Cội nguồn vạn hạnh lấy tâm làm gốc trong môn trợ đạo pháp gì đứng đầu? Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Minh Thành | Xem: 6


Câu Hỏi

Cội nguồn vạn hạnh lấy tâm làm gốc trong môn trợ đạo pháp gì đứng đầu?

Trả Lời

Lấy sự chân thật chánh trực làm đầu, từ bi nhiếp hóa làm đạo. Do chánh trực nên quả không cong vạy, hạnh thuận với Chân như. Do từ bi nên không rơi vào Tiểu thừa, công đức bằng bậc Đại Giác. Nhờ hai môn này mình và người đều được lợi ích.

Hỏi: Ở trên nói rõ, trước phải biết Chánh tông thực hành khắp cả pháp môn trợ đạo. Nay dùng môn vạn hạnh để tiêu trừ nghi ngờ ngưng trệ, chưa rõ lấy gì làm tông chỉ?

Đáp: Phật Pháp vốn không có tông chỉ nhất định. Chỉ tùy chỗ vào thấy rõ tâm tánh, tạm gọi đó là tông chỉ.

Hỏi: Dùng phương tiện gì để được ngộ nhập?

Đáp:

Có môn phương tiện phải nên tự vào.

Hỏi: Lẽ nào lại không chỉ rõ?

Đáp:

Thấy tánh không chỗ nơi làm sao chỉ rõ.

Thật chẳng phải cảnh giới thấy nghe hiểu biết.

Hỏi: Đã không chỉ ra thì khi thấy sẽ là thấy vật gì

Đáp:

Thấy không vật.

Hỏi: Không vật làm sao thấy?

Đáp:

Không vật thì không thấy. Không thấy là thấy thật sự, có thấy thì theo trần cảnh.

Hỏi: Nếu như thế, tại sao trong giáo lý Đức Phật cũng nói “thấy”?

Đáp:

Đức Phật tùy theo pháp thế gian tức là không thấy mà thấy, chẳng đồng với phàm phu chấp là thấy thật. Nói đến cùng, thấy tánh chẳng thuộc về có và không, lắng yên thường lặng lẽ.

Hỏi: Rốt cuộc là thế nào?

Đáp:

Cần phải tự thân tỉnh xét.

Hỏi: Ở trước bảo rằng ngoài tâm không có pháp, tại sao ở đây nói có thấy thì theo trần cảnh?

Đáp:

Tất cả cảnh sắc đều là do hiện lượng tướng phần của thức thứ tám tạo nên, thật không có pháp nào ở ngoài. Khi mắt thấy sắc thì chưa sanh phân biệt, trong khoảng sát na chuyển vào ý thức minh liễu, phân biệt hình tướng cho là sự vật ở bên ngoài, bèn chấp thành trần cảnh.

Hỏi: Cảnh là do thức nào biểu hiện?

Đáp:

Trần cảnh do thức biểu hiện, nội thức biến khởi biểu hiện dường như trần cảnh, như trong gương thấy mặt mình, chẳng phải là bóng của người khác hiện ra. Duy Thức Luận nói:

“Nội thức chuyển biến dường như ngoại cảnh, sự phân biệt về ngã pháp nên khi các thức sanh khởi biến hiện ra ngã pháp của chính nó. Tướng ngã pháp này tuy ở nơi nội thức nhưng do sự phân biệt nên dường như ngoại cảnh hiện ra. Các loài hữu tình từ vô thỉ đến nay duyên đó mà chấp vào thật ngã thật pháp. Giống như chiêm bao, do sức của huyễn mộng nên tâm dường như hiện ra nhiều tướng ngoại cảnh.

Nội thức biểu hiện dường như ngã, dường như pháp tuy có mà không thật”.

Kinh nói:

“Do tự tâm chấp trước nên tâm dường như chuyển hiện ra ngoại cảnh. Mọi vật mà chúng sanh thấy đều chẳng phải có thật. Thế nên nói Duy tâm”.

Ở đây là từ mặt Sự mà nói là thức biến hiện. Nếu đạt sâu Chân như thì tất cả các pháp xưa nay chẳng động, tự tánh của tâm cũng chẳng đợi biến hiện.

Hỏi: Trần và thức này từ đâu mà lập?

Đáp:

Do chủng tử danh từ ngôn ngữ huân tập mà được kiến lập. Thật ra chúng không có bản chất mà dường như có ý nghĩa và tướng mạo hiển hiện, giống như vật huyễn hóa.

Do danh mà lập pháp, nhân pháp mà đặt danh. Trong danh không có pháp, trong pháp không có danh. Chúng không có bản chất chỉ do kết hợp lẫn nhau mà thành, mọi tướng đều lặng lẽ.

Hỏi: Thức này đã không lập thì lấy thức nào làm tông?

Đáp:

Các thức cũng không có chỗ trở về rốt ráo, nếu nói tận cùng thì chỉ có một Chân tánh. Vì để dẹp trừ cảnh cho nên thiết lập Loạn thức này. Nếu cảnh diệt ắt thức cũng không còn, năng sở đều không, chỉ có một Chân thức, tức là Thật tánh.

Luận Tam Vô Tánh nói:

“Trước dùng Loạn thức dẹp trừ cảnh, kế đến dùng Yêm Ma La thức dẹp trừ Loạn thức, cuối cùng chỉ còn một Tịnh thức”.

Hỏi: Lý Sự vô ngại, muôn việc tu trọn vẹn. Đó là dựa vào giáp pháp nào, thuộc về Đế nào?

Đáp:

Pháp tánh dung thông tùy duyên tự tại, nêu lên một pháp thâu nhiếp trọn vẹn vạn hạnh. Đó tức là y cứ vào Hoa Nghiêm, thuộc về Viên Giáo.

Nếu từ nơi Lục độ vạn hạnh mà thành Phật hóa độ chúng sanh thì tuy là duyên khởi thanh tịnh nhưng đều thuộc về Thế đế.

Nếu thấu rõ Tông này, cứu xét tận cùng biển quả thì lý và trí đều không, ngôn ngữ tâm tư dứt bặt.

Hỏi: Trong tập văn này trình bày mấy danh mục?

Đáp:

Nếu như hỏi về khái niệm giả danh thì có vô số danh mục. Nay nói khái lược gọi chung là Vạn Thiện Đồng Quy, nếu phân biệt mà nói thì có mười ý nghĩa.

1. Lý Sự vô ngại.
2. Quyền Thật song hành.
3. Nhị đế cùng trình bày.
4. Tánh Tướng dung thông.
5. Thể Dụng tự tại.
6. Có Không làm thành với nhau.
7. Chánh hạnh Trợ hạnh gồm tu.
8. Đồng Dị bình đẳng.
9. Tu Tánh không hai.
10. Nhân Quả không sai.