Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tung-Kinh-Ho-Niem-Cho-Mot-Nguoi-Moi-Mat-Ma-Nguoi-Do-Ca-Doi-Khong-Biet-Tu-Hanh-Nhu-Vay-Nguoi-Do-Co-Duoc-Vang-Sanh-Khong...?

Tụng Kinh Hộ Niệm Cho Một Người Mới Mất Mà Người Đó Cả Đời Không Biết Tu Hành Như Vậy Người Đó Có Được Vãng Sanh Không...?
Thượng Tọa Thích Phước Thái

Hỏi: Kính bạch thầy, hiện nay phong trào hộ niệm cho người chết rất thạnh hành, nhưng con có một thắc mắc, đối với người cả đời họ không biết tu hành ăn chay niệm Phật là gì, thậm chí họ chưa bao giờ bước chân tới chùa một lần, như vậy, khi họ chết mình tụng kinh niệm Phật cho họ, xin hỏi họ có được siêu thoát không?

Đáp: Hai chữ tu hành theo Phật tử nghĩ là người đó phải ăn chay, niệm Phật, tụng niệm, bái sám v.v... như thế mới gọi là tu hành. Ngoài ra, không phải là tu hành. Nghĩ thế không phải là sai, nhưng theo tôi, thì cũng chưa đúng hẳn hoàn toàn. Vì hai chữ tu hành nó không hạn cuộc vào những lễ nghi thông thường đó. Có người họ không hành trì như thế nhưng mà họ tu còn giỏi hay hơn chúng ta nhiều. Bởi sự tu hành tùy theo căn cơ sâu cạn và nghiệp duyên hoàn cảnh của mỗi người mà có những sự hành trì khác nhau.

Thông thường người ta thường hay chú trọng đến những lễ nghi hình thức bên ngoài nhiều hơn là phần phẩm chất nội dung bên trong. Tuy những lễ nghi hình thức bên ngoài cũng rất quan trọng và cần thiết. Nhưng chúng ta cũng không nên quá chú trọng câu nệ vào hình thức. Có người vì quá chú trọng hình thức bên ngoài mà quên mất cái chất lượng nội dung bên trong. Như những hình thức lễ nghi cúng bái tụng niệm v.v... Hình thức bên ngoài, nó chỉ có tác dụng là những phương tiện giúp cho phần khai sáng nội dung bên trong thôi. Chính vì quá chú trọng hình thức bên ngoài nên người ta có những đánh giá sai lầm. Người ta thường nói: "Chiếc áo không làm nên thầy tu". Trên nguyên tắc chúng ta đồng ý là như vậy. Tuy nhiên, nếu không có chiếc áo cũng không ai biết đó là thầy tu. Vì vậy cả hai giữa hình thức và nội dung phải được hỗ tương với nhau. Nhưng nội dung bao giờ cũng là quan trọng hơn. Nội dung đó là gì? Là chúng ta phải thường xuyên quán chiếu ở nội tâm. Câu nói: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc" của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy cho vua Trần Nhân Tông là nói lên cái cốt lõi của người tu. Người tu mà chỉ theo ngọn bỏ gốc thì thử hỏi làm sao đạt được đạo lý giải thoát? Cái gốc bên trong là chúng ta phải hằng gạn lọc chuyển hóa vô minh phiền não.

Vì quá chú trọng bên ngoài nên chúng ta thấy ai ăn chay, niệm Phật, đi chùa thường, thì ta cho người đó là cần mẫn tu hành. Ngược lại, thì chúng ta kết luận cho người đó không biết tu hành. Nếu chỉ đánh giá đơn thuần trên phương diện hình thức không thôi, theo tôi, thì cũng chưa hẳn đúng. Muốn đánh giá người đó có thực sự tu hành hay không, chúng ta cũng không nên vội kết luận ở bề ngoài. Mà chúng ta cần phải xét qua hai phương diện: Hình thức và nội dung, rồi sau đó chúng ta mới có thể đánh giá được. Bằng không, thì sự nhận định đánh giá của chúng ta cũng dễ bị sai lệch lắm. Tôi xin đơn cử nêu ra một vài trường hợp điển hình cụ thể để Phật tử suy nghiệm.

- Có người ăn chay trường, niệm Phật, thường đi chùa và thậm chí còn dự những khóa tu học nữa, nhưng họ không kiềm chế lòng sân hận nổi lên chỉ vì giành nhau chỗ ngủ nghỉ thôi. Họ nổi nóng la ó om sòm không để ý gì đến những người bạn đồng tu chung quanh khác, mặc dù người ta đã hết lời an ủi khuyên lơn giải bày với họ. Nhưng họ vẫn một mực cố chấp và không chịu nhường nhịn. Tuy đó là một việc cỏn con nhỏ nhoi thôi, nhưng ngọn lửa sân hận của họ bốc cháy  cao độ thật khó dập tắt. Nó đốt cháy cả tim gan họ thật là đáng ghê sợ thương xót! Cổ nhân có câu nói: "Nhứt tinh chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh chi tân, bán cú phi ngôn ngô tổn bình sanh chi phước". Nghĩa là một đốm lửa nhỏ nó có thể đốt cháy cả khu rừng, nửa lời nói không phải nó làm tổn hại hết phước đức của mình. Đối với hạng người nầy, Phật tử có thể cho họ là người có tu hành không? Hay họ chỉ là người biết ăn chay, niệm Phật, và đi chùa theo tập quán của họ đó thôi.

- Có người cũng ăn chay trường, niệm Phật, đến chùa làm công quả thường xuyên, nhưng họ lại chuyên đi đâm thọc nói xấu thiên hạ ở sau lưng. Họ hết nói xấu người nầy, đến chỉ trích người kia, mục đích của họ là họ muốn ly gián làm cho hai bên nghi ngờ ngầm hại lẫn nhau. Họ gây ra một sự xáo trộn trong chúng và hiểu lầm lẫn nhau. Có thế, thì họ mới thỏa mãn cái lòng ganh tỵ giận tức đố kỵ của họ.  Họ gây cho hai đàng xích mích ly gián để họ đứng giữa được lợi. Họ là hạng người chuyên ném đá giấu tay. Quả họ là hạng người quá ư thâm độc. Đối với hạng người lòng dạ ác độc nầy, thì Phật tử đánh giá họ như thế nào? Có phải họ là người thật tâm tu hành không? Hay họ chỉ là kẻ tu giả trá bên ngoài để che mắt lừa phỉnh gạt gẫm thiên hạ?!

- Có người đang lần chuỗi niệm Phật hoặc đang gõ mõ tụng kinh, bỗng ai đó làm họ bực mình, họ ném chuỗi quăng chuông mõ đứng lên la ó chửi mắng đối phương thậm tệ. Hành động dữ dằn hung tợn của họ ai thấy cũng phải phát run sợ. Như thế, họ có thật sự tu hành hay không?

Những trường hợp xảy ra tương tự như thế còn rất nhiều không thể kể hết. Vì vậy, nếu cho rằng ăn chay, niệm Phật, đi chùa là tu hành, theo tôi, sự đánh giá đó vẫn còn hời hợt phiến diện. Muốn đánh giá một người có tu hay không, thì trước hết, chúng ta phải hiểu hai chữ tu hành là gì. Chữ "tu" có nghĩa là sửa, "hành" là làm theo cái điều mà mình đã sửa đổi. Như trước kia mình là người hay nói láo, nói xạo, nói thêu dệt, nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, đâm đầu nầy, thọc đầu kia, cho hai đàng xích mích với nhau, bây giờ biết tu mình sửa lại không nói những lời như thế nữa. Chẳng những không nói như thế thôi mà trái lại, mình còn phải nói lời chân thật. Nói lời chân thật, hòa ái, dịu dàng, đoàn kết, xây dựng, yêu thương, đó là mình đã khéo biết thật hành. Tất nhiên, là mình phải tôn trọng sự thật. Đó là đơn cử một trong những điều mà mình sửa ở nơi cái miệng, tức cái khẩu nghiệp, nói cho đúng là ngữ nghiệp.

