Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-3

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 3
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mở kinh ra, trang 145, dạy ta từ văn tu tư nhập tam ma địa.

Bây giờ chúng ta biết, có rất nhiều đồng học phát tâm học bộ Kinh Lăng Nghiêm này, đây là một hiện tượng rất hiếm có. Đã nhiều người phát tâm, hiện tại chúng tôi giảng là một phần quan trọng nhất trong Kinh Lăng Nghiêm. Cũng có thể nói, tinh hoa của toàn bộ kinh điển đều ở trong cuốn thứ sáu. Thật sự muốn hạ công phu đối với Kinh Lăng Nghiêm, vậy thì không thể dễ dàng bỏ qua toàn kinh. Nhưng chúng ta đọc chú giải, cũng phải có một phạm vi. Nếu chú giải này xem quá nhiều, quá tạp, vậy thì không thể đi vào con đường này. Hiện nay quý vị tu học đều lấy giảng nghĩa của pháp sư Viên Anh làm chủ, có thể tham khảo Lăng Nghiêm Chánh Mạch của đại sư Giao Quang, chúng ta chỉ hạn chế hai loại này.

Nếu chư vị muốn đưa ra vấn đề, chỉ cần đưa ra trong hai loại chú giải này, tôi trả lời. Còn như quý vị đưa ra vấn đề trong các chú giải khác, tôi sẽ không trả lời. Chúng ta phải thu nhỏ phạm vi, như vậy nghiên cứu mới có tâm đắc. Phạm những bộ phận chưa học đến, chư vị tự mình xem, có vấn đề nhất định phải đưa ra nghiên cứu thảo luận.

Hôm nay chúng ta tiếp tục xem đoạn kinh văn này, nói tường tận chương này, hai lần trước giới thiệu với chư vị về Bồ Tát Quán Tự Tại. Vì trong chương này, Bồ Tát Quán Tự Tại làm trọng tâm. Nếu chúng ta không biết thế nào gọi là Quán, thế nào gọi là Tự Tại, vậy thì tông chỉ của chương này, quý vị rất khó lãnh hội được.

Ở trước đã giới thiệu về Bồ Tát Quán Thế Âm, lại nói rõ với quý vị về phát tâm bồ đề. Hôm nay nói “bỉ Phật”, chính là thầy của ngài, Phật Quán Thế Âm. Quý vị xem, dạy ngài tu như thế nào? Dạy ngài “từ văn tư tu, nhập tam ma địa”. Đây chính là nói rõ phương pháp tu hành, “văn tu tư” cũng không dễ lãnh hội được. Nếu chúng ta nhìn chữ đoán nghĩa, văn là nghe, tư là tư duy, tu là tu sửa những sai lầm này của chúng ta. Nếu lãnh hội ý nghĩa như thế, đó là sai lầm. Lãnh hội về ý nghĩa này như thế, đây là Phật dạy hàng sơ học, chúng ta nói đến văn tư tu của hàng sơ học. Ở đây Bồ Tát Quán Tự Tại đã là pháp thân đại sĩ, nói cách khác, nếu theo pháp môn Tịnh độ mà nói. Họ đã chứng được nhất tâm bất loạn, đã nhập vào pháp môn bất nhị, làm gì còn có văn tư tu, ba vấn đề này. Chúng ta nhất định phải biết điều này.

Thông thường trong Phật pháp nói, sở học của hàng tiểu thừa là tam học. Tam tuệ so với tam học cao hơn nhiều, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Tam tuệ là một, một mà ba, ba mà một. Tuệ là gì? Là tuệ của giới định tuệ. Nói cách khác, không có tuệ, làm gì có văn tư tu? Văn là tuệ, tư là tuệ, tu vẫn là tuệ, đây gọi là tam tuệ.

Gọi là văn, chỉ cần lấy ý nghĩa của chữ này, quý vị nhất định thấu triệt được nội dung. Nhĩ căn tiếp xúc với âm trần, nó dùng chữ này để làm tượng trưng. Trên thực tế, những gì nó nói chính là lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần. Từ tiếp xúc mà nói, chúng ta gọi là văn. Vừa tiếp xúc đã thấu hiểu, đã thông đạt, đây gọi là tư. Cho thấy, tuyệt đối không phải thông qua tư duy, trong này nhất định không dùng đệ lục ý thức. Nếu quý vị nói, trong bát chánh đạo nói về chánh tư duy. Chúng ta muốn nói bát chánh đạo, bát chánh đạo còn có tiểu thừa, đại thừa. Chánh tư duy của tiểu thừa, vẫn là đệ lục ý thức. Chánh tư duy của đại thừa, là lìa tâm ý thức, đây là nói về ý nghĩa của tư. Có thể thấy, tư nó tuyệt đối không phải dùng đệ lục ý thức, tư duy tưởng tượng, chúng ta nhất định phải hiểu vấn đề này.

Tu có nghĩa là gì? Chính là ta vừa tiếp xúc liền giác ngộ, liền thấu triệt, liền thông đạt. Từ thấu triệt thông đạt, gọi là tư. Thấu triệt thông đạt, đương nhiên không mê hoặc, không điên đảo. Từ không mê hoặc không điên đảo, gọi là tu. Quý vị thử nghĩ xem, thực tế mà nói ba chữ văn tư tu này cùng một ý nghĩa, là những gì Bồ Tát đại thừa tu học.

Bây giờ chúng ta muốn hỏi, chúng ta có làm được hay không? Chúng ta không làm được. Vì sao không làm được? Vì chúng ta căn bản không có tuệ. Người học Phật phải thừa nhận điều này, tuyệt đối đừng nói “tôi có trí tuệ”. Đó là mê hoặc điên đảo, đây là tăng thượng mạn, cống cao ngã mạn, tuyệt đối không có trí tuệ. Vì sao nói không có trí tuệ? Vì ta không có thiền định, trí tuệ từ thiền định sanh ra. Ta không có thiền định, không được nhất tâm, vậy thì làm gì có trí tuệ.

