Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Gia-su-phien-nao-ac-kien-thuong-noi-len-thi-lam-sao-duoc-goi-la-vuot-hon-ba-coi-len-ngoi-bat-thoi...?

Giả sử phiền não ác kiến thường nổi lên thì làm sao được gọi là vượt hơn ba cõi lên ngôi bất thối...?
Đại Sư Thiên Thai Trí Giả | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi:- Hàng cụ phược phàm phu được sanh về cõi Cực Lạc, giả sử phiền não ác kiến thường nổi lên, thì làm sao được gọi là: 'vượt hơn ba cõi, lên ngôi bất thối?'

Đáp:- Người được sanh về Tây Phương, dù là hàng cụ phược phàm phu, cũng không khi nào khởi phiền não ác kiến và không được lên ngôi bất thối; bởi có năm nhân duyên:  Do nguyện lực đại bi của Phật nhiếp trì. Ánh sáng của Phật thường soi đến thân, nên lòng Bồ Đề của chư thiên nhơn luôn luôn tăng tiến.

Chim, nước, rừng, cây gió, âm nhạc thường phát ra tiếng pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã; hành giả nghe rồi sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Chúng sanh được sanh về Cực Lạc, thì bạn lành toàn là bậc Bồ Tát thượng thiện, tuyệt tất cả chướng nạn, ác duyên, lại không ngoại đạo tà ma, nên tâm thường an tịnh. Đã được sanh về cõi ấy thì thọ lượng vô cùng, đồng với Phật và Bồ Tát, an nhiên tu tập trải qua vô biên A tăng kỳ kiếp.

Do năm nhân duyên trên nên chúng sanh sanh về Cực Lạc tất được bất thối chuyển và không khi nào khởi phiền não ác kiến. Còn chúng hữu tình ở cõi ác trược nầy, thọ số ngắn ngủi, ác duyên chướng nạn dẫy đầy, nên rất khó được bất thối chuyển, lý ấy đã hiển nhiên, không còn chi phải nghi ngờ.

Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết
Pháp sư Trí Viên giảng giải
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa


 (Luận) Đệ lục nghi, vấn: Thiết linh cụ phược phàm phu, đắc sanh bỉ quốc, tà kiến, tam độc đẳng thường khởi, vân hà đắc sanh bỉ quốc, tức đắc Bất Thoái, siêu quá tam giới?          
          ()第六疑。問:設令具縛凡夫得生彼國,邪見三毒等常起,云何得生彼國,即得不退,超過三界?
          (Luận: Mối nghi thứ sáu, hỏi: Giả sử phàm phu đầy dẫy triền phược được sanh về cõi ấy, nhưng tà kiến, Tam Độc v.v… thường dấy lên, lẽ nào sanh về cõi ấy liền đắc Bất Thoái, vượt trỗi tam giới?)
 