Về thân nghiệp thì mình cũng phải sửa. Như trước kia mình hay giết hại sinh vật, bây giờ biết tu mình không giết hại sinh vật nữa. Hoặc mình hay dùng tay lấy đồ đạc, ăn giựt, ăn cướp của người ta, bây giờ mình sửa lại không làm như thế nữa, đó là mình biết tu và hành.

Nói tóm lại, tu hành là mình sửa đổi, nói đúng hơn là chuyển hóa ở nơi ba nghiệp: "thân, khẩu, ý". Từ xấu chuyển thành tốt, dở chuyển thành hay, tà chuyển thành chánh, hư chuyển thành nên v.v... Được thế, mới gọi là người biết tu hành. Trong ba cái nghiệp đó, nó có gốc ngọn, sâu cạn khác nhau. Gốc là tu ở nơi tâm, ngọn là tu ở nơi thân và miệng. Bởi hai cái nầy ở bên ngoài tương đối dễ sửa hơn. Nếu mình chuyển đổi được cái tâm xấu ác trở thành cái tâm lương thiện thì cái thân miệng cũng phải làm theo. Vì tâm là chỉ huy ra lệnh cho thân và miệng phải làm theo nó. Khác nào như tài xế điều khiển chiếc xe chớ chiếc xe không thể điều khiển tài xế. Nói rõ hơn thân và miệng chỉ là công cụ để cho tâm sai khiến mà thôi. Cho nên tu tâm mới là quan trọng. Người xưa nói:

Người đời sớm phải tri cơ
Gương lu vì bụi trăng lờ vì mây
Chở che nhờ đức cao dày
Dẫu tu cho mấy chẳng tày tu tâm.


Như vậy, sự tu hành mình không thể đánh giá ở bề ngoài được. Có người họ không ăn chay, niệm Phật ra tiếng bên ngoài, hay đi chùa thường, nhưng họ vẫn tu trong tâm họ. Như trường hợp hai người cùng gặp nghịch cảnh giống nhau, người ăn chay, niệm Phật, đi chùa, thì lại không kiềm chế được sự nóng giận bực tức của mình, ngược lại người kia tuy họ không có ăn chay, niệm Phật, đi chùa, nhưng đối trước nghịch cảnh đó, họ vẫn giữ bình tĩnh thản nhiên không lộ ra một chút sân hận bực tức buồn phiền trách móc chi cả. Trường hợp như thế, thì theo Phật tử đánh giá người nào khéo biết tu và người nào không khéo biết tu? Cho nên, người ta nói ăn chay, niệm Phật, đi chùa chưa phải là tu chính là ở điểm nầy. Tuy nhiên, việc ăn chay, niệm Phật, đi chùa, vẫn là gieo trồng được thiện nghiệp. Điều nầy không ai có thể phủ nhận được. Nhưng nếu luận về việc tu hành thì chúng ta cũng cần nên  kiểm nghiệm thẩm xét lại cho kỹ trước khi đánh giá.

Trở lại câu hỏi trên của Phật tử, tôi không thể khẳng quyết là họ có siêu thoát hay không? Bởi vì cái gì mình không thấy thì không dám nói. Tuy nhiên, nếu như thường nhựt người đó biết ăn hiền ở lành tuy họ không có ăn chay, niệm Phật, đi chùa như Phật tử đã nói, nhưng họ vẫn tu theo cái đạo làm người của họ. Nghĩa là họ vẫn có cái tâm tốt hành thiện cứu đời, giúp người. Khi sắp lâm chung họ lại được sự trợ niệm tốt của mọi người, thì theo tôi, họ cũng không đến đổi sa vào cảnh giới ác. Bởi họ không có gây nhân ác, thì làm sao họ bị chiêu cảm thọ quả báo ác? Phật tử đâu có nói họ làm ác đâu. Họ chỉ không có ăn chay, niệm Phật, đi chùa như một người Phật tử bình thường thôi. Nhưng bình thường họ vẫn tu nhân tích đức làm lành lánh dữ, thì họ cũng có thể thác sanh về cảnh giới an lành. Môi trường tái sanh của họ tùy theo chỗ tạo nghiệp lành dữ mà họ đã gây để phải chiêu cảm thọ báo. Còn việc vãng sanh về Cực lạc hay không, còn tùy thuộc vào cái cận tử nghiệp của họ. Nếu được đại chúng trợ niệm tốt, thì biết đâu họ lại khởi thiện niệm tưởng nhớ đến Phật. Ngay giây phút đó mà họ mạng chung cũng có thể được vãng sanh về Cực lạc. Vì "Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, phần nói về Hạ phẩm Hạ sinh, hạng người Ngũ nghịch Thập ác sắp đọa địa ngục a tỳ, được thiện tri thức dạy cho niệm Phật, niệm mười tiếng hoặc chỉ niệm mấy tiếng là mạng chung, cũng vẫn được Phật tiếp dẫn vãng sinh về Tây Phương" (Gia Ngôn Lục của Tổ Ấn Quang).

