Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Neu-bo-Ta-Ba-cau-ve-Cuc-Lac-ha-chang-la-trai-ly...?

Nếu bỏ Ta Bà cầu về Cực Lạc há chẳng là trái lý...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Thể của Pháp là không, xưa nay vẫn vô sanh và bình đẳng vắng lặng. Nếu bỏ Ta Bà cầu về Cực Lạc, há chẳng là trái lý ư? Lại trong Kinh nói: 'Muốn cầu về Tịnh Độ, trước phải tịnh tâm mình; tâm mình thanh tịnh, cõi Phật mới thanh tịnh.' Người cầu sanh Tịnh Độ, cũng chẳng là trái lý này?

Đáp:- Vấn đề ấy có hai nghĩa. Xin phân làm tổng đáp và biệt đáp.

Về phần tổng đáp, nếu ông cho rằng cầu về Tịnh Độ tức là bỏ đây tìm kia, không hợp với lý bình đẳng như như. Còn ông chấp Ta Bà không cầu về Cực Lạc, há lại không bị lỗi bỏ kia chấp đây sao?

Nếu ông bảo: 'Tôi không cầu kia cũng không chấp đây' thì lại mắc lỗi đoạn diệt. Cho nên Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: 'Tu Bồ Đề! Ông đừng nghĩ rằng nói phát tâm Vô Thượng Bồ Đề là đoạn diệt hết tướng của các pháp. Tại sao thế? Vì phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đối với các pháp không nói tướng đoạn diệt.'

Về phần biệt đáp, như ông đã gạn về lý Vô Sanh và tâm tịnh, tôi xin giải thích. Vô Sanh cũng chính là lý bất sanh bất diệt. Bất sanh là các pháp giả hợp của sanh duyên không tự tánh, nên không thật có sanh thể và thời gian sanh. Xét ra không phải thật từ đâu mà đến, nên gọi là bất sanh. Bất diệt là khi các pháp hoại diệt cũng không tự tánh, nó không bảo rằng mình hoại diệt. Vì nó không thật có chỗ đi về nên gọi là bất diệt. Cho nên lý Vô Sanh hay bất sanh diệt không phải ngoài các pháp sanh diệt mà có. Vì thế chẳng phải không cầu sanh Tịnh Độ mà gọi là Vô Sanh. Trung Quán Luận nói: 'Các pháp nhân duyên sanh, ta nói chính là không, đó gọi là giả danh, cũng là nghĩa Trung Đạo.' Lại nói: 'Các pháp không tự sanh, không từ nơi cái khác mà sanh, không phải cộng sanh, cũng không phải vô nhân, nên gọi là Vô Sanh.' Kinh Duy Ma nói: 'Tuy biết các cõi Phật, cùng với hữu tình không, mà thường tu Tịnh Độ, để giáo hóa quần sanh.' Lại nói: 'Ví như có người tạo lập cung thất, nếu cất ở chỗ đất trống thì tùy ý không ngại. Nếu muốn xây giữa hư không, tất không thể thành. Chư Phật thuyết pháp thường nương theo nhị đế, không phải hoại giả danh mà nói thật tướng của các pháp.' Cho nên người trí tuy siêng cần cầu sanh Tịnh Độ, mà rõ sanh thể không thật có. Đây mới là chân Vô Sanh và cũng là nghĩa tâm tịnh cõi Phật thanh tịnh. Trái lại kẻ ngu bị cái sanh ràng buộc, nghe sanh liền nghĩ là sanh, nghe nói Vô Sanh lại chấp là không có sanh về nơi nào cả, đâu biết rằng sanh chính là Vô Sanh, Vô Sanh há lại ngại vì sanh? Vì không hiểu lẽ ấy, họ sanh lòng tranh chấp thị phi khinh chê người cầu sanh Tịnh Độ, thật rất sai lầm! Đây chính là kẻ tội nhơn báng Pháp, hạng tà kiến ngoại đạo vậy.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


 (Luận) Đệ nhị nghi, vấn: Chư pháp thể Không, bổn lai vô sanh, bình đẳng tịch diệt, kim nãi xả thử, cầu bỉ, sanh Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, khởi bất quai lý tai? Hựu kinh vân: “Nhược cầu Tịnh Độ, tiên tịnh kỳ tâm, tâm tịnh cố tức Phật độ tịnh”, thử vân hà thông?
          ()第二疑。問:諸法體空,本來無生,平等寂滅。今乃捨此,求彼生西方彌陀淨土,豈不乖理哉?又經云:「若求淨土,先淨其心,心淨故即佛土淨。」此云何通?
          (Luận: Mối nghi thứ hai, hỏi: Bản thể của các pháp là Không, vốn vô sanh, bình đẳng tịch diệt, nay bỏ cõi này, cầu cõi kia, sanh về Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, há chẳng phải là trái lý ư? Kinh còn dạy: “Nếu cầu Tịnh Độ, trước hết hãy thanh tịnh cái tâm, do tâm tịnh thì cõi Phật sẽ tịnh”, điều này nói sao cho suông đây?)
 
          Ở đây, nêu ra hai vấn đề:
          - Thứ nhất, cầu sanh Tây Phương có trái nghịch lý “các pháp vô sanh” hay không?
          - Thứ hai, làm sao để nói dung thông giữa cầu sanh Tây Phương và “do tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”?
          Cụ thể là nêu ra câu hỏi như thế này: Các pháp bình đẳng tịch diệt, trong Thật Tướng chẳng có sanh, người vãng sanh, và chỗ để sanh về! Nay liền bỏ phương này, cầu phương kia, sanh về Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, chẳng phải là đã trái nghịch lý Vô Sanh hay sao? Hơn nữa, kinh Duy Ma Cật còn dạy: Muốn cầu cõi nước thanh tịnh, trước hết phải làm sao cho cái tâm của chính mình thanh tịnh. Hễ cái tâm tịnh thì cõi nước bèn tịnh. Làm thế nào để có thể dung thông cách nói kiểu ấy với chuyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ?
 
2.1. Tổng đáp
 
          (Luận) Đáp: Thích hữu nhị nghĩa. Nhất giả tổng đáp, nhị giả biệt đáp. Tổng đáp giả, nhữ nhược ngôn cầu sanh Tây Phương Di Đà Tịnh Độ, tắc thị xả thử cầu bỉ, bất trúng lý giả! Nhữ chấp trụ thử, bất cầu Tây Phương, tắc thị xả bỉ trước thử, thử hoàn thành bệnh, bất trúng lý dã. Hựu chuyển kế vân: “Ngã diệc bất cầu sanh bỉ, diệc bất cầu sanh thử” giả, tắc Đoạn Diệt Kiến. Cố Kim Cang Bát Nhã kinh vân: “Tu Bồ Đề, nhữ nhược tác thị niệm, phát A Nậu Bồ Đề giả, thuyết chư pháp đoạn diệt tướng, mạc tác thị niệm, hà dĩ cố? Phát Bồ Đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng.
          ()答:釋有二義,一者總答,二者別答。總答者,汝若言求生西方彌陀淨土,則是捨此求彼,不中理者。汝執住此,不求西方,則是捨彼著此,此還成病,不中理也。又轉計云,我亦不求生彼,亦不求生此者,則斷滅見。故金剛般若經云:「須菩提,汝若作是念,發阿耨菩提者,說諸法斷滅相。莫作是念,何以故?發菩提心者,於法不說斷滅相。」
          (Luận: Đáp: Giải thích bằng hai nghĩa. Một là đáp chung, hai là đáp riêng. Đáp chung là nếu ông nói “cầu sanh Tây Phương Di Đà Tịnh Độ chính là bỏ cõi này, cầu cõi kia, chẳng trúng lý”, [vậy là] ông chấp trước trụ trong cõi này, chẳng cầu Tây Phương, tức là bỏ cõi kia, chấp cõi này, đấy vẫn là thành bệnh, chẳng trúng lý. Nếu lại chuyển sang nói: “Ta cũng chẳng cầu sanh cõi kia, mà cũng chẳng cầu sanh cõi này”, tức là kiến giải Đoạn Diệt. Vì thế, kinh Kim Cang Bát Nhã nói: “Này Tu Bồ Đề! Nếu ông nghĩ như thế này, phát A Nậu Bồ Đề (phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), nói tướng đoạn diệt của các pháp, đừng nghĩ như thế, cớ sao vậy? Phát Bồ Đề tâm thì đối với các pháp, chẳng nói đến tướng đoạn diệt”).
 
          Phần giải thích có hai bộ phận là tổng đáp và biệt đáp. Tổng đáp là trả lời chung cho hai nghi vấn, biệt đáp là phân biệt trả lời từng điều một.
          Trước hết là tổng đáp, dùng cùng một lý để phá. Nếu quý vị nói cầu sanh Tây Phương Di Đà Tịnh Độ là “bỏ phương này, cầu phương kia”, [tức là] thật sự có phương này để bỏ, thật sự có phương kia để cầu sanh về. Nếu [quý vị cho rằng] mong sanh về phương kia là chẳng phù hợp lý vô sanh tịch diệt; vậy thì quý vị chấp trước ở lại phương này, chẳng cầu sanh phương kia, cũng là thấy hai nơi đều thật sự có! Ta chẳng ưa thích phương kia, nên sẽ không đến đó; ta ưa thích phương này liền ở nơi đây. Đấy chẳng phải là “bỏ phương kia, chấp phương này”, do Pháp Chấp mà thấy “có sanh” ư? Đều chẳng phù hợp diệu lý như nhau!
          Nếu đổi cách nói: “Ta cũng chẳng cầu sanh phương kia, mà cũng chẳng cầu sanh phương này”. Đấy cũng là cho rằng: Phương kia lẫn phương này đều chẳng thể cầu sanh; hễ cầu sanh, sẽ trái nghịch lý Vô Sanh. Cho nên chẳng cầu sanh cả hai nơi. Như thế thì sẽ đọa vào Đoạn Kiến. Quý vị lại dấy lên Pháp Chấp, cho rằng phương này lẫn phương kia đều chẳng thể cầu sanh, nhất định phải giữ chặt Vô Sanh! Như thế là khăng khăng chấp chặt nơi Vô, sẽ là Đoạn Diệt Kiến.
          Hơn nữa, đã là phương này lẫn phương kia đều chẳng thể sanh, vậy thì quý vị ngồi ở nơi đây sẽ chẳng thể động đậy! Nếu đi về phương Đông, tức là xả Tây, hướng về Đông. Nếu đi về phương Tây, tức là bỏ Đông, hướng về Tây, đều trở thành “có sanh”, có đến, có đi, đấy đều chẳng phải là trái nghịch Vô Sanh đó sao? Do lẽ này, quý vị hẳn là chẳng nên động đậy mảy may, hoặc là đáng nên biến thành hư không! Nhưng thân thể quý vị hằng ngày đều đổi cũ thay mới, ruột và dạ dày co bóp, trái tim đập đều, lại còn phải đi đông, đi tây v.v… Những điều ấy há chẳng phải đều là trái phạm lý Vô Sanh ư? Chuyện gì cũng đều chẳng thể làm ư? Cũng giống như vậy, quý vị đã từ bên Hữu rơi vào bên Vô, mà cứ tưởng trụ nơi bên Vô bất động thì mới phù hợp Vô Sanh. Đấy gọi là “rơi vào Đoạn Kiến”.
          Do đó, kinh Kim Cang chép: “Tu Bồ Đề! Nếu như ông suy nghĩ như thế này, phát A Nậu Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), nói tướng đoạn diệt của các pháp, đừng nghĩ như thế! Vì duyên cớ nào? Phát Bồ Đề tâm là đối với các pháp chẳng nói đến tướng đoạn diệt, mà cũng chẳng thể dùng hai món Đoạn Kiến và Thường Kiến để quán Như Lai”. Ý của đức Thế Tôn là đừng dùng tướng để quán, đấy chỉ là một cách nói ngăn chặn. Lại phải biết, hết thảy Như Lai đều trọn đủ tướng hảo và công đức, đấy là cách nói biểu lộ. Nếu chẳng lãnh hội như vậy, sẽ đọa vào Đoạn Diệt Kiến. Do vậy, phải biết: Nói đến tướng thì muôn pháp sâm la, trong thực tế, chẳng có gì để đắc. Nói theo Tánh thì tịch diệt như nhau, chẳng trở ngại tùy duyên dấy lên tác dụng, chẳng phải là đoạn diệt! Phải nên lãnh hội như thế đó!
 
2.2. Biệt đáp
         
          (Luận) Nhị, biệt đáp giả.
          ()二别答者
          (Luận: Thứ hai là biệt đáp).
 
          Phân biệt giải thích hai nghi vấn trên đây. Thứ nhất, do Sanh chính là Vô Sanh, hoàn toàn chẳng phải là ở ngoài Sanh bèn có Vô Sanh; do vậy, sanh về Tịnh Độ chẳng trái nghịch lý Vô Sanh. Tiếp đó, [đại sư] dùng chánh lý và thánh giáo để nói rõ.
 
2.2.1. Biện định bất sanh bất diệt
         
          (Luận) Phù bất sanh bất diệt giả, ư sanh duyên trung, chư pháp hòa hợp, bất thủ tự tánh. Cầu ư sanh thể, diệc bất khả đắc. Thử sanh sanh thời, vô sở tùng lai, cố danh bất sanh. Bất diệt giả, chư pháp tán thời, bất thủ tự tánh, ngôn ngã tán diệt. Thử tán diệt thời, khứ vô sở chí, cố ngôn bất diệt. Phi vị nhân duyên sanh ngoại, biệt hữu bất sanh bất diệt, diệc phi bất cầu sanh Tịnh Độ, hoán tác Vô Sanh!
          ()夫不生不滅者,於生緣中,諸法和合,不守自性。求於生體,亦不可得此生。生時無所從來,故名不生。不滅者,諸法散時,不守自性,言我散滅。此散滅時,去無所至,故言不滅。非謂因緣生外,別有不生不滅。亦非不求生淨土,喚作無生。
          (Luận: Phàm bất sanh bất diệt là trong các sanh duyên (các duyên tạo thành sự sanh), các pháp hòa hợp, chẳng giữ lấy tự tánh. Cầu tìm cái bản thể của Sanh cũng chẳng thể được. Khi cái sanh ấy mà sanh, nó chẳng từ đâu đến, nên gọi là “bất sanh”. “Bất diệt” là khi các pháp phân tán, chẳng giữ lấy tự tánh, nói là cái Ngã tan tác, diệt mất. Trong khi tán diệt ấy, nó chẳng đi đến nơi đâu, vì thế, nói là “bất diệt”. Chẳng phải là ngoài “nhân duyên sanh” mà riêng có bất sanh bất diệt, cũng chẳng phải là “không cầu sanh Tịnh Độ” thì mới gọi là Vô Sanh!)
 
          Nói “bất sanh bất diệt” là nói: Trong khá nhiều các nhân duyên có thể sanh ra cái quả, các pháp hòa hợp, chẳng giữ lấy tự tánh, bỗng dưng hiện ra quả pháp (pháp là cái quả của các nhân duyên trên đây), nhưng tìm kiếm thể tánh của Sanh thì cũng chẳng thể được. Cái Sanh ấy, lúc nó sanh thì chẳng có gì từ đâu đến, nên gọi là “bất sanh”. Nếu chẳng quan sát, bèn ngỡ là có chuyện gì đó được sanh; trên thực tế, lúc suy cầu, sẽ chẳng tìm được [pháp nào là] sanh, nên bảo Sanh chính là Vô Sanh”.
          Có thể xét theo phương diện Lý “có nhiều nhân duyên” để nhận định điểm này. Ví như hễ nói đến sanh, nhất định là có một pháp thật sự đưa đến, vậy thì nó đưa đến như thế nào? Nó chỉ do một nhân duyên từ trong các nhân duyên có thể sanh [ra cái quả] mà có, hay là do các nhân duyên hòa hợp với nhau mà sanh ra nó? Nếu xét riêng từng nhân duyên, mỗi nhân duyên đều chẳng thể sanh ra cái quả. Đã là mỗi nhân duyên đều chẳng thể sanh ra quả, [vậy thì] nhiều duyên hợp lại cũng chẳng thể thấy có một cái quả thật sự xuất hiện từ đó. Giống như mỗi hạt cát đều chẳng có cách nào sanh ra dầu, vậy thì gộp các hạt cát lại, cũng sẽ chẳng thể ép ra dầu được. Cũng vậy, trên thực tế, chẳng có một quả pháp thật sự từ nơi nào đó đưa đến, do đó, [tạm đặt cho một giả danh là] Vô Sanh. Hoặc nhìn theo phương diện Lý “lìa tứ tánh mà sanh” để xem xét thì tự sanh (do chính nó sanh ra), tha sanh (do pháp khác sanh ra), cộng sanh (do các pháp cùng nhau kết hợp mà sanh), vô nhân sanh (không có nhân mà sanh ra) đều chẳng thành lập, lại chẳng có phương thức thứ năm nào khác! Do xét theo cách này, sẽ chẳng thể lập ra cái Sanh được. Hoặc là do quan sát như vậy, mối quan hệ giữa cái Sanh ấy và quả pháp là như thế nào? Là cùng một Thể, hay là có một cái Thể nào khác? Nếu là cái Thể nào khác, vậy là cái Sanh ấy ở ngoài quả pháp, làm sao có thể nói là cái quả ấy có sanh cho được? Nếu là một Thể, cái được gọi là Sanh ấy “đang sanh”, chẳng phải là “đã sanh”. Đang sanh thì sẽ không có quả, làm sao có thể thành lập “do sự Sanh ấy mà sanh ra cái quả này” cho được? Nhìn từ hai bên, [cách lý giải nào] cũng đều chẳng thể thành lập. Dựa trên những điều này, sẽ phát hiện: Khi chẳng quan sát bèn nói là có sự kiện Sanh, xét theo thực tế, chẳng thể thành lập Sanh được! Đó gọi là “Sanh chính là Vô Sanh”.
          Thêm nữa, “bất diệt” là nói các pháp khi tán diệt, chẳng có pháp nào giữ lấy một tự tánh nhất định, chẳng phải là nói ta đang tán diệt một pháp nào đó. Trong khi tán diệt, trọn chẳng phải là có một pháp thật sự nào đó đi đến nơi đâu, cho nên nói là “bất diệt”. Cũng tức là nếu thừa nhận thật sự có Diệt, ắt cần phải có một pháp thật sự diệt mất; nhưng khi duyên tán, nó sẽ bỗng nhiên chẳng có, trọn chẳng phải là có một pháp thật sự đi về đâu. Do vậy, chẳng có Diệt. Hoặc là nói Diệt là phát sanh nơi quả pháp”, nếu thật sự có Diệt, vậy thì Diệt và quả pháp có mối quan hệ như thế nào? Là một Thể, hay khác Thể? Nếu khác Thể, vậy thì quả pháp ở ngoài Diệt, bàn đến Diệt chi nữa? Nếu bảo là một Thể, Diệt có nghĩa là “chẳng có”, quả pháp là pháp Hữu, làm sao có thể nói là một Thể cho được? Nói chung, chẳng thể kiến lập Diệt, mà cũng chẳng có Diệt thật sự. Do vậy, khi không quan sát bèn nói “lúc duyên tán, bèn diệt mất”, truy tìm nơi thực tế thì chẳng có Diệt! Vì thế, nói Diệt chính là  Diệt”.
          Còn có thể quan sát như thế này, dùng hai sát-na để làm thí dụ. Sát-na trước thuộc về nhân, sát-na ngay sau đó thuộc về quả. Sát-na trước chẳng có quả pháp, chẳng thể nói là “có sanh”; trong sát-na sau, quả pháp đã có, vẫn chẳng thể kiến lập Sanh, vì Sanh là đang sanh, chẳng phải là đã sanh! Lại xét tới Diệt, trong sát-na trước thì có, trong sát-na sau thì không. Nếu trong sát-na trước, nó là đang có, sẽ chẳng thể nói là Diệt. Nếu trong sát-na sau, nó đã không có, vẫn chẳng thể nói là Diệt, rốt cuộc vẫn chẳng thể kiến lập Diệt! Vì thế, sanh diệt là giả lập khi không quan sát, chứ trên thực tế, sẽ chẳng tìm được!
          Như vậy bèn biết: Hoàn toàn chẳng phải là ở ngoài “nhân duyên sanh” mà có một cái bất sanh bất diệt. Ta cũng hiểu rõ: Chẳng phải là quyết định không cầu sanh về Tịnh Độ, ngồi bất động tại đó mới duy nhất là Vô Sanh! Nói cách khác, ở trong cõi tục mà chẳng quan sát, bèn an lập chuyện cầu sanh Tịnh Độ. Trong chân thật, chẳng tìm thấy Sanh, điều này được diễn tả là Sanh chính là Vô Sanh”. Vì thế, sanh về Tịnh Độ chẳng hề trái nghịch lý Vô Sanh!
 
          (Luận) Vị thử, Trung Luận kệ vân: “Nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không, diệc danh vi giả danh, diệc danh Trung Đạo nghĩa”. Hựu vân: “Chư pháp bất tự sanh, diệc bất tùng tha sanh, bất cộng, bất vô nhân. Thị cố tri vô sanh”. Hựu Duy Ma kinh vân: “Tuy tri chư Phật quốc, cập dữ chúng sanh không, nhi thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chư quần sanh”. Hựu vân: “Thí như hữu nhân tạo lập cung thất, nhược y không địa, tùy ý vô ngại. Nhược y hư không, chung bất năng thành. Chư Phật thuyết pháp, thường y Nhị Đế, bất hoại giả danh, nhi thuyết chư pháp Thật Tướng”.
          ()為此中論偈云:「因緣所生法,我說即是空,亦名為假名,亦名中道義。」又云:「諸法不自生,亦不從他生,不共不無因,是故知無生。」又維摩經云:「雖知諸佛國及與眾生空,而常修淨土教化諸群生。」又云:「譬如有人,造立宮室。若依空地,隨意無礙。若依虛空,終不能成。諸佛說法,常依二諦。不壞假名,而說諸法實相
          (Luận: Do vậy, Trung Luận có bài kệ rằng: “Pháp sanh bởi nhân duyên, ta nói chính là Không, cũng gọi là giả danh, cũng gọi nghĩa Trung Đạo”. Lại nói: “Các pháp chẳng tự sanh, chẳng từ pháp khác sanh, chẳng cùng, chẳng không nhân. Vì thế, biết vô sanh”. Kinh Duy Ma Cật lại nói: “Tuy biết các cõi Phật cùng với chúng sanh đều là Không, nhưng thường tu Tịnh Độ, giáo hóa các quần sanh”. Lại nói: “Ví như có người tạo dựng cung điện, nếu dựa vào chỗ đất trống, sẽ tùy ý vô ngại. Nếu dựa trên hư không, trọn chẳng thể thành công được. Chư Phật thuyết pháp thường dựa trên Nhị Đế, chẳng hoại giả danh mà nói Thật Tướng của các pháp”).
 
          Do nguyên nhân này, Trung Luận[8] nói: “Pháp sanh bởi nhân duyên, trên thực tế là rỗng không, chẳng có tự tánh” v.v… Lại nói: “Các pháp chẳng phải là tự sanh, tha sanh, cộng sanh, vô nhân sanh. Do vậy biết các pháp sanh chính là vô sanh”. Thêm nữa, kinh Duy Ma Cật nói: “Tuy biết các cõi Phật và chúng sanh là Không, nhưng thường tu Tịnh Độ, thường giáo hóa các quần sanh”. Lại nói: “Giống như người xây dựng cung điện, nếu xây nơi đất trống, sẽ có thể tùy ý vô ngại; nếu xây trên hư không, sẽ trọn chẳng thể xây thành công. Chư Phật thuyết pháp thường dựa trên Nhị Đế (Chân Đế và Tục Đế), chẳng hoại giả danh mà nói Thật Tướng của các pháp. Vì thế, đối ứng với Sanh trong thế tục mà nói là Vô Sanh”.     
          Trên đây, đã dẫn thánh giáo để chứng minh, đức Phật thuyết pháp nhằm vào pháp sanh bởi nhân duyên, hoặc là từ Sanh mà nói Vô Sanh, nói Không. Tuy nói Chân Đế vô tướng, tức là nói “cõi Phật và chúng sanh là Không, nhưng Tục Đế rành rành, nghiễm nhiên vẫn thường tu Tịnh Độ, giáo hóa quần sanh, trọn chẳng phế bỏ sự tướng”. Do vậy, chẳng phải là “lìa khỏi Sanh mà nói Vô Sanh”, [chẳng phải là] rời khỏi sự tướng để nói lý tánh.
         
