Nói đến túc mạng thông, điều này quả thật cũng rất có ý nghĩa, cũng rất quan trọng. Cổ đức nói, ở trong đây chí ít cũng có hai ý nghĩa.

Ý nghĩa thứ nhất là nếu như không biết túc mạng thông, người chúng ta không biết quá khứ, cho nên đối với thiện không muốn tu, không sẵn lòng tu; đối với ác cũng không sợ, cũng không muốn đoạn. Nguyên nhân do đâu vậy? Không biết những nghiệp nhân quả báo trong đời quá khứ. Ở trong kinh Phật từng nói, có A La Hán (A La Hán đắc lậu tận thông, năng lực túc mạng thông của họ có thể biết quá khứ 500 đời) khi nhớ đến trong đời quá khứ tạo tác tội nghiệp bị đọa địa ngục A Tỳ chịu khổ chịu nạn, vừa nhớ đến tình trạng đó mà tâm còn run sợ, trên người rướm mồ hôi máu. Sợ hãi! Đã thoát khỏi từ lâu rồi, hiện nay đã tu hành chứng quả A La Hán, nhớ đến tình trạng lúc đó sợ hãi đến vã mồ hôi máu. Phàm phu chúng ta có người nào mà chưa từng bị đọa địa ngục A Tỳ đâu? Có người nào chưa từng trải qua súc sanh, trải qua ngạ quỷ chứ? Thời gian chúng ta trải qua trong ba đường ác đã quá dài rồi! Đáng tiếc chưa có túc mạng thông nên không hiểu được, quên hết rồi, cho nên ngày nay dám làm ác, không chịu tu thiện, vậy thì còn cách gì nữa? Đây là ý nghĩa thứ nhất.

Ý nghĩa thứ hai, có pháp sư nói, nếu như chúng ta có thể biết túc mạng thông, thì chắc chắn không còn tự cao tự đại nữa, bạn tự nhiên sẽ khiêm tốn ngay. Thử nghĩ người cùng tu hành chung với chúng ta trong quá khứ đã tu hành chứng quả rồi, biết bao nhiêu bạn đạo đồng tu đều đã làm Phật, làm Bồ Tát, bản thân chúng ta vẫn còn rơi vào tình trạng này thì có gì đáng tự cao tự đại chứ? Tâm sám hối sẽ nảy sinh, tâm tự ti sẽ nảy sinh. Đây là tự lợi, có lợi ích đối với mình.Còn đối với việc giúp đỡ người khác, có thể biết người khác trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp, nghiệp nhân quả báo, thì bạn chỉ dạy họ nhất định sẽ khế cơ. Tại sao Phật Bồ Tát vì người giảng kinh thuyết pháp, lời còn chưa nói xong mà người nghe đã khai ngộ, chứng quả? (Chúng ta thường hay xem thấy việc này ở trong kinh). Chúng ta ngày nay khuyên bảo hết lời, hết lần này đến lần khác, khuyên hoài khuyên mãi mà người nghe giống như không nghe thấy vậy, bưng tai không nghe! Hoặc giả nghe thấy, xem thấy, nói các ông diễn xuất hay quá, gật đầu cười cười, ra khỏi cửa đã quên sạch sẽ rồi! Nguyên nhân do đâu vậy? Không biết túc mạng thông, cho nên thuyết pháp thì rất khó khế cơ, đạo lý ở chỗ này. Túc mạng thông là rất vô cùng quan trọng. Không phải chỉ biết được một đời, hai đời, A La Hán mới biết 500 đời, người ở thế giới Cực Lạc “Tự tri vô lượng kiếp thời túc mạng”, biết được thiện ác đã tạo và tất cả quả báo đã chịu ở trong vô lượng kiếp, đây là chân thật không thể nghĩ bàn.

Kinh văn phía dưới, “Động thị” là thiên nhãn thông, “Triệt thính” là thiên nhĩ thông, “Tri thập phương khứ lai hiện tại chi sự” là công năng của thiên nhãn, thiên nhĩ, công năng này không thể nghĩ bàn.

“Thập phương” thì dễ hiểu.

“Khứ lai hiện tại”, khứ là quá khứ, lai là vị lai, hiện tại. Từ một câu kinh văn này chúng ta đã hoàn toàn hiểu rõ rồi. Họ đã đột phá toàn bộ đối với cái mà nhà khoa học hiện đại gọi là duy thứ vô lượng thời không. Không gian khắp mười phương, thời gian tột ba mé, quá khứ, hiện tại, vị lai, họ thảy đều có thể nhìn thấy, thảy đều có thể nghe thấy. Thị thêm chữ “Động thị”, động là thấy rất sâu, thấy rất rõ ràng, thấy rất vi tế. “Triệt thính” là sóng âm cực kỳ yếu ớt, thậm chí là bản thân chúng ta còn chưa phát hiện, nhưng Phật Bồ Tát đã nghe thấy, các Ngài đã tiếp nhận được rồi.

Sáu loại thần thông đều có quan hệ liên đới mật thiết. Phía trước trong túc mạng thông nói, trong vô lượng kiếp quá khứ mười phương đã tạo tất cả thiện ác, hiện nay đức năng trong tự tánh của mình hồi phục rồi, nhìn thấy quá khứ vô lượng kiếp, nghe thấy những âm thanh đã tạo trong quá khứ vô lượng kiếp này rồi. Quí vị thử nghĩ, A La Hán đối với quá khứ chịu những khổ nạn trong địa ngục A Tỳ, nếu như không nhìn thấy, không nghe thấy, tại sao họ lại sợ hãi? Túc mạng biết, thiên nhãn nhìn thấy, thiên nhĩ nghe thấy, cho nên mới có phản ứng này. Thiên nhãn thông cũng gọi là thiên nhãn trí thông, cũng gọi là sanh tử trí thông, vì nó có thể thấy quá khứ, hiện tại, vị lai, có thể thấy tình trạng sanh tử của tất cả chúng sanh. Quả thật mà nói, trong Phật pháp gọi là “Tình trạng của tử sanh”, chết rồi tiếp đó họ lại sanh, sanh tử là một giai đoạn. Tử sanh là một hiện tượng của luân hồi, hiện tượng luân hồi sanh tử ở trong lục đạo của bạn, họ thảy đều nhìn thấy, thảy đều biết rõ, thảy đều tường tận, cho nên ở thế gian có một số nhà tiên tri nói cho chúng ta biết những tình trạng này ở vị lai.

Năm xưa khi tôi mới học Phật xem thấy những sách này, liền thỉnh giáo với thầy Lý là những nhà tiên tri này căn cứ vào những lý luận nào để suy đoán vậy? Thầy năm ấy bảo với tôi, đại khái không ngoài hai loại lớn.

Loại lớn thứ nhất là số học. Ở Trung Quốc bất kể là đoán mệnh, xem tướng, xem phong thủy, tất cả những thứ này đều không thể tách rời “Kinh Dịch”. “Kinh Dịch” là mẹ của số học. Những lời tiên tri này của Trung Quốc cổ xưa, nổi tiếng nhất như “Hoàng Cực Kinh Thế Thư”, đều được thu thập vào trong “Tứ Khố Toàn Thư”, đều là căn cứ “Kinh Dịch”, căn cứ vào số học để suy đoán. Nước ngoài cũng như vậy, người nước ngoài gọi là thuật chiêm tinh, đó là một loại số học cao sâu. Mấy trăm năm trước, ông Nặc-tra-đan-mã-tư người Pháp (cách chúng ta hiện nay khoảng 500 năm) suy đoán ngày 18 tháng 8 năm nay hiện tượng thiên văn lấy trái đất làm trung tâm xếp thành giá chữ thập. Đây là từ trên số học mà suy đoán ra. Đoán rất chuẩn xác, quả nhiên hiện tượng này đã xảy ra. Đây là một loại. Mức độ đáng tin của loại này là bao nhiêu vậy? Thầy Lý bảo với tôi, mức độ đáng tin chỉ có bảy, tám mươi phần trăm. Tại sao vậy? Có khi tính sai. Khi bản thân chúng ta đoán mệnh, xem tướng cho người khác, nhiều khi xem sai, không phải hoàn toàn chính xác. Việc này phải xem công phu của họ, còn phải xem thông tin chúng ta cung cấp có chính xác hay không.

Một loại khác nữa là Thiền định. Quí vị cần phải hiểu, định có thể phát thông. Ở trong Thiền định, năng lực thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông được phục hồi, việc này thì hoàn toàn chính xác. Tại sao vậy? Chính mắt họ nhìn thấy, gọi là cảnh giới hiện lượng. Cái mà trong số học suy đoán là cảnh giới tỉ lượng, không nhất định hoàn toàn chính xác, nhưng những điều nhìn thấy từ trong Thiền định thì rất là chính xác. Nhưng loại này không nhiều. Thầy Lý lúc đó còn nêu ra cho tôi thấy, như lời tiên tri của thiền sư Hoàng Bá, những gì Ngài nói ra có tính chính xác rất cao, nhưng lời tiên tri đó của Ngài dùng cách thức thi ca để viết ra, rất khó hiểu, đều xem không hiểu. Lời Ngài nói ra nghe rất kỳ lạ, đợi sau khi sự việc xảy ra rồi, suy nghĩ lại thấy thật không sai. Trước khi sự việc chưa xảy ra, nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra, giống như câu đố vậy, nếu bạn có trí tuệ thì bạn mới có thể đoán ra được. Đây là năng lực của thông. Thiền định phát thông là do tu được. Thông do tu được có bị mất hay không vậy? Sẽ bị mất, tâm vừa loạn liền mất hết ngay. Cho nên chúng ta nhìn thấy có rất nhiều người tu định, khi nhập định họ có cảnh giới, xuất định là không còn nữa. Đây là một hiện tượng rất bình thường, tại sao vậy? Định công không đủ sâu, không thể duy trì. Trong mấy năm gần đây, tôi cũng đã từng thấy, Trung Quốc đại lục phỏng vấn tại Mỹ, có một số người có công năng đặc biệt. Tôi cũng đã từng gặp rồi, dường như trước sau gặp được ba người, tuổi tác cũng không quá lớn, dường như cũng chưa vượt quá 30 tuổi, họ có thiên nhãn thông, đồng bào đại lục gọi họ là “Mắt X quang”. Mắt của họ có thể nhìn thấu, có thể thấy nội tạng của người khác, cho nên nếu bạn có bệnh tật gì, họ có thể nhìn thấy. Điều họ thấy quả thực là tương đối chính xác, cái đó hoàn toàn không phải gạt mọi người. Chúng tôi đã từng thỉnh giáo họ, năng lực này của anh từ đâu mà có vậy? Năng lực của họ do trời sinh, cũng là thuộc về quả báo mà được. Thật vô cùng hy hữu! Chúng tôi hỏi họ, năng lực này của anh có bị mất hay không? Sẽ bị mất. Bị mất khi nào vậy? Tuổi tác càng cao, năng lực sẽ càng kém. Tại sao vậy? Nhìn cảnh đời ở bên ngoài nhiều, nghe quá nhiều thứ, tâm loạn rồi. Cho nên muốn duy trì năng lực này, thì phải giữ gìn tâm thanh tịnh. Rất có đạo lý. Họ hoàn toàn không có học Phật, nhưng tương đồng với nguyên lý, nguyên tắc mà Phật đã nói. Năng lực là từ trong tâm thanh tịnh mà khám phá ra. Tâm không thanh tịnh thì chắc chắn không có năng lực này.

Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, năng lực này là do Phật Bồ Tát gia trì, do bản nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Bản nguyện gia trì cho bạn, nhưng bản thân bạn quả thực có năng lực này, Ngài mới có thể gia trì được. Bản thân không có năng lực, làm sao mà gia trì được? Hơn nữa, nhất định phải hợp tác với Phật A Di Đà, thì năng lực của bạn mới không bị mất đi, mới có thể duy trì vĩnh viễn. Hợp tác với Phật A Di Đà chính là phải “Đồng tâm, đồng đức, đồng nguyện, đồng hạnh” với Phật A Di Đà, thì uy lực bản nguyện của Phật mới gia trì được thật viên mãn. Tâm nguyện của chúng ta, giải hạnh của chúng ta đi ngược lại với Phật A Di Đà, Phật có muốn gia trì cũng không gia trì được! Năng lực này nếu như có, nó không những tiện ích cho việc tu học của mình, mà giúp đỡ tất cả chúng sanh, giáo hóa chúng sanh, độ chúng sanh sẽ tiện lợi quá nhiều. Đây là lợi ích thù thắng của bản nguyện.

“Triệt thính” ở trong kinh văn, phạm vi của nó cũng là việc của mười phương, vị lai, hiện tại, không gian khắp mười phương, thời gian suốt ba mé. Đây là thiên nhĩ thông. Không những tai có thể nghe tiếng, âm thanh của chúng sanh trong lục đạo đều có thể nghe thấy, mà còn có thể thông đạt vô ngại. Không giống chúng ta hiện nay ngôn ngữ có chướng ngại, người nước ngoài nói chuyện chúng ta nghe không hiểu. Nếu như có thiên nhĩ thông, thì bất kể họ nói ngôn ngữ gì, chúng ta cũng đều có thể nghe hiểu. Không những không cần học những ngôn ngữ này của nhân gian, cũng không cần phiên dịch, thảy đều thông đạt cả. Ngôn ngữ của cầm thú bạn cũng hiểu, ngôn ngữ của quỷ thần bạn cũng hiểu được. Như trong kinh Phật thường nói: “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải”, năng lực này liền hiện tiền.

Chúng tôi đã từng đọc qua tiểu sử của An Thế Cao ở trong “Cao Tăng truyện”. Vì trước đây đã giảng qua mấy bộ kinh do Đại sư An Thế Cao phiên dịch, chúng tôi phải giới thiệu người phiên dịch, nên phải đọc tiểu sử của Ngài. Đại sư An Thế Cao có năng lực hiểu được ngôn ngữ của cầm thú. Chúng ta chỉ nghe được chim hót trên cành cây, hót ríu ra ríu rít, kỳ thực chúng đang nói chuyện, chúng ta nghe không hiểu. An Thế Cao nghe chúng đang nói chuyện, liền bảo với người bạn, con chim này nó nhìn rất xa, nhìn thấy đằng xa kia có mấy người đang đi đến, gánh những gì đó trên vai. Một lát sau đó, khi người bên kia đi đến, quả nhiên không sai, là chim ở đó nói đằng kia có người đến. Ngài có thể nghe hiểu. Tạo sao Ngài có năng lực này vậy? Là do học được. Ngài học từ đâu mà có vậy? Năng lực này, xin thưa với quí vị, là từ trong thiền định thâm sâu phát thông. Ở trong tâm thanh tịnh bản năng hồi phục. Năng lực này là vốn có, năng lực không có chướng ngại. Ở chỗ này đáng để chúng ta chú ý.

Thiên nhân ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, mặc dù cõi phàm thánh đồng cư, người hạ hạ phẩm vãng sanh, trong kinh nói “Hạ chí”.Chúng ta chú ý hai chữ này, đây là trên bản dịch đời Ngụy có. Bản đời Ngụy dịch thì bản của Khang Tăng Khải lưu hành rộng rãi nhất. Trong bản của Ngài là 48 nguyện: “Quốc trung thiên nhân bất đắc nhĩ thông, hạ chí văn bách thiên ức Na-do-tha chư Phật sở thuyết, bất tất thọ trì giả, bất thủ chánh giác”. “Hạ chí” có nghĩa gì vậy? Cổ nhân có giải thích, đây là nói trình độ thấp nhất, năng lực thấp nhất cũng có thể nghe được trăm ngàn ức na-do-tha Phật nói. Bạn thấy phạm vi này bao lớn? Quyết không phải thiên nhân cõi Sắc Giới, cõi Dục Giới ở trong lục đạo, bậc thánh ở trong pháp giới tứ thánh có thể sánh. Cho nên năng lực của họ gần như là hồi phục hoàn toàn, so với quả vị Như Lai rất giống nhau.

Hai loại năng lực này rất quan trọng.Tại sao vậy? Có loại năng lực này hiện tiền, chúng ta tu học, bản thân tu học sẽ rất siêng năng, rất nỗ lực. Tại sao vậy? Chính mắt mình nhìn thấy nỗi khổ của địa ngục, ngạ quỷ. Bạn nhìn thấy những tình trạng này, bạn nghe thấy sự thống khổ của họ, tiếng kêu gào thê thảm, thì không dám không quyết chí, không dám không nỗ lực. Hai năng lực này giúp chúng ta đoạn ác tu thiện, giúp chúng ta nhìn thấu, buông xả, một lòng một dạ chuyên cầu Tịnh Độ. Tại sao vậy? Đối với tình cảnh ở cõi Tịnh Độ bạn cũng nhìn thấy rồi, bạn cũng nghe thấy rồi. Sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, năng lực này gần như hồi phục hoàn toàn. Chư Phật ở mười phương thế giới thuyết pháp, những Bồ Tát đang cùng nhau nghiên cứu thảo luận, bạn thảy đều nhìn thấy, thảy đều nghe thấy. Cho nên, thế giới Tây Phương Cực Lạc là trường đại học Phật giáo hoàn bị nhất, hoàn thiện nhất. Cõi nước chư Phật đều là trường đại học Phật giáo, mà thế giới Tây Phương Cực Lạc là tốt nhất, vì đức năng của họ hồi phục được nhanh nhất, hồi phục được rốt ráo nhất, triệt để nhất, viên mãn nhất, cõi nước chư Phật thế giới khác không thể sánh bằng.
 
Trích từ: Trích Từ Giảng Kinh Vô Lượng Thọ 54/188
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về