Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tai-sao-chung-ta-da-hoc-theo-Phat-lai-xa-roi-chung-sanh...?

Tại sao chúng ta đã học theo Phật lại xa rời chúng sanh...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi: Chư Phật Bồ Tát lấy đại bi làm sự nghiệp. Vậy người đã phát tâm Bồ Đề, nếu muốn cứu độ chúng sanh, chỉ nên nguyện sanh trong ba cõi, ở nơi đời ngũ trược, vào ba đường ác mà cứu khổ cho các hữu tình. Tại sao chúng ta đã học theo Phật, lại xa rời chúng sanh, tự sống riêng một cuộc đời yên ổn? Đó có phải là thiếu lòng từ bi, chuyên lo tự lợi và trái với đạo Bồ Đề chăng?

Đáp:- Bồ Tát có hai hạng. Thứ nhất, bậc tu Bồ Tát Đạo đã lâu, chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Với những vị nầy, đem lời đó trách thì đúng. Thứ nhì, bậc chưa chứng Vô Sanh và hàng phàm phu mới phát tâm Bồ Tát. Những vị sau nầy cần phải thường không rời Phật, mới thành tựu được nhẫn lực và có thể ở trong ba cõi, vào nơi đời ác để cứu độ chúng sanh. Cho nên Luận Trí Độ nói: 'Hạng phàm phu còn đủ mọi sự ràng buộc, dù có lòng đại bi, nhưng vội muốn sanh trong đời ác để cứu chúng hữu tình khổ não, đó là điều không hợp lý.' Tại sao thế? Vì trong cõi đời ác trược, nghiệp phiền não mạnh mẽ lẫy lừng. Khi ấy, mình đã không có nhẫn lực, tất tâm sẽ tùy cảnh mà chuyển, rồi bị sắc, thanh danh, lợi trói buộc, sanh ra đủ nghiệp tham, sân, si. Chừng đó tự cứu đã không rồi, nói chi là cứu chúng sanh? Giả sử được sanh trong cõi người thì cảnh xấu ác kẻ tà ngoại dẫy đầy, người chánh chơn khó gặp, cho nên Phật Pháp không dễ gì nghe, Thánh Đạo không dễ gì chứng.

Nếu người nhân bố thí, trì giới, tu phước được làm bậc quyền quý, mấy ai không mê đắm cảnh giàu sang, buông lung trong trường dục lạc?

Lúc đó dù có bậc Thiện Tri Thức khuyên bảo, họ cũng không chịu tin làm theo, lại vì muốn thỏa mãn lòng tham dục của mình, nương quyền thế sẵn có, gây ra nhiều tội nghiệp. Đến khi chết rồi, bị đọa vào tam đồ trải qua vô lượng kiếp, khi khỏi tam đồ, sanh được làm người, phải thọ thân bần tiện; nếu không gặp Thiện Tri Thức lại mê lầm gây tội ác, rồi bị đọa nữa. Từ trước đến nay chúng sanh luân hồi đều ở trong tình trạng ấy. Đây gọi là nan hành đạo vậy. Kinh Duy Ma cũng nói: 'Chính bịnh của mình còn không tự cứu được, đâu có thể cứu được bịnh cho kẻ khác.'

Luận Trí Độ cũng nói: 'Ví như hai người, mỗi kẻ đều có thân nhân bị nước lôi cuốn; một người tánh gấp nhảy ngay xuống nước để cứu vớt, nhưng vì thiếu phương tiện nên cả hai đều bị đắm chìm. Một người sáng tỉnh hơn vội chạy đến lấy thuyền bơi ra cứu vớt, nên cả hai đều không bị nạn trầm nịch.' Bậc Bồ Tát mới phát tâm vì chưa đủ nhẫn lực nên không thể cứu chúng sanh, cũng như người trước. Những vị Bồ Tát thường gần gũi Phật chứng được Vô Sanh Nhẫn, mới có thể nhập thế và cứu độ vô lượng chúng sanh cũng như người sau. Như trẻ thơ không nên rời mẹ, nếu rời mẹ thì hoặc rơi vào hầm giếng, té xuống sông đầm, hoặc đói khát mà chết. Lại như chim non chưa đủ lông cánh, chỉ có thể nhảy chuyền theo cành cây; đợi chừng nào lông cánh đầy đủ, mới có thể bay xa, thong thả vô ngại. Phàm phu không nhẫn lực, chỉ nên chuyên niệm Phật A Di Đà cho được nhất tâm, đợi khi tịnh nghiệp thành tựu, lúc lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh, quyết định không nghi. Khi thấy Đức A Di Đà chứng quả Vô Sanh rồi, chừng ấy sẽ cỡi thuyền Pháp Nhẫn vào biển luân hồi cứu vớt chúng sanh, mặc ý làm vô biên Phật sự.

Cho nên bậc bi tâm hành giả, như muốn giáo hóa nơi địa ngục, vào biển trầm luân, nên chú ý đến nhân duyên cầu sanh Tịnh Độ. Điều nầy Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận gọi là Dị Hành Đạo.


 

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


(Luận) Đệ nhất nghi. Vấn: Chư Phật, Bồ Tát dĩ đại bi vi nghiệp, nhược dục cứu độ chúng sanh, chỉ ưng nguyện sanh tam giới, ư ngũ trược tam đồ trung cứu khổ chúng sanh, nhân hà cầu sanh Tịnh Độ, tự an kỳ sanh, xả ly chúng sanh, tắc thị vô đại từ bi, chuyên vị tự lợi, chướng Bồ Đề đạo!
          ()第一疑。問:諸佛菩薩以大悲為業。若欲救度眾生,只應願生三界於五濁三途中救苦眾生。因何求生凈土,自安其生,舍離眾生。則是無大慈悲,專為自利,障菩提道。
          (Luận: Điều nghi thứ nhất. Hỏi: Chư Phật, Bồ Tát lấy đại bi làm nghiệp. Nếu muốn cứu độ chúng sanh, chỉ nên nguyện sanh trong ba cõi, ở trong ba nẻo ác ngũ trược để cứu khổ cho chúng sanh, cớ sao lại cầu sanh về Tịnh Độ để tự sống an nhàn, lìa bỏ chúng sanh, tức là chẳng có lòng đại từ bi, chuyên vì lợi lạc chính mình, chướng ngại đạo Bồ Đề).
 
          [Đại sư] nêu câu hỏi: Chư Phật, Bồ Tát mang tâm đại từ bi, chuyện cần phải làm là lợi ích chúng sanh. Ngoài chuyện ấy ra, chẳng có chuyện gì khác! Muốn lợi ích chúng sanh, chỉ nên sanh trong tam giới, ở trong tam đồ ngũ trược hòng cứu khổ chúng sanh. Vì sao còn cầu sanh về Tịnh Độ để tự sống an nhàn, lìa bỏ chúng sanh? Thành ra chẳng có lòng đại từ bi, chuyên môn lo tự lợi, như vậy thì sẽ chướng ngại đạo Bồ Đề.
          Có nghĩa là vốn đáng nên ở trong tam đồ thuộc uế độ ngũ trược để cứu khổ chúng sanh, ngươi lại chạy sang Tịnh Độ, ngươi đã đi sai phương hướng mất rồi! Làm kiểu ấy hoàn toàn chẳng đúng! Căn bản của đạo Đại Thừa là tâm đại bi, “bỏ chúng sanh, giữ lấy Tịnh Độ” tức là chuyên cầu tự lợi. Làm như vậy chính là trái nghịch tâm đại bi, sẽ chướng ngại đạo Bồ Đề. Còn có thể nói: Ngươi làm như vậy sẽ làm chậm lại tiến trình thành đạo, hoặc là từ Đại Thừa lùi xuống Tiểu Thừa, hoặc là hành vi ích kỷ v.v…
          Nghe kiểu giải thuyết này, rất nhiều người cho rằng hết sức đúng. Đã tu Đại Thừa, phải vận dụng tâm đại bi lợi lạc chúng sanh, đương nhiên điều thích đáng duy nhất là phải ở trong uế độ, chẳng lìa khỏi các cha mẹ hữu tình, hòng tạo lợi ích cho họ, sao lại coi chuyện tự lợi là điều chủ yếu? Nghe nói kiểu này, rất nhiều người bèn vứt bỏ Tịnh Độ, cho rằng cầu sanh Tịnh Độ là trật, chướng ngại đạo Bồ Đề, hoặc trì hoãn đạo Bồ Tát, lui sụt vào Tiểu Thừa v.v…
          Đối với [cách cật vấn] này, dùng tám chữ để đáp lại: “Phân thanh giai đoạn, quyết trạch nhân duyên” (Phân định rõ ràng từng giai đoạn, để chọn lựa dứt khoát nhân duyên). Phân chia theo từng giai đoạn, Bồ Tát có hai loại: Bồ Tát đã đắc Vô Sanh Nhẫn và Bồ Tát chưa đắc Vô Sanh Nhẫn. Loại trước nên lấy chuyện lợi tha làm chánh yếu; loại sau nên lấy tự lợi làm chủ yếu. Trong việc lựa chọn nhân duyên, đối với hàng tiểu Bồ Tát chưa đắc Vô Sanh Nhẫn, phải xét xem: Thành tựu Vô Sanh Nhẫn trong uế độ dễ dàng? Hay thành tựu Vô Sanh Nhẫn trong Tịnh Độ dễ dàng? Sau khi đã chọn lựa, sẽ phát hiện: Ở trong Tịnh Độ, do nương cậy đức Phật, sẽ có thể nhanh chóng thành tựu Vô Sanh Nhẫn, tăng nhanh đạo Bồ Đề, có thể thật sự hoàn thành sự nghiệp đại bi lợi tha. Do vậy, phải dứt khoát, kiên quyết cầu sanh Tịnh Độ.
 
1.1. Phân rõ giai đoạn
 
          (Luận) Đáp: Bồ Tát hữu nhị chủng. Nhất giả, cửu tu hành Bồ Tát đạo, đắc Vô Sanh Nhẫn giả, thật đương sở trách. Nhị giả, vị đắc dĩ hoàn, cập sơ phát tâm phàm phu. Phàm phu Bồ Tát giả, yếu tu thường bất ly Phật. Nhẫn lực thành tựu, phương kham xử tam giới nội, ư ác thế trung, cứu khổ chúng sanh.
          ()答:菩薩有二種。一者,久修行菩薩道,得無生忍者,實當所責。二者,未得已還,及初發心凡夫,凡夫菩薩者,要須常不離佛。忍力成就,方堪處三界內。於惡世中,救苦眾生。
          (Luận: Đáp: Bồ Tát có hai loại. Một là người đã tu hành Bồ Tát đạo từ lâu, đắc Vô Sanh Nhẫn, [đối với hạng này] thì đáng nên trách móc. Hai là từ hạng chưa đắc [Vô Sanh Nhẫn] trở xuống, và hạng phàm phu mới phát tâm, phàm phu Bồ Tát thì cần phải thường chẳng lìa Phật. Nhẫn lực đã thành tựu thì mới có thể ở trong tam giới, ở trong đời ác cứu khổ chúng sanh).
 
          Ở chỗ này [đại sư] nói: Chớ nên phán đoán mơ hồ tình huống của các loại Bồ Tát, trong khoảng thời gian từ sơ phát tâm cho đến khi thành Phật, có lịch trình [tu chứng rõ ràng]. Phân định rõ ràng giai đoạn thì sẽ chẳng dùng yêu cầu đối với hàng Bồ Tát ở địa vị cao để phê bình hàng Bồ Tát thuộc địa vị thấp.
          Giống như một người phát triển đến giai đoạn tráng niên làm sự nghiệp to lớn, cần phải có một quá trình. Chẳng thể nói “hễ là người thì phải nên vì xã hội, vì quốc gia cống hiến”, dùng điều yêu cầu ấy để trách cứ bọn trẻ thơ, nhi đồng. Dựa theo giai đoạn tu học của hàng Bồ Tát thì có thể chia thành hai loại:
          1) [Hàng Bồ Tát đã có] thời gian tu hành Bồ Tát đạo lâu dài, đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đối với hạng người như thế, đúng là phải quở trách: “Ngươi đã có bản lãnh, ở trong cảnh giới khách trần sẽ chẳng bị mê mất, có năng lực lợi ích chúng sanh, vậy thì đương nhiên phải nên coi chuyện lợi lạc chúng sanh là chánh yếu. Thế mà ngươi lại chạy qua Tịnh Độ, chẳng màng đến chúng sanh!” Chuyện này đáng phải quở trách; giống như một người đã qua giai đoạn thơ ấu và giai đoạn cầu học trong tuổi thiếu niên và thanh niên, đã có năng lực tạo phước cho xã hội, nhưng kẻ ấy lại lìa bỏ xã hội, chỉ cầu sự an nhàn cho riêng mình. Kẻ đó đáng bị trách móc!
          2) Những kẻ kể từ hạng chưa đắc Vô Sanh Nhẫn Lực cho đến phàm phu sơ phát tâm, những vị phàm phu Bồ Tát ấy cần phải thường chẳng lìa khỏi Phật. Đợi cho đến sau khi đã thành tựu Nhẫn Lực thì mới có năng lực ở trong tam giới, ở trong đời ác cứu khổ cho chúng sanh. Đối với loại Bồ Tát này, chẳng nên trách cứ, giống như chẳng nên trách cứ bọn nhi đồng, thiếu niên: “Sao các ngươi không phục vụ xã hội? Vì sao vẫn muốn học hành, chẳng dốc hết sức làm chuyện lợi lạc người khác?” Quở trách kiểu ấy chẳng thích đáng!
 