Qua đó, chúng ta thấy nếu một người sắp lâm chung mà họ được thiện hữu tri thức thức nhắc, cộng thêm những người thành tâm hộ niệm cho họ, ngay lúc đó mà họ hồi tâm chuyển ý chí thành niệm Phật, chỉ niệm Phật vài tiếng thôi, thì họ cũng được Phật tiếp rước vãng sanh về Cực lạc. Trường hợp như ông Trương Thiện Hòa, theo sách sử ghi lại, bình nhật ông sinh sống bằng nghề giết heo, khi sắp lâm chung tướng địa ngục hiện ra, nhưng nhờ có thiện hữu tri thức nhắc nhở và chí thành trợ niệm, nên ông thành tâm niệm mười tiếng Phật, kết quả ông cũng được vãng sanh Cực lạc. Đây là trường hợp phải nói rất là hy hữu đặc biệt. Ngoài ra không phải ai cũng đều được như thế. Bởi lúc sắp lâm chung có những điều chướng ngại khó giữ được chánh niệm. Như cơn đau nhức hoành hành, luyến ái gia sản tài vật và thân bằng quyến thuộc v.v... Kinh nói: "Niệm bất nhứt bất sanh Tịnh độ, ái bất nhiễm bất sanh Ta bà". Như thế thì làm sao có được chánh niệm mà niệm Phật? Bởi thế, nên việc trợ niệm rất là quan trọng trong giờ phút hấp hối sắp lâm chung nầy. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đợi đến khi bệnh nặng hay sắp lâm chung rồi mới thỉnh chư Tăng, Ni và Ban trợ niệm. Người biết tu hành lo xa thì không nên ỷ lại như thế. Phần trợ niệm chỉ là trợ duyên phần nào thôi, còn được vãng sanh hay không chủ yếu vẫn là ở nơi bản thân của người đó định đoạt. Phật cũng chỉ giúp chúng ta một cánh tay thôi. Còn lại là phần tự lực gắng chí tu hành niệm Phật của chúng ta. Nếu bình nhật không lo tu hành làm lành lánh dữ, ăn chay, niệm Phật đợi đến khi đau yếu bệnh nặng hay sắp chết thì mới nghĩ tới, thì e rằng đã quá muộn màng rồi! Không có tích lũy nghiệp tốt thì cũng khó có được cái cận tử nghiệp tốt. Kính mong các hành giả Tịnh Độ nên suy xét kỹ lại điều nầy. Chúng ta không nên có tâm ỷ lại mà phải chuốc lấy tai họa về sau vậy.

Trích từ: 100 Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 3, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
2 Pháp Uyển Châu Lâm - Tập 3, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản Tải Về
3 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 3, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Kinh Đại Bát Nhã - Tập 03, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm Tải Về
5 Báo Ứng Hiện Đời Tập 1 - Tập 3, Ni Sư Thích Nữ Hạnh Đoan Tải Về
6 Đại Trí Độ Luận Tập 3, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu Tải Về
7 Kinh Đại Bửu Tích Quyển 9, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
8 Tiểu Sử Danh Tăng Tập 3, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn Tải Về