Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Co-phai-Ngai-da-chu-truong-Tinh-do-tu-ha-mon-Thien-cua-minh...?

Có phải Ngài đã chủ trương Tịnh độ tự hạ môn Thiền của mình...?
Đời Dao Tần, Duy Tắc Thiền sư Thiên Như | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi rằng:

Trộm nghe Vĩnh Minh hòa thượng ẩm thọ môn học đơn truyền nơi Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai, mà cũng chính là đích tôn của ngài Pháp Nhãn. Khi Hòa thượng trụ trì chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu đã khai thị cho học chúng rất nhiều, biện tài cơ trí dường như gió cuốn, sấm vang, hải nội thiền lâm đều kỉnh xưng là bậc đại tông tượng. Tại sao ngoài sự nói Thiền, Ngài lại tự tu Tịnh độ, khuyên người niệm Phật, viết sách rộng truyền môn ấy nơi đời? Hơn nữa, Ngài lại làm kệ Tứ Liệu Giản, đại ý nói: “Có Thiền không Tịnh độ, mười người chín ngại đường. Không Thiền có Tịnh độ, muôn tu muôn người sinh”. Qua mấy câu ấy, có phải Ngài đã chủ trương Tịnh độ, tự hạ môn Thiền của mình, lời nói dường như quá đáng chăng? Ngu ý nghi ngờ việc nầy rất nhiều, mong Đại sư chỉ thị!

Đáp:

Lời hỏi ấy rất thích đáng! Tuy nhiên, Vĩnh Minh đại sư không phải quá khen Tịnh yểm Thiền, mà thật ra lời nói của Ngài rất có công với bên Tông cũng như bên Giáo. Tiếc vì trong Tứ Liệu Giản, Ngài chỉ nói lược qua đại cương, chưa phát minh hết ý thú, nên chưa đánh tan được mối nghi hoặc của nhà Thiền. Tôi học tập theo Thiền tông, chưa tinh tường về Tịnh độ, nhưng cũng thường qua những kinh sách của môn đó, nên cũng biết phần đại khái.

Tịnh độ là pháp dễ tu dễ chứng, song cũng là môn khó nói khó tin. Cho nên khi còn tại thế, đức Thích-ca Từ phụ vì hàng đệ tử nói kinh A-di-đà đã dự biết chúng sinh đời mạt pháp khó sinh lòng tin tưởng, mới dẫn lời thành thật của sáu phương chư Phật để phá mối nghi và phát khởi tín tâm cho người sau. Lúc thuyết kinh gần xong, nhân nói đến chư Phật khen ngợi mình, đức Bổn sư lại bảo: “Nên biết Ta ở nơi đời ác năm trược làm việc khó nầy đắc quả Vô Thượng Bồ-đề vì tất cả thế gian nói pháp khó tin đây, thật là một điều rất khó!”. Ấy đều là những lời tha thiết, cặn kẽ dặn dò để khuyên người tin tưởng vậy. Vả đấng Thế Tôn đã rủ lòng đại bi, cứu đời trong kiếp mạt, khi kim khẩu nói ra một câu một kệ, hàng nhơn, phi nhơn đều tín thọ phụng hành, nhưng riêng về thuyết Tịnh độ, thế gian có xen lẫn lòng nghi, là tại sao? Bởi giáo môn Tịnh độ cực rộng lớn mà pháp tu Tịnh độ lại quá giản dị, hai điểm ấy dường như cách biệt, khiến cho người nghe khó nén lòng nghi. Nói rộng lớn, là môn nầy thâu nhiếp tất cả căn cơ: trên từ bậc Đẳng giác Bồ-tát, vị Nhất sinh bổ xứ đều cầu về Tịnh độ, dưới cho đến hàng ngu phu, ngu phụ, kẻ tạo Ngũ nghịch, Thập ác, nếu quyết tâm tín hướng đều được vãng sinh. Nói giản dị là người tu không phải quá gian nan lao khổ, không trải qua cảnh giới sai biệt mê lầm, chỉ trì niệm sáu chữ hồng danh mà được thoát Ta-bà, được sinh Cực Lạc, được Bất thối chuyển, cho đến khi thành Phật mới thôi. Bởi có sự rộng lớn mà lại giản dị như thế nên dù cho người trí cũng sinh mối nghi ngờ. Nếu ông nhận thức rõ được điểm nầy, tất sẽ biết lời khen của ngài Vĩnh Minh rất có ý thâm, mà không phải là quá đáng.

Trích từ: Tịnh Độ Hoặc Vấn
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
8 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
9 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
10 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Tịnh Độ Quyết Nghi Luận
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang