Phật Học Vấn Đáp


Do tâm nghi hoặc vãng sinh An Lạc thì gọi là thai sinh. Tại sao lại khởi nghi?

4/21/2023 9:58:40 AM
Trong kinh chỉ nói nghi hoặc không tin, chứ không đưa ra tại sao lại có ý nghi. Xét theo chỗ hiểu rõ năm câu, thời dám lấy nghĩa đối trị để mà nói.

Không rõ trí Phật (Phật trí) nghĩa là không thể tin hiểu trí biết tất cả chủng loại của Phật. Do không biết nên khởi nghi. Một câu này trình bày tóm mọi điều nghi. Bốn câu sau mỗi câu đối trị các điều nghi.
Nghi có bốn ý:

Một là nghi rằng chỉ niệm tưởng Phật A Di Đà chưa chắc được vãng sinh An Lạc. Tại sao nghi như vậy? Kinh có nói: Nghiệp đạo như bàn cân, cái nặng kéo trước. Tại sao mà một đời hoặc trăm năm, hoặc mười năm, hoặc một tháng, không ác nào không làm, mà chỉ do mười niệm tương tục là được vãng sinh, nhập ngay vào chính định tụ, rốt cuộc không thối chuyển, vĩnh viễn cách xa các khổ của ba nẻo được? Nếu quả thật như thế, thì cái nghĩa cân nặng kéo trước còn gì đáng tin nữa? Lại bao kiếp đến nay đều tạo các pháp hữu lậu thuộc hành, hệ thuộc vào ba cõi, mà chỉ cứ dùng một thời gian niệm Phật A Di Đà là ra khỏi ba cõi được? Ý nghĩa nghiệp trói buộc tại sao phải cần nữa. Do đối trị ý nghi này nên mới nói trí không thể suy lường (bất tư nghị trí). Trí không thể suy lường nghĩa là trí lực của Phật có thể lấy ít làm nhiều, lấy nhiều làm ít, lấy gần làm xa, lấy xa làm gần, lấy nhẹ làm nặng, lấy nặng làm nhẹ, lấy dài làm ngắn, lấy ngắn làm dài. Do như thế Phật trí vô lượng vô biên không thể suy lường. Ví như trăm người phu trong trăm năm chất củi chứa cao đến ngàn nhận, đốm lửa bằng hạt đậu đốt trong nửa ngày là tận. Không lẽ có thể nói được rằng củi chứa trong trăm năm đốt nửa ngày không tận sao? Lại như người đi bộ quá giang thuyền người khác, nhân thế lực của gió buồm, một ngày đi đến ngàn dặm, không lẽ có thể nói được rằng người đi bộ kia tại sao một ngày mà đi đến ngàn dặm chăng? Lại như người hạ tiện bần cùng được một vật quý đem cúng hiến chủ. Chủ cũng mừng được vật quý, thêm phần trọng thưởng. Kẻ bần cùng kia chỉ cần chốc lát phú quý tràn đầy. Không lẽ lại nói được rằng do có thể mấy chục năm mà người ta chịu đủ mọi siêng khổ, và người nào người nấy còn chưa thành đạt vinh quy rồi có thể nói kẻ bần cùng kia mà mau lẹ trở thành phú quý, không thể có chuyện như thế được? Lại như kẻ yếu tự leo lên lưng lừa còn chưa nổi, nhưng đi theo vua Chuyển Luân liền cưỡi hư không mà bay bổng tự nhiên, lại có thể do kẻ yếu leo lừa không nổi rồi cho rằng chắc chắn kẻ ấy không thể cưỡi hư không mà bay hay sao? Lại như dây tơ mười ngàn người cũng không làm gì nổi, đứa bé con vung kiếm nháy mắt thành hai phần. Không lẽ có thể nói được là sức một đứa bé không thể cắt đứt dây tơ hay sao? Lại như chim Trậm nhào vào nước, cá sò đều vì vậy mà chết, sừng tê giác chạm vào bùn lầy, các loài bị chết kia đều sống dậy. Không lẽ có thể nói được là tính mệnh đã đoạn không thể sống lại hay sao? Lại như Hoàng Hộc gọi “Tử An”, Tử An sống lại. Không lẽ có thể nói được là dưới mộ ngàn năm chắc chắn không thể sống lại được sao?

