Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Ve-phan-dai-khai-cua-phap-mon-Tinh-do-toi-co-the-nghe-duoc-chang...?

Về phần đại khái của pháp môn Tịnh độ tôi có thể nghe được chăng...?
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Hỏi:

Về phần đại khái của pháp môn Tịnh độ, tôi có thể nghe được chăng?

Đáp:

Tịnh độ nguyên không chi tu, tu nhân bởi mê lầm mới có; pháp môn vẫn không cao thấp, cao thấp do căn lành mà phân. Vì chúng sinh căn cơ sai biệt nhau, nên pháp tu cũng có nhiều cách. Tuy nhiên, nếu tóm lại, có thể chia thành ba môn là: Quán tưởng, Ức niệm, và Chúng hạnh.

Môn thứ nhất, nói Quán tưởng là như trong Quán Kinh dạy: “Chư Phật Như Lai là thân Pháp giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh”. Cho nên khi tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển Chánh Biến Tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sinh. Vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân đức Phật kia.

Thiên Thai Sớ nói: “Mấy chữ chư Phật Như Lai sắp xuống là thuyết minh tất cả chư Phật; mấy chữ phải nhớ nghĩ sắp xuống là chỉ cho quán tưởng riêng đức A-di-đà. Pháp giới thân là Pháp thân của Báo Phật. Tâm chúng sinh tịnh, Pháp thân tự hiện nên gọi là “vào”; như khi vầng hồng nhật mọc lên tất bóng hiện xuống trăm sông. Đây là chỉ cho Phật thân tự tại, có thể tùy vật hiện hình vậy. Lại Pháp giới thân là chỉ cho thân Phật, khắp tất cả chỗ, lấy Pháp giới làm thể. Khi hành giả chứng được môn Quán Phật Tam-muội nầy, giải nhập tương ưng, nên nói vào trong tâm tưởng. “Tâm nầy làm Phật” là Phật nguyên vẫn không, nhân chúng sinh tâm tịnh mới có. “Tâm nầy là Phật” ý nói trước nghe bảo: Phật nguyên vẫn không, nhân chúng sinh tâm tịnh mới có, sợ e người hiểu lầm cho rằng bỗng nhiên mà có, nên mới nói “là Phật”, mới khởi tu quán nên nói “làm”, sự tu đã thành nên gọi “là”.

Diệu Tông Thích nói: “Muốn tưởng thân Phật, phải hiểu rõ quán thể. Thể đó là Bổn giác, từ nơi đây mà khởi thành pháp quán. Bổn giác là thân Pháp giới của chư Phật, vì chư Phật không sở chứng chi khác, toàn chứng bổn tánh của chúng sinh. Nếu Thủy giác có công, Bổn giác mới hiển, nên nói Pháp thân từ nơi tâm tưởng mà sinh”. Lại đức Di-đà cùng tất cả chư Phật đồng một Pháp thân một trí huệ, sự ứng dụng cũng như vậy. Hiển được thân đức Di-đà tức là hiển được thân chư Phật, tỏ được thân chư Phật tức là lộ được thể Di-đà. Cho nên, trong văn kinh nói rộng qua chư Phật để kết về sự quán tưởng đức A-di-đà. Từ mấy chữ thân Pháp giới trở xuống là nói về sự giao cảm của đạo cảm ứng và ước về lý giải nhập tương ưng.

Phê bình về hai lời giải trên, ngài Dung Tâm đã nói: “Nếu không có lời giải trước thì môn Quán tưởng ấy không phải là quán Phật; như không có lời giải sau, e học giả hiểu lầm rằng thể của chúng sinh và Phật, khác nhau. Hai lối giải đã tác thành cho nhau mà thuyết minh quán pháp vậy”.

Môn thứ hai, nói Ức niệm là hành giả hoặc duyên theo tướng tốt, hoặc trì danh hiệu của Phật, đều gọi là “Ức niệm”. Môn nầy có lý có sự. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Giải Thoát trưởng giả nói: “Nếu tôi muốn thấy đức Vô Lượng Thọ Như Lai và thế giới An Lạc thì tùy ý liền được thấy. Tôi có thể biết rõ tất cả chư Phật, quốc độ tùy thuộc cùng những việc thần thông của các Ngài. Bao nhiêu cảnh tướng trên đây không từ đâu mà đến, không đi về đâu, không có xứ sở và không chỗ trụ; cũng như thân tôi không thật có đi đứng, tới lui. Các đức Như Lai kia không đến chỗ tôi, tôi cũng không đi đến chỗ của các Ngài. Sở dĩ như thế, vì tôi hiểu rõ tất cả chư Phật cùng với tâm mình đều như mộng. Lại hiểu tự tâm như nước trong chum, các pháp như hình bóng hiện trong nước. Tôi đã ngộ tâm mình như nhà huyễn thuật, tất cả chư Phật như cảnh huyễn hóa. Lại biết chư Phật Bồ-tát trong tự tâm, đều như tiếng vang, như hang trống tùy theo âm thanh mà phát ra tiếng dội lại. Vì tôi ngộ giải tâm mình như thế nên có thể tùy niệm thấy Phật”.

Về đoạn kinh trên, ngài Trinh Nguyên giải rằng: “Từ câu đầu đến mấy chữ chỗ của các Ngài chính là thuyết minh lý duy tâm, nếu ngộ tức tâm mà vô tâm liền vào Chân như Tam-muội. Khi hành giả hiểu rõ các cảnh tướng đều hư huyễn, duy tâm hiện ra, đã ngộ duy tâm và tức tâm là Phật, thì tùy chỗ tưởng niệm, không đâu chẳng là Phật. Đoạn sau nêu ra bốn điều thí dụ: “cảnh mộng” là dụ cho lý không đến không đi, “hình bóng trong nước” là dụ cho lý không ra không vào, “tướng huyễn hóa” là dụ cho lý chẳng có chẳng không, “tiếng vang” là dụ cho lý chẳng tan chẳng hợp. Và dụ thứ nhất là nói toàn thể đều duy tâm, dụ thứ hai nói vì duy tâm nên không, dụ thứ ba nói vì duy tâm nên giả dụ, thứ tư nói vì duy tâm nên trung. Bốn dụ đều đủ bốn quán, gồm thông và biệt để hiển lý duy tâm, tất cả vẫn viên dung không ngại, đó là ý Kinh Hoa Nghiêm”.

Nếu hành giả hiểu rõ lý trên đây, rồi chấp trì bốn chữ A-di-đà Phật, không dùng tâm có, tâm không, tâm cũng có cũng không, tâm chẳng phải có chẳng phải không, dứt cả quá khứ hiện tại vị lai mà niệm, đó gọi là Lý Ức niệm. Và ngày đêm sáu thời cứ như thế mà nhiếp tâm trì niệm không cho gián đoạn, không sinh một niệm thì chẳng cần vượt giai tầng mà đi thẳng vào cõi Phật. Đây cũng gọi là Lý nhất tâm.

Về sự Ức niệm, như trong Kinh Lăng-nghiêm nói: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện đời hoặc đương lai nhất định sẽ thấy Phật, cách Phật không xa, không cần mượn phương tiện chi khác mà tâm tự được khai ngộ”. Hay như các kinh sách khác đã chỉ dạy, hoặc hệ niệm suốt một đời, hoặc trì niệm trong ba tháng, bốn mươi chín ngày, một ngày đêm, cho đến bảy ngày đêm, hoặc mỗi buổi sớm mai giữ mười niệm. Nếu hành giả dùng lòng tin sâu, nguyện thiết, chấp trì câu niệm Phật như rồng gặp nước, như cọp dựa non thì được sức Phật gia bị đều vãng sinh về Cực Lạc. Theo trong kinh, cho đến hạng phàm phu tạo tội Ngũ nghịch Thập ác, nếu khi lâm chung chí tâm xưng danh hiệu Phật mười niệm, cũng được vãng sinh. Và đây gọi là Sự nhất tâm.

Nói tóm lại, Lý nhất tâm là người thông đạt bốn lý quán trên, dùng tâm ấy mà niệm Phật, tương ưng với không huệ, đi đến chỗ thuần chơn. Sự nhất tâm là hành giả tâm còn giữ niệm, mỗi niệm không cho xen hở, đi đến chỗ không còn tạp niệm. Lý nhất tâm là hành môn của bậc thượng căn, Sự nhất tâm thông về hàng trung, hạ.

Môn thứ ba, nói Chúng hạnh là hành giả dùng nhiều hạnh để vãng sinh về Cực Lạc. Như trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ-tát khuyến tấn Thiện Tài Đồng Tử và đại chúng nơi hải hội dùng mười đại nguyện vương cầu sinh Tịnh độ. Mười đại nguyện ấy là:

1. Lễ kính chư Phật;

2. Khen ngợi Như Lai;

3. Rộng tu sự cúng dường;

4. Sám hối nghiệp chướng;

5. Tùy hỷ các công đức;

6. Thỉnh Phật chuyển pháp luân;

7. Thỉnh Phật trụ ở đời;

8. Thường theo Phật tu học;

9. Hằng tùy thuận chúng sinh

và 10. Hồi hướng khắp tất cả.

Trong mỗi nguyện ấy đều có nói: “Khi nào cõi hư không, cõi chúng sinh, nghiệp chúng sinh, phiền não của chúng sinh hết, thì nguyện tôi mới hết”. Và hành giả phải dùng ba nghiệp thân, khẩu, ý, thực hành nguyện đó không gián đoạn, không chán mỏi. Đến khi lâm chung, tất cả mọi thứ tùy thân đều để lại, cho đến các căn đều tan rã, duy đại nguyện ấy hằng theo bên mình, trong khoảng Sát-na, hành giả liền được sinh về Cực Lạc. Đây là nói về dùng nguyện lực để vãng sinh.

Lại như trong kinh Đại Bảo Tích, đức Thế Tôn bảo ngài Di-lặc: “Mười thứ tâm nầy, không phải hạng phàm ngu, bất thiện, kẻ nhiều phiền não có thể phát được. Mười thứ tâm ấy là gì?

1. Đối với chúng sinh khởi lòng đại từ, không làm tổn hại.

2. Đối với chúng sinh khởi lòng đại bi, không làm bức não.

3. Với Chánh pháp của Phật, hết lòng hộ trì, không tiếc thân mạng.

4. Với Chánh pháp sinh lòng thắng nhẫn, không chấp trước.

5. Tâm điềm tĩnh an vui, không tham sự lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng.

6. Tâm cầu chủng trí của Phật trong tất cả thời không quên lãng.

7. Đối với chúng sinh khởi lòng tôn trọng cung kính, không cho là hạ liệt.

8. Không tham trước thế luận, với phần
Bồ-đề sinh lòng quyết định.

9. Tâm thanh tịnh không tạp nhiễm, siêng trồng các căn lành.

10. Đối với chư Phật, xả ly các tướng, khởi lòng tùy niệm”.

Đây là mười thứ phát tâm của Bồ-tát, do tâm nầy nên được vãng sinh. Nếu có kẻ nào thành tựu một trong mười tâm trên, muốn sinh về thế giới Cực Lạc mà không được như nguyện, đó là điều không khi nào có. Đoạn kinh trên là nói về dùng tâm lực để vãng sinh.

Lại nữa, như trong kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni, đức Quán Thế Âm Bồ-tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh nào tụng trì thần chú Đại Bi mà còn bị đọa vào ba đường ác, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được sinh về các cõi Phật, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, nếu không được vô lượng Tam-muội biện tài, tôi thề không thành Chánh Giác. Tụng trì thần chú Đại Bi, tất cả sự mong cầu trong đời hiện tại, nếu không được như nguyện, thì chú nầy không được gọi là Đại Bi Tâm Đà-la-ni; duy trừ cầu những việc bất thiện, trừ kẻ tâm không chí thành”. Ngoài ra, những kẻ chí tâm trì tụng các chú như: Bạch Tán Cái, Chuẩn Đề, Vãng Sinh đều có thể sinh về Cực Lạc hoặc các Tịnh độ khác. Đây là nói về dùng thần lực để vãng sinh.

Và, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Muốn sinh về Cực Lạc, phải tu ba thứ phước:

1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành.

2. Thọ trì Tam quy, giữ kỹ các giới, không phạm oai nghi.

3. Phát lòng Bồ-đề, tin lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành”.

Ba thứ phước nầy là chánh nhân Tịnh nghiệp của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai”. Đây là nói về dùng phước lực để vãng sinh.

Ngoài ra, những kẻ cất chùa, xây tháp, tạo tượng, lễ bái tán tụng, giữ gìn trai giới, đốt hương, rải hoa, cúng dường tràng phan, bảo cái, trai Tăng, bố thí, nếu hạnh lành thuần thục, dùng lòng tín nguyện hồi hướng, đều có thể vãng sinh. Các điều dẫn ra trên đây gọi là Chúng hạnh. Nhưng nguyện hạnh đã có lớn nhỏ không đồng, lý sự sai biệt, thì việc thấy Phật, nghe pháp, cảm thọ y chánh tất cũng có hơn kém khác nhau, đây là chỉ nói phần đại lược.

Lời phụ:

Muốn sinh về Cực Lạc, hành giả có thể dùng một trong các hạnh: nguyện lực, tâm lực, thần lực, phước lực để hồi hướng, không phải chỉ đặc biệt có môn Quán tưởng hay Trì danh. Tuy nhiên, trong bốn phương pháp ấy, người tu phải thực hành cho đến độ công đức tinh thuần, hạnh lành thành tựu mới có hy vọng. Mà kẻ dung thường thì nghiệp chướng nặng không dễ gì đoạn, hạnh lành khó không dễ gì thành, duy có hạnh Trì danh nương cầu nơi tha lực là chắc chắn nhất. Cho nên, Ấn Quang pháp sư nói: “Hạng phàm phu kém cỏi mà được vãng sinh toàn là nhờ từ lực của Như Lai”. Vậy người niệm Phật đời nay muốn cho phần vãng sinh được đảm bảo, nên lấy sự Trì danh làm phần chánh, còn các công đức như: tụng kinh, trì chú, bố thí và những hạnh lành khác, để vào phần trợ, mới là đường lối an toàn.

Trong ba môn của ngài Thiên Như trình bày, đại khái môn thứ nhất nói về Thật tướng niệm Phật, hạng trung, hạ khó hành trì. Môn thứ ba thì hạng dung thường, nhiều nghiệp duyên cũng ít có hy vọng, chỉ nên dùng làm phần trợ. Duy phương pháp Sự Trì danh thuộc môn thứ hai là mọi người đều có thể thực hành và có hy vọng thành tựu. Tuy nhiên, vì căn tánh của chúng sinh khác nhau, Ngài phải nói cho đủ để mọi người tùy sở thích mà lựa chọn. Về phần dịch giả chỉ căn cứ theo phần đông hạng dung thường đời nay mà biện minh sự lợi hại thế thôi.

Trích từ: Tịnh Độ Hoặc Vấn
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
4 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
6 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
8 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
9 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
10 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
11 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về

Tịnh Độ Quyết Nghi Luận
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Người Đời Sống Trong Ái Dục
Hòa Thượng Thích Tịnh Không