          (Luận) Cố Trí Độ Luận vân: “Cụ phược phàm phu, hữu đại bi tâm, nguyện sanh ác thế, cứu khổ chúng sanh giả, vô hữu thị xứ”.
   ()故智度論云,具縛凡夫,有大悲心願生惡世,救苦眾生者,無有是處。
          (Luận: Vì thế, Trí Độ Luận viết: “Phàm phu đầy dẫy triền phược có tâm đại bi, nguyện sanh trong đời ác cứu khổ cho chúng sanh, chẳng có chuyện ấy”).
 
          Trên đây, người hỏi cảm thấy [bắt bẻ như vậy] rất hữu lý. Là một người tu Đại Thừa, đương nhiên phải sanh trong thế giới ác, cứu khổ cho chúng sanh, vì ta có tâm đại bi. Ở đây, [Trí Giả đại sư] bèn dẫn lời của Long Thọ Bồ Tát trong Trí Độ Luận để lập tông (luận đề chủ yếu). Luận có nói: Một kẻ phàm phu đầy dẫy triền phược mà nói là có tâm đại bi, phát nguyện sanh trong thế giới ác để cứu khổ chúng sanh, chẳng có tí nào đúng cả, sai lầm quá đỗi! Lập luận này khiến cho người nghe hết sức kinh động, vì nó khiến cho mọi người tin chịu. Dưới đây là nêu ra lý do.
 
1.2. Lựa chọn nhân duyên
 
          Hiện thời, chẳng nói đến các vị đại Bồ Tát đã đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, các Ngài tự nhiên biết phải hóa thân trong các cõi nước nhiều như vi trần để lợi ích chúng sanh khổ nạn, chẳng cần chúng ta dạy dỗ! Chúng ta chủ yếu chọn lựa cho hàng phàm phu Bồ Tát chưa đắc Vô Sanh Nhẫn Lực phải nên đi theo con đường nào: Lựa chọn sanh vào Tịnh Độ, hay là sanh trong uế độ. Đối với chuyện này, [phải vận dụng] lý trí nhìn thấu suốt nhân duyên để quyết định, hoàn toàn chẳng phải là dựa theo cách nghĩ “tưởng như là đúng, nhưng thật ra sai bét” của cá nhân, hay dựa theo cảm giác, hoặc nói hùa theo! Chỉ dùng sức lý trí để nhìn vào duyên khởi, thấy được con đường nào sẽ có lợi ích, thì mới có thể chọn lựa chánh xác được! Đối với chuyện này, chia thành hai điều để phán đoán, luận định:
          a) “Tu hành trong uế độ, đắc Vô Sanh Nhẫn, hoàn thành chuyện lợi tha” là đạo khó hành.
          b) “Tu hành trong Tịnh Độ, đắc Vô Sanh Nhẫn, hoàn thành chuyện lợi tha” là đạo dễ hành.
 
1.2.1. “Tu hành trong uế độ, đắc Vô Sanh Nhẫn, hoàn thành chuyện lợi tha” là đạo khó hành
 
          (Luận) Hà dĩ cố? Ác thế giới, phiền não cường, tự vô nhẫn lực, tâm tùy cảnh chuyển, thanh sắc sở phược, tự đọa tam đồ, yên năng cứu chúng sanh? Giả linh đắc sanh nhân trung, thánh đạo nan đắc. Hoặc nhân Thí, Giới, tu phước, đắc sanh nhân trung, đắc tác quốc vương, đại thần, phú quý tự tại. Túng ngộ thiện tri thức, bất khẳng tín dụng, tham mê, phóng dật, quảng tạo chúng tội. Thừa thử ác nghiệp, nhất nhập tam đồ, kinh vô lượng kiếp. Tùng địa ngục xuất, thọ bần tiện thân, nhược bất phùng thiện tri thức, hoàn đọa địa ngục. Như thử luân hồi, chí ư kim nhật, nhân nhân giai như thị. Thử danh Nan Hành Đạo dã!
          ()何以故?惡世界煩惱強,自無忍力心隨境轉,聲色所縛自墮三塗,焉能救眾生?假令得生人中,聖道難得。或因施戒修福得生人中,得作國王大臣富貴自在。縱遇善知識,不肯信用。貪迷放逸廣造眾罪,乘此惡業一入三塗經無量劫。從地獄出受貧賤身,若不逢善知識還墮地獄。如此輪迴至於今日,人人皆如是。此名難行道也。
          (Luận: Vì sao vậy? Trong thế giới ác, phiền não mạnh mẽ, bản thân chẳng có nhẫn lực, tâm bị chuyển theo cảnh, bị thanh sắc trói buộc, tự đọa vào tam đồ, há có thể cứu chúng sanh nổi ư? Giả sử được sanh trong loài người, sẽ khó đắc thánh đạo. Hoặc do tu phước Thí, Giới, được sanh trong loài người, được làm quốc vương hay đại thần, phú quý tự tại. Dẫu gặp thiện tri thức, chẳng chịu tin tưởng, tu tập, tham, mê, buông lung, rộng tạo các tội. Nương theo ác nghiệp ấy, hễ vào trong tam đồ, sẽ trải qua vô lượng kiếp. Từ địa ngục thoát ra, chịu thân nghèo hèn, nếu chẳng gặp thiện tri thức, vẫn đọa vào địa ngục. Luân hồi như thế đó, cho đến ngày nay, ai nấy đều là như vậy. Đấy gọi là đạo khó hành vậy!)
 