          Đối phương lại nêu câu hỏi: Dẫu cho thần lực của Phật có thể nhiếp trì phàm phu đầy dẫy triền phược sanh về Tịnh Độ, cũng chỉ là thay đổi nơi chốn. Tục ngữ có câu: “Giang sơn dễ đổi, bổn tánh khó dời”. Rốt cuộc kẻ ấy chẳng đoạn phiền não, hễ gặp cảnh duyên, tà kiến, Tam Độc v.v… sẽ thường hiện hành. Lẽ nào hễ sanh về cõi ấy, sẽ đắc Bất Thoái Chuyển, vượt thoát tam giới ư? Đấy vẫn là chuyện khó thể khiến cho kẻ khác tin tưởng nổi!
          Điều này bộc lộ người ấy vẫn chẳng nhận biết đặc điểm của pháp môn Tha Lực. Kinh Anh Lạc nói [phải mất] một vạn kiếp mới đắc Bất Thoái, mà ở đây thì cứ sanh về Tịnh Độ, sẽ liền đắc Bất Thoái, khiến cho người ta chẳng thể không hoài nghi. Họ cảm thấy thành quả quá lớn, quá thần tốc! Có thể nào như vậy hay chăng? Vì sao vừa đến đó bèn đắc Bất Thoái? Chẳng phải là vẫn thường dấy khởi tà kiến, phiền não v.v... đấy sao? Hễ chúng dấy lên, sẽ rơi vào trong cái nhân của tam giới, tất nhiên sẽ phải thọ cái quả tam giới! Lẽ đâu nói là “vượt khỏi tam giới” cho được? Hễ chúng dấy lên, sẽ lui sụt vào luân hồi, lui sụt xuống Tiểu Thừa v.v… lẽ nào nói là Bất Thoái cho được? Đấy là nỗi nghi hoặc của họ!
          Trả lời: Đấy là vì chẳng nhận biết thấu triệt sự sai khác giữa hai thế giới, cho nên mới có nỗi ngờ vực này! Tuy cùng là chúng sanh có chủng tử phiền não, nhưng sống trong những thế giới khác nhau, sẽ có trạng huống thoái chuyển và chẳng thoái chuyển khác biệt rành rành. Dùng thí dụ nông cạn, rõ thấy để nói, khi chúng ta ở gần bậc thầy trọn đủ đức hạnh, sẽ phát hiện [chính mình] chẳng phát tác ác niệm, thiện niệm dễ tăng tấn. Khi ở gần bậc thầy tà ác, sẽ phát hiện [chính mình] tăng trưởng phiền não, thiện niệm diệt mất. Đấy là tác dụng của Tăng Thượng Duyên. Do lý này có thể suy ra, Thoái Chuyển hay Bất Thoái không chỉ do bản thân của cái nhân [gây nên Bất Thoái], mà còn phụ thuộc Tăng Thượng Duyên bên ngoài. Nếu một thế giới đã đạt đến mức triệt để chẳng có duyên gây thoái chuyển, trọn khắp mọi lúc luôn luôn là Tăng Thượng Duyên cho điều thiện, dẫu là kẻ có thể thoái chuyển, cũng sẽ chẳng xuất hiện hiện tượng thoái chuyển; bởi lẽ, nhân và duyên [gây thoái chuyển] chẳng đầy đủ! Nếu một thế giới đầy ắp các duyên gây thoái chuyển, [các duyên ấy] luôn luôn chẳng gián đoạn, dẫu cho có các thiện căn, cũng khó thể giữ cho chẳng lui sụt, sẽ nhận biết [người tu hành trong thế giới ấy] thường là “một tiến, chín lùi”, tu đạo cực khó đạt tới địa vị Bất Thoái Chuyển.
          Dùng lý lẽ như vậy để quan sát, chọn lựa, sẽ có thể xác nhận: Tu đạo trong uế độ do có khá nhiều duyên gây thoái chuyển, đúng như kinh Anh Lạc đã nói: “Kẻ tự lực [tu tập] phải trải qua một vạn kiếp thì mới có thể đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển”. Nhưng thế giới Cực Lạc do được Phật lực gia bị, trọn khắp toàn là tịnh duyên, hoặc Tăng Thượng Duyên cho điều thiện. Vì thế, hễ vãng sanh, sẽ đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển. Đối với chuyện này, [Trí Giả đại sư] đã chia thành hai đoạn để thuyết minh:
          1) Vãng sanh cõi ấy do có năm nhân duyên mà Bất Thoái.
          2) Do Bất Thoái dài lâu, [chúng sanh trong cõi Cực Lạc] đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
 
6.1. Vãng sanh cõi ấy do có năm nhân duyên mà Bất Thoái
 
          (Luận) Đáp: Đắc sanh bỉ quốc, hữu ngũ nhân duyên Bất Thoái. Vân hà vi ngũ? Nhất giả, A Di Đà Phật đại bi nguyện lực nhiếp trì, cố đắc Bất Thoái. Nhị giả, Phật quang thường chiếu, cố Bồ Đề tâm thường tăng tấn Bất Thoái. Tam giả, thủy, điểu, thụ lâm, phong thanh, nhạc hưởng, giai thuyết Khổ, Không, văn giả thường khởi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm, cố Bất Thoái. Tứ giả, bỉ quốc thuần chư Bồ Tát dĩ vi lương hữu, vô ác duyên cảnh, ngoại vô thần, quỷ, ma, tà, nội vô Tam Độc đẳng, phiền não tất cánh bất khởi, cố Bất Thoái. Ngũ giả, sanh bỉ quốc tức thọ mạng vĩnh kiếp, cộng Bồ Tát, Phật tề đẳng, cố Bất Thoái dã.
          ()答:得生彼國,有五因緣不退。云何為五?一者阿彌陀佛大悲願力攝持,故得不退。二者佛光常照,故菩提心常增進不退。三者水鳥樹林,風聲樂響,皆說苦空。聞者常起念佛念法念僧之心,故不退。四者彼國純諸菩薩以為良友,無惡緣境。外無神鬼魔邪,內無三毒等。煩惱畢竟不起,故不退。五者生彼國即壽命永劫,共菩薩佛齊等,故不退也。
          (Luận: Đáp: Được sanh vào cõi ấy, bèn có năm nhân duyên Bất Thoái. Những gì là năm? Một là được nguyện lực đại bi của A Di Đà Phật nhiếp trì, cho nên được Bất Thoái. Hai là Phật quang thường chiếu; vì thế, Bồ Đề tâm thường tăng tấn, chẳng thoái chuyển. Ba là nước, chim, rừng cây, tiếng gió, tiếng nhạc đều nói Khổ, Không, kẻ nghe thấy thường dấy lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vì thế, Bất Thoái. Bốn là cõi nước ấy thuần là các Bồ Tát làm bạn lành, chẳng có cảnh duyên ác. Ngoài thì chẳng có thần, quỷ, ma, tà, trong thì chẳng có Tam Độc v.v… phiền não rốt ráo chẳng dấy lên, vì thế Bất Thoái. Năm là sanh vào cõi ấy, thọ mạng sẽ là muôn kiếp dài lâu, bằng với Phật, Bồ Tát, cho nên Bất Thoái).
 
          Trong năm nhân duyên [vừa kể trên đây], bốn thứ đầu là Biệt, điều thứ năm là Tổng. Ở đây, nếu quan sát cảnh duyên theo các phương diện chủ và bạn, y báo và chánh báo v.v… sẽ phát hiện toàn là các nhân duyên để tăng tấn. Vì thế, chẳng thoái chuyển. Ba điều đầu là nói do được Phật nhiếp trì cho nên chẳng thoái chuyển, điều thứ tư nhằm nói do được Bồ Tát nhiếp trì, cho nên chẳng thoái chuyển. Đại bi nguyện lực của Phật một mực nhiếp trì cái tâm của người vãng sanh, khiến cho họ chẳng thoái chuyển. Đã thế, do Phật quang thường chiếu, cho nên Bồ Đề tâm tăng tấn Bất Thoái. Thêm nữa, do thần lực của Phật mà biến hiện nước, chim, rừng cây, tiếng gió, tiếng nhạc đều luôn tuyên nói các pháp như Khổ, Không v.v… Người nghe thấy sẽ dấy lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, một mực noi theo pháp đạo, chẳng thoái chuyển. Lại nữa, tiếp xúc các đạo hữu đều là Bồ Tát, chẳng có ác duyên, đều là nhân duyên tăng thượng pháp, chẳng thể khởi phiền não; cho nên chẳng thoái chuyển. Hoặc là nói theo hai phương diện là y báo và chánh báo thì: Trông thấy tướng thanh tịnh của các vị Phật, Bồ Tát, nghe âm thanh thanh tịnh gia trì, cho nên chẳng thoái chuyển. Trong khí thế giới[1], các thứ quang minh, nước, hương, hoa v.v… hễ thấy, nghe, nhớ nghĩ, tiếp xúc, sẽ đều tăng thượng thiện căn Bồ Đề. Do vậy, chẳng thoái chuyển. Điều thứ năm là Tổng: Do sanh vào thế giới Cực Lạc, sống lâu tới vô lượng kiếp giống như chư Phật, Bồ Tát, những nhân duyên tăng thượng trên đây niệm nào cũng đều chẳng gián đoạn, lại có thể giữ liên tục trong vô lượng kiếp, đương nhiên là [chúng sanh trong cõi Cực Lạc] quyết định chẳng thoái chuyển.
          Nói chung, trong quốc độ Cực Lạc, quan sát theo hai phương diện Thời và Xứ. Đối với Xứ (處, nơi chốn) thì có chữ Biến (遍, trọn khắp), trọn khắp tất cả đều là Tăng Thượng Duyên cho Pháp. Đối với Thời thì có chữ Hằng (恒, thường hằng), niệm nào cũng không ngừng tăng thượng. Chẳng hạn như nói về âm thanh, trong bản dịch đời Đường của kinh A Di Đà (bản dịch của ngài Huyền Trang) có nói: Nghe âm thanh vi diệu của âm nhạc trong cõi nước, các ác phiền não thảy đều tiêu diệt, vô lượng thiện pháp lần lượt tăng trưởng, mau chóng chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Lại nói tới quang minh, sắc, hương v.v… của hoa sen mầu nhiệm, khiến cho người trông thấy sẽ khoan khoái, vui vẻ, chẳng tham đắm, tăng trưởng vô lượng vô số công đức thù thắng chẳng thể nghĩ bàn. Nghe các loài chim chóc do đức Phật hóa hiện thuyết pháp, sẽ có thể dùng vô lượng công đức do niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng huân tu thân mình. Nghe các âm thanh phát ra do gió thổi khua động lưới mành và cây báu… đều dấy lòng nghĩ nhớ vô lượng công đức của Tam Bảo.
          Suy từ sự việc giống như thế, bèn phát hiện: Trọn khắp cõi ấy là Tăng Thượng Duyên tăng trưởng đạo tâm. Đã thế, trong khoảng thời gian [từ lúc vãng sanh] cho đến lúc thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, thọ mạng chẳng gián đoạn, một mực xuất hiện các tướng Tăng Thượng. Do vậy gọi là “đạt đến địa vị Bất Thoái Chuyển”. Do vậy, sẽ thấy tánh chất tột bậc thù thắng của đạo này. Do vì ứng hợp với Phật lực của A Di Đà Phật, chỉ cần vãng sanh, trong vòng mấy năm ngắn ngủi, sẽ đạt được thành quả của việc tu hành vạn kiếp mà chỉ cậy vào tự lực trong uế độ, tốc độ hết sức mau chóng! Do vậy có thể biết: Pháp môn Tịnh Độ là Đốn Giáo, những pháp môn khác như kinh Anh Lạc [đã dạy] là Tiệm Giáo, chẳng thể nói đánh đồng như nhau được!
          Nói thêm đôi chút về nguyên nhân khiến cho phiền não rốt cuộc chẳng thể dấy lên được. Giống như cái kiềng ba chân, hễ khuyết một chân, nó sẽ chẳng đứng vững được. Trong Câu Xá Luận có nói: Ba thứ là chủng tử phiền não, cảnh để duyên theo và suy nghĩ phi lý cùng hòa hợp thì phiền não mới dấy lên. Hễ thiếu một điều, phiền não sẽ chẳng thể dấy lên được. Dẫu phàm phu vãng sanh còn có chủng tử phiền não, nhưng trong cõi ấy chẳng có cảnh duyên dẫn khởi các phiền não sanh xuất. Hơn nữa, đối với trụ xứ, niệm nào cũng đều là suy nghĩ về pháp, phù hợp Chân Đế Vô Ngã, chẳng thể sanh khởi phiền não nữa. Hoặc như Du Già Sư Địa Luận đã nói, phiền não có sáu cái nhân, ba điều trên đây (chủng tử phiền não, cảnh sở duyên, suy nghĩ phi lý) chính là cơ sở, còn có [ba cái nhân nữa là] ổi tạp (猥雜, tạp loạn rối ren), ngôn giáo, và quán tập (慣習, huân tập thành thói quen). Cũng tức là gặp phải những vị thầy ác, ngôn luận ác, chính mình không ngừng huân tập thành thói quen, sẽ dẫn tới sanh khởi phiền não. Nhưng trong thế giới Cực Lạc chẳng có thầy ác và ngôn luận ác. Đến đó, cũng sẽ chẳng có Quán Tập phiền não, mà là Tức Diệt Phiền Não. Đấy là dùng Lý để chứng thực.
 
6.2. Do Bất Thoái dài lâu nên người trong cõi Cực Lạc đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn
 
          (Luận) Tại thử ác thế, nhật nguyệt đoản xúc, kinh A-tăng-kỳ kiếp, phục bất khởi phiền não, trường thời tu đạo, vân hà bất đắc Vô Sanh Nhẫn dã. Thử lý hiển nhiên, bất tu nghi dã.
          ()在此惡世日月短促。經阿僧祇劫復不起煩惱,長時修道,云何不得無生忍也?此理顯然,不須疑也。
          (Luận: Trong đời ác này, năm tháng ngắn ngủi. [Còn trong cõi Cực Lạc, thọ mạng] trải qua A-tăng-kỳ kiếp, chẳng dấy lên phiền não, tu đạo lâu ngày, lẽ đâu chẳng đắc Vô Sanh Nhẫn ư? Lý này hiển nhiên, chẳng cần ngờ nữa!)
 
          Ở đây, [đại sư] dùng phương thức so sánh theo từng cặp để hiển lộ sự thù thắng của thế giới Cực Lạc. Trong thế giới ác này của chúng ta, đời người ngắn ngủi, chớp mắt đã sang đời sau, thường gặp nỗi khó khăn khiến [hành giả] chẳng thể tiếp tục tu đạo. Đời này rất khó khăn mới tu hành được đôi chút, chuyển sang đời sau lại quên sạch bách, phải làm lại từ đầu, hoặc là lại bị thoái đọa. Còn trong thế giới Cực Lạc, do thọ mạng đạt đến A-tăng-kỳ kiếp, trong lúc ấy, lại chẳng dấy lên phiền não, tu đạo lâu ngày; như vậy thì lẽ nào chẳng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Đạo lý này hết sức rõ ràng, chẳng cần phải hoài nghi nữa!
          Cũng dùng ba cái nhân để chứng thực:
          1) Do bất cứ thời hay xứ nào cũng đều là duyên Bất Thoái, cho nên chẳng có bất cứ lui sụt nào.
          2) Do bất cứ thời hay xứ nào cũng đều trọn đủ Tăng Thượng Duyên, cho nên luôn tiến bộ.
          3) Sự liên tục ấy kéo dài tới vô lượng kiếp. Do như vậy, chỉ có tiến, chẳng lùi. Niệm nào cũng đều liên tục, lẽ nào chẳng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn? Chắc chắn [chúng sanh trong cõi Cực Lạc] đều đạt đến Vô Sanh Pháp Nhẫn, đều đạt tới thành Phật. Do vậy, hễ vãng sanh thì sẽ là một trăm phần trăm được giải thoát, một trăm phần trăm dự vào địa vị Bất Thoái, một trăm phần trăm viên mãn Phổ Hiền hạnh nguyện, một trăm phần trăm đều cùng thành Phật. Cũng vì vậy, cõi Phật ấy xuất hiện vô số Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát. Đấy là kết quả của Nhất Thừa đại bi nguyện hải.

Trích từ: Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Tịnh Độ Thập Nghi Luận Giảng Ký
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
2 Phật Giáo Và Cuộc Sống, Thượng Tọa Thích Hạnh Bình Tải Về
3 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
5 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
7 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
8 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
12 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
15 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về