Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > De-tro-thanh-nguoi--phat-tu-tai-gia

Để trở thành người phật tử tại gia
Hòa Thượng Thích Đức Thắng

I - DUYÊN KHỞI:

a) Nguyên nhân xa: 


Vì xã hội Ấn Độ vào lúc bấy giờ, chính trị thì phân chia thành bốn giai cấp rõ ràng, có kẻ thống trị và người bị trị. Bất công xã hội ngày càng được củng cố bởi các hàng Tăng lữ Bà-la-môn và, giai cấp vua chúa. Hai giai cấp này đại diện cho kẻ thống trị, họ bóc lột tận xương tủy hai giai cấp dưới Phệ-xá, Thủ-đà-la; và biến hai giai cấp này thành những kẻ phục vụ cho hai giai cấp trên. Nhất là giai cấp Thủ-đà-la suốt đời làm nô lệ cho hai giai cấp trên như là một truyền thống cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác. Về tư tưởng thì bị phân hóa, theo kinh Trường A-hàm 14, kinh Phạm Động thì vào lúc bấy giờ xã hội Ấn Độ có 62 loại kiến giải tà kiến của ngoại đạo. Đạo đức xã hội vào lúc bấy giờ dựa vào thần quyền. Tất cả mọi sinh hoạt đạo đức của con người, đều đặt đức  tin vào sự ban phước giáng họa của thần linh. Con người không làm chủ được chính mình, mà tùy thuộc vào một thượng đế tối cao, hay những thần linh nào khác, để rồi đánh mất tánh tự chủ và, trở thành vong thân.

Đứng trước một xã hội như thế, muốn trở lại với chính mình, và làm chủ vận mạng của chính mình thì dứt khoát phải từ bỏ quyền uy của Thánh kinh Veda, cũng như quyền uy của Phạm thiên như là một vị sáng thế và phải cắt đứt mọi mối quan hệ giữa người và thần linh, và chỉ nhìn nhận mối quan hệ duyên khởi giữa người và người, giữa người và mọi vật chung quanh với quan hệ bình đẳng. Lúc này con người mới thể hiện được tính nhân bản mà con người cần phải có trong sự hiện hữu của chính mình qua cuộc sống.
Nguyên nhân gần: 

Nhân một buổi sáng đức Thế Tôn vào thành Xá-vệ khất thực, gặp một thanh niên tên là Thiện Sinh (Singālovāda) đang làm lễ ngoài thành, đức Phật hỏi lý do. Thiện Sinh trả lời là lúc cha mình sắp qua đời, người có dặn dò sáng nào cũng nên làm lễ sáu phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Đức Phật liền chỉ dạy cho Thiện Sinh biết trong pháp của Ta cũng có lễ sáu phương, nhưng không có ý nghĩa như vậy.

Đức Phật giảng nói kinh này, nội dung chỉ rõ nếp sống đạo đức của người Phật tử tại gia, thay vì lễ phương Đông là lễ trời Đế Thích, thì lễ cha mẹ. Thay vì lễ phương Nam là lễ Diêm La vương, thì lễ sư trưởng. Thay vì lễ phương Tây là lễ Bà-la-na thiên thì lễ vợ.

Thay vì lễ phương Bắc là lễ Câu-tỳ-la thiên thì lễ bạn bè. Thay vì lễ phương Dưới là lễ Vu Hỏa thiên thì lễ tôi tớ. Thay vì lễ phương Trên là lễ Vu Phong thiên thì lễ Samôn, Bà-la-môn. Nhân phương pháp lễ lạy những người quá cố này, đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần phải có bổn phận đối với chính mình và, đối với những quan hệ chung quanh.

II - ĐỐI VỚI BẢN THÂN:

Muốn trở thành một Phật tử tại gia chân chính, trước hết phải tự hoàn thiện bản thân chính mình trước đã, bằng cách quay về nương tựa nơi ba ngôi báu.

- Phật: Người đã giác ngộ hoàn toàn bản thể vũ trụ vạn hữu, các pháp hữu tình cũng như vô tình, các pháp xuất thế gian cũng như thế gian, các pháp hữu vi cũng như vô vi.
- Pháp: Là những lời dạy về những sở ngộ của đức Phật về phương pháp giác ngộ các pháp trong vũ trụ đưa đến giải thóat khổ đau và đạt an vui tịch diệt Niếtbàn.
- Tăng: Là đoàn thể Tăng già, hòa hợp thanh tịnh, là những người nối dõi hạt giống trí tuệ của chư Phật; đại diện cho chư Phật truyền trao Chánh pháp lại cho mọi người, khiến cho mọi người cùng giác ngộ như chư Phật.

Sau khi đã quay về nương tựa nơi ba ngôi báu, người Phật tử cần phải phát tâm cầu mong đạt được giác ngộ như chư Phật. 
Kế đến phải giữ gìn, không được phạm vào những cấm giới mà mình đã nguyện thọ trì trong khi quy y thọ giới.

1/ Không sát hại những sinh vật có mạng sống.
2/ Không được trộm cắp những vật của kẻ khác mà họ không cho.
3/ Không được tà hạnh, (phải sống một nếp sống trong sạch, không phá vỡ tình cảm hạnh phúc gia đình mình, và hạnh phúc tình cảm gia đình kẻ khác. Không vượt qua khỏi chức năng làm vợ làm chồng của mỗi người.)
4/ Không được nói dối.
5/ Không được uống rượu.

Nếu phạm 4 điều giới cấm trên gọi là phạm ba nghiệp thân, khẩu và ý. Vì sao vậy? Vì hành vi của thân có ba: sát hại, trộm cắp, tà dâm; hành vi của miệng có bốn: nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời thô ác. Nếu thân và miệng tạo ra những hành vi để trở thành nghiệp thì những tạo tác của thân và miệng ấy cũng chính là sự tạo tác của ý. Vì ý làm chủ, ý sai khiến thân và miệng tạo tác. Ý luôn câu hữu với tham, sân, si để nuôi lớn bản ngã; nên tham, sân, si là ba động cơ thúc đẩy ý thực hiện việc nuôi lớn bản ngã và vô minh qua thân và miệng trong tạo tác.
Người Phật tử muốn sống cuộc sống hạnh phúc thanh tao trong tâm hồn mình, thì phải giữ năm điều giới cấm trên. Vì lúc chúng ta giữ giới, không những tránh được ba nghiệp ác của thân, miệng và ý trói buộc chúng ta vào sinh tử luân hồi khổ đau, mà còn mang lại cho người và vật những lợi lạc do việc giữ gìn giới của chúng ta mà ra.
Ngoài ra đức Phật còn phân tích có sáu nguyên nhân làm cho người thế gian khuynh gia bại sản đó là:

1/ Nghiện rượu,
2/ Cờ bạc,
3/ Sống phóng đãng (rong chơi không đúng lúc)
4/ Say mê kỹ nhạc (la cà đình đám)
5/ Giao du bạn xấu,
6/ Lười biếng.

Đức Phật dạy:
“Lại nữa, này Thiện Sinh, nên biết, uống rượu có sáu điều lỗi: một, hao tài; hai, sanh bệnh; ba, đấu tranh; bốn, tiếng xấu đồn khắp; năm, bộc phát nóng giận; sáu, tuệ giảm dần.
“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.

“Này Thiện Sinh, cờ bạc có sáu điều tai hại: một, tài sản ngày một hao hụt; hai, thắng thì gây thù oán; ba, bị kẻ trí chê; bốn, mọi người không kính nể tin cậy; năm, bị xa lánh; và sáu, sanh tâm trộm cắp. Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.

“Này Thiện Sinh, phóng đãng có sáu lỗi: một, không tự phòng hộ mình; hai, không phòng hộ được tài sản và hàng hóa; ba, không phòng hộ được con cháu; bốn, thường hay bị sợ hãi; năm, bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân; sáu, ưa sinh điều dối trá. Đó là sáu điều lỗi. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả phóng đãng mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, say mê kỹ nhạc có sáu lỗi: một, tìm đến chỗ ca hát; hai, tìm đến chỗ múa nhảy; ba, tìm đến chỗ đàn địch; bốn, tìm đến chỗ tấu linh tay; năm, tìm đến chỗ có âm thanh vi diệu; sáu, tìm đến chỗ đánh trống.[1] Đó là sáu tai hại của kỹ nhạc. Nếu trưởng giả hoặc con trai trưởng giả say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.

“Này Thiện Sinh, giao du với bạn xấu có sáu lỗi: một, tìm cách lừa dối; hai, ưa chỗ thầm kín; ba, dụ dỗ nhà người khác; bốn, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người khác; năm, xoay tài lợi về mình; sáu, ưa phanh phui lỗi người. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.

“Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi; một, khi giàu sang không chịu làm việc; hai, khi nghèo không chịu siêng năng; ba, lúc lạnh không chịu siêng năng; bốn, lúc nóng không chịu siêng năng; năm, lúc sáng trời không chịu siêng năng; sáu, lúc tối trời không chịu siêng năng. Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.”

Trong bạn bè ta, đức Phật phân ra làm bốn loại bạn xấu: 

1/ Cho ít, xin nhiều mưu lợi cá nhân,
2/ Đa ngôn xảo mép ngọt ngào, chỉ biết nói không biết làm,
3/ Nịnh hót (trước khen sau chê) tán đồng việc ác, chống lại việc thiện,
4/ Bạn ác ăn tiêu xa xỉ (rượu chè, cờ bạc, rong chơi phóng túng.)

Phật bảo Thiện Sinh: 
“Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.
“Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tìm cách đun đẩy.
“Hạng không thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt. “Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”
Và ngược lại, theo đức Phật có bốn hạng người bạn tốt thân nên thân cận:

1/ Ngăn ta làm điều quấy, thường khuyên ta làm điều lợi ích,
2/ Giàu lòng từ bi thương yêu người vật,
2/ Biết giúp đỡ,
4/ Chung thỉ, đồng sự với mình.

Phật lại bảo Thiện Sinh: 
“Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên.[2] Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở. Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở. Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người. Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”

Những điều trên đây đức Phật dạy cho Phật tử tại gia, nếu muốn trở thành một Phật tử chân chính thì, phải tự thân mình thực hành những điều đó trong cuộc sống của chính mọi người. Có nghĩa là mọi người trước hết hãy hoàn thiện chính mình đã, rồi sau mới đem chúng hướng dẫn cho mọi người cũng thực hành như chính mình đã thực hành.

 
Trích từ: Để trở thành người phật tử tại gia
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
5 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
10 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
11 Để Trở Thành Phật Tử Tại Gia, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Vạn Phật, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
14 Kinh Vô Lượng Thọ Phật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về

Khái Yếu Về Tam Quy
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Khái Yếu Về Ngũ Giới
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm