Đường Đi Và Người Dẫn Đường
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang

Đường đi là pháp của Phật chỉ dạy, còn người dẫn đường là Tăng, là các vị thay thế một cách xứng đáng đối với đức Phật trong sự dẫn đạo mọi người đi theo con đường mà Ngài đã chỉ.

Pháp của đức Phật dạy có 3 định lý: nhìn vạn hữu qua thì gian thì thấy tính chất của chúng là “vô thường”, nhìn vạn hữu qua không gian thì thấy tính chất của chúng là “vô ngã”, lại xác định rằng vì 2 tính chất đó nên có thể thực hiện “niết bàn”. Nên thuật ngữ gọi 3 định lý ấy là chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, tịch tịnh niết bàn.

a) Chư hành vô thường. – Hành là sự chuyển biến của hành vi và vạn hữu qua thì gian. Từ sự chuyển biến thầm kín đến sự chuyển biến rõ rệt, hành vi và vạn hữu phát sanh trong sự chuyển biến đó, tồn tại trong sự chuyển biến đó, và biến hóa cũng trong sự chuyển biến đó. Trong tính chất thì gian, hành vi và vạn hữu khnông hề có tính chất vĩnh cửu và cố định. Có và có được là do sự chuyển biến, mà cũng do sự chuyển biến, cái có ấy có thể thay đổi theo ý muốn của chúng ta. Bởi vậy, định lý trước hết của hành vi và vạn hữu là “vô thường”.

b) Chư pháp vô ngã. – Pháp là sự tổ hợp của hành vi và vạn hữu qua không gian. Từ những đan vị vi tế cho đến những kết cấu vĩ đại, hành vi và vạn sự do sự tổ hợp mà phát hiện, do sự tổ hợp mà tồn tại, do sự tổ hợp mà biến hóa. Trong tính chất không gian, hành vi và vạn hữu không hề có tính cách đơn độc và biệt lập. Có và có được là do sự tương quan, mà cũng do sự tương quan, cái có ấy có thể thay đổi theo ý muốn của chúng ta. Bởi vậy, định lý thứ hai của hành vi và vạn hữu là “vô ngã”.

c) Tịch tịnh niết bàn. –  Tịch tịnh là sự đình chỉ của đau khổ, sự đình chỉ của nguyên nhân đau khổ. Vạn hữu thành tựu trong sự tác động của hành vi. Hành vi ác, kết quả khổ não. Hành vi thiện, kết quả an lạc. Mà hành vi ác hay thiện là do tâm lý, nguyên động lực của hành vi, còn có hay không còn có các mối tham sân si. Vậy tham sân si đích thực là nguyên nhân của đau khổ. Nhưng cả đau khổ cũng như nguyên nhân của đau khổ đều vô thường vô ngã. Đã vô thường vô ngã thì cần phải đình chỉ và có thể đình chỉ được. Khi đình chỉ được nguyên nhân đau khổ thì đau khổ diệt hết: đau khổ diệt hết thì chính đó là Niết bàn. Cũng như kẻ bộ hành đã bỏ gánh xuống và chỉ bỏ gánh xuống, sự nặng mới không còn trên vai nữa. Bởi vậy “Niết bàn” là đích lý thứ ba, định lý tiến hóa của hành vi và vạn hữu.

Ba định lý vô thường, vô ngã, Niết bàn như vậy, như chúng ta đã thấy, chúng ta có thể áp dụng vào tất cả mọi mặt lý thuyết, thực hành và diệu dụng của đời sống ý nghĩa. Mà ba định lý ấy chỉ mới là nền móng của chánh pháp đức Phật truyền dạy. Nên chánh pháp quả là đường đi cao chót vót, rộng thênh thang, sáng rực rỡ, lợi thiết tực cho đời sống ý nghĩa. Chánh pháp ấy, vì vậy, được mệnh danh là “chánh”. Con đường của chánh pháp vạch ra là con đường chánh. Đi theo “con đường chánh” ấy, nghĩa là áp dụng chánh pháp vào đời sống của mình, thì chúng ta phải chánh đời sống ấy lại về tất cả mọi mặt của nó: từ nhận thức đến tư duy, từ ngôn ngữ đến hành động, từ sanh hoạt đến nỗ lực, từ lý ức đến chuyên tâm, đều nhất luật phải cố mà chánh lại tất cả y như chánh pháp đã hoạch định, nên thuật ngữ đã gọi là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định. Pháp của đức Phật như vậy thực là cã một con đường chánh, con đường phải đi của những người muốn sống đời sống ý nghĩa và giá trị.

Chánh pháp như vậy là con đường mà đức Phật đã đi qua để tạo cho mình một đời sống hoàn toàn ý nghĩa và đã đem ra để chỉ đạo lại mọi người. Ngày nay đức Phật không còn nữa thì người thay thế sự chỉ đạo của đức Phật là dĩ thân tác chứng, đích thân làm gương và làm chứng những lời mình chỉ đạo. Vì vậy, sự thay thế đức Phật để chỉ đạo mọi người của liệt vị Tăng già cũng phải là những người vừa tự mình thực hành chánh pháp vừa hướng dẫn mọi người sống theo chánh pháp ấy.

Cảm nhận một cách sâu xa những định lý vô thường, vô ngã và niết bàn, các vị Tăng già xuất gia. Xuất gia là một sự xả bỏ hoàn toàn để phục vụ tất cả. Xuất gia là một sự hủy hoại triệt để mà cũng là một sự xây dựng đến kỳ cùng. Càng nhìn rõ sự thực giả dối đau khổ của cuộc đời chừng nào, các vị Tăng già càng thấy rõ cuộc đời có thể thay đổi để thực hiện niết bàn ngần ấy. Bởi vậy, với sự nhận định và với những năng lực trên, liệt vị Tăng già vừa tự hướng dẫn đời mình mà là hướng dẫn người khác, tinh tiến đi trên “con đường chánh” của đức Phật đã chỉ thị. Cũng bởi vậy, những nhận định hợp lý, những năng lực dũng liệt, đều biểu hiện cụ thể ở liệt vị tăng già. Nào những tín ngưỡng minh chánh, những hành động hiệu lực, những mục đích hợp lý chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ ở năng lực hướng thiện của liệt vị Tăng già. Mọi tư cách chỉ đạo của đức Phật, người ta cũng tìm thấy và chỉ tìm thấy ở liệt vị xuất trần thượng sĩ ấy mà thôi. Liệt vị Tăng già đúng là hình bóng của đức Phật. Cho nên ngày nay tuy cách Phật đã quá xa, nhưng trên đường đi theo chánh pháp, những người muốn sống đời sống ý nghĩa vẫn còn có người hướng đạo: người hướng đạo ấy là liệt vị Tăng già vậy.
Trích từ: Tâm Ảnh Lục - Thích Trí Quang
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Vô Thường
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa