Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Trich-Dan-Tay-Phuong-Xac-Chi-Cua-Giac-Minh-Dieu-Hanh-Bo-Tat

Trích Dẫn Tây Phương Xác Chỉ Của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

* Nếu niệm Phật chẳng thể nhất tâm thì chỉ dứt ý tưởng lo cầu đắc Định, cứ từ từ niệm, cốt sao tiếng hợp với tâm, tâm nương theo tiếng. Niệm lâu ngày, tự được các niệm lặng trong, tâm cảnh tuyệt chiếu, chứng nhập Niệm Phật Tam-muội. Nhưng thường ngày cần phải niệm cho nhiều, từ ngàn niệm đến vạn niệm. Tâm không gián đoạn thì căn khí mới dễ thành thục nhất. Nếu cưỡng ép tâm chuyên nhất, sẽ trọn chẳng thể chuyên nhất!

* Kệ rằng:

Nói ít một câu chuyện
Niệm nhiều một câu Phật
Ðánh chết được vọng niệm
Pháp thân ngươi hiển lộ

* Tâm hành xứ diệt là chân tâm thường trụ của chư Phật. Tâm hành xứ hữu là nghiệp tâm sanh tử của chúng sanh, chẳng có kẽ hở bằng tơ tóc. Nếu các ông có thể miên mật gia công, khiến cho cái tâm này không chút hở trống thì mới được tương ưng đôi phần. Ðừng tu sơ sài nửa năm, mười tháng rồi tự cho là mình đã khổ tâm tu đạo, chẳng biết rằng đấy chính là một điều chướng đạo, cần phải dè chừng.

Hơn nữa, dẫu gia công tu tập mạnh mẽ, nhưng nếu chưa đạt đến mức như tường đồng, vách sắt, đẩy chẳng đổ, dời chẳng lay, thì vẫn chưa tạo thành một phiến [nhất tâm], chớ nên thấy có chút ảnh hưởng đã ngừng tay. Ấy là nửa đường bỏ dở, đến nỗi phí hết công lao khi trước, chẳng đạt lợi ích mảy may. Ðây chính là căn bệnh lớn của người học đạo, các ông chớ nên không biết!

Cần phải biết rằng: Phật pháp như biển cả, càng vào bên trong càng thấy sâu, dứt khoát chẳng thể dùng chút tri kiến nhỏ nhoi hòng lãnh hội được hết. Phải tu tập suốt đời, gắng hết sức tu tập, đừng nghĩ là dễ dàng.

* Niệm Phật Tam-muội là từ đại thế lực nơi tâm ông tạo thành, chứ chẳng phải là do cái khác mà có. Nay các ông niệm Phật suốt ngày đêm vẫn chẳng được nhất tâm, loạn tưởng vẫn còn cách trở chân tâm, đều là vì chưa tận lực dụng tâm.

* Tâm vốn vô niệm, hễ niệm thì tưởng sanh. Tưởng ấy hư vọng, lưu chuyển sanh tử; nên biết: Một câu A Di Ðà Phật này chẳng từ tưởng sanh, chẳng từ niệm có; chẳng trụ vào trong hay ngoài; chẳng có tướng mạo thì các vọng tưởng chấm dứt. Thân thanh tịnh vi diệu chân thật của Như Lai chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng thể phân biệt. Niệm như thế thì phiền não trần lao liền chẳng đoạn, chẳng trói, chỉ là nhất tâm. Phải đạt nhất tâm mới gọi là chấp trì danh hiệu, mới gọi là nhất tâm bất loạn, Tịnh nghiệp thành tựu, chứng ngay vào thượng phẩm.

Phàm phu đời trược tâm trí cạn cợt, kém cỏi, chưa thể thâm đạt chí lý, hãy nên phát đại nguyện, nguyện sanh về Cực Lạc. Sau đó, chí thành khẩn thiết xưng niệm A Di Ðà Phật, sao cho tiếng niệm duyên theo tâm, tâm duyên theo tiếng. Tiếng và tâm nương dựa lẫn nhau như mèo rình chuột, lâu ngày chẳng mất, sẽ nhập chánh ức niệm tam-muội.

* Người tu Tịnh nghiệp đi, đứng, nằm, ngồi, đứng lên, ngồi xuống, ăn uống, đều nên hướng về phương Tây thì sự cơ cảm dễ thành, căn cảnh dễ thuần thục. Trong thất chỉ thờ một tượng Phật, một quyển kinh, một lò hương, một cái bàn, một cái giường, một cái ghế, chẳng được bày nhiều thứ khác. Trên sân cũng quét dọn thanh tịnh để đi kinh hành không bị trở ngại gì.

Phải giữ cho tâm này chẳng vướng bận mảy may gì, quên hết muôn mối lo, trống rỗng, chẳng biết có thân, chẳng hay có đời, cũng chẳng biết việc mình đang làm ngày nay là việc tu hành. Ðược như vậy thì ngày càng gần với đạo, ngày càng cách xa đời, mới tiến hướng Tịnh nghiệp được. Lúc bình thời, ông đã có thể buông bỏ sạch hết thảy mọi chuyện, trong ý niệm chẳng còn chút vướng mắc nào, thì khi đại hạn xảy đến, sẽ thanh thản, thảnh thơi, chẳng có ý tưởng lưu luyến con cái, nuối tiếc tấm thân, con cháu, há chẳng phải là hành vi của bậc đại trượng phu ư?

Bởi vậy, ông phải nhất ý tu hành, chẳng còn dính mắc điều gì khác nữa. Ðó chính là điều then chốt nhất. Còn như cách thức Tịnh tu thì chẳng ngoài hai chữ “chuyên cần”. Chuyên là chẳng làm chuyện gì khác. Cần chẳng bỏ uổng lúc nào.

Nay ông sáng dậy, liền tụng một quyển kinh Di Ðà, trì một ngàn câu A Di Ðà Phật, đối trước Phật hồi hướng, niệm bài Nhất Tâm Quy Mạng vì bài này lời lẽ giản dị, nhưng ý nghĩa súc tích. Ðấy chính là công khóa trong một thời. Nếu như lúc sơ khởi, thân tâm còn chưa yên, mỗi ngày chỉ hành trì bốn thời. Ðã hơi yên thì dần dần tăng đến sáu thời, lại tăng dần đến mười hai thời, tụng mười hai quyển kinh, niệm danh hiệu Phật một vạn hai ngàn tiếng. Trong lúc hồi hướng, lại lễ Phật trăm lạy, cũng có thể chia làm bốn thời. Ðấy là thường khóa mỗi ngày. Những lúc khác chẳng cần tính vô số ấy.

Dù niệm thầm hay niệm ra tiếng đều phải nhiếp tâm niệm chắc chắn mà thôi. Trong pháp trì danh, cần phải mỗi câu mỗi chữ, tâm và tiếng phải nương theo nhau, chẳng được xen tạp mảy may ý niệm thế tục. Lâu ngày thành thục, quyết định được vãng sanh Cực Lạc, ngồi trên hoa sen báu, đạt lên địa vị Bất Thoái. Nếu năm tháng tuổi già chưa hết, do ông đã chứng đắc như thế, ông sẽ dạy dỗ đại chúng hòng báo ân sâu của Phật.

* Khi tụng kinh phải đều đặn, bình tịnh, đừng hoãn đãi, đừng gấp gáp, chẳng nhanh, chẳng chậm. Niệm Phật cần phải từng tiếng ứng theo tâm, chẳng thô tháp, chẳng lao chao, chẳng hư phù, chẳng trầm trệ mà niệm. Ðến lúc hồi hướng, chẳng phải là tụng bản văn Hồi Hướng một lượt là xong, mà phải từ trong tâm mình phát ra lời nguyện Ðại Bồ Ðề chân chánh, chí thành khẩn thiết, nguyện khắp hết thảy chúng sanh cùng vãng sanh Cực Lạc, nhưng tâm ta chẳng chấp trước, giống như hư không. Ðấy gọi là hồi hướng.

Lại khi tịnh tọa, hãy nên phản quán thâm cứu: Phật chính là tâm ta, tâm này là Phật, chẳng cần phải cầu từ bên ngoài, đúng như tâm mà trụ, không năng, không sở. Quán sát đúng đắn, chắc chắn như thế không còn có niệm khác thì gọi là tu hành tam-muội. Cẩn thận chớ quên thân hình, tâm nguội lạnh như đã chết, kẻo lại lạc vào tri kiến của tà ma, ngoại đạo. Ngồi tịnh tọa một thời như vậy xong liền đứng dậy đi kinh hành, rồi lại trì tụng theo thứ tự.

Nếu cứ gấp gấp gáp gáp làm liền một hơi, cho là đã hoàn tất khóa tụng của một ngày, nhưng rốt cục trở thành tụng niệm cẩu thả, chẳng phải là tu hành chân chánh vậy. Ðại để, người học đạo chẳng tuân lời tri thức răn dạy, nhất định sẽ nhọc nhằn nhưng vẫn vô ích, chưa được bao lâu đã nản. Cẩn thận, cẩn thận!

Thêm nữa, đối với những thứ chánh báo và y báo trang nghiêm trong cõi Tịnh Ðộ được giảng trong các kinh, ông phải giảng, tụng minh bạch. Giả sử lúc tịnh tọa, hoặc kinh hành, hoặc khi lễ tụng, nếu như Tịnh Ðộ hiện tiền sẽ hiểu biết rành rẽ, chẳng bị dị cảnh mê hoặc.

* Phàm hết thảy tướng nhân ngã, tướng danh lợi, tướng sân hỷ v.v… trong thế gian chẳng phải chỉ phát xuất từ các hành vi nơi thân, mà nó phát xuất từ lưới trần dằng dặc từ trước. Hễ tâm vướng mắc đôi chút, liền tạo thành nhân duyên chướng đạo. Ông cần phải hiểu rõ như thế! Ông chỉ cần thân lễ A Di Ðà Phật, miệng tụng A Di Ðà, tâm niệm A Di Ðà, chẳng hề có chút mảy may ý niệm nào khác, sẽ liền sạch làu trần cấu, xé nát lưới trần, sanh về cõi Cực Lạc.

* Nếu lo thân mình bị ràng buộc trong lưới rập thế sự, chẳng sạch làu ý niệm, chỉ cần phát nguyện xa lìa, cầu giải thoát, đem cái tâm khăng khăng quy hướng thế giới Cực Lạc gặp A Di Ðà Phật thay cho cái tâm bon chen danh lợi, liền có thể dứt trần lao, bước trên đường giác.

* Nói chung, người tu Tịnh Ðộ kỵ nhất là xen tạp. Thế nào là xen tạp? Tức là vừa tụng kinh, vừa trì chú, vừa kết hội, lại ưa nói đôi chút về những thứ chẳng khẩn yếu trong nhà Thiền, lại ưa bàn những chuyện cát hung, họa phước, thấy thần, gặp quỉ. Ðấy chính là xen tạp. Ðã xen tạp thì tâm chẳng chuyên nhất. Tâm chẳng chuyên nhất sẽ khó thấy Phật vãng sanh, phí uổng cả một đời. Nay ông chớ nên làm như thế, chỉ khẩn thiết trì một câu A Di Ðà Phật, cầu sanh về Cực Lạc. Lâu ngày công hạnh thành tựu, mới là chẳng lầm lỡ vậy.

* Có bệnh mà vẫn còn chưa chết thì nên dứt mọi buộc ràng, an tâm đoan tọa, niệm thân vô thường, niệm cõi đời vô thường. Tất cả vọng duyên buông bỏ xuống hết, thong thả niệm một câu A Di Ðà Phật, tự nhiên lục trần chẳng sanh, nhất tâm thanh tịnh, không chỉ căn bệnh trong đời này được lành, mà căn bệnh sanh tử cũng nhờ đó mà được dứt khỏi.

Nhận định:

Bồ Tát minh thị: Cách thức tu hành chẳng ngoài hai chữ: Chuyên là chẳng làm việc nào khác, Cần là chẳng hề bỏ uổng lúc nào, lâu ngày thành thục, quyết định được sanh về Cực Lạc. Ðủ thấy: Nếu có thể đem cái tâm quy hướng Cực Lạc đánh đổi cái tâm bon chen danh lợi, buông xuống vạn duyên, nhiếp tâm niệm nhiều, sẽ dần dần nhập Niệm Phật Tam-muội, lâm chung quyết định sanh về Cực Lạc vậy!
 
Trích từ: Niệm Phật Pháp Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về