Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-15

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 15
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mời mở kinh ra, trang 153, hàng thứ năm.

Kỳ trung hoặc hiện nhất thủ, tam thủ, ngũ thủ, thất thủ, cửu thủ, thập nhất thủ, như thị nãi chí, nhất bách bát thủ, thiên thủ, vạn thủ, bát vạn tứ thiên, thước ca la thủ”, đây là nói dùng một thân hiện nhiều thân.

Điều này một vị đồng học có nêu ra một câu hỏi, vấn đề anh ta hỏi là về quả báo. Trên cơ bản anh ta đọc được trên sách báo, đây cũng là một công án trong kinh Phật. Một vị tỳ kheo tụng kinh, có một tiểu sa di nghe được liền cười ông ấy, tiếng tụng kinh nghe không hay, giống như chó sủa vậy. Sa di chê bai, nói ông tụng kinh giống chó sủa. Vị tỳ kheo già nói với sa di, ta đã chứng đắc quả A la hán rồi, ngươi tạo khẩu nghiệp tương lai phải chịu ác báo. Tiểu sa di này sám hối, sau khi sám hối còn đọa làm thân chó, đây là một câu chuyện. Trong Pháp Uyển Châu Lâm, Kinh Luật Dị Tướng chúng ta đều có thể thấy công án này.

Ngoài ra trong Kinh Di Đà có một vị là Kiều Phạm Ba Đề thọ thiên cúng dường đệ nhất, dịch ra tiếng Trung Quốc nghĩa là Ngưu Kha tôn giả. Ông ấy mắc phải quả báo này, cũng là vào nhiều kiếp về trước cười một vị tỳ kheo tụng kinh giống như bò ăn cỏ vậy, cho nên bị quả báo.

Ý của vị đồng tu này là, thế gian cho rằng người không biết thì không có tội, đây là pháp thế gian không phải là Phật Pháp. Trong pháp thế gian có thể lấy công chuộc tội. Nhân quả báo ứng thì không thể, không thể lấy công chuộc tội, cho nên thiện ác nhất định có báo ứng. Không thể nói tôi trước kia tạo ra rất nhiều nghiệp ác, tôi hiện tại tất cả đều làm nghiệp thiện, thì ác nghiệp kia của tôi sẽ không báo nữa, không có đạo lý này. Điều này trên định luật nhân quả nói không thông, cho nên nói nhất định là có quả báo.

Nói người không biết thì không có tội, trong Phật Pháp thì không được. Bởi vì không biết, họ phạm điều này có tội, nếu như biết mà cố phạm thì tội của họ sẽ đọa A tỳ địa ngục, tội rất nặng rất nặng. Điều này không biết nên họ phạm, tội của họ nhẹ, đọa vào cõi súc sanh, không đọa địa ngục. Nếu như biết là A la hán mà còn cố ý đi hủy báng vị kia, vậy thì họ phải đọa vào địa ngục kéo lưỡi, chứ không chỉ là đọa vào cõi súc sanh thôi. Chúng ta phải hiểu điều này.

Chư Phật Bồ Tát không dùng thân phận Phật Bồ Tát thị hiện trong đời ác thế, ngũ trược ác thế. Quí vị nghĩ xem vì sao vậy? Chúng sanh khổ nạn như vậy, Phật Bồ Tát vì sao không hiện thân đến độ hóa cho họ? Phật Bồ Tát nếu như hiện thân chúng sanh hủy báng thì mỗi mỗi đều đọa địa ngục, đều phải chịu ác báo, lúc chúng sanh không có phước báo, Phật Bồ Tát không dám đến, đến quí vị sẽ tạo tội.

Chúng sanh có phước báo là gì? Họ có thể tôn kính người khác, có thể tán thán người khác, gặp được người, việc tốt một chút, họ đều chân thành tán thán, Phật Bồ Tát đều gia trì cho họ. Vì sao vậy? Vì ta tán thán ta có phước báo, đang trau dồi phước. Phật Bồ Tát hiện thân hay không là do nơi chúng sanh, không do Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát không đâu không hiện thân, không lúc nào không hiện thân, hiện thân hay không hiện thân đều là vì lợi ích chúng sanh, chính là đạo lý này.

Chúng ta hiểu được sự việc này rồi, tạo khẩu nghiệp rất dễ, dễ dàng tạo nhất chính là khẩu nghiệp. Thường thường lúc tạo nghiệp bản thân không biết. Chư Phật Bồ Tát không hiện thân là không dùng thân phận Phật để xuất hiện, không dùng thân phận Bồ Tát để xuất hiện, dùng thân phận phàm phu chúng ta để xuất hiện trên thế gian này.

Có thể chư vị đang ngồi đây cũng có rất nhiều người đều là cổ Phật, Bồ Tát tái sanh, chúng ta phàm phu nhục nhãn không nhận ra. Họ hiện thân là tướng phàm phu, quí vị hủy báng họ, đương nhiên cũng là tạo nghiệp, nghiệp này nhẹ. Nếu như họ thị hiện là thân phận một vị Phật, Bồ Tát, thân phận A la hán, nếu hủy báng họ, thì tội này nặng rồi. Họ dùng thân phận phàm phu thị hiện, rất từ bi, tránh cho quí vị tạo nghiệp nặng, chính là ý này.

Chúng ta xem đoạn kinh văn hôm nay.

“Thủ” là một bộ phận có thể nói là quan trọng nhất trong thân thể chúng ta, cũng có thể tượng trưng chung cho một người. Đoạn kinh văn dưới đây nói đến tay, mắt, đều có dụng ý của nó. Dùng “thủ” (đầu) để tượng trưng chung. Dùng tí, tí là cánh tay, tượng trưng cho sự tiếp dẫn, tiếp dẫn chúng sanh. Con mắt này tượng trưng cho trí chiếu. Đây là lược cử ba sự việc để thuyết minh cho thần thông đức dụng của Bồ Tát, dùng bổn số, bổn số này, bổn số đầu là một cái, bổn số của cánh tay là hai cái, bổn số của con mắt cũng hai hai cái. Bổn số là hai tay, hai mắt.

Dưới đây là biến hiện rồi, cứ như thế có thể biến hiện đến tám vạn bốn ngàn.

Thước ca la là tiếng Phạn, tựa Lăng nghiêm thần chú có “thước ca la tâm vô động chuyển”, dịch ra tiếng Trung nghĩa là kim cang kiên cố, lấy đầu kim cang kiên cố, đây là tượng trưng thân không thể phá hoại, rốt ráo kiên cố.

Ý nghĩa tám vạn bốn ngàn pháp môn là từ nhất chân pháp giới sanh tám vạn bốn ngàn trí tuệ, đối trị tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, biểu thị cho ý nghĩa này, nó là đối trị phiền não. Nếu như vô lượng vô biên phiền não, ở đây phải dùng vô lượng vô biên thủ để đối trị vô lượng vô biên phiền não chư vị nên ghi nhớ ý nghĩa này. Trong kinh Phật thường đem vô lượng vô biên phiền não quy nạp thành tám vạn bốn ngàn, đây là một con số lớn. Cho nên tám vạn bốn ngàn con số này trong kinh điển thường hay nhìn thấy.

Câu thứ hai. “Nhị tí, tứ tí, lục tí, bát tí, thập tí, thập nhị tí, thập tứ, thập lục, thập bát, nhị thập, chí nhị thập tứ, như thị nãi chí, nhất bách bát tí, thiên tí, vạn tí, bát vạn tứ thiên, mẫu đà la tí”. Mẫu đà la là tiếng Phạn, phiên thành tiếng Trung chính là thủ ấn, hiện nay được gọi là thủ ngữ, hiện tại thông dụng thủ ngữ. Trong Phật Pháp gọi là thủ ấn, no tượng trưng cho một ý nghĩa.

Ví dụ ngày nay chúng ta chắp tay, chắp tay chính là thủ ấn. Bởi vì điều gì? Nó có ý nghĩa tượng trưng, tượng trưng cho sự cung kính, tượng trưng cho sự nhất tâm, mười là tán loạn, hợp thành một tượng trưng cho sự nhất tâm, nhất tâm là cung kính nhất. Nên đây là một loại ấn thủ, chắp tay chính là ấn thủ. Nó nói rõ cánh tay có thể làm thành các loại tư thế biểu hiện rất nhiều pháp môn, không cần ngôn thuyết, vừa đưa tay đã khiến cho đối phương hiểu rõ tất cả ý nghĩa. Hiện tại có học tập ngôn ngữ bằng tay, mọi người đối với ấn tượng này nhất định sẽ càng sâu hơn.

Trong Phật Pháp được gọi là diệu ấn chi thủ, đặc biệt là trên quả vị Phật, vì Phật Phật đạo đồng, tướng mạo của Phật hoàn toàn tương đồng. Phật lại có rất nhiều vị, quí vị xem trong kinh Vạn Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni giảng cho chúng ta có hơn một vạn hai ngàn vị Phật tướng mạo hoàn toàn giống nhau, còn giống nhau hơn cả anh em song sinh. Chúng ta thực sự không thể nào phân biệt được, vậy nhìn bằng cách nào? Chính là xem thủ ấn, trên thủ ấn có sai khác.

Tướng Bồ Tát còn có thể phân biệt ra được. Bởi vì cho dù là đẳng giác Bồ Tát họ vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, tướng mạo của họ vẫn còn có sai biệt nhỏ, thật là tướng tùy tâm chuyển.

Thủ ấn tượng trưng cho phương tiện, cũng tượng trưng cho giải thoát đức. Chúng sanh tại căn thân, cảnh giới mê hoặc điên đảo, cho nên mới khởi vô lượng vô biên phiền não mà làm cho chân như bản tánh tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển. Bồ Tát dùng cánh tay mẫu đà la để tiếp dẫn chúng sanh, để chăm sóc chúng sanh, cũng chính là nói giúp đỡ tất cả chúng sanh đoạn phiền não, khôi phục bản tánh của họ. Hiện cánh tay nhiều như vậy, ý nghĩa chính là ở đây.

Một câu tiếp theo: “Nhị  mục, tam mục, tứ mục, cửu mục, như thị nãi chí nhất bách bát mục, thiên mục, vạn mục, bát vạn tứ thiên thanh tịnh bảo mục”. Mục là con mắt, tượng trưng cho trí tuệ quán chiếu. “Thanh tịnh bảo mục” tượng trưng cho thật tướng trí tuệ bát nhã. Ý nghĩa đoạn trước rõ ràng rồi, đoạn này đương nhiên cũng không ngoại lệ. Chúng sanh mê mất bổn tánh, đủ tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não, không hiểu được phiền não nghiệp quả đương thể tánh không, sợ là không có quán chiếu bát nhã. Nói cách khác, chúng ta không có con mắt thanh tịnh.

Lại nói mắt của ai không thanh tịnh? Mắt tuyệt đối không phải chỉ cho nhục nhãn, nhục nhãn không có chỗ dùng đến. Mắt này chỉ cho tánh thấy của quí vị. Không thanh tịnh đó là nhãn thức, kiến phần, tâm tâm sở không thanh tịnh. Chúng ta dùng nhãn thức, dùng kiến phần của tâm tâm sở, cho nên quí vị mới có vô lượng vô biên trần lao phiền não.

“Thanh tịnh bảo mục” chính là kiến tánh, trước đây mười lần hiển kiến là nói đến tánh thấy. Quí vị đồng học có một số người học kinh, chúng tôi khuyên quí vị nên ghi chú, nếu thực sự dụng công, tôi chọn Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm này tôi ghi chép, kinh khác tôi không ghi, như vậy thì không phải là học tập. Chúng ta học được thật không dễ dàng, đã học kinh thì kinh gì cũng nghe, kinh gì cũng đọc, lúc đọc kinh thì nên ghi chú. Lúc nghe kinh viết ghi chú, luyện tập viết ghi chú. Tôi học kinh này tôi sẽ đến nghe, không học kinh này tôi sẽ không đến nghe, không ghi chép, như vậy là sai lầm.

Chúng tôi ngày xưa ở Đài Trung, tôi theo học kinh trong lớp của Thầy Lý, ai ai cũng phải ghi chép, ghi rồi để làm gì? Ghi xong rồi người nào học kinh này thì chúng tôi đem tất cả những ghi chép tặng cho họ hết, đều cho họ, bảo họ tự xem xem, những chỗ nào người đồng học kia nghe được rồi mà tôi chưa nghe được. Như vậy hai bên có thể giúp đỡ lẫn nhau, cho nên mới gọi là đồng học, nếu không thì đồng học có ý nghĩa gì? Đồng học học cùng nhau, phải cọ xát học hỏi lẫn nhau, phải dốc hết bổn phận của đồng học. Quí vị hiện tại làm những gì? Tuyệt đối không phải đồng học, mỗi người là mỗi người, không thừa nhận họ là đồng học của mình. Vì sao vậy? Bình thường trong tu học một tí cũng không muốn giúp. Cho nên sự ghi chép này chúng tôi rất khích lệ quí vị.

Quí vị xem bà Hoàng ở Cao Hùng, bà cũng khoảng 70 tuổi rồi, chúng ta xem những ghi chép của bà ấy. Bà ấy ở trong hội của tôi nghe kinh có lúc bà ấy không ghi chép, nói cách khác buổi nghe kinh này của bà ấy coi như nghe vô ích rồi, không có một chút tâm đắc nào. Có khi có một điều hai điều, lúc nhiều thì năm điều sáu điều, đến ngày hôm sau đến nghe kinh bà ấy nhất định cầm đến cho tôi xem. Bà ấy đến sớm hơn mọi người một tí,  đem những ghi chép của bà đưa cho tôi xem, hỏi tôi xem có ghi sai gì chăng. Đó là tâm đắc của bà ấy, bà ấy nghe ba năm không phải nghe suông.

Những thứ bà ấy viết ra tuy văn chương không hay, nét chữ không đẹp, nhưng rất đơn giản, rất dễ xem, cho nên sách của bà ấy rất thịnh hành, rất được mọi người đón nhận, đặc biệt là ở Mỹ, bà ấy gửi đến Mỹ, gửi cũng khoảng hơn 1000 cuốn, rất nhiều nơi hỏi xin bà ấy. Điều này đã vượt ra ngoài mong đợi của bà. Thật không ngờ rằng, quyển sách nhỏ của bà ấy lại rất được nhiều người ở nước ngoài đón nhận như vậy. Bởi vì người thông thường xem kinh xem chú giải rất nhiều, văn chương cả tập lớn, họ chán nản, không muốn xem. Từng điều từng điều như vậy lại rất được đón nhận. Cho nên sách xưa kiểu giống như Thái Căn Đàm vậy lại rất được hoan nghênh, từng điều từng điều đơn giản vắn tắt, cũng rất rõ ràng, sự lý đều nói rất cụ thể, không mất công sức mà họ đã đạt được lợi ích, đây chính là điểm tốt của bản ghi chú. Cho nên hi vọng quí vị phải nỗ lực nhiều hơn, bút ký có thể không cần làm, nhưng bản ghi chú là điều cần thiết, đặc biệt là giúp đỡ đồng học.

Lúc tôi ở Đài Trung, người đồng học ở Đài Trung đối với tôi rất tốt, chủ yếu chính là trên vấn đề này tôi giúp đỡ họ. Trong lúc học tập giảng kinh, thầy giáo giảng tôi ghi vài điều, sau khi ghi rồi tôi liền đưa cho họ, đối với việc chỉnh lý ghi chép giảng kinh của họ giúp ích rất lớn.

Ngày tháng cũng sẽ luống qua nên phải bắt tay ngay từ đây. Những năm này nghe được quí vị có những tâm đắc gì? Không có gì cả. Tôi giảng kinh ở miền nam ba năm, một tháng chỉ đi năm ngày, cư cĩ Hoàng Lão, bà ấy ra được một quyển sách. Bà ấy đến nói với tôi bà không nghe suông, ba năm bà có thu hoạch.

Chúng ta tiếp tục đọc đoạn dưới đây: “Hoặc từ, hoặc uy, hoặc định, hoặc huệ, cứu hộ chúng sanh đắc đại tự tại”. Đoạn này chính là Quán Thế Âm Bồ Tát sở hiện thiên thủ thiên nhãn mà chúng ta thường nói. Trong phương diện tạo tượng của Phật Bồ Tát, chúng ta nhìn thấy có Thiên thủ Quan Âm, họa tượng này đích thực là thiên thủ Quan Âm. Tượng đúc thì không thể nào đúc thành ngàn tay được, nhưng đúc tốt nhất cũng có thể đúc thành 108 tay, tức là 108 cánh tay.

Chúng ta nghĩ xem, giả sử như chúng ta là Quán Thế Âm Bồ Tát, nếu mọc thêm bốn cánh tay, sáu cánh tay, chúng ta có cảm thấy thuận tiện chăng? Nếu như mọc 108 cánh tay, tôi thấy hành động sẽ rất khó khăn. Nếu mọc tám vạn bốn ngàn cánh tay vậy quả thật là động đậy cũng không được nữa là, còn có thể làm việc gì được?

Cho nên chư vị ở đây phải hiểu ý nghĩa biểu pháp của đoạn này, tám vạn bốn ngàn cánh tay biểu thị điều gì? Trước đây đã nói với quí vị rồi, là biểu thị từ nhất chân pháp giới sanh tám vạn bốn ngàn trí tuệ đối trị tám vạn bốn ngàn phiền não, là từ trên tổng thể mà nói, là ý nghĩa này vậy.

Cánh tay này là tượng trưng cho việc giúp người làm việc, điều này biểu thị cho điều gì? Ngàn tay nghĩa là vô cùng tài cán, việc gì làm cũng được, việc gì cũng làm tốt hơn người khác, không phải thật sự có một ngàn cánh tay. Ngàn mắt cũng biểu thị cho ý nghĩa này, điều người thông thường không thấy được ngài có thể thấy được, Ngài có thể có con mắt trí tuệ chiếu khắp mười phương. Đặc biệt là Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi cứu khổ, ở nơi nào có chúng sanh khổ nạn, ngài đều nhìn thấy, đều đưa tay ra đến giúp đỡ họ.

Chúng ta hiện tại rất khổ, chúng ta có nạn, Quan Âm Bồ Tát có nhìn thấy chúng ta chăng? Tôi nói cho quí vị biết là nhìn thấy. Đã giúp đỡ hay chưa? Cũng giúp đỡ rồi. Nhưng chúng ta không cảm giác được. Không cảm giác được vì quí vị không tiếp thu, giúp đỡ quí vị quí vị không chịu tiếp thu, vậy thì còn cách gì nữa chứ? Nếu chịu tiếp thu, thì quí vị được thọ dụng. Không chịu tiếp thu thì không thể trách Phật, Bồ Tát không giúp đỡ.

Bồ Tát thị hiện hoặc là từ bi, hoặc uy mãnh, hoặc định, hoặc là huệ, không có một phép tắc nhất định nào, đó gọi là “phương tiện có nhiều cửa, quy nguyên không có hai đường”. “Cứu hộ chúng sanh”, giúp đỡ chúng ta phá mê khai ngộ, đây là một tổng cương mục, phương thức thì ngàn vạn loại. Tiếc rằng chúng sanh cũng có tay, cũng có mắt, giống như Quán Thế Âm Bồ Tát vậy. Có ai không phải là ngàn tay ngàn mắt chứ? Mà là chúng ta mê mất bản thân không biết được, biến thành nghiệp dụng của lục đạo phàm phu. Nghiệp dụng gì? Là tạo nghiệp, mắt tay đều dùng để đi tạo nghiệp. Phật Bồ Tát và chúng sanh khác nhau, Phật Bồ Tát không mê, nên họ thành tựu diệu dụng. Bất luận là tự hành hóa tha đều là được đại tự tại, đầu mắt tay đều có đủ bốn loại sai biệt này, đó chính là từ, uy, định, tuệ. Đây cũng là từ trên cương lĩnh mà nói.

“Cứu hộ chúng sanh”, từ là hộ cho thiện căn của họ, uy là cứu ác tánh của họ.

Hôm qua cư sĩ Lưu hỏi tôi một vấn đề, ông ấy nói con cái không nghe lời, không chăm chỉ học hành, nên chửi cho nó một trận, đánh nó vài roi, rồi nghĩ lại trong lòng rất khó chịu. Tất cả chúng sanh vốn đã là Phật, tôi làm sao có thể chửi Phật, đánh Phật? Đối với đứa trẻ này tương lai con còn có thể quản nó chăng? Đây là nghe kinh rồi mắc kẹt trong câu từ, mà không hiểu được ý nghĩa.

Họ tuy là Phật, Phật từ đâu mà nói? Từ trên bản tánh của họ mà nói họ là Phật. Nếu như xét từ trên tướng họ là phàm phu, từ trên tánh thì bình đẳng, chúng sanh và Phật bình đẳng, trên tướng thì không bình đẳng.

Quí vị là cha mẹ của chúng, chúng là con cái của quí vị, thì làm sao mà bình đẳng được? Trên tướng thì không bình đẳng, trên tánh thì bình đẳng, trên tướng không bình đẳng, đến lúc kiến tánh rồi mới bình đẳng, chưa kiến tánh mà muốn nói bình đẳng vậy thì thiên hạ đại loạn. Chúng ta thử nghĩ xem nếu như chưa kiến tánh, mà nói đến bình đẳng thì thế giới này trở thành thế giới gì? Một quốc gia chỉ có một tổng thống, dựa vào đâu, anh làm tôi cũng có thể làm! Mọi người đều làm, vậy thì quốc gia này không phải loạn rồi ư? Trong một nhà chủ hộ chỉ có một người, nhà quí vị có năm sáu người, người nào cũng muốn giành, vậy thì cái nhà này thành gì rồi? Pháp thế gian sẽ bị phá hoại, cho nên đức Phật nhiều lần đã nói “Phật Pháp tại thế gian bất hoại thế gian pháp”.

 kiến tánh rồi mới bình đẳng, thành Phật mới bình đẳng, chúng ta có Phật tánh là đúng, ta vốn là Phật, cũng không sai. Vốn đã là Phật, hiện tại chúng ta lại không phải là Phật, hiện tại quí vị đang mê hoặc điên đảo, vậy có dạy cho họ hay không? phải dạy. Có thể trách mắng họ không ? có thể.

Chúng ta xem Tứ Thập Hoa Nghiêm, Cam Lồ Hỏa Vương, chương này chúng tôi đã giảng qua rồi, đó quả thật là một ma vương. Nhìn thấy người có lỗi lầm liền đánh, liền chửi, hủy hoại họ. Quán Thế Âm Bồ Tát  cũng có cách này, dùng uy cứu ác tánh cho họ, làm sai điều gì thì trừng phạt họ, đưa họ đến địa ngục để chịu tội. Nhưng chư vị nên hiểu, đây là tâm từ bi.

Trong đặt vào trong hoàn cảnh đó, ác tánh này của quí vị không tiêu trừ được. Cho nên trong nhất chân pháp giới có địa ngục chăng? Có địa ngục, ngạ quỷ súc sanh. Trong nhất chân pháp giới vì sao còn có những thứ này? Vì muốn tiêu trừ những ác tánh kia cho chúng sanh. ‘Từ’ là quí vị có thiện căn khen ngợi quí vị, khuyến khích quí vị, quí vị có tánh ác phải trừng phạt quí vị. Dùng định để hộ trì hôn tán, hôn trầm, tán loạn cho chúng sanh; dùng tuệ để cứu chúng sanh ra khỏi mê hoặc điên đảo. Đây là bốn đại cương lĩnh trên thủ pháp để Bồ Tát giáo hóa chúng sanh.

Cho nên thầy giáo dạy học trò ân uy đều có đủ. Ân chính là  từ, uy chính uy, chỉ dùng từ thôi, điều này thật nguy, trở thành gì rồi? Nuông chiều, người học trò này suốt đời sẽ bị hại, làm cha mẹ ân uy đều phải có. Giống như hát kịch vậy, hai người thì luôn phải thể hiện hai vai trò khác nhau. Người cha phải biểu hiện uy nghiêm, người mẹ biểu hiện từ ái. Người mẹ rất uy nghiêm thì người cha từ ái, nếu hai người đều uy, thì đứa con này thấy đến đã sợ hãi, sẽ khởi phản kháng đối với gia đình, dạy không được. Nếu hai người đều từ bi thì đứa con này được cưng chiều, cũng không dạy được. Thầy giáo ở trường học cũng như vậy. Cho nên làm thầy giáo hướng dẫn chủ nhiệm thì nhất định phải uy, họ không uy sẽ không quản nổi học trò.

Phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay làm sao có thể đoạn trừ? Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, cũng không khác gì việc dạy học ở thế gian xuất thế gian. Dạy học thế gian có từ, có uy; dạy học của Bồ Tát ngoài từ và uy ra họ còn có định, có tuệ. Kiểu dạy học này mới viên mãn.

“Được đại tự tại” trong quá trình dạy học tất cả đều phải rất như ý, không nên lo lắng, không cần tác ý, cùng với tất cả chúng sanh cảm ứng đạo giao.

Thị hiện, hoặc từ, hoặc uy, định, huệ đều không cần có tâm, cảm ứng tự nhiên. Chúng sanh dùng thiện căn mà ứng, Bồ Tát liền hiện từ; chúng sanh dùng ác tánh để ứng, Bồ Tát thị hiện uy nghiêm. Chúng sanh tâm địa tán loạn thì thấy định của Bồ Tát, chúng sanh là mê hoặc điên đảo thấy trí tuệ của Bồ Tát, tự nhiên cảm ứng đạo giao. Hình, đây là hiện hình.

Đã là như vậy, dưới đây nói chú cũng có thể từ đó mà suy ra, đương nhiên cũng đầy đủ bốn loại cương lĩnh dạy học. Đây thực sự là phương pháp dạy học, cương lĩnh trong phương pháp, nên hiện thân nói chú đều không thể nghĩ bàn.

Có lẽ chư vị đang thắc mắc, đại ý nói trong đoạn kinh văn này và 32 ứng nói ở trước có gì sai biệt? Đoạn kinh văn trước chúng ta xem qua 32 ứng, chư vị nên hiểu Ngài hoặc tùy sở cầu, hoặc ứng đồng loại, mà thuyết pháp cho họ. Nó không trói buộc nơi loại cầu, so với cảnh giới trước càng rộng lớn hơn. 32 ứng này là quí vị đối với Quán Thế Âm Bồ Tát có cầu, ngài đến ứng. Ở đây không cầu ngài cũng ứng, vậy mới hiển thị ra đại từ đại bi thực sự. Có cầu có ứng vẫn chưa xem là đại từ đại bi, không cầu ngài vẫn ứng đây mới thực sự là đại từ đại bi.

Nếu đồng loại, chúng ta người học Phật cầu ngài, chúng ta có khổ nạn, Phật Bồ Tát quan tâm. Vậy người không học Phật, người hủy báng Phật Giáo họ có khó khăn Bồ Tát vẫn cảm ứng đạo giao, thực sự từ bi. Ngài không câu nệ chủng loại, cũng không nhất định cần họ cầu hay không cầu. Quan Âm Bồ Tát như vậy, thì có vị Phật Bồ Tát nào cũng như vậy? Không có gì khác.

Chúng ta xem tiếp đoạn dưới: “Nhị giả, do ngã văn tư, thoát xuất lục trần, như thanh độ viên, bất năng vi ngại. Cố ngã diệu năng, hiện nhất nhất hình, tụng nhất nhất chú, kỳ hình kỳ chú, năng dĩ vô úy, thí chư chúng sanh. Thị cố thập phương vi trần quốc độ, giai danh ngã vi, thí vô úy giả”.

Diệu hình thuyết chú, xuất xứ của loại năng lực này tức là nói nguyên do về loại đức năng này của Ngài. Câu thứ nhất đã nói với chúng ta là dùng “văn tư ra khỏi lục trần”. Chúng ta nghĩ xem ngày nay văn tư của chúng ta không ra khỏi sáu trần. Sáu trần dường như là một giới hạn, một phạm vi, bao vây chặt căn tánh của chúng ta, ở đây chư vị phải đặc biệt ghi nhớ. Chữ văn này chính là nói văn tánh, văn tánh là lý thể.

Chúng ta xem Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Viên Giác, Phật giảng tất cả chúng sanh vốn đã thành Phật. Tức là từ trên văn tánh, căn tánh sáu căn chúng ta và chư Phật không có một tí sai biệt nào, đích thực là Phật, nhất định không có hoài nghi. Nhưng hiện tại như thế nào? Chúng ta hiện tại không dùng văn tánh, mà từ sáng đến tối dùng văn tánh đã biến hóa. Chúng ta hiện tại mất đi năng biến, tuy là có, từ sáng đến tối phóng quang động địa, có, nhưng ta không hiểu được. Quí vị đều dùng tâm ý thức, tám thức, 51 tâm sở. Cho nên quí vị vốn là Phật, hiện tại quí vị lưu lạc làm phàm phu, đây là cảnh giới hiện tiền chúng ta đang cư trú.

Chữ “tư” này rất quan trọng, tư này nghĩa là gì? Là tượng trưng cho công phu. Tam tuệ, tam tuệ văn tư tu, nó không dùng văn để làm tượng trưng, bởi vì đoạn trước chữ văn này tượng trưng cho văn tánh. Nếu như nói do ta văn văn đương nhiên cũng có thể nói thông được. Nhưng chỉ sợ mọi người mơ hồ, không hiểu rõ ràng được, cho nên trong tam tuệ chỉ dùng tư. Đây chính là công phu, tức là trước đây đã nói công phu ‘nhập lưu vong sở’.

Chúng ta nhất định phải hiểu được tam tuệ là từ trong tam học mà phát sanh ra. Quí vị không có giới, không có định, thì quí vị không có tuệ, không có tuệ thì làm sao có văn tư tu? Văn tư tu là tam tuệ, chính là tuệ trong giới định tuệ. Trong tuệ đó có văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ, cho nên gọi là tam tuệ. Tam học là hạng mục mà người Tiểu thừa chủ tu, tam tuệ là hạng mục chủ tu của Đại thừa Bồ Tát, Đại thừa tu học là kiến lập trên cơ sở Tiểu thừa. Cảnh giới này chân tánh và công phu của quí vị hoàn tương ưng, dung hợp thành nhất thể, được gọi là lý trí nhất như, có thể ‘thoát xuất lục trần’.

Vì sao vậy? Trần tánh của sáu trần là không tịch, là hư vọng. Trong đại kinh nói với chúng ta phàm có hình tướng đều là hư vọng, cho nên nó mới có thể siêu việt. Nếu như nó là chân thật, sáu trần này chân thật, chư vị nghĩ xem vậy thì làm sao có thể vượt thoát? Chúng ta ngày nay không thể nào đả phá hư vọng này, Phật Pháp đã nói cho chúng ta rất rõ ràng về chân tướng sự thật này rồi. Nhưng chúng ta như thế nào? Vẫn là mê hoặc điên đảo. Chư Phật Bồ Tát dạy học cứu hộ chúng sanh như vậy, ân đức này thật là trời cao đất dày không thể nào hình dung hết.

Khổng lão phu tử dạy học, đây là thánh nhân thế gian, “nêu một mặt mà không biết suy ra để hiểu ba mặt khác, thì bỏ”, Khổng lão phu tử cũng bỏ qua, không dạy nữa. Vì sao vậy? Vì ngốc quá, ngu si ngoan cố, gọi là trẻ con khó dạy, nên thôi. Thích dự thính thì đến dự thính, không dạy cho quí vị, nhông thể nào dạy được, nhưng Phật Bồ Tát như thế nào? Có ngu ngốc hơn nữa vẫn dạy, chúng ta một đời không khai ngộ ngài vẫn dạy, điều này thực sự vĩ đại.

Thánh nhân thế gian và xuất thế gian có điểm nào không đồng? Đây chính là điểm bất đồng. Thánh nhân thế gian dạy quí vị vài lần, dạy không biết, thôi vậy, không dạy nữa. Phật Bồ Tát không như vậy, vĩnh viễn thị hiện, không chán không mệt, luôn luôn ở đó mà chờ đợi, ở đó kỳ vọng quí vị khai ngộ. Phương pháp này không thể khai ngộ, lại dùng phương pháp khác, cho nên gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Luôn hi vọng chúng ta khai ngộ.

Trở lại vấn đề, vì sao chúng ta không khai ngộ? Hay nói cách khác, do chúng ta không tin Phật, lời này là sự thật. Quí vị tin Phật thì làm sao không khai ngộ được? Quí vị không tin Phật cho nên mới không khai ngộ. Người không tin Phật như thế nào? Họ tin tưởng bản thân, vậy thì đời này đừng nói đến khai ngộ nữa. Tin vào tri kiến của mình, không tin giáo huấn của Đức Phật, ở trong kinh điển Phật đã nói cho chúng ta rất rõ ràng.

Chưa chứng quả A la hán về trước không thể tin vào ý nghĩ của bản thân, vì sao vậy? Bởi vì ý nghĩ bản thân chúng ta toàn là sai lầm, dùng ý nghĩ của bản thân mà tu hành là hỏng. Đến khi chứng A la hán trở về sau, chúng ta mới có thể tin tưởng chính mình. Vì sao vậy? A la hán là chánh giác. A la hán trở về trước đều là tà tri tà kiến, đến A la hán tri kiến này mới xem là chánh. Vì sao có cách nói như vậy? A la hán vô ngã, ngã chấp đã phá được.

Tam quả thánh nhân ngã chấp vẫn chưa phá được, phiền não chướng còn chưa đoạn tận, cho nên tri kiến của ta không chánh. Chúng ta đến lúc nào mới quên được cái ngã này? Chúng tôi trên giảng tòa cũng thường thường khích lệ chư vị đồng tu, cung cấp một chút ý kiến tham khảo. Chúng ta trong mười hai thời khởi tâm động niệm đều là suy nghĩ cho tất cả chúng sanh, dần dần lâu ngày thì ngã này cho dù không thể nói đoạn rồi, nhưng chắc chắn sẽ nhẹ đi rất nhiều, ngã chấp đã nhẹ bớt, ngã chấp nhẹ thì phiền não liền nhẹ, trí tuệ sẽ tăng trưởng.

Khởi tâm động niệm đều vì bản thân mà lo nghĩ vậy thì phiền phức lớn rồi, nó làm chúng ta chắc chắn không thể khai ngộ, nhất định ta sẽ hiểu sai ý nghĩa của Phật Pháp. Vì sao vậy? Vì tư tâm của quá nặng. Chúng ta khởi tâm động niệm vì một đoàn thể mà suy nghĩ, như vậy tâm lượng đã khai mở được một tí, lớn hơn được một tí, lo nghĩ cho một đạo tràng thì lớn hơn một tí. Vì một quốc gia mà lo nghĩ lại càng lớn hơn một tí, nói tóm lại, không có phạm vi. Nếu như ý niệm không sanh tức là bản thân một đời đã vì tất cả chúng sanh trong tận hư không biến pháp giới mà lo nghĩ, vậy quí vị và Phật giống nhau rồi.

Biện pháp phá chấp trước của Đại thừa so với Tiểu thừa thực sự mà nói cao minh hơn rất nhiều. Họ tâm lượng lớn, nếu như chúng ta có thể thường thường hiện khởi tâm lượng như vậy thì trong đời này phá ngã chấp là điều có thể. Người niệm Phật muốn phá ngã chấp thì chứng sự nhất tâm bất loạn, phá pháp chấp chứng lý nhất tâm bất loạn. Ở đây là nói sáu trần, sáu trần là pháp, phá trừ sáu trần đây là phá pháp chấp.

“Như thanh độ viên bất năng vi ngại”, hai câu này là ví dụ, ‘viên’ là bức tường, tức là bức tường bao, tuy là có tường bao nhưng tường bao không ngăn được âm thanh. Chúng ta ở trong bức tường gọi một tiếng, người ngoài bức tường có thể nghe được. Âm thanh này có thể vượt qua bức tường, bức tường không thể chướng ngại âm thanh, đây là ví dụ.

Bồ Tát tu tập là nhĩ căn viên thông, nhĩ căn hướng đến là thanh trần trong sáu trần. Làm sao có thể thoát ra khỏi sáu trần? Chư vị phải hiểu được một căn siêu việt một trần đột phá, có thể đột phá năm trần khác đều giải thoát rồi, chính là nói một căn hoàn nguyên sáu căn giải thoát, sự việc này trong kinh luận Đại thừa thường thường nói đến, chúng ta chấp trước trần mới có căn. Cho nên căn từ đâu mà đến? Căn do chấp trước trần mà vào. Vậy không chấp trước thì sao? Không chấp trước chính là thoát, đã thoát ly. Thoát ly trần thì không có căn nào để đắc, cho nên căn này cũng không phải là thật, cũng là hư vọng. Nhà thiền nói là “hồi thoát căn trần”.

‘Hồi’ nghĩa là ‘viễn’, thoát ly căn và trần, lúc này linh quang độc diệu, trí tuệ quang minh trong chân như bản tánh liền thâu lộ ra, đây thực sự là thọ dụng bất tận. Bồ Tát vì sao có loại năng lực này, năng lực này của ngài từ đâu mà đến, nếu như Ngài không nói ra thì chúng ta không tin được, ngài nói ra rồi chúng ta tin tưởng được, thật có lý. Đồng thời cũng ám thị cho chúng ta rằng loại năng lực này bản thân quí vị cũng đầy đủ, không phải không có, vấn đề là ở đâu? Bởi vì bản thân không thể thoát căn thoát trần. Chúng ta tuy có năng lực này, loại năng lực này chỉ là đang ẩn tàng mà thôi, nó không thể khởi tác dụng.

Dưới đây nói đến khởi tác dụng: “Cố ngã diệu năng”, trước chữ ‘năng’ còn có thêm một chữ ‘diệu’, chữ này nên chú ý, chúng sanh có ‘năng’ không ‘diệu’, không có diệu. Chữ diệu này ở đây nó thuộc về ý nghĩa tự tại, phi hữu phi vô, phi sắc phi không, vậy mới diệu!

“Hiện nhất nhất hình”, nói đến đây trước kia cũng từng có người hỏi qua, tôi cũng nghe được ở nước ngoài có pháp sư từng giảng, Bồ Tát thị hiện nhiều thân như vậy, mỗi một thân này phải chăng có một thần thức? Họ hiện rất nhiều thân phải chăng là một mình họ biến thành rất nhiều thần thức?

Chư vị nghĩ xem, nếu như họ có thể biến thành nhiều thần thức như vậy, rất nhiều thần thức đều là họ, vậy tương lai họ sẽ thành rất nhiều Phật, có lý nào lại như vậy? Không có đạo lý như vậy! Cho nên ở đây chính chúng ta đã sơ suất mất chữ ‘diệu’ này. Diệu không phải đã nói với quí vị là phi hữu phi vô rồi sao? Một thân tức là nhiều thân, nhiều thân tức là một thân. Một hay nhiều không khác nên gọi là diệu. Một không phải là nhiều, nhiều không phải là một, vậy diệu ở đâu? Vậy thì không diệu nữa rồi. Phàm phu thấy được việc này, nghe nói như vậy liền mê hoặc. Họ mê như thế nào? Họ mê nơi một không phải là nhiều, nhiều thì không phải là một. Họ mê nơi điểm này, người ta chỉ một chữ này đã khiến cho người ta rõ ràng rồi. Họ có tâm ý thức hay không? Họ không có tâm ý thức. Pháp chấp phá rồi, chuyển tám thức thành bốn trí, thì còn gì là tâm ý thức?

Vì tất cả chúng sanh hiện hình thuyết chú, đây là từ bốn trí bồ đề biến hiện ra tâm ý thức là tha thọ dụng, biến hiện này không phải có tâm, mà chúng ta nghĩ như thế nào? Biến hiện này nhất định là có tâm, vậy là sai.

Trong kinh văn thường dùng ví dụ để nói, trong Kinh Lăng Nghiêm dùng mặt trăng để làm ví dụ, trăng thật, trăng thứ hai, trăng trong nước, trên trời chỉ có một mặt trăng? Nơi nào có nước, nước liền hiện bóng mặt trăng. Quí vị nghĩ xem trong nước đó phải chăng có mặt trăng? Là phân thân của mặt trăng này ư? Phải chăng là phân thân của nó? Mặt trăng này phải chăng chính là mặt trăng kia? Quí vị như vậy không phải gọi là mê hoặc điên đảo ư? Vì sao vậy? Ở đây căn bản là không có trăng.

Chư Phật Bồ Tát ứng hóa vô biên cũng giống như điều này vậy. Đó gọi là “tùy tâm chúng sanh tâm, ứng hiện như thế, tuần nghiệp phát hiện”, “hiện nhất nhất hình” là thân hình vô lượng vô biên. Chúng ta phải ghi nhớ một điều, nhất định không nên ngộ nhận Quán Thế Âm Bồ Tát là một người nữ, là người mặc y phục màu trắng. Chúng ta nhận định rồi, người ta vẽ tượng bạch y Quan Âm, quí vị xem rồi nhận chắc như vậy, đó mới là Quan Âm Bồ Tát, nếu như không phải tượng đó thì đều không phả, như vậy là sai. Vậy thì không thể gọi là nhất nhất hình.

Chỉ có thể hiện một hình, chỉ có thể hình dáng như vậy thôi. Làm sao có thể gọi là nhất nhất hình? Làm sao có thể gọi nhiều hình? Cổ nhân họa tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, họa 500 loại tượng, nam nữ già trẻ, còn có tượng làm quốc vương, làm đại thần, làm ăn mày, tướng mạo rất đẹp, cũng có tướng mạo rất khó coi, đó là sự thật. Chúng ta từ đâu có thể nhận biết Quan Âm Bồ Tát? Quan Âm Bồ Tát có đứng ngay trước mặt, chúng ta cũng không nhận ra được.

 Hiện thân hình này lợi ích của hình, làm cho ta nhìn thấy. Nhãn căn nhìn thấy Bồ Tát, chúng ta có được cảm thọ, được lĩnh ngộ, đạt được lợi ích này. Tụng chú là âm thanh, chư vị nói chú là chú ngữ. Chúng ta nếu như coi chú này đơn thuần xem thành chú ngữ, vậy thì sai.

Chú này cách nói như thế nào? Chú gọi là tổng trì, “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa”. Ghi nhớ hai câu này, tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa. Nói cách khác, ngôn ngữ này khiến cho chúng ta vừa nghe đã khai ngộ, nói một câu này, ý nghĩa của nó rất nhiều, có thể từ đó mà suy ra.

Cảnh giới rộng lớn, nghĩa lý thậm thâm, đây gọi là chú, tam tạng mười hai bộ kinh điển đều là chú, chư vị nên hiểu ý nghĩa này, lúc này chú lực không thể nghĩ bàn. Bộ kinh nào cũng là tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa? Bất luận là kinh Đại thừa hay là Tiểu thừa, tất cả những gì chư Phật Bồ Tát lịch đại Tổ sư đại đức nói cho chúng ta, đều có thể coi là chú. Cho nên chú ở đây là nghĩa rộng, không phải là nghĩa hẹp.

Nếu như hiểu sai, chỉ là ngôn ngữ đối với quỷ thần đó mới gọi là chú, ngôn ngữ nói với chúng ta thì không gọi là chú! Nói rõ ràng thêm một tí nữa, phàm là ngôn ngữ có tánh gợi ý đều gọi là chú, tức là trong ngôn ngữ này có gợi ý cho quí vị , quí vị nghe hiểu rồi, liền giác ngộ, hiểu được trong đó có ý nghĩa, quí vị nghe không hiểu, nghe không hiểu thì thôi vậy, cũng không miễn cưỡng quí vị. Nếu như Phật là thật có ngôn thuyết, vì sao trong Kinh Kim Cang Phật lại phủ định, nói Ngài không nói một chữ nào. Ai nói Phật thuyết pháp thì gọi là hủy báng Phật? Giống như những chỗ này chúng ta cũng nên suy nghĩ nhiều hơn, mỗi câu đều có tánh ý trong đó, để cho chúng ta đi lãnh hội, lãnh ngộ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, lý chân thật của đại đạo.

“Kỳ hình kỳ chú năng dĩ vô úy thí chư chúng sanh”, ‘kỳ hình’ chính là hiện thân, lấy thân hình để giúp đỡ họ thuyết chú. Đây là dùng ngôn ngữ để hướng dẫn họ, đều dạy họ lìa khổ được vui, mục đích là như vậy. Dạy họ phá mê khai ngộ, giác ngộ rồi thì không còn lo sợ nữa, lúc mê hoặc điên đảo mới có lo sợ.

 Thí dụ như nói, chúng sanh đều sợ chết, chúng sanh đều sợ đói khát, rét lạnh, sợ đánh mất danh văn lợi dưỡng, sợ những thứ này. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta mê, không hiểu được. Nếu như thực sự giác ngộ, đạo lý thực sự rõ ràng, thì miếng ăn thức uống không có gì không phải là tiền định. Thực sự hiểu được sẽ không sợ đói khát nữa, cũng không sợ rét lạnh, danh văn lợi dưỡng. Vì sao? Hiểu được đây là trong mệnh định sẵn. Có thì nhất định sẽ có, không ai lấy đi được, không có thì có suy nghĩ lung tung cũng không cầu được. Thứ quí vị có thể cầu được là trong số mệnh quí vị đã có, vậy không phải là cầu oan uổng sao!

Hiểu được đạo lý sanh tử này rồi, căn bản không có sanh tử, chỉ là nghiệp báo, sẽ có lúc hết. Hoàn toàn không có sanh tử, nghiệp báo này tận rồi, một nghiệp báo tiếp theo lại hiện tiền. Thân có sanh diệt, bản thân là bất sanh bất diệt. Đối với việc tử vong cũng không lo sợ nữa, thực sự thoát khỏi.

Người tham sống sợ chết thì chết rất nguy hiểm. Vì sao vậy? Họ lo sợ, mê hoặc điên đảo, tay chân lóng ngóng, luôn luôn đi nhầm đường, đọa vào đường ác. Nếu như họ không sợ chết, đối với sanh tử căn bản chẳng để tâm, họ không hốt hoảng tí nào, không kinh không sợ. Người như vậy đời sau nhất định sanh đến nơi tốt đẹp. Vì sao? Họ có thể tự do lựa chọn, họ không loạn, đây chính là nói về một người có trí tuệ và một người mê hoặc điên đảo.

Quán Thế Âm Bồ Tát hiện hình thuyết pháp, thuyết chú tức thuyết pháp, tụng chú tức thuyết pháp, dùng pháp bố thí cho tất cả chúng sanh.

“Năng dĩ bố úy, thí chư chúng sanh” thí chính là bố thí, trong ba loại bố thí không nói bố thí tài, không nói bố thí pháp, đặc biệt nói về bố thí vô úy, bởi vì trong bố thí vô úy đã bao gồm rồi. Bố thí tài và bố thí pháp thì trong bố thí pháp không bao hàm tài và vô úy. Trong tài bố thí không thể bao hàm pháp và vô úy, duy chỉ có trong bố thí vô úy mới bao gồm cả hai loại bố thí tài và pháp.

Câu dưới đây “thị cố thập phương vi trần quốc độ”, Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, tận hư không biến pháp giới không đâu không hiện thân. Phạm vi ngài đã dạy học là “thập phương vi trần quốc độ”, quốc độ này là quốc độ của Phật, chính là đại thiên thế giới. Có bao nhiêu? Số vi trần tam thiên đại thiên thế giới.

Không những chúng sanh thế giới Ta bà chúng ta tôn xưng Ngài là “bậc thí vô úy”, người bố thí vô úy cho chúng ta, mà mười phương vi trần quốc độ tất cả chúng sanh đều xưng Ngài là “bậc thí vô úy”. Danh hiệu này của Ngài là danh xưng phù hợp thực tế,vì sao vậy? Đích thực là vị bố thí vô úy cho chúng sanh, tên hợp với thực tế, thế gian chúng ta gọi đó là thực tế thành tựu. Tên của Bồ Tát có được là như vậy, không phải là người khác tâng bốc, cũng không phải là bản thân Ngài tự tâng bốc. Ngài đích thực là sự việc này làm được, viên mãn, mọi người xưng Ngài như vậy. Ý nghĩa mà chúng ta xưng Ngài là cứu khổ cứu nạn cũng chính tại đây. Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây đây.

HẾT TẬP 15

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về