Ngày nay chúng ta nói về trí tuệ, là trong Phật pháp gọi là thế trí biện thông. Chư vị phải biết điều này, tuyệt đối đừng coi thế trí biện thông là trí tuệ. Không những ngày nay chúng ta nói không có thiền định, thậm chí nói chúng ta đến giới học đều không có. Phật pháp thường nói, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Sau khí trí tuệ khai, mới có tam tuệ văn tu tư.

Học Phật, trong các buổi giảng, chúng tôi đưa ra với quý vị hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là phải khai ngộ, khai ngộ tức là phải khai trí tuệ. Mục tiêu thứ hai là phải chứng quả, như vậy mới không uổng công học Phật. Nếu thật sự muốn đạt được hai mục tiêu này, phải bắt đầu học từ đâu? Nhất định phải học từ giới định.

Giới học, người xuất gia y theo Sa Di Luật Nghi của đại sư Liên Trì là rất tốt, lấy nó làm nền tảng là được. Phật tử tại gia, nhất định phải y theo Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên do tổ sư Ấn Quang nói để làm cơ sở, đặt nền tảng Phật học. Chư vị nhất định phải nhớ, giới học là phương pháp, không phải mục đích. Giúp chúng ta được định, giúp chúng ta được nhất tâm. Ngày nay chúng ta không thể được thiền định, không thể được nhất tâm, chính là do không có nền tảng của giới học. Do đây có thể biết, tính quan trọng của giới học. Hy vọng mọi người nếu muốn có thành tựu thật sự, về phương diện này phải nỗ lực nhiều hơn, phải đặc biệt nỗ lực. Thái độ tu học cơ bản, trong các buổi giảng chúng ta nói rất nhiều.

Lục tổ Huệ Năng nói với chúng ta, cũng rất rõ ràng. Tu học đương nhiên chú trọng đến phương pháp, thực tế mà nói thái độ còn quan trọng hơn phương pháp. 90% thành công ở thái độ tu học chính xác hay không? Phương pháp chỉ chiếm được 10% mà thôi, cũng tức là 1/ 10 mà thôi.

Nói đến thái độ nhất định phải biết, ta học Phật là tự mình học mình, không phải dạy người khác học Phật, phải hiểu rõ quan niệm này. Giới luật là tự mình trì giới, không phải nhìn người khác trì giới. Giới luật chúng ta rất thanh tịnh, nhưng ngày ngày ta thấy người khác phạm giới không thanh tịnh, bản thân mình cũng không thanh tịnh. Đây là thái độ tu học sai lầm. Vì sao vậy? Vì ngoài bản thân ra là cảnh giới. Trong cảnh giới không có tốt xấu, không có thiện ác, không có đúng sai, cảnh giới là nhất chân. Tất cả đúng sai, tà chánh, thiện ác đều sinh ra từ tâm tâm sở của chính mình, không liên quan đến cảnh giới bên ngoài. Nếu liên quan đến cảnh giới bên ngoài, không có chúng sanh nào có thể thành Phật. Chư vị thử nghĩ có đúng không? Chính vì không liên quan đến cảnh giới bên ngoài, cho nên Đức Phật nói tất cả chúng sanh vốn thành Phật. Đây là nhận thức cơ bản nhất của việc tu học, phải hiểu rõ ràng.

Do đây có thể biết, thành hay không thành tự mình chịu trách nhiệm, không hề liên quan đến nhân sự hay hoàn cảnh. Thành hay không thành đều do mình có nhận thức đúng đắn hay không, tín tâm ta kiên định, phương pháp tu học có chính xác hay không. Chẳng những giới tiểu thừa này là tự luật, là tu sửa hành vi của chính mình, mà giới Bồ Tát đại thừa cũng không ngoại lệ.

Giới Bồ Tát là nhập chúng, giới tiểu thừa là tự luật, chính là quy phạm cuộc sống riêng tư, giới đại thừa là quy phạm trong đại chúng. Trong đại chúng cũng là tự luật, chứ không phải luật tha, đây là nét đặc sắc của giới luật Phật pháp. Nếu cho rằng giới luật là dùng để cấm chỉ người khác, không được làm điều này, không được làm điều kia, phải như thế nào thế nào, vậy là sai. Cho nên nói, giới đại thừa và tiểu thừa đều là tự luật, giúp thân tâm chúng ta thanh tịnh, giúp ta được nhất tâm. Nếu tâm ta duyên cảnh giới bên ngoài, tâm liền tán loạn, không thể được nhất tâm. Không được nhất tâm, sao có thể khai trí tuệ? Nếu chư vị thật sự có thể lãnh hội được ý nghĩa của mấy câu này, trong đời này sẽ chứng được nhất tâm. Từ nhất tâm tiến thêm một bước nữa là tu hành chứng quả, tôi có thể nói là chắc chắn có nắm bắt.

Nếu thấy cảnh giới bên ngoài, cái này đúng, cái kia sai, nhà họ Trương thế này, nhà họ Lý thế nọ, đời này chắc chắn trôi qua một cách vô ích. Chẳng những không chứng được nhất tâm, e rằng là công phu thành phiến đều thành vấn đề. Công phu thành phiến thành vấn đề, nói cách khác, đới nhiệp vãng sanh không đáng tin. Do đó đối với Bồ Tát đạo chỉ có riêng mình. Quý vị xem trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử chỉ có một mình, không có người thứ hai. Có hai người thì sao? Hai người là có tâm phân biệt, một người không có tâm phân biệt. Một người, học sinh chỉ có một người, ngoài mình ra còn lại đều là thiện tri thức. Thiện tri thức chính là thầy, ngoài ra đều là thầy, mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là thầy mình, cho nên Thiện Tài Đồng Tử một đời thành Phật. Phật là thầy chúng ta, ma cũng là thầy, người thiện cũng là thầy, người ác cũng là thầy.

Rèn luyện trong cảnh giới này, rèn luyện gì? Rèn luyện tâm thanh tịnh của mình, bất luận trong hoàn cảnh nhân sự nào, tâm đều thanh tịnh, phải luyện tâm qua mọi việc. 53 lần tham bái này là rèn luyện, ở trong cảnh giới này luyện tâm bình đẳng của mình, luyện tâm thanh tịnh của mình, luyện tâm từ bi của mình. Bởi vậy cảnh duyên bên ngoài, cảnh là nói đến hoàn cảnh vật chất, duyên là nói đến hoàn cảnh nhân sự. Tất cả đều là thầy, tất cả đều là thiện hữu.

Quý vị xem, thiện tri thức trong 53 lần tham bái, có thể nói là bao gồm các ngành các nghề. Trong đó có Phật Bồ Tát, cũng có người ác. Như Cam Lồ Hỏa Vương, căn bản không nói lý lẽ, rất hung dữ tàn bạo, đó cũng là thiện tri thức. Thắng Nhiệt Bà la môn ngu si, chính là tượng trưng sự đa hình đa dạng của thế gian này, tất cả đều là thiện hữu. Đối với một người tu đại thừa mà nói, ở đây nói về văn tu tư chính là ý này.

Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất tường tận, 40 quyển kinh văn nói rõ về Thiện Tài Đồng Tử tu văn tư tu, ngài cũng tu tam tuệ. Trong kinh này chỉ có một câu, nếu nói giống như kinh văn, đoạn này nói từ văn tư tu nhập tam ma địa. Đây là đề mục của bài văn, nội dung là Tứ Thập Hoa Nghiêm. Tứ Thập Hoa Nghiêm chính là biểu hiện của Thiện Tài Đồng Tử, từ văn tư tu nhập tam ma địa. Quý vị hỏi Bồ Tát Quán Thế Âm, ngài thành Phật như thế nào? Thành tựu Đẳng giác Bồ Tát như thế nào? Ngài đã thành tựu như thế. Chúng ta đã biết đạo lý này, đã biết phương pháp này. Vậy trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta trải sự luyện tâm.

Phật pháp đại thừa và Phật pháp tiểu thừa không giống nhau, Phật pháp tiểu thừa là bảo thủ, Phật pháp đại thừa khai phóng. Bảo thủ dễ học, khai phóng khó học. Tuy bảo thủ dễ học, nhưng thành tựu không lớn. Khai phóng không dễ học, nhưng một khi thành tựu, đó là thù thắng nhất. Bởi vậy bảo thủ không thể kiến tánh. Nói cách khác, họ có thể đạt được định, đạt được tuệ, tuệ đó là gì? Tuệ là căn bản trí, nhưng căn bản trí này không phát sanh hậu đắc trí, tuệ này không khởi tác dụng.

Do đó chúng ta thường nói hàng tiểu thừa có định, không có tuệ, hàng tiểu thừa không có trí tuệ bát nhã. Trong tam đức mà nói, pháp thân, bát nhã, giải thoát, tiểu thừa chỉ có được nửa sự giải thoát, chưa chứng pháp thân, không có trí tuệ bát nhã, đây là thành tựu của người bảo thủ. Đại thừa Bồ Tát thành tựu không như vậy, họ có thể chứng được pháp thân, có thể chứng được giải thoát, có thể chứng được bát nhã, đây là điểm không tương đồng.

Những năm lại đây, tôi học Phật đã 30 năm, trong 30 năm nay lãnh hội một cách sâu sắc. Thời đại của chúng ta học Phật, đối với hoàn cảnh tu học mà nói, có thể nói có rất nhiều điều chúng ta tiện lợi, thù thắng hơn cổ nhân, nhưng vì sao hành và giải không bằng cổ nhân? Nếu chư vị đọc kỷ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục sẽ rõ. Cổ nhân nói một người có căn tánh bậc trung hạ học pháp môn niệm Phật này, ba năm, năm năm, họ có thể được nhất tâm, họ có thể vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc, người như vậy quá nhiều. Chúng ta học suốt 30 năm, đến cái bóng của thế giới tây phương đều không có, không hề có chút tin tức nào, vấn đề này rất nghiêm trọng. Đương nhiên chúng ta tu học nhất định có sai lầm, nếu không có sai lầm sao không có tin tức? Đây là vấn đề đáng để chúng ta kiểm điểm, sai ở đâu? Sai ở chỗ không có nền tảng, chúng ta quan sát tường tận, cổ nhân có nền tảng. Có thể quý vị muốn hỏi, cổ nhân, những người có học vấn, người có tri thức, có nền tảng, chúng ta tin không có vấn đề. Còn có nhiều bà cụ căn bản không biết chữ, họ có căn bản gì, nhưng họ niệm Phật ba năm cũng có thể vãng sanh.

Tôi tham gia khóa tu mùa hè đầu tiên tại Phật Quang Sơn, lúc tổ chức khóa tu mùa hè đó, ở Phật Quang Sơn có một vài công nhân xây đình Hương Quang. Đình Hương Quang chỉ có mấy cái trụ, trên chưa lợp ngói. Buổi tối chư vị đồng học đều ở đó nói chuyện, thảo luận bài học. Có một công nhân làm việc ở Phật Quang Sơn nói với chúng tôi_Anh ta là người làng Tướng Quân ở Đài Nam, kể cho chúng tôi một câu chuyện. Hôm đó chúng tôi nghe kể chuyện hơn một tiếng đồng hồ, là một người công nhân kể cho chúng tôi nghe, về câu chuyện một bà cụ ở quê họ vãng sanh, là sự thật 100%, họ tận mắt chứng kiến. Bà cụ này không biết chữ, bình thường làm người tâm địa rất lương thiện, nhưng bà không hiểu gì Phật pháp. Cho nên bà đi thắp hương lễ lạy khắp các đình chùa, tâm địa rất từ bi, rất lương thiện. Năm trước bà cưới một cô con dâu, con dâu là người học Phật, hiểu Phật pháp, liền khuyên bà niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh độ, khuyên bà cầu sanh Tịnh độ. Bà quay lại chuyên niệm Phật A Di Đà. Bà niệm được một năm, ngày vãng sanh bà nói với người trong nhà_con và dâu bà rất hiếu thuận. Bà nói, tối nay ăn cơm, các con không cần đợi mẹ, nói rồi bà đi tắm rửa. Người nhà vẫn đợi bà, không ngờ đợi rất lâu cũng không thấy bà ra. Vào nhà tắm xem cũng không thấy bà trong đó, bà đi đâu? Bà ở trước bàn thờ Phật trong nhà mình, đang đứng trước Phật đường niệm Phật. Khi xem kỹ bà đã vãng sanh, đứng vãng sanh. Công phu niệm Phật của bà chỉ mới một năm, đứng vãng sanh. Người công nhân này nói với chúng tôi rằng, chắc chắn vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Vấn đề này nói lên điều gì? Căn cơ có hai loại, hai loại này đều giống như trong kinh nói, là thiện căn và phước đức. Thiện căn phước đức này, tôi cũng nói với mọi người như thế nào gọi là thiện căn? Vừa nghe đã hiểu, liền tin nhận, như vậy nghĩa là có thiện căn. Sau khi hiểu rõ đạo lý, sau khi đã tin sẽ thực hành, đây là phước đức. Nếu hiểu đạo lý, hiểu phương pháp mà không thực hành, vậy là không có phước. Thực hành, nhưng nghe không hiểu, tức không có thiện căn. Người như vậy là sao? Không được đi học, không biết chữ, những bà cụ này họ có thể vãng sanh.

Lại nói, chúng ta được học hành, được tiếp thu giáo dục. Những người học Phật này, nhất định cũng phải tuân thủ phép tắc này, phải có căn bản. Cổ nhân tu học, chúng ta xem lịch đại chư vị tổ sư, hầu như không ai không có nền tảng của Nho giáo. Tứ thư ngũ kinh là cơ sở, thay thế Phật pháp tiểu thừa, vì thế họ có căn bản này.

Tôi khuyến khích chư vị đồng học phải thuộc Tứ Thư, nghĩa là đặt nền tảng trong Phật pháp tiểu thừa, sau đó mới có thể học Phật pháp đại thừa. Nếu không có nền tảng của Tứ thư ngũ kinh, vậy phải dùng kinh điển tiểu thừa làm nền tảng. Kinh điển tiểu thừa ít nhất phải tu học hai ba mươi bộ, hai ba mươi bộ không gọi là nhiều. Hiện nay trong Đại Tạng Kinh, kinh điển đại thừa có khoảng mấy ngàn bộ. Chúng ta có nền tảng của hai ba mươi bộ, tiếp tục đi vào đại thừa, như vậy còn có thể miễn cưỡng.

Nhưng kinh điển tiểu thừa, đối với chúng ta không gần gủi như tứ thư ngũ kinh. Huống gì tứ thư ngũ kinh, nó quả thật thông tiểu thừa, thông đại thừa. Làm nền tảng tu học của đại thừa là không có gì tốt hơn, chúng ta phải tập trung công phu vào đây. Đi vào đại thừa, trong pháp đại thừa chính là tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhất định phải nhất môn thâm nhập. Mà ngày nay chúng ta tu học, nói thực là tham nhiều nhai không nhuyễn.

Trong Phật học viện, tuy ở Đài Loan đã thành lập được 30 năm. Tôi cũng từng tham gia không ít học viện, môn học quá nhiều, quá tạp, ba năm sáu học kỳ phải học hai ba mươi môn kinh luận. Kết quả những gì học được chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có môn nào thâm nhập, đây là dùng sai phương pháp. Phật pháp tuyệt đối không phải pháp thế gian, pháp thế gian như thế nào? Pháp thế gian từng môn riêng biệt, không quán thông. Ví dụ quý vị đi học, học về kiến trúc xây dựng, quý vị không hiểu gì về y học. Hai khoa này không giống nhau, không hề liên quan nhau. Nhưng đối với Phật pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều có sự xuyên suốt. Giống như một căn nhà, chu vi bên ngoài có tám vạn bốn ngàn cửa. Bất luận ta đi vào từ cánh cửa nào đều được, không giống với học vấn thế gian. Bởi vậy nói, một kinh thông tất cả kinh thông, quý vị học tất cả các kinh không có kinh nào thông. Ta là một môn không thông, các môn đều không thông, thử thách này quá gay go! Ngày nay chúng ta phạm sai lầm chính là điểm này.

Bởi vậy khi chúng ta quan sát cổ nhân, cổ nhân học chỉ học một môn. Học Hoa Nghiêm suốt đời họ chỉ học một bộ Kinh Hoa Nghiêm, học Pháp Hoa suốt đời họ chỉ học một bộ Kinh Pháp Hoa. Họ thông triệt môn này, thì mọi môn đều thông đạt. Quý vị mời họ giảng bất kỳ kinh điển nào, họ đều giảng một cách thấu đáo lưu loát. Chúng ta xem các trước tác, chú sớ của chư vị cổ đức đều rất phong phú. Thực tế sở học của họ là một môn, đúng là một thông tất cả thông.

Sai lầm mà ngày nay chúng ta phạm phải, chính là muốn học cùng lúc nhiều pháp môn. Tôi học hết mọi thứ, kết quả mọi thứ đều không biết. Cổ nhân nói, tôi không cần học gì cả, tôi chỉ học một thứ. Kết quả họ thông triệt một môn, là mọi thứ đều thông đạt.

Tôi cảm thấy sự tu học của tôi có được chút vỏ bên ngoài, đó chính là nhờ thầy Lý dạy học, thầy là nhất môn thâm nhập. Học với thầy, không được học cùng lúc hai môn. Nếu ta học cùng lúc hai môn thầy không dạy, chỉ được học một thứ.

Quý vị thử nghĩ xem, quý vị học ở Phật học viện, ba năm học bao nhiêu môn. Tôi ở Đài trung học Kinh Lăng Nghiêm với thầy Lý, một bộ kinh là ba năm, ba năm học một bộ kinh, quý vị ba năm phải học mấy mươi bộ kinh. Tôi học một bộ Kinh Kim Cang suốt một năm, một năm tròn, một bộ Kinh Lăng Nghiêm học suốt ba năm. Đây nói lên điều gì? Phải chuyên vào một thứ, chuyên nhất. Tôi học với thầy Lý mười năm, nghe thầy giảng kinh. Kinh điển đại tiểu thừa, tất cả nghe khoảng gần 30 bộ kinh. Tôi chỉ học năm bộ, học nhiều quá không được, học nhiều tiêu hóa không hết. Tôi chỉ học năm thứ, năm thứ này Kinh Lăng Nghiêm lớn nhất, hạ công phu nhiều nhất, dùng thời gian suốt ba năm.

Tôi kiểm điểm bản thân, lại quan sát phương pháp dạy học hiện nay, rồi xem sự tu học của cổ nhân, có được một kết luận. Nghĩa là cần phải y theo phép tắc và quy củ của cổ nhân, không nương theo quy củ không thể có thành tựu. Trên nguyên lý nguyên tắc mà nói, nhất định từ giới định tuệ rồi đi vào văn tư tu, đây là con đường nhất định. Theo phương pháp mà nói, nhất định từ nhất môn thâm nhập mà chọn một môn này, suốt đời không được thay đổi. Nếu thay đổi, công sức trước đó có được hoàn toàn mất hết, phải bắt đầu lại, tổn thất này quá lớn. Bởi vậy khi bắt đầu, lựa chọn cẩn thận, sau khi chọn xong không được thay đổi. Sự lựa chọn này đương nhiên phải theo sở thích của mình, phải theo trình độ của mình, phải theo hoàn cảnh tu học của mình. Còn phải suy nghĩ đến nhu cầu thời đại, sự tu học của mình, cho đến tương lai hoằng pháp, tự lợi lợi tha, nhất môn thâm nhập như thế nào, như vậy mới có thể thành công.

Ở đây nói, Phật Quán Thế Âm khuyến cáo Bồ Tát Quán Thế Âm, trước tiên phải phát tâm bồ đề, không phát tâm bồ đề là không thể tu học. Chúng ta nghe xong cũng phải phát tâm bồ đề, chúng ta phát tâm này phải chăng là tâm bồ đề thật? Không phải. Điều này chư vị phải biết. Tâm bồ đề là tâm giác, hiện nay chúng ta mọi thứ đều mê hoặc điên đảo. Tâm chúng ta là tâm phàm phu, không phải tâm bồ đề, phải hiểu rõ điều này. Tâm bồ đề, ở trong tất cả cảnh giới giác mà không mê, đây là tâm bồ đề. Bồ đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là giác. Bởi vậy hàng nhị thừa không có tâm bồ đề, hàng nhị thừa mê hoặc điên đảo. A la hán, Bích Chi Phật đều không có tâm bồ đề.

Chúng ta lại hỏi, thế nào gọi là tâm bồ đề? Tâm bồ đề phát như thế nào? Tâm bồ đề là chân tâm của mình, trong Khởi Tín Luận gọi là bổn giác. Khởi Tín Luận nói: “bổn giác bổn hữu, bất giác bổn vô”. Cho thấy tâm bồ đề, là mỗi người chúng ta đều vốn đầy đủ. Đáng tiếc, tuy vốn đầy đủ, hiện nay đang mê, không thể hiện tiền, đây là điều rất bi ai. Sao lại mê? Vì có phân biệt chấp trước. Nói cách khác, ta có phiền não chướng, có sở tri chướng, làm chướng ngại tâm giác vốn có của mình, biến thành bất giác.

Chư vị thật sự tu học pháp đại thừa, trước tiên phải phát tâm bồ đề. Muốn phát tâm bồ đề, đầu tiên phải phá phiền não chướng, phải phá sở tri chướng. Nếu không phá phiền não, sở tri chướng, tâm bồ đề của quý vị chỉ phát trên miệng mà thôi, không có hiệu quả. Không phải tâm bồ đề thật sự, hữu danh vô thực, sao có thể khai ngộ được? Vì thật sự muốn phát tâm bồ đề, phải hạ công phu từ đoạn phiền não. Hai chướng phiền não chướng và sở tri chướng này, có thể tiến hành đồng thời.

Hành bố thí là gì? Tu thứ tự về mặt sự tướng. Thứ nhất tu từ lý luận là viên dung, về lý sự đích thực chúng ta có thể hạ thủ đồng thời. Sự chính là sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, trong cảnh giới luyện tâm bình đẳng. Thế nào gọi là luyện tâm bình đẳng? Là thấu triệt tất cả. Trong sự thấu hiểu này không khởi tâm, tức là không khởi tâm phân biệt, không khởi tâm chấp trước, tâm mình sẽ bình đẳng. Nếu trong tất cả cảnh giới này, khởi phân biệt chấp trước, tâm mình không bình đẳng. Trong tất cả cảnh giới này không thông đạt, vậy là mê hoặc, là hồ đồ, gọi là vô minh. Còn như khởi phân biệt chấp trước, gọi là tán loạn, tâm không thể chuyên nhất. Lại phải thấu triệt, lại không phân biệt. Thấu triệt là trí tuệ, không phân biệt là thiền định. Định tuệ đẳng trì, định tuệ đẳng vận, đồng thời tu học, đây là về sự.

Mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, đây chính là từ văn tu tư nhập tam ma địa. Về lý, chúng ta thường khuyên mọi người, đọc tụng kinh điển. Mục đích đọc tụng không phải để nhớ, cho nên khác với mục đích đọc sách của thế gian. Pháp thế gian, mục đích đọc sách của họ là để nhớ nó, đừng để quên, mục đích là để ghi nhớ. Mục đích đọc sách của Phật pháp, mục đích đọc sách không phải ghi nhớ nó. Mục đích của nó là gì? Mục đích chính là hoàn thành một lần cả giới định tuệ.

Giới luật, giới luật tiểu thừa, tinh thần của nó ở chỗ đừng làm các điều ác. Tinh thần của giới đại thừa, ở chỗ thực hành các điều thiện. Không làm các điều ác, thực hành các điều thiện, bao gồm tất cả giới luật đại và tiểu thừa. Chúng ta đọc kinh, tâm này thanh tịnh, không sanh tâm làm ác, không có ý niệm xấu. Cho nên khi đọc kinh, đương nhiên tâm này là không làm các điều ác, không có niệm ác. Cho thấy, giới tiểu thừa là đủ.

Kinh là ngôn giáo của thánh nhân, là ngôn ngữ hiển lộ ra từ chân như bổn tánh, thiện trong các điều thiện. Ta đọc tụng kinh điển chính là chúng thiện phụng hành. Quý vị xem, khi ta đọc tụng kinh điển, giới luật đã đầy đủ. Khi đọc thuộc lòng phải chuyên tâm, chuyên tâm nghĩa là tu định. Khi đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối, mỗi chữ rõ ràng, không sai câu nào, không sót chữ nào, đây là tu tuệ. Cho thất mục đích thuộc lòng, chính là hoàn thành một lần cả tam học giới định tuệ.

Đây chính là trong Kinh Hoa Nghiêm nói, hành bố không ngại viên dung, viên dung không ngại hành bố. Viên dung là một lần hoàn thành, hành bố là tu theo thứ tự. Thứ tự là sáu căn chúng ta tiếp xúc với sáu trần, bất luận tiếp xúc với cảnh giới gì, đều là đang học tam học tam tuệ. Nơi nơi là đạo tràng, người người là Phật Bồ Tát, học sinh tức là chính bản thân mình.

Trong Kinh Hoa Nghiêm một học sinh là Thiện Tài, trong Kinh Pháp Hoa một học sinh là Bồ Tát Thường Bất Khinh, quý vị đọc phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh. Cho nên chúng ta học Thiện Tài, học Bồ Tát Thường Bất Khinh, đời này nhất định thành tựu.

Nói đến đoạn phiền não chướng, đầu tiên phải đoạn trừ tư dục, tư tâm, dục vọng. Nếu có một chút tư tâm, còn có một chút dục vọng, chư vị phải biết, phiền não chướng của mình ngày ngày đang tăng trưởng, tâm bồ đề không có hy vọng, làm sao có thể được thiền định? Đừng nói ngũ dục lục trần của thế gian, quý vị tẩy trừ sạch sẽ từ trong tâm địa, ý niệm hoằng pháp lợi sanh đều không thể có, vì sao vậy? Vì hoằng pháp lợi sanh vẫn là dục vọng, vẫn là chướng ngại của mình. Bản thân có cần hoằng pháp lợi sanh? Phải làm, ngày ngày làm. Hôm nay làm, hôm nay viên mãn, ngày mai, không nghĩ ngày mai, nghĩ ngày mai là gì? Nghĩ ngày mai, nghĩa là có dục vọng, là có tư dục. Cho nên Phật giáo dạy chúng ta, tùy duyên đừng phan duyên. Nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến tôi muốn làm thế nào thế nào, đó chính là phan duyên, tâm ta không thanh tịnh. Ngày mai vẫn chưa đến, nghĩ đến nó làm gì? Ngày mai, ngày mai nói sau. Tóm lại mà nói, nhất định phải giữ cho mình thân tâm thân tịnh, đại từ đại bi. Trong đại từ đại bi, lại không thể có dục vọng. Đến dục vọng hoằng pháp lợi sanh đều không được có, đến dục vọng thành Phật tác tổ cũng không được có. Tôi muốn làm sao được nhất tâm bất loạn, dục vọng này cũng không được có. Có ý niệm này đều là chướng ngại, tâm không thể được nhất.

Quý vị xem, đoạn này rất quan trọng. Phật Quán Thế Âm dạy cho ngài, dạy ngài phát tâm trước, sau đó mới dạy tu hành. Tâm bồ đề là tâm giác, sau đó tu hạnh này, đều là y giác mà hành, tuyệt đối không mê, cho nên đây gọi là tam tuệ. Cổ đức dạy chúng ta, Bồ Tát tu hành, trước tiên phải phát đại tâm, sau đó y giáo phụng hành, câu này rất quan trọng. Nếu ta không y giáo phụng hành, tự theo ý mình cho rằng nên làm như thế nào thế nào, điều này rất phiền phức.

Phật pháp ngày nay đang đi theo phương hướng này, gọi là tân Phật học, đem thánh giáo của cổ nhân nói thành gì? Là Phật học truyền thống. Ý nghĩa của truyền thống chính là cựu Phật học, Phật học trước đây có thể không cần, bây giờ chúng ta cần tân Phật học. Nói cho chư vị biết, tân Phật học đa phần đều là lời nói bịa đặt, thật sự có thành tựu vẫn là Phật học nguyên thủy, phương pháp nguyên thủy. Đây là họ nói, thật ra trong Phật pháp có cũ mới chăng? Không có cũ mới. Trong lục độ nói tinh tấn, đã là tinh tấn_tấn là tiến bộ, tinh là tinh thuần không tạp, vậy thì cũ ở đâu? Phật pháp vĩnh viễn là mới. Đem cái mới thật sự xem thành cũ, cho thấy họ đã lạc hậu, họ mới là cũ, đó là điên đảo, là sai lầm.

Học thuyết cổ của người xưa cũng không cũ, nếu cũ sao có thể nói ngày càng mới? Đã là ngày càng mới, cho nên nó vĩnh viễn là mới, sao có thể gọi là cựu học? Sao có thể gọi là cổ học, đây đều là quan niệm sai lầm của chúng ta. Nhận thức không rõ ràng, bị hại không phải người khác, mà là chính mình. Cho nên nhất định phải y thánh giáo, tuyệt đối đừng theo ý mình.

Trong kinh điển Phật không ngừng dạy chúng ta, trước khi chưa chứng được A la hán, không được y theo ý mình, vì sao vậy? Vì ý mình là sai lầm. Sau khi chứng được A la hán, có thể y theo ý mình. A la hán là chánh giác, Bồ Tát là chánh đẳng chánh giác, Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì A la hán đã đoạn tận phiền não chướng, không còn mê muội, lúc này ý của họ có thể tin, đáng tin.

Chúng ta hiện tại chưa đoạn phiền não chướng, tâm ý chúng ta tuyệt đối không đáng tin. Nếu y theo ý mình, có thể nói có vô lượng vô biên sai lầm. Nếu còn tự cho mình hơn người, vậy thì hết cách. Cho nên nhất định phải y theo giáo huấn của Phật, từ văn tu tư nhập tam ma địa. Ý nghĩa của ba chữ văn tư tu này, lúc nãy đã nói rõ với chư vị, ý nghĩa ba chữ này rất rộng, sâu cạn khác nhau rất lớn.

Quý vị thử nghĩ xem, Bồ Tát tu học, thật sự áp dụng tam tuệ văn tu tư là địa vị nào? Là viên giáo sơ trụ. Chỉ cần biết vận dụng pháp môn này, thật sự dùng pháp môn này, quý vị chính là Bồ Tát viên giáo sơ trụ. Trong Tịnh độ gọi là chứng được lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn, là trên cơ sở tam học giới định tuệ, vẫn chưa đến tam tuệ. Chứng được lý nhất tâm, lúc này là tam tuệ. Cho nên lý nhất tâm, giống như trong Di Đà Kinh Sớ Sao đại sư Liên Trì nói, có thứ lớp sâu cạn không giống nhau. Giống nhau là chứng lý nhất tâm, có người chứng được cạn, có người chứng sâu, chúng ta xem đại kinh là biết. Trong Hoa Nghiêm nói, viên giáo sơ trụ chứng được lý nhất tâm, đến Đẳng giác vẫn là lý nhất tâm. Vị thứ này có 41 cấp bậc khác nhau, thứ lớp sâu cạn khác nhau. 41 vị pháp thân đại sĩ này, họ đều từ văn tu tư nhập tam ma địa. Tam ma địa chính là nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm. Tu như thế nào? Tu từ tam tuệ văn tư tu. Văn gọi là văn tuệ, vì sao gọi là tuệ? Điều này chư vị phải biết, nếu chúng ta rơi vào tâm phân biệt không gọi là tuệ, lìa tâm ý thức mới gọi là tuệ.

Do đây có thể biết, văn là dùng tánh nghe để nghe, không phải dùng nhĩ thức nghe. Nhĩ thức là lưu chuyển theo thanh trần, sao có thể gọi là tuệ, đó gọi là phiền não. Nhĩ thức tùy theo âm thanh bên ngoài khởi lên điều gì? Sanh khởi hỷ nộ ai lạc. Ví dụ quý vị nghe âm nhạc, có khi nghe rất hoan hỷ, có khi nghe lại rơi nước mắt, đó là tâm ta lưu chuyển theo âm thanh. Âm thanh bên ngoài làm tâm mình cảm động, tâm này là gì? Là vọng tâm, tâm ý thức. Đây gọi là gì? Là tâm tùy cảnh chuyển. Tâm tùy cảnh chuyển, tâm này là vọng tâm, không phải chân tâm. Chân tâm là như như bất động, không chuyển theo cảnh.

Nói đến tam tuệ, đây là dùng chân tâm, không phải dụng vọng tâm. Chân tâm, đối với nhĩ gọi là tánh nghe, đối với mắt gọi là tánh thấy. Tánh thấy thấy là sắc tánh, không phải sắc trần. Sắc trần là nhiễm ô, không phải bình đẳng. Sắc tánh là thanh tịnh, là bình đẳng. Cho nên ngài kiến tánh, ở tai là tánh nghe nghe âm thanh, âm thanh này là thanh tánh. Thanh tánh cũng là thanh tịnh, cũng là bình đẳng, trong này tuyệt đối không sanh hỷ nộ ai lạc.

Chư vị phải biết rằng, thất tình ngũ dục là phiền não. Phàm phu chúng ta, thấy sắc nghe âm thanh sanh phiền não, nhưng Bồ Tát thấy sắc nghe âm thanh khai trí tuệ, không sanh phiền não. Cảnh giới này chúng ta rất khó lãnh hội được, nguyên nhân ở đâu? Là do xưa nay chúng ta chưa từng có kinh nghiệm này. Hay nói cách khác, xưa nay ta chưa từng lìa tâm ý thức, làm sao có thể lãnh hội được? Nếu khi nào lìa được tâm ý thức, quý vị sẽ lãnh hội được hương vị này, trí tuệ thật sự khai phát.

Cho nên ở đây văn là nói về tánh nghe nghe thanh tánh. Đây là đưa ra ví dụ, ngoài ra đều phải biết, tánh thấy thấy sắc tánh. Thậm chí ý căn, căn tánh của ý căn, tri là pháp tánh. Điều này nhà thiền gọi là minh tâm kiến tánh, trong Tịnh độ gọi là lý nhất tâm bất loạn. Văn như vậy, tư tu cũng không hai. Cho nên tư không phải tư của đệ lục ý thức, cũng không phải tư trong biến hành tâm sở mà Duy thức nói, cũng không phải tư của thiện ác. Những tư này đều gọi là tà tư, đều gọi là tà trí tuệ. Phàm phu, ngoại đạo, quyền giáo, tiểu thừa đều rơi vào trong tà trí tuệ.

Trong kinh này Đức Phật trách tôn giả A nan, A nan nặng về ghi nhớ, không tránh khỏi rơi vào tà tư. Tôn giả A nan quảng học đa văn, những gì Phật nói ngài đều ghi nhớ. Nhưng Phật vẫn trách cứ ngài, tuy ngươi nghe rộng nhớ nhiều, vẫn rơi vào trong tà tư duy. Do đây có thể biết, thế nào gọi là chánh tư duy? Ý nghĩa của câu này, nếu nói sâu sắc một chút, tư này chú trọng đến tánh nghe, tánh nghe và thanh tánh là một tánh không phải hai tánh, phải nhớ điều này.

Chúng ta nói đến lục trần, tánh của lục trần và tánh của lục căn, là một tánh không phải hai tánh. Lục căn, lục căn là chỉ hữu tình chúng sanh, chúng ta gọi nó là Phật tánh, lục trần chúng ta gọi là pháp tánh. Phật tánh và pháp tánh là một tánh không phải hai tánh. Tư ở đây là chuyên chỉ tánh nghe, nếu chuyên chú vào pháp tánh cũng được, đều giống nhau. Tuyệt đối đừng nói, vì sao chuyên chú trên pháp tánh, không giống nhau ư? Là giống nhau. Vì nhất tánh không phải hai tánh, đây gọi là minh tâm kiến tánh. Vì ta chuyên chú trên tánh, cho nên đối với trần không bị ô nhiễm, cũng không chấp trước. Vì sao phàm phu thấy sắc nghe âm thanh bị nhiễm trước? Vì họ thấy tướng không thấy tánh, đối với tướng họ khởi vọng tưởng, khởi phân biệt chấp trước hư vọng. Mà phân biệt chấp trước, thật ra đều là hư vọng, không phải chân thật. Vì sao vậy? Vì căn bản ta đâu có chấp trước được, vì sao không chấp trước được? Trong Đại Kinh nói rất rõ ràng: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, bao gồm thân tướng, tâm tướng của chính mình đều là hư vọng, đều không phải chân thật. Hay nói cách khác, tự mình không giữ được mình, vật ngoài thân quý vị có thể khống chế được, có thể chấp trước được sao? Đó là việc không thể.

Thân tướng này của chúng ta, nhiều ít quý vị có thể hiểu một chút, mặc dù không lãnh hội được. Vì thường nói, sắc tướng này sát na sanh diệt. Trong kinh nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt. Bởi vậy tất cả sắc tướng thập pháp giới y chánh trang nghiêm này, là tướng sát na sanh diệt, tướng tương tục. Cho thấy, nó không tồn tại thật sự, sao ta có thể chấp trước? Đến thân tướng mình, tâm tướng này, thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy. Tướng của thân tâm đều bất khả đắc, tướng cảnh giới bên ngoài, có gì để ta có thể chấp trước đạt được? Cho nên tất cả đều là không, chúng ta phải thấu triệt, phải thông đạt điều này. Nói đến tu, ở đây tuyệt đối không phải có vô số tạo tác, công hạnh, tu hành. Ở đây nói đến tu, cũng chính là trong Đại Kinh thường nói, tu mà không tu, không tu mà tu, đây là chân tu. Mà hiện nay chúng ta tu học là tu hữu vi, tu hữu tướng, không phải cảnh giới của pháp thân đại sĩ.

Pháp thân đại sĩ tu, từ đoạn hoặc gọi là tu, từ hiểu lý lẽ gọi là tư. Là một không phải hai, là đồng thời, không phải thứ tự. Cho nên văn tư tu là đồng thời, không có thứ tự, không có trước sau. Tuyệt đối không được ngộ nhận, văn rồi mới tư, tư rồi mới tu, phân nó thành ba giai đoạn. Vậy là hoàn toàn sai lầm, đó không phải một, mà biến thành ba. Đây là một, một mới là trí tuệ, hai chính là vọng tưởng. Chư vị phải nhớ, nhất tâm là trí tuệ, hai tâm là vọng tưởng. Có thể trong suốt 12 tiếng đồng hồ, trong mọi cảnh giới giữ được tâm mình là một, tâm này niệm niệm sanh trí tuệ. Nếu có hai, có ta có người, có đúng có sai. Có hai, hai là vọng tưởng, trí tuệ không còn, biến trí tuệ viên mãn thành vô lượng vọng tưởng. Bởi vậy người biết tu, thu nhỏ vô lượng vọng tưởng thành một trí tuệ. Phật và phàm phu khác biệt ở chỗ này.

Nói đến tu hành chơn chánh, tuy không phải cảnh giới của chúng ta, nhưng chúng ta nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng phải nói vài câu sơ lược về cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm. Rốt cuộc chư vị lãnh hội được bao nhiêu, là vấn đề của mọi người.

Đầu tiên, ở trước nói về văn, văn là nói đến tiếp xúc. Vừa tiếp xúc là thông đạt, là thấu triệt, tất cả các pháp như huyễn như hóa. Như trong Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp hữu vi”, mọi người nghĩ xem, trong Bách Pháp nói, pháp hữu vi có 94 loại, “như mộng huyễn bào ảnh, nho lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Quán chính là ở đây nói, họ lập tức thông đạt.

Cũng như ở trước kinh này nói, trong Như Lai tạng, diệu chân như tánh, tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng, theo nghiệp phát hiện. Mấy câu này cùng một nghĩa với bốn câu kệ trong Kinh Kim Cang. Bốn câu kệ này trong Kinh Kim Cang, chính là mấy câu tổng kết này trong Kinh Lăng Nghiêm. Thật sự thông đạt tướng chân thật của tướng cảnh giới, gọi là tuệ.  Tâm mình thường trú trong cảnh giới này, không hôn trầm, không tán loạn, tất cả phiền não vi tế tự nhiên biến mất. Giác tâm dần dần viên mãn hiện tiền, đây gọi là chánh tu. Văn tư tu là tu bằng cách này, tu như vậy mới có thể nhập vào nhất tâm bất loạn thâm sâu.

Vừa rồi nói với mọi người, nhất tâm bất loạn có sâu cạn khác nhau. Từ viên giáo sơ trụ đến Đẳng giác Bồ Tát đều là nhất tâm bất loạn, dùng phương pháp này. Nếu sáu căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, vẫn khởi tâm động niệm, vậy là xong. Vậy là tu gì? Ngày ngày ở trong cảnh giới khởi vọng tưởng.

Sau cùng tôi nói với mọi người, nhà Phật thường nói, sư phụ nhận vào cửa, tu hành tại cá nhân, thành công hay không là việc của mỗi người. Sư phụ nhận vào cửa, chỉ làm tăng thượng duyên cho chúng ta mà thôi. Tam ma địa chính là chân tâm thường trú, là bổn giác lý thể như như bất động.

Thôi, hôm nay chúng ta nói đoạn này. Mấy câu trước rất quan trọng, ở sau nói về cảnh giới tu hành của Bồ Tát. Quý vị xem cảnh giới này, trước đây tôi từng nói với quý vị, học Phật không những phải đầy đủ thiện căn phước đức nhân duyên. Tôi còn bổ sung thêm ba câu, phải thấu triệt đạo lý, hiểu phương pháp, nhận thức rõ cảnh giới.

Bên dưới nói về cảnh giới tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm, vừa mở đầu là cảnh giới gì, tiến thêm một bước là cảnh giới gì, trong kinh này đều nói rất rõ ràng.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về

Phát Tâm Bồ Đề
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Khuyên Phát Tâm Bồ Đề
Đại Sư Thật Hiền