Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Vi-Sao-Thiet-Lap-Phap-Mon-Tinh-Do...?

Vì Sao Thiết Lập Pháp Môn Tịnh Độ...?
Đại Sư Hám Sơn | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Hằng Đạt

Hỏi : Vì sao thiết lập pháp môn Tịnh Độ ?

Đáp: Phật thiết lập pháp ba thừa, cần yếu cho người tu hành, không phải chỉ một đời mà có thể thành tựu. Vì sợ đoạ lạc vào trong biển khổ sanh tử, khó mà ra khỏi, nên hành tham thiền, có thể trong một đời được liễu ngộ, xuất ra khỏi sanh tử. Song, vì vọng tưởng rối rắm, tập khí sâu dày, nên không thể tham cứu. Nếu chưa ngộ sáng tâm này, thì không miễn luân hồi. Thế nên, Phật mới đặc biệt thiết lập pháp môn cầu vãng sanh qua cõi Tây Phương Cực Lạc. Không luận thượng trung hạ căn, cùng giàu sang nghèo hèn, nếu y chiếu theo đó mà tu hành, thì trong một đời có thể thành tựu. Vì vậy, bảo rằng tuy có nhiều đường lộ tu hành, mà không có pháp nào vi diệu thù thắng bằng pháp môn Tịnh Độ.

Hiện tại, nơi cõi Ta Bà đầy dẫy các sự khổ nhọc, sao chúng ta lại trú ở ? Nào là khổ vì sanh, già, bệnh, chết, cho đến khổ vì cầu không được, hay khổ vì oan gia tụ hội, bao loại khổ não, kể không thể hết. Tuy là vương hầu tể tướng, được hưởng thọ sung sướng, nhưng đều là nhân khổ. Những sự khổ cực này, khó mà tránh khỏi. Thế nên, Đức Phật thuyết về cõi Tây Phương Tịnh Độ, mà gọi là Cực Lạc thế giới. Trong cõi nước đó, chỉ thọ các sự sung sướng, nên gọi là Cực Lạc ; cõi nước kia không có sự dơ bẩn, nên gọi là Tịnh Độ ; không có người nữ, và hoá sanh từ hoa sen, nên không có khổ vì sanh. Thọ mạng dài vô cùng, nên không có khổ vì già, bệnh chết. Y phục thức ăn, tự nhiên sẵn có, nên không khổ vì cầu chẳng được. Chư thượng thiện nhơn đồng tụ hội một nơi, nên không khổ vì oan gia tụ hội. Cõi nước này dùng bảy loại châu báu để trang nghiêm, nên không có đất đá ngói sỏi, hay phẩn tiểu bất tịnh. Bao loại thanh tịnh, hoàn toàn không đồng với thế giới này. Những lời trong kinh A Di Đà, mỗi mỗi đều là sự thật.

Hôm nay, tất cả mọi người nên cầu sanh qua cõi nước đó, chứ không nên cầu pháp gì khác. Nhất tâm niệm Phật dùng làm chánh hạnh, rồi ngày ngày hồi hướng ; dùng tâm quán tưởng hoa sen, và thân ngồi trong đó. Đến lúc lâm chung, liền thấy Phật A Di Đà phóng ánh hào quang tiếp dẫn ; thấy hoa sen lớn, vụt ra trước mắt ; thấy tự thân đang ngồi trên hoa. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh. Đã vãng sanh qua cõi đó rồi, thì mãi mãi không bị đoạ vào đường khổ sanh tử ; đó gọi là Bồ Tát Bất Thối Địa. Đây là kết quả của một đời tu hành. Đời sau hạ lạc (giải thoát) rõ ràng như thế. Trừ pháp này ra, nếu có nói cảnh giới gì khác vào lúc lâm chung, thì đó là tà thuyết. Nếu không niệm Phật, thì đến lúc lâm chung, tuỳ theo nghiệp lành ác đã tạo, cảnh giới thiện ác bèn hiện bày, hối hận cũng không kịp. Đây là pháp môn tu hành thẳng tắt quan trọng nhất, vốn do Đức Phật đặc biệt quyền thiết phương tiện.

Lúc tu Tịnh Độ, không cần cầu ngộ sáng tâm tánh, chỉ chuyên dùng niệm Phật và quán tưởng làm chánh hạnh ; lại bố thí, cúng dường chư tăng, tu bao công đức phước điền, để trợ cho việc trang nghiêm cõi Phật. Trong tâm niệm Phật, tuy phát nguyện vãng sanh, mà trước hết phải nên cắt đứt cội gốc sanh tử, thì mới mau có hiệu nghiệm.

Cội gốc sanh tử là gì ? Tức là tham đắm hưởng thọ vật chất trên thế gian, cùng sắc đẹp, lời hay, vị ngọt, khẩu nồng. Tất cả đều là gốc khổ. Hiện nay, một hạng người tà có đủ cả tâm sân hận phẫn nộ, cùng tâm chấp trước si ái, và đồng với tà ma ngoại đạo, tà thuyết của tà sư, tà pháp của tà giáo, mà dám tự vọng xưng là hành giáo pháp Đạt Ma Viên Đốn, cùng vọng lập giáo pháp Nam Dương Tịnh Không Vô Vi, Quy Gia. Mỗi mỗi đều là lời nắn tạo của bọn tà nhân trong đời cận đại, khiến làm rối loạn mê hoặc luật pháp của thế nhân. Người người phải lánh xa chúng. Cho đến những thuật toàn chân nắm bỏ âm dương, thuyết nội đơn ngoại đơn, đều là tà pháp, không thể tin được, mà chỉ đơn thuần tin chắc pháp môn niệm Phật. Mỗi ngày tụng kinh A Di Đà hai quyển. Niệm vài ngàn danh hiệu Phật, hoặc không cần đếm số. Tâm tâm không quên danh hiệu Phật, tức là thoại đầu, và cũng là căn gốc của tánh mạng. Lại nữa, không cần hỏi tánh mạng là gì, bản lai diện mục là gì, cùng những thuyết ba hồn bảy vía nguyên thần là gì.

Nếu nhận thức sai lầm nơi luận đàm tông chỉ, thì không thể hạ lạc (giải thoát). Nếu hỏi rằng cuộc đời này như thế nào, và đời kế ra sao, thì nên biết rằng đời này nếu tạo nghiệp ác thì đời sau cảnh ác hiển hiện. Đời này niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì đời sau cảnh giới Phật hiển bày. Toại ý theo sở cầu của mình, đó là việc tốt. Nếu không phải theo đúng sở cầu của thiện tâm, thì đó là việc của tà ma ; quyết không thể tin lầm theo. Nếu không, sẽ bị ngộ nhận trong trăm kiếp ngàn đời. Kinh Lăng Già và Lăng Nghiêm nói rõ tường tận. Nếu nói lời rằng phàm có tướng đều là hư vọng, thì đó là lời của pháp môn tham thiền. Đơn độc chỉ cầu chân tâm thanh tịnh, mà chẳng dung chứa một vật ; phàm có tướng tức là hư vọng. Niệm Phật cầu vãng sanh qua cõi Tịnh Độ, vốn là do tâm tưởng mà thành tựu.

Kinh nói - Nếu quán tưởng vi tế thì cõi nước sẽ thành. Tham thiền muốn đoạn vọng tưởng thật khó. Thế nên, nay dùng tâm tưởng thanh tịnh để tẩy rửa tâm tưởng nhiễm uế. Nếu hoa sen hiện trước mặt thì quán tưởng thành tựu, sao còn bị tướng vọng thôi thúc nữa ! Các pháp môn tu hành chẳng đồng, nên không thể bàn luận tóm tắt.

Những lời đối đáp bên trên, mỗi mỗi đều y theo kinh giáo của Phật Tổ mà kiểm nghiệm rõ ràng, chẳng phải là lời đàm luận hư vọng. Nếu tham thiền, tức là lấy việc minh tâm kiến tánh làm chủ. Nếu niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì không cần phải mong cầu minh tâm kiến tánh, mà đơn thuần chỉ luôn niệm Phật, tức tự tâm niệm đều minh giác sáng suốt. Nếu quên mất