          Ở đây, hiển thị tình hình sai lầm quá đỗi [khi chọn sai đường lối], đích xác là chẳng có điều gì là đúng. Chẳng chọn lựa nhân duyên tốt đẹp, chọn sai đường lối, sẽ dẫn đến “một điều sai, sẽ là trăm sai, ngàn sai, vạn sai”, lưu chuyển trong luân hồi vô số kiếp, mãi cho đến ngày hôm nay, vẫn chẳng cứu nổi một người nào thoát khỏi luân hồi. Chính mình còn bị trầm luân vô số kiếp, vẫn là phàm phu. Từ đây, sẽ thấy cách nhìn ấy (quan niệm “người tu Đại Thừa phải ở trong uế độ đoạn phiền não, cứu độ chúng sanh”) chẳng đúng tí nào. Cách nói ấy là cao giọng nói lớn lối, chẳng thiết thực, hại người khác chẳng cạn!
          Đoạn này đã chứng thực chúng sanh phàm phu có bi nguyện sanh trong thế giới ác để cứu chúng sanh thì chẳng có lẽ ấy! [Đoạn này cũng] chứng thực phương pháp [chọn lựa đường lối tu tập thích đáng] là phải nhìn từ trước về sau, [phải cân nhắc] đời này, đời sau, đời thứ ba sẽ phát triển như thế nào, con đường ấy có đi thông suốt hay là không, sẽ là ta lẫn người đều cùng được lợi, hay là ta lẫn người đều bị tổn hại? Ắt cần phải thấy rõ ràng! Sau đấy, sẽ phát hiện đi theo đường này chẳng đúng chút nào; do vậy, hoàn toàn tỉnh ngộ, nỗ lực cầu vãng sanh.
          Để chứng thực con đường này, phải xét theo nhân duyên, trừ nhân duyên trong và ngoài ra, chẳng có sức mạnh nào khác chi phối! Trong là phiền não mạnh mẽ, ngoài là thế giới xấu ác, [chính mình] lại chẳng có Vô Sanh Nhẫn Lực, chắc chắn là tâm sẽ bị cảnh chuyển, bị thanh sắc trói buộc, rơi vào tam đồ, chính mình còn chẳng thể tự cứu, há còn có thể cứu chúng sanh nữa ư?
          Từ câu “giả linh đắc sanh nhân trung” (giả sử được sanh trong loài người) trở đi là nói tới trạng huống “tam thế oan”. Loại thứ nhất là “khó đắc thánh đạo”. Từ vô thỉ tới nay, chúng ta đã tạo nghiệp quá loạn, đời này có thể gặp Phật pháp, đời sau rất khó gặp lại, giống như trong tối tăm chỉ có tia chớp lóe sáng trong sát-na, đôi khi thiện căn phát hiện; sau đó, lại hãm trong các thứ tập khí xấu hèn! Trong thức điền của chúng ta có chủng tử ngộ thánh đạo, mà cũng có chủng tử lệch khỏi thánh đạo, tỷ lệ của loại tập khí sau hết sức to lớn. Do vậy, dẫu chuyển sanh sang kiếp khác, làm thân người, vẫn dễ dàng bị mê mất. Căn bản là chẳng tin tưởng Phật pháp, tạo tội nghiệp, hoặc lọt vào hàng ngoại đạo.
          Loại tình huống thứ hai là vì sức phước đức thế gian to lớn, bèn làm quốc vương, đại thần, phú quý tự tại, nhưng do tâm kiêu mạn to lớn, dẫu gặp gỡ thiện tri thức, vẫn chẳng nghe theo lời dạy bảo, chỉ thuận theo cách nghĩ của chính mình. Toàn là tạo tội nghiệp như vậy, cho nên đời thứ ba đã đọa trong đường ác, mà “tam đồ nhất phục ngũ thiên kiếp” (vừa lọt vào tam đồ bèn là năm ngàn kiếp), hết sức lâu dài! Lại xem sau đó, giả sử vô lượng kiếp sau, từ địa ngục thoát ra, khi đó, hứng chịu tấm thân nghèo hèn, chẳng gặp gỡ thiện tri thức, lại phải đọa địa ngục.
          Giống như thế đó, một niệm sai lầm, chọn sai đường, đúng là từ vô lượng kiếp này lại sang vô lượng kiếp khác. Cuối cùng, đại sư nói: “Như thị luân hồi, chí ư kim nhật, nhân nhân giai như thị” (Luân hồi như thế, cho đến ngày nay, ai nấy đều là như vậy). Cũng tức là người tu hành trong đời này thì đời trước đã đều từng tu tập, lịch trình về cơ bản đều là như thế đó. Từ chuyện này, có thể thấy: Từ quá khứ lâu xa cho đến nay, thích ở trong uế độ, chẳng có ngày ngoi đầu thoát ra! Do vậy, nhìn vào con đường đã đi trong quá khứ, sẽ phát hiện [con đường này] khá khó đi, cho đến nay vẫn luôn luôn chẳng thành công, vẫn là phàm phu Hoặc nghiệp sâu nặng! Nếu vẫn đi theo con đường này, sẽ có thể đoán trước tình huống trong tương lai cũng chẳng khác biệt cho mấy! Như vậy, đương nhiên là đạo khó hành!
          Điều khó khăn ở đây là bất cứ lúc nào cũng có thể đọa lạc, chẳng đọa lạc trong một đời thì sẽ đọa lạc trong hai đời! Ngay cả chính mình còn đọa trong đường ác, làm sao có thể cứu chúng sanh cho được? Hiện thời, hãy suy xét sâu xa, vì sao bị đọa lạc? [Nguyên do là vì] chẳng có Vô Sanh Nhẫn Lực, phiền não mạnh mẽ dường ấy, ở trong một thế giới ác trược ngần ấy, hễ tiếp xúc cảnh giới, sẽ phát sanh tham, sân. Ví như cảnh đẹp ý vừa xuất hiện, sẽ chẳng thể trụ trong Vô Sanh, ngay lập tức dấy lòng tham. Cảnh chẳng đẹp ý vừa hiện tiền, chẳng có cách nào trụ trong tánh Không, kết quả là nổi sân. Phát sanh tham, sân rất nhanh chóng như thế đó, căn bản là chẳng nắm chắc, hễ một nghiệp hiện hành, đã đủ khiến cho chính mình đọa lạc trong đường ác!