Tất cả vạn pháp đều có tự lực, tha lực, tự nhiếp, tha nhiếp, ngàn mở vạn đóng vô lượng vô biên. Làm sao lại đem cái thức có ngại ra mà nghi pháp vô ngại kia được sao? Lại trong năm cái không thể suy lường, Phật pháp là không thể suy lường hơn hết, mà xem cái ác trăm năm làm trọng, nghi mười niệm niệm Phật cho là nhẹ, không thể được vãng sinh An Lạc nhập tụ chính định, điều nghi này quả thật không đúng.

Hai là nghi trí Phật so với người không phải là thâm tuyệt. Tại sao nghi như vậy? Thường thì tất cả danh tự do đỗi đãi với nhau mà sinh. Giác trí do không giác mà sinh, như thế mê hướng do nhớ hướng mà sinh. Nếu cứ mê là tuyệt hẳn không mê, thì mê rốt cuộc phải là không tỏ. Mê nếu có thể tỏ, ắt là người mê tỏ, và cũng có thể nói ngược lại là người tỏ mê. Mê và tỏ, tỏ và mê như bàn tay ngửa úp vậy. Thế mới có thể nói sáng trí tối trí khác nhau, và cũng vì thế nên siêu nhiên thế nào được đây? Do khởi lên nghi này, nên đối với trí huệ Phật sinh nghi không tin. Đối trị nỗi nghi này nên nói trí không thể sánh bằng (bất khả xứng trí). Trí không thể sánh bằng là nói trí Phật tuyệt hết mọi so sánh giảng nói, chẳng phải do hình tướng mà đối đãi được. Do đâu mà nói vậy? Nếu pháp là có, ắt phải có cái trí biết có. Pháp nếu là không có, cũng phải có cái trí biết không có. Nay các pháp lìa khỏi có và không có. Cho nên Phật thầm khế các pháp, ắt trí của Ngài dứt hết đối đãi với nhau. Ông đưa tỏ mê ra ví dụ, vẫn là thêm một lẽ mê nữa mà thôi, chứ không thành được lẽ mê tỏ. Cũng như trong mộng giúp người khác giải mộng, tuy nói là giải mộng mà chẳng phải là không có mộng. Lấy cái biết để cho đó là Phật thì không thể nói là biết Phật được. Lấy cái không biết để cho đó là Phật cũng không phải là biết Phật. Lấy cái không phải biết cũng không phải là không biết cũng không phải là không biết để cho đó là Phật, cũng không phải là biết Phật. Lấy cái không phải là không biết cũng không phải là không phải không biết để cho đó là Phật, cũng không phải là biết Phật. Trí Phật lìa bốn câu này, nếu muốn duyên vào trí Phật thời tâm hành lại diệt, nếu muốn loại bỏ trí Phật thời ngôn ngữ lại đoạn. Do ý nghĩa ấy, Thích Luận nói rằng: “Nếu người nào thấy là có Bát Nhã, như thế cũng là bị ràng buộc, nếu không thấy Bát Nhã, như thế cũng là bị ràng buộc. Nếu người nào thấy Bát Nhã, như thế ắt là giải thoát, nếu không thấy Bát Nhã, như thế cũng là giải thoát”. Điều này trong kệ có nói: Không lìa bốn cú ấy là ràng buộc, lìa bốn câu ấy là giải thoát. Ông nghi trí Phật so với trí con người không phải là thâm tuyệt, điều nghi ấy không đúng.

Ba là nghi Phật thật sự không thể độ hết tất cả chúng sinh. Tại sao nghi như vậy? Trong đời quá khứ đã có vô lượng A tăng kỳ hằng sa chư Phật, hiện tại trong các thế giới ở khắp mười phương cũng có vô lượng vô biên A tăng kỳ hằng sa chư Phật. Nếu giả sử Phật thật sự có thể độ hết tất cả chúng sinh, ắt phải không còn có ba cõi từ lâu rồi. Vị Phật thứ hai ắt không phải vì chúng sinh mà phát tâm Bồ Đề, trọn tu Tịnh Độ nhiếp thọ chúng sinh. ong thật có các Phật thứ hai nhiếp thọ chúng sinh, cho đến thật có vô lượng chư Phật trong ba đời mười phương nhiếp thọ chúng sinh. Cho nên đủ biết Phật thật sự không thể độ hết tất cả chúng sinh. Do khởi lên nghi ấy, nên đối với Phật A Di Đà có tư tưởng cho là Phật có lượng. Vì đối trị nỗi nghi này nên nói trí Đại Thừa rộng lớn (Đại Thừa quảng trí). Trí Đại Thừa rộng lớn là nói Phật không pháp nào không biết, không phiền não nào không đoạn, không thiện nào không có đủ, không chúng sinh nào không độ. Lý do có ba đời mười phương các vị Phật là do có năm nghĩa:

Một là nếu quả là không có Phật thứ hai, cho đến không có A tăng kỳ hằng sa chư Phật, thì Phật mới thật là không thể độ hết tất cả chúng sinh. Do Phật thật sự có thể độ hết tất cả chúng sinh nên ắt là có mười phương vô lượng chư Phật. Vô lượng chư Phật chính là các chúng sinh do Phật trước độ.

Hai là nếu một Phật mà độ tận tất cả chúng sinh thì cũng không cần sau còn có Phật nữa. Tại sao vậy? Do không còn có ý nghĩa giác ngộ cho kẻ khác thì y vào nghĩa nào nữa để nói có ba đời chư Phật vậy? Do y vào nghĩa giác ngộ người khác nên nói Phật này Phật khác đều độ hết tất cả chúng sinh.

Ba là Phật sau mà có thể độ được chúng sinh thì vẫn còn là cái sức có thể của Phật trước. Tại sao vậy? Vì do Phật trước mới có Phật sau. Ví như áo giáp của đế vương được truyền cho vua sau khoác, tức chính là do sức có thể của vua trước.

Bốn là lực của Phật tuy có thể độ tất cả chúng sinh, song cần phải có nhân duyên. Nếu chúng sinh với Phật trước không có nhân duyên thì lại phải cần tới Phật sau. Như thế các chúng sinh không có duyên thì thẳng qua trăm ngàn vạn Phật mà cũng không nghe không thấy, không phải do lực Phật yếu kém vậy. Ví như nhật nguyệt xoay quanh bốn thiên hạ phá các tối ám, song người mù lại không thấy, không phải mặt trời không sáng vậy. Sấm nổ rung tai mà kẻ điếc không nghe, không phải là âm thanh không dữ dội vậy. Giác ngộ các lý nhân duyên, thì được gọi là Phật, nếu do tình thức cưỡng ép vi phạm lý nhân duyên thì không phải là chính giác vậy. Cho nên chúng sinh vô lượng, thì Phật cũng vô lượng. Đã nói đến Phật thì đừng có hỏi có duyên hay không có duyên tại sao không độ hết tất cả chúng sinh. Hỏi thế là lời nói phi lý vậy.

Năm là chúng sinh nếu độ tận, thế gian sẽ đọa vào bên có (hữu biên). Do ý nghĩa ấy ắt có vô lượng Phật độ tất cả chúng sinh.
Trích từ:  Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa. Nguyên Ngụy Huyền Trung Tự sa-môn Đàm Loan | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Nhất Chân



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật