Ý Nghĩa Thọ Giới
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Chỉ các bậc Thánh A-la-hán trong đời mới phân biệt rõ bằng trí tuệ vô lậu rằng cái gì độc hại, không độc hại. Ngoài ra, các hạng phàm phu, kể tất cả chư thiên và loài người, bị trùm kín trong màn vô minh u tối, khó có thể định rõ con đường trước mắt mình, nên đi theo lối nào; cũng không thể nhận rõ những gì là độc hại; cho nên Phật chế giới, để theo đó mà hành trì. Vì vậy, các chúng đệ tử Phật, khi đã quy y Tam bảo, phải thọ trì các cấm giới.

Thọ giới là sự phát nguyện một cách tự nguyện tuân thủ những điều Phật cấm, để tự rèn luyện bản thân, tu tập thân và tu tập tâm, nâng cao phẩm chất đạo đức, giá trị hướng thượng của con người của mình. Do sự phát nguyện này, phát nguyện đúng cách, đúng pháp, trong tự thân người thọ giới phát sinh một năng lực gọi là phòng hộ. Năng lực ấy được thí dụ như là bờ đê, ngăn cản những dòng nước bẩn không cho chảy vào ao nước sạch.

Tâm ta như hồ nước. Nước vốn trong sạch nhưng chung quanh nhiều rác; và thường xuyên dòng nước đục từ bên ngoài tràn vào làm vẩn đục, hồ trở thành dơ bẩn và độc hại. Cho nên, cần có bờ đê ngăn lại để cản các dòng nước bẩn không chảy vào tâm. Vậy nên hiểu theo thí dụ: giới là bờ đê. 

Làm thế nào để đắp thành bờ đê và giữ cho vững chắc? Đó là ý nghĩa thọ giới và trì giới.

Người không thọ giới Phật cũng có thể sống trọn cuộc đời đạo đức gương mẫu. Nhưng đó là đạo đức bẩm sinh, có tính tự phát. Giống như con nai hiền lành; và suốt đời cũng chỉ hiền lành như vậy, không có gì tiến bộ cao cả hơn. Trong người ấy không có năng lực phòng hộ; do đó không có sự tăng trưởng của giới. Nói cách khác, người ấy sinh ra với tính thiện, như hạt giống tốt, quý hiếm, mà được cất kỹ trong kho, không mang ra gieo trồng thì không bao giờ thành cây, để cho hoa cho trái.

Mỗi tháng có 6 ngày thọ giới là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30. Hoặc 8 ngày, nêu thêm mồng 7 và 22.

Trong truyền thuyết tín ngưỡng cổ xưa ở Ấn độ, người đời tin rằng vào các ngày đó ma quỷ thường quấy nhiễu loài người, và cũng là những ngày mà Thiên đế và bốn vị Hộ thế Thiên vương đi tuần hành nhân gian để giúp đỡ những ai làm điều thiện. Vì thế người đời bấy giờ mới bày ra chuyện dâng cúng phẩm vật, cầu khẩn thần linh phò hộ, trừ ma quỷ, ban cho nhiều điều phước, nhiều tài lộc, may mắn. Người tin Phật không tin vào những chuyện hối lộ Thần thánh kiểu đó; chỉ tin vào những nghiệp thiện ác do chính mình làm, và những hậu quả lành dữ của nó. Cho nên, thay vì cúng bái, cầu khẩn, chúng ta tu tập bát quan trai giới.

Mặt khác, người chưa sống ở miền quê thì chưa thấy được tác dụng của ngày âm lịch. Người miền quê qua nhiều thế hệ có kinh nghiệm nhận thấy rằng tính tình con người thường thay đổi theo từng mùa trăng, từng con trăng. Con trăng thay đổi, khi tròn khi khuyết, tánh tình theo đó cũng ít nhiều biến đổi, hiền hòa hơn hay hung dữ hơn; dễ vui hơn hay dễ cáu gắt hơn. Thọ giới vào những ngày này có tác dụng rất lớn đối với sự tu tập thân tâm.

Ngày nay, đời sống hàng ngày tập trung vào các đô thị lớn, nhật thực nguyệt thực đều ít khi biết nên chu kỳ trăng không cần thiết. Đời sống càng ngày càng xã hội hóa, tại các thành phố chỉ có chu kỳ xã hội, cho nên đến ngày thứ Sáu, hay thứ Bảy trong tuần thì con người có cảm giác khác với các ngày thường khác, cảm giác ngày chủ nhật cũng khác liền. Vậy không nhất thiết phải theo mùa trăng, mà ngày chủ nhật thọ giới cũng được. 

Hiệu lực của sự thọ giới phân làm hai loại. Một là giới tận hình thọ, tức phát nguyện thọ rồi thì trì suốt đời; cho đến khi chết thì giới tự động xả. Hoặc chưa chết, nhưng không còn tin tưởng, không còn thích thú trong việc trì giới, mà tự mình tuyên bố, xả giới, hay bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng, bấy giờ giới thể cũng mất. 

Thứ hai là giới một ngày một đêm. Đó là giới cận trụ. Sau khi thọ, giới thể chỉ tồn tại luân lưu trong thâm tâm người thọ một ngày một đêm, từ khi mặt trời mọc hôm nay đến mặt trời mọc hôm sau. Hết thời hạn này, giới tự động xả. 

Tại các thành phố lớn không thể tính thời hạn một ngày theo ánh sáng mặt trời được, mà phải tính theo thời khắc của đồng hồ. Mốc khởi đầu của một ngày để thọ giới bát quan trai có thể ấn định từ 6 giờ sáng hôm nay cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Sau 24 giờ, dù có lên chùa làm lễ hay không, giới vẫn tự động xả. Nếu có lên chùa làm lễ xả, đó chỉ là sự hồi hướng; tức nguyện đem công đức trì giới một ngày hướng vào ước nguyện nào đó.

Giới bát quan trai không thể tự thọ; mà cần phải thọ từ một Sa-di hay Tỳ kheo (ni cũng được).

Trích từ: Bát Quan Trai Giới
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Bát Quan Trai Thập Giảng, Hòa Thượng Thích Thiện Huệ Tải Về