          Có kẻ hỏi: “Thật như vậy ư?” Thường là các vị sơ phát tâm Bồ Tát đạo lực chẳng đủ, loại chuyện như thế này quá nhiều! Ví như tôn giả Kỳ Dạ Đa, chín mươi mốt kiếp trước là con của vị trưởng giả. Thuở ấy, Ngài chán bỏ ngũ dục, rất muốn xuất gia. Nếu Ngài xuất gia, nhất định sẽ có thể đoạn phiền não, chứng đắc thánh quả, nhưng cha mẹ Ngài chẳng cho phép, ép Ngài lập gia đình. Sau khi Ngài cưới vợ, đã sanh con, vẫn muốn xuất gia; ngay lúc ấy, cha mẹ Ngài gọi đứa con ấy ôm chặt lấy Ngài kêu: “Cha ơi! Cha lìa bỏ con, sau này ai nuôi con? Nếu cha nhất quyết ra đi, giết con rồi hãy đi!” Ngài thấy vậy, mềm lòng, chẳng nỡ lòng ra đi, bảo: “Vì con, cha không xuất gia nữa!” Do vậy, trong lúc ấy, dấy lòng ái, sẽ chẳng thể xuất ly; sau đấy, một mực trôi lăn trong sáu đường! Có thể thấy là hết sức khó khăn!
          Lại nói, dẫu đã phát Bồ Đề tâm, vẫn rất khó hoàn thành. Như tôn giả Xá Lợi Phất trong quá khứ gặp nhân duyên có người xin mắt. Người đó muốn xin mắt, [Ngài đã móc mắt] trao cho, đối phương ghét con mắt nhơ bẩn, quăng phịch xuống đất, xéo lên. Kết quả là tôn giả không có cách nào chịu đựng nổi, trong sáu mươi kiếp lui xuống Tiểu Thừa. Ngoài ra, kinh Tăng Hộ Nhân Duyên có nói, vào thời Phật Ca Diếp, rất nhiều vị tu hành trái nghịch nhân quả, lập tức đọa vào địa ngục, mãi cho đến khi Phật Thích Ca xuất thế, họ vẫn còn chịu khổ trong địa ngục. Thuở ấy, họ cũng là một phen hảo tâm xuất gia tu hành, nhưng phàm phu chẳng có cách nào nắm chắc tự tâm, hễ lầm loạn nhân quả sẽ bị đọa lạc. Trong kinh Hiền Ngu cũng kể rất nhiều câu chuyện tương tự, họ đều vì lầm loạn nhân quả trước thời đức Phật mà đọa lạc.
          Cận đại, cũng có rất nhiều chuyện thuộc về phương diện này. Chẳng hạn như ông Tăng ở núi Nhạn Đãng chuyển sanh làm Tần Cối. Do đời trước tu đạo mà chẳng cầu sanh Tịnh Độ, đời thứ hai sống trong cõi đời, được đại phú quý. Vì trong tâm ngầm chứa rất nhiều chủng tử phiền não, hễ gặp phải cảnh duyên tương ứng, sẽ dễ dàng dấy lòng gian trá, hư ngụy, ghen tỵ v.v… Kết quả là do tạo đại ác nghiệp mà đọa lạc. Lại nữa, vị ni sư tụng kinh Pháp Hoa, đời sau chuyển thành ca kỹ. Bà ta đời trước thường tụng kinh Pháp Hoa, nhưng do làm người, đã tạo nghiệp rất phức tạp, cho nên chuyển thế phải trôi lăn trong chốn gió bụi!
          Chúng ta hãy khảo sát chính mình, hiện thời đang thuở ngũ trược hết sức lừng lẫy, lại chẳng có sức chứng tánh Không, miệng bàn những điều cao xa hết sức dễ dàng, nhưng vừa gặp cảnh giới, phiền não sẽ lập tức hiện hành. Tốc độ quá nhanh chóng, chẳng có cách nào khống chế. Hơn nữa, hễ phiền não xuất hiện, sẽ là mấy giờ, mấy ngày, mấy tháng luôn hãm trong ấy, cho thấy nghiệp lực mạnh mẽ [cỡ nào]! Thêm nữa, lòng ngã mạn của con người hết sức lớn, hết sức tà! Chúng ta chỉ cần nghiên cứu sâu xa cơ chế Tập Đế, sẽ phát hiện sức mạnh của tánh tà đặc biệt mạnh mẽ. Chẳng hạn như tham sắc, tham tài, tham danh, tham địa vị v.v… đều là bẩm sanh, sức mạnh [của lòng tham ấy] đặc biệt to lớn! Vô Sanh Nhẫn thì như thế nào? So sánh giữa hai đằng, cái nào có sức mạnh lớn hơn? [Quý vị sẽ] phát hiện cái sau chỉ là nói suông, chứ cái trước có sức mạnh hết sức to lớn. Hễ gặp cảnh, nó sẽ nhanh chóng, mạnh mẽ hiện hành. Nó đã thâm nhập cốt tủy, chẳng cần nghĩ tới, vừa xuất hiện nó bèn hiện diện. Đấy là do nguyên nhân gì vậy? Tập khí nhiều đời như dầu dính vào mặt, khó thể trừ bỏ, đã quen thuộc đến mức tùy ý dấy lên. Ví như nhìn thấy kẻ khác phái, nếu như cảnh duyên khá mạnh mẽ, những kẻ phàm phu tục tử chẳng có ai không bị vây hãm, đọa lạc. Tuy tạm thời tránh né hoàn cảnh để tu hành, nhưng vì chẳng thành tựu đạo lực, đời sau do sức phước đức tu tập Giới và Thí, sẽ chuyển sanh thành quan to, bậc phú hào v.v… Khi ấy, thuận theo lòng ham muốn tự tại, sẽ phát triển đến mức độ hết sức đáng sợ! Tận tình hưởng thụ thanh sắc ngũ dục, giống hệt những kẻ đọa lạc trong lịch sử. Khi đó, nếu cảnh duyên sắc đẹp đặc biệt to lớn, ai có thể giữ vững? Hoặc là kẻ ở trong tình cảnh quyền thế rất cao, có ai mà chẳng vì thuận theo sự khoái ý nhất thời của chính mình để rồi chịu tội muôn đời?
          Cân nhắc nhiều phương diện như thế, sẽ phát hiện xác suất đọa lạc hết sức cao. Một đời chẳng đọa, khó tránh hai đời sẽ đọa. Hễ đọa lạc, sẽ là vô số kiếp chẳng thoát ra được. Có thể thấy rằng: Chọn lựa thành tựu ở trong thời ác trược để Vô Sanh Nhẫn Lực hòng độ chúng sanh sẽ hết sức khó khăn! Ngay cả chính mình còn khó tránh khỏi đọa lạc, còn cứu chúng sanh bằng cách nào nữa? Do đó, con đường này rất hung hiểm.
 
1.2.2. “Tu hành trong Tịnh Độ, đắc Vô Sanh Nhẫn, hoàn thành chuyện lợi tha” là đạo dễ hành
 
          Phần này lại thông qua [các luận điểm] chánh diện và phản diện để chỉ rõ, hòng [người đọc] nhận rõ sự thù thắng của con đường này. Trước hết, nhờ vào bốn thí dụ để chỉ rõ: Nếu chẳng sanh về Tịnh Độ, chỉ cậy vào bi nguyện, tức là một loại xung động đơn giản, kết quả sẽ hoàn toàn trái ngược. Không chỉ là cả mình lẫn người đều chẳng thể được lợi, mà ngược lại, cả mình lẫn người đều bị tổn hại! Kế đó, xét từ chánh diện, chỉ rõ đường lối để vãng sanh Tịnh Độ thành công. Khi chúng ta nhìn vào một, hai, ba lộ trình, sau khi đã phát hiện đây là con đường chỉ tiến chứ không lùi, nhanh chóng hoàn thành Phật đạo, sẽ biết nó là đạo dễ hành.
 
1.2.2.1. Trước hết, dùng thí dụ tương phản để chỉ rõ
         
          (Luận) Cố Duy Ma kinh vân: “Tự tật bất năng cứu, nhi năng cứu chư tật nhân?” Hựu Trí Độ Luận vân: “Thí như nhị nhân các hữu thân quyến vị thủy sở nịch. Nhất nhân tình cấp, trực nhập thủy cứu, vị vô phương tiện lực cố, bỉ thử câu một. Nhất nhân hữu phương tiện, vãng thủ thuyền phiệt, thừa chi cứu tiếp, tất giai đắc thoát thủy nịch chi nạn. Tân phát ý Bồ Tát, diệc phục như thị. Như thị vị đắc Nhẫn lực, bất năng cứu chúng sanh. Vị thử, thường tu cận Phật, đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ, phương năng cứu chúng sanh, như đắc thuyền giả”. Hựu Luận vân: “Thí như anh nhi, bất đắc ly mẫu. Nhược dã ly mẫu, hoặc đọa khanh tỉnh, khát nhũ nhi tử. Hựu như điểu tử, xí vũ vị thành, chỉ đắc y thụ truyền chi, bất năng viễn khứ. Xí vũ thành tựu, phương năng phi không, tự tại vô ngại”.
   ()故維摩經云,自疾不能救,而能救諸疾人?又智度論云:譬如二人各有親眷為水所溺,一人情急直入水救,為無方便力故彼此俱沒。一人有方便,往取船筏乘之救接,悉皆得脫水溺之難,新發意菩薩亦復如是,如是未得忍力,不能救眾生。為此常須近佛,得無生忍已,方能救眾生,如得船者。又論云,譬如嬰兒不得離母,若也離母,或墮坑井渴乳而死。又如鳥子翅羽未成,只得依樹傳枝不能遠去。翅翮成就,方能飛空自在無礙。
          (Luận: Vì thế, kinh Duy Ma chép: “Chẳng thể cứu bệnh của chính mình mà có thể cứu những người khác mắc bệnh ư?” Lại nữa, Trí Độ Luận viết: “Ví như hai người, mỗi người đều có thân quyến bị nước nhấn chìm. Một kẻ do tình thế cấp bách, bèn nhảy thẳng xuống nước cứu, do chẳng có sức phương tiện, đôi bên đều chết. Một người có phương tiện, đi lấy thuyền, bè, bơi thuyền ra cứu vớt, thảy đều được thoát khỏi nạn chết chìm. Bồ Tát mới phát tâm cũng giống như thế. Nếu chưa đắc Nhẫn lực, sẽ chẳng thể cứu chúng sanh. Vì lẽ này, cần phải thường thân cận Phật. Đã đắc Vô Sanh Nhẫn thì mới có thể cứu chúng sanh như đã có thuyền”. Luận lại viết: “Ví như trẻ thơ, chẳng được lìa mẹ. Nếu như lìa mẹ, có thể rơi xuống hầm, xuống giếng, khát sữa mà chết. Lại như chim non, cánh chưa mọc lông vũ, chỉ được nương theo cây chuyền cành, chẳng thể đi xa. Cánh đã mọc lông vũ đầy đủ thì mới có thể bay lên không trung, tự tại vô ngại”).
 
          Ý nguyện của chúng ta thường chẳng phù hợp với tình huống thực tế. Do vậy, phải dùng trí huệ để điều khiển từ bi, tín tâm cũng phải dùng trí huệ để nhiếp trì. Nếu không, sẽ rơi vào hai loại lỗi lầm to lớn: Một là do từ bi mà nẩy sanh tai họa; hai là do tự tin mà thành cuồng vọng. Hai thí dụ đầu, tức thí dụ về bệnh và thí dụ về cứu nạn, nêu rõ: Nếu chẳng có trí huệ, sẽ có trạng huống “từ bi nẩy sanh họa hại”. Sau đó, thí dụ về trẻ con và chim non, phô rõ lỗi lầm to lớn do chẳng dùng trí huệ để nhiếp trì, do tự tin mà trở thành lỗi lầm cuồng vọng to lớn!
          Đầu tiên, hãy xem “từ bi nẩy sanh họa hại” là như thế nào! Thứ nhất là thí dụ về bệnh. Đây là nói đến một loại hành vi từ bi mù quáng, cho rằng thiên hạ có rất nhiều người hứng chịu quá nhiều bệnh khổ, ta nhất định phải cứu họ. Thế nhưng chẳng thể phán đoán trạng huống của chính mình, ngay cả thân thể chính mình mắc bệnh tật giống hệt mà không có cách nào chữa lành, làm sao có thể chữa trị bệnh khổ của thiên hạ? Đấy là ngu si. Nếu vẫn ương ngạnh mà làm, đương nhiên sẽ khó tránh khỏi xuất hiện lỗi họa những kẻ chẳng hiểu biết mà làm nghề y, lang băm giết chết người, chẳng thể trị lành người nào, mà ngược lại, còn khiến cho cả đống người bệnh tình nguy ngập hơn!
          Thứ hai là thí dụ về cứu nạn. Có hai người đều có thân quyến bị chìm xuống nước. Trong ấy, có một người bản thân chẳng có sức phương tiện, khi trông thấy người khác bị nước nhấn chìm, bèn nghĩ “ta phải liều dốc sức, chẳng màng bản thân”, nhất định phải cứu người ấy lên, [mặc dù] ngay cả chính mình không biết bơi cũng chẳng biết! Loại xúc động mù quáng ấy khiến cho mình lẫn người đều bị chết chìm, chẳng cứu được ai; ngược lại, đều vùi thây trong nước. Một người khác tuy có lòng từ bi, nhưng người ấy nghĩ “mù quáng nhảy xuống thì không chỉ chẳng cứu được người, mà còn có thể vùi thân mình luôn”. Sau đấy bèn nghĩ: “Ta trước hết hãy tìm một chiếc thuyền rồi chèo ra”. Do có sức phương tiện ấy, có thể thực hiện tâm nguyện từ bi, không chỉ là chính mình chẳng chết chìm, mà còn có thể cứu ngàn vạn người! Do nguyên nhân này, phàm phu ắt cần phải sanh về Tịnh Độ trước hòng thường thân cận Phật. Đã đắc Vô Sanh Nhẫn Lực rồi, sẽ quay lại cứu chúng sanh.
          Hai thí dụ kế tiếp đã chỉ rõ “lòng tự tin cuồng vọng sẽ hủy diệt chính mình”. Thí dụ thứ ba là thí dụ về trẻ thơ. Trẻ con tự nghĩ chính mình phải độc lập, chẳng cần dựa dẫm mẹ. Nó tự cậy năng lực của chính mình quá cao. Trên thực tế, chẳng có mẹ chăm bẵm, cho ăn, che chở, tất nhiên là nó sẽ sảy hầm, té giếng mà chết rất nhanh, hoặc vì thiếu sữa mà chết. Đấy là lỗi lầm do cuồng vọng.
          Thứ tư là thí dụ về chim non. Chim non cứ ngỡ nay ta ắt phải bay lượn trên trời cao thì mới có thể chứng minh năng lực của ta. Nào có biết trước hết phải trải qua giai đoạn nương theo cây chuyền nhánh để cánh dần dần mọc lông vũ, chẳng thể mù quáng tung mình lên không trung, nhất định sẽ rớt phịch xuống mà chết tốt! Điều này nhằm nói rõ Sơ Phát Tâm Bồ Tát trước hết chớ nên lìa Phật, chớ nên lìa Tịnh Độ, đã được trưởng dưỡng, tràn đầy sức mạnh, sau đấy mới có thể tự tại vô ngại phổ độ chúng sanh. Nếu chẳng biết năng lực tự thân cỡ nào, cứ phô trương cậy vào lòng tự tin để làm bừa, tất nhiên là sanh mạng sẽ bị kết thúc sớm. Đấy đều là do chẳng lựa chọn bằng lý trí.
 
          (Luận) Phàm phu vô lực, duy đắc chuyên niệm A Di Đà Phật, sử thành tam-muội. Dĩ nghiệp thành cố, lâm chung liễm niệm đắc sanh, quyết định bất nghi. Kiến Di Đà Phật, chứng Vô Sanh Nhẫn dĩ, hoàn lai tam giới, thừa Vô Sanh Nhẫn thuyền, cứu khổ chúng sanh, quảng thí Phật sự, nhậm ý tự tại. Cố Luận vân: “Du hý địa ngục hành giả, sanh bỉ quốc đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ, hoàn nhập sanh tử quốc, giáo hóa địa ngục thọ khổ chúng sanh”. Dĩ thị nhân duyên, cầu sanh Tịnh Độ, nguyện thức kỳ giáo. Cố Thập Trụ Bà Sa luận danh Dị Hành Đạo dã.
   ()凡夫無力,唯得專念阿彌陀佛使成三昧。以業成故,臨終斂念得生決定不疑。見彌陀佛證無生忍已,還來三界乘無生忍船救苦眾生,廣施佛事任意自在。故論云:「遊戲地獄,行者生彼國,得無生忍已,還入生死國,教化地獄苦眾生」。以是因緣求生淨土,願識其教。故十住婆沙論名易行道也。
          (Luận: Phàm phu không có sức, chỉ nên chuyên niệm A Di Đà Phật khiến cho thành tam-muội. Do nghiệp đã thành, lâm chung thâu liễm ý niệm, được sanh về cõi ấy, chắc chắn chẳng nghi. Thấy A Di Đà Phật, đã chứng Vô Sanh Nhẫn, trở lại tam giới, ngồi thuyền Vô Sanh Nhẫn cứu khổ chúng sanh, thực hiện rộng rãi các Phật sự, tùy ý tự tại. Vì thế, Luận viết: “Hành giả dạo chơi trong địa ngục, sanh về cõi ấy, đắc Vô Sanh Nhẫn rồi bèn trở vào cõi này, giáo hóa chúng sanh đang chịu khổ trong địa ngục”. Do nhân duyên này, cầu sanh Tịnh Độ, nguyện hiểu biết giáo ấy. Vì thế, Thập Trụ Bà Sa Luận gọi [pháp môn này] là đạo dễ hành”).
 
          Đây là chỉ bày con đường thứ hai theo phương diện thuận. Bản thân phàm phu chẳng có sức lực, ắt cần phải chuyên nhất mong cầu nương cậy A Di Đà Phật vãng sanh Tịnh Độ. Con đường này như thế nào? Phải nhìn vào đường lối trong nhiều đời:
          - Đời thứ nhất niệm Phật, lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh.
          - Đời thứ hai gặp Phật đắc Nhẫn.
          - Đời thứ ba sanh vào tam giới cứu độ chúng sanh, tùy ý tự tại. “Đời thứ ba” [như đã nói ở đây] chỉ là cách biểu đạt quyền biến thiện xảo, trên thực tế, chẳng phải là giống như phàm phu có luân hồi thọ sanh, chẳng qua chỉ là tùy thuận nguyện lực của chính mình, bỏ tuổi thọ trong Tịnh Độ để tùy ý tự tại vào trong thế gian hòng cứu khổ chúng sanh. Có thể thấy: Đi theo con đường này sẽ thông suốt, có thể hoàn thành sự nghiệp tâm đại bi lợi tha. Do vậy, sẽ nhanh chóng thành đạo Bồ Đề.
          Bộ Luận này đã chỉ bày con đường như sau: Chúng ta là sơ phát tâm phàm phu, chẳng có năng lực bơi thuyền trong biển sanh tử để cứu chúng sanh, giống như đứa trẻ vừa mới sanh ra, chẳng có năng lực làm những sự nghiệp giống như người đã trưởng thành. Vì thế, trước hết, nó phải nương cậy một bà mẹ, bà mẹ ấy chính là A Di Đà Phật, phải nương nhờ một hoàn cảnh hết sức tốt đẹp, hoàn cảnh ấy chính là thế giới Cực Lạc. Ở bên đó, được bà mẹ A Di Đà Phật và các vị huynh trưởng là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát nuôi nấng, bảo vệ, và thường tắm gội trong đức thủy (nước tám công đức), gió nhẹ, quang minh v.v… Đã được tư nhuận, vun bồi trong hoàn cảnh ấy, khai phát bổn tâm, trừ khử Hoặc nghiệp; do vậy, sẽ dần dần đạt thành Vô Sanh Nhẫn Lực. Sau khi đã đạt được thành tựu thù thắng, có thể vào trong vườn rừng để chơi đùa, tức là vào trong tam giới mà tự tại lợi ích chúng sanh. Đường lối là như thế đó. Do vậy bèn nói, nay chúng ta là phàm phu chẳng có sức mạnh, [phương cách] duy nhất là phải chuyên niệm A Di Đà Phật, thành tựu Niệm Phật tam-muội, nhất tâm trụ nơi niệm Phật. Do vì tịnh nghiệp đã thành tựu, lâm chung thâu nhiếp ý niệm, bèn sanh vào Tịnh Độ, quyết định chẳng nghi hoặc. Đấy là bước đầu tiên, tức “thấy Phật, vãng sanh”.
          Bước thứ hai là sau khi đã sanh trong Tịnh Độ, thấy A Di Đà Phật, được Phật gia bị liền ngộ Vô Sanh, đạt được đại thành tựu.
          Bước thứ ba, sau khi đã chứng đắc Vô Sanh Nhẫn, do thuở ban đầu đã có bi nguyện muốn vào trong thế giới khổ sở để độ chúng sanh, lúc ấy mới có thể sanh trong tam giới, ở trong tam đồ ngũ trược cứu khổ chúng sanh, thậm chí giống như Địa Tạng Bồ Tát vào trong địa ngục độ chúng sanh. Bất luận trong cảnh giới nào, đều chẳng bị thanh sắc trói buộc, tâm chẳng bị cảnh chuyển, sẽ chẳng bị mê mất nhất linh chân tánh, như vậy thì sẽ thật sự thực hiện hạnh nguyện Phổ Hiền. Đó gọi là “ta đã vãng sanh cõi ấy, hiện tiền thành tựu đại nguyện này, hết thảy đều viên mãn hoàn toàn, lợi lạc hết thảy chúng sanh giới”, và cũng “được đức Như Lai ấy thọ ký rồi, hóa thân vô số trăm câu-chi, trí lực rộng lớn trọn khắp mười phương, lợi lạc trọn khắp hết thảy chúng sanh giới” v.v… Vào trong biển sanh tử, nhiếp trì hết thảy chúng sanh, khiến cho họ phát Bồ Đề tâm, đều đặt yên họ nơi diệu đạo Vô Thượng Bồ Đề. Đấy là hoàn thành sự nghiệp phổ độ chúng sanh của Đại Thừa.
          Vì để nhanh chóng thành tựu con đường đại đạo này, nhanh chóng thành tựu viên mãn tâm nguyện phổ độ chúng sanh, phải cầu sanh về Tịnh Độ. Con đường này rất dễ đạt thành, thực hiện dễ dàng, sẽ đạt tới viên mãn. Nó cũng là đạo Nhất Thừa thành Phật, cũng là đạo thành Phật nhanh chóng do được sức bi nguyện của Phật Di Đà nhiếp trì. Vì thế, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận[7] gọi [con đường này] là “đạo dễ hành”.
 
1.2.2.2. Tổng kết
 
          Nói theo phía Sơ Phát Tâm Bồ Tát thì “quyết định cầu sanh Tịnh Độ” xác định là con đường mười phần sáng suốt. Quan sát từ cả hai phương diện chánh diện và phản diện, nếu lựa chọn sanh trong uế độ, sẽ trở thành “đạo khó hành”. Xét theo tình huống phổ biến, nó sẽ là một tuyệt lộ, hết sức nguy hiểm, hễ đọa lạc, sẽ là vô lượng kiếp, [kẻ khăng khăng đi theo con đường ấy] thuộc loại chẳng biết lượng sức. Đấy là vì lòng từ bi không được nhiếp trì bởi lý trí, đánh giá cao năng lực của chính mình, chọn lựa một cách khinh suất. Rất nhiều người do điều này mà chướng ngại sanh mạng trụ đạo, không chỉ là chẳng thể cứu nổi chúng sanh, mà đâm ra lại bị sức tội nghiệp của chính mình kéo vào đường ác, hoặc phạm lầm lỗi “lang băm hại người”. Ngược lại, nếu lựa chọn sanh vào Tịnh Độ, đây là con đường Nhất Thừa, viên mãn, chẳng thể nghĩ bàn, tột bậc thù thắng, do nương cậy vào nguyện lực đã thành tựu từ vô lượng kiếp của A Di Đà Phật. Nói theo phía phàm phu trong hiện tiền, đây là sự lựa chọn hết sức lý trí. Hiểu rõ đường lối, biết sức lực của chính mình, biết lòng từ bi của Phật, biết sự thù thắng của Tịnh Độ, chỉ cần có tín nguyện, đi theo con đường này, chắc chắn sẽ thành tựu nhanh chóng, đến cuối cùng, sẽ hoàn thành nguyện lực đại bi.
          Sau khi đã thấy như vậy, sẽ biết: Mỗi vị Sơ Phát Tâm Bồ Tát kiến lập bi nguyện, sau khi đã thông hiểu đường lối, đều phải nên đến Tịnh Độ thân cận Phật, vì phải tụ tập hết sức nhiều nhân duyên thì mới có thể nhanh chóng thành tựu Vô Sanh Nhẫn Lực hòng thực hiện bi nguyện. Nhân duyên chẳng tụ tập, sẽ hết sức khó khăn. Dẫu có tâm nguyện, nhưng do sức phiền não của bản thân, sức nhân duyên bên ngoài, cùng với các loại nghiệp lực rắc rối, phức tạp lôi kéo, ngăn trở, sẽ trì hoãn tiến trình, khiến cho vô số kiếp đều chẳng thể thực hiện. Nhưng đi theo con đường vãng sanh Tịnh Độ này, do có Phật lực nhiếp trì, các phương diện đều chuẩn bị tốt đẹp cho quý vị, sẽ tột cùng thuận tiện. Vì thế, sau khi sanh về Tịnh Độ, nhân duyên để hoàn thành Vô Sanh Nhẫn Lực hết sức có ưu thế, hết sức thù thắng. Nhìn từ các nhân tố như cái thân đạt được, thầy bạn để nương cậy, hoàn cảnh cư trụ, nghe pháp môn, cho đến thọ mạng vô lượng, toàn là viên mãn, đáng gọi là thân viên mãn, thầy viên mãn, bạn viên mãn, pháp viên mãn, thời viên mãn v.v… Nói chung, chẳng có tí nào thoái chuyển, toàn là nhân duyên tăng tấn, trong khoảng sát-na có thể tích tập vô số tư lương, nghe pháp gì cũng đều có thể khai phát vô số thiện căn Bồ Đề. Cũng giống như thế, đối với duyên cớ hòng có thể nhanh chóng thành tựu viên mãn Vô Sanh Nhẫn Lực, ắt cần phải noi theo đại duyên khởi này!
          Trong kinh Hoa Nghiêm, trước hết, Phổ Hiền Bồ Tát đối trước Hoa Nghiêm hải chúng tuyên nói mười đại nguyện vương, nhưng đối với phàm phu mà nói, điều này hết sức xa xôi, chẳng có một con đường tắt thù thắng, nhiệm mầu, sẽ khó thể hoàn thành được, nhưng Tịnh Độ của A Di Đà Phật chính là nơi chốn đại duyên khởi để hoàn thành nhanh chóng. Vì thế, Phổ Hiền Bồ Tát suất lãnh hải chúng nhất trí dẫn về thế giới Cực Lạc, vì [ở nơi đó] sẽ dễ dàng hoàn thành Phổ Hiền nguyện hải, mà Phổ Hiền nguyện hải sẽ được thực hiện trong các cõi nước hóa hiện nhiều như vi trần, dùng phương thức trọn khắp, chẳng gián đoạn, thường hằng, hòng lợi ích hết thảy các hữu tình. Đã thấy chỗ quy kết cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm là Tây Phương Tịnh Độ, phải nên biết đấy là con đường tắt cùng nhau phải đi của hết thảy các hành giả Bồ Đề. Cũng giống như vậy, thấy mọi người đi theo con đường khác, chẳng đi theo đường lối như thế này (tức con đường cầu sanh Tịnh Độ hòng thân cận Phật), tự tâm bèn chốt lại: “Vì để hoàn thành thệ nguyện đại bi, trước hết, phải vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ!”

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
5 Vãng Sanh Tịnh Ðộ Luận Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
6 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
9 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
10 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
11 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
14 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
15 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về