2.2.2. Xét theo chuyện cầu sanh Tịnh Độ, liễu đạt “Sanh chính là Vô Sanh. Đấy chính là “do tâm tịnh mà cõi Phật tịnh”
 
          (Luận) Trí giả xí nhiên cầu sanh Tịnh Độ, đạt sanh thể bất khả đắc, tức thị chân Vô Sanh. Thử vị tâm tịnh cố, tức Phật độ tịnh.
          ()智者熾然求生淨土,達生體不可得,即是真無生,此謂心淨故即佛土淨。
          (Luận: Bậc trí nồng nhiệt cầu sanh Tịnh Độ, liễu đạt “thể tánh của Sanh trọn chẳng thể được” chính là Vô Sanh thật sự. Điều này được nói là “do tâm tịnh, cho nên cõi Phật tịnh”).
 
          Bậc trí háo hức cầu sanh Tịnh Độ, liễu đạt ngay trong đó chẳng có Sanh. Vì thế, chẳng chấp tướng Sanh. Do vậy, tâm rỗng rang, thanh tịnh, sẽ có thể vãng sanh Tịnh Độ với phẩm vị cao. Đấy gọi là “do tâm tịnh, cho nên cõi Phật tịnh”.
          Chữ Tịnh ở đây nhằm nói người ấy chẳng đắm chấp “thật sự có Sanh”. Từ tầng bậc tịnh này mà có công năng lực dụng Bát Nhã, đạt được quả vị cao, xuất hiện Tịnh Độ càng vi diệu hơn. Đó chính là “do tâm tịnh mà cõi Phật tịnh”, hoàn toàn chẳng phải là rời lìa chuyện sanh về Tịnh Độ thì mới có thể “do tâm tịnh cho nên cõi Phật tịnh”.
 
          (Luận) Ngu giả vị Sanh sở phược, văn Sanh tức tác Sanh giải, văn Vô Sanh tức tác Vô Sanh giải, bất tri Sanh giả tức thị Vô Sanh, Vô Sanh tức thị Sanh. Bất đạt thử lý, hoạnh tương thị phi, sân tha cầu sanh Tịnh Độ, kỷ hứa ngộ tai! Thử tắc thị báng pháp tội nhân, tà kiến ngoại đạo dã.
          ()愚者為生所縛,聞生即作生解,聞無生即作無生解。不知生者即是無生,無生即是生,不達此理,橫相是非。他求生淨土,幾許誤哉。此則是謗法罪人,邪見外道也。
          (Luận: Kẻ ngu bị trói buộc bởi Sanh, nghe nói Sanh bèn hiểu là [thật sự có] Sanh, nghe nói Vô Sanh bèn hiểu là  Sanh, chẳng biết “Sanh chính là Vô Sanh, Vô Sanh chính là Sanh”. Chẳng thông đạt lý này, ngang bướng nẩy sanh thị phi, bực tức với kẻ cầu sanh Tịnh Độ, sai lầm lắm thay! Đấy chính là tội nhân báng pháp, tà kiến ngoại đạo vậy).
 
          “Kẻ ngu” là kẻ chẳng thấu đạt diệu lý, chẳng thể hiểu sự lý viên dung Sanh chính là Vô Sanh”. Kẻ ấy bị hý luận về Sanh ràng buộc, vừa nghe nói Sanh liền tưởng là thật sự có pháp để sanh; vừa nghe nói đến Vô Sanh, bèn nghĩ “giống như hư không, cái gì cũng chẳng có”, chẳng chấp thuận “có điều gì để thực hiện”, rơi vào bên Đoạn. Kẻ ấy chẳng biết Sanh chính là Vô Sanh, Vô Sanh chính là Sanh”. Vì chẳng liễu đạt diệu lý Trung Đạo, sanh khởi cái tâm thị phi vô lý, cho rằng nếu đã nói đến Vô Sanh thì sanh [về Tịnh Độ] chẳng đúng, sanh tâm sân khuể đối với người cầu sanh Tịnh Độ, sai lầm lắm thay! Như vậy thì sẽ trở thành tội nhân báng pháp, trở thành ngoại đạo tà kiến.

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
2 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về
3 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
5 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
7 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
15 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về