạn thuật là cơ quan phát tuyên văn tự. Mô thức căn bản của Tùng lâm giáo dục là nhằm xây dựng chánh tín, nắm bắt tri thức nhân sinh và xã hội, bao gồm học thuyết lý luận thế giới quan Phật giáo v.v... Bên cạnh cần phải tu, vì tu là thực tiễn, thực tiễn là “Tiêu chuẩn duy nhất để thực nghiệm chân lý, tu là mục đích và kết quả, học là kết quả và phương tiện.[11]
Ngài kế thừa “Giáo diễn Thiên thai, hành quy Tịnh độ” truyền thống của Thiên Thai tông, ngoài hoằng truyền giáo quán, đồng thời cực lực đề xướng pháp môn niệm Phật. Cho rằng niệm Phật là “đại pháp tối thượng”, giản yếu thù thắng. Trong Niệm Phật luận (念佛论) của ngài, giải thích hai chữ: niệm Phật khác lạ. Chữ niệm là từ chữ ‘nay’ và chữ ‘tâm’ hợp thành; chia ra tức là ‘nay tâm’, hợp lại thì thành chữ ‘niệm’. Niệm Phật ý nghĩa là “Cầu được giác ngộ và minh bạch nhất niệm tâm hiện tiền”. Nếu phát tâm niệm Phật, thì “Nhất niệm niệm Phật, nhất niệm giác ngộ, niệm niệm niệm Phật, niệm niệm giác ngộ”. Còn kết hợp niệm Phật và giáo quán độc đáo, “Nhất niệm cụ túc thập pháp giới, gọi là thập giới cổ kim, chẳng rời đương niệm, vi trần sát độ”. Tây phương Di đà tức là tự tánh Di đà, Tây phương tịnh độ tức là tự tâm tịnh độ, hai cái hơp thành nhất thể. Lối giải thích này, là tư lộ nhất niệm tam thiên, thập giới hỗ cụ trong Thiên Thai.[12]Cho rằng niệm Phật sở dĩ có thể giác ngộ thành Phật, là “Bởi vì vốn dĩ nhân tâm là giác ngộ, ánh sáng”. Niệm Phật có thể “Hồi sanh hoán thục, phóng hạ những sở tri sở giác, mà khôi phục được bản tri bản giác...... cũng có thể thành Phật”. “Một câu A di đà Phật, cũng có thể tam nghiệp thâu nhiếp trụ, lâu lại lâu thêm, quán niệm thành thục, nhân thanh tịnh tẳng trưởng, lúc lâm mạng chung, quyết định vãng sanh cõi cực lạc”.[13]”Niệm Phật cũng là nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng của chính mình, nương Phật lực, tự lực, cầu sanh thế giới cực lạc phương tây, khai Phật tri kiến, khôi phục bản giác tánh của chính mình”. Người niệm Phật “Mỗi ngày trong mắt thấy Phật, trong môi niệm Phật, thân thể lạy Phật, trong tâm nhớ Phật, lỗ tai nghe Phật...... quyết định có thể sinh cõi cực lạc, cũng quyết định có thể thành Phật”.
Ngài nêu duy tâm tịnh độ và tây phương tịnh độ thống nhất, cho nên có người hỏi: “Sao không tu duy tâm tịnh độ, ngược lại tu tây phương tịnh độ? Sao không niệm tự tánh Di đà, ngược lại niệm A di đà Phật?”. Đáp: Tây phương tịnh độ ly tâm sao? Còn tự tánh Di đà, cũng vốn nói đó là tam thiên tánh tướng tự tánh Di đà. Ngài ví niệm Phật cũng như một cuốn phim, niệm một lần Phật thì bóng dáng trong tâm phóng ánh cõi cực lạc một lần, lâu ngày chày tháng, tiếp xúc cảnh cực lạc tối thắng, diệu tướng trang nghiêm. Trong Niệm Phật ca của ngài ghi:
Niệm Phật tốt, niệm Phật tốt, niệm Phật cũng là tùy thân bảo.
Mỗi ngày nếu niệm ngàn tiếng Phật, tội trong ba đời có thể tiêu. Ba đời vô tội tăng phước thọ, cuộc đời an lạc có nhiều may.
Tạo nhiều công đức phước vô lượng, lúc thương không chỉ thiện trong hành.
Vài câu đôi lời khuyên thiện sĩ, niệm Phật thiện sĩ sớm tỉnh khai”
Bước chân của Đàm hư hoằng hóa tứ phương, tùy duyên giáo hóa, chỉ cần có người thỉnh liền có thể đến các nơi hoằng pháp. Luôn bộc lộ phong phạm của một bậc cao tăng, sống đời đạm bạc, phẩm chất đạo đức khiêm cung và thủ lễ nghi, thảy đều khiêm hư do đó có thể dung nạp ý kiến của người khác và tự luật rất nghiêm
[1] Tham khảo Pháp Sư Giác Tỉnh, Đại sư Đế Nhàn —— Tổ sư trùng hưng Thiên Thai cận đại
[2] Tham khảo Lữ Hữu Tường (giáo sư đại học Vũ Hán), Giáo diễn Thiên Thai, hành tu Tịnh độ ― Xiển thuật tuyên dương pháp môn niệm Phật tịnh độ đối với đại sư Thiên Thai tông cận hiện đại Đàm Hư
[3] Nxb. Văn hóa Tuệ Minh, Đài Bắc, 2002
[4] Ôn Kim Ngọc (giáo sư Học viện Triết học đại học Nhân dân Trung Quốc), Pháp sư Đàm Hư và chùa Pháp Nguyên, thâu trong Văn tập Kỷ niệm pháp sư Đàm Hư
[5] Theo Hasi Chaolu, Pháp sư Đàm hư Nhà giáo dục giới Phật giáo Trung Quốc cận hiện đại (đăng trên Học báo đại học Nhân dân nội Mông Cổ), thâu trong Văn tập Kỷ niệm pháp sư Đàm Hư
[6] Dương Tăng Văn (杨曾文 1939, chuyên gia Phật giáo sử, giáo sư Viện khoa học xã hội Trung Quốc), Pháp sư Đàm Hư và địa vị trên sử Phật giáo Trung Quốc, thâu trong Văn tập Kỷ niệm pháp sư Đàm Hư
[7] Tham khảo Từ Văn Minh (Viện trưởng Học viện triết học và xã hội học Đại học Sư phạm Bắc Kinh), Khán phá phóng hạ tự tại, thâu trong Đàm Hư pháp sư kỷ niệm văn tập
[8] Hoàng Hạ Niên, Quan điểm giáo dục nhân tài của pháp sư Đế Văn
[9] Thái Hư đại sư toàn thư thiên 19, Lược sử vận động cải tiến Phật giáo của tôi, giảng cho ban huấn luyện Viện giáo lý Hán tạng mùa hạ tháng 7 năm Dân quốc 29 (1941)
[10] 谛闻法师, sinh 1895, xuất gia năm 12 tuổi, học tập Phật điển tại Nội học viện China, Phật học viện Hoằng Từ đặt tại chùa Pháp Nguyên; giáo thọ sư Phật học viện Mân Nam, Phật học viện Báo Ân. Ngoài trước tác Phật điển, còn soạn bài kêu gọi người con Phật chống Nhật. Qua đời năm 88 tuổi.
[11] Tham khảo Hoàng Hạ Niên, Học và tu của học giả
[12] Lữ Hữu Tường, Giáo diễn Thiên Thai, hành tu Tịnh độ ― Xiển thuật tuyên dương pháp môn niệm Phật tịnh độ đối với đại sư Thiên Thai tông cận hiện đại Đàm Hư
[13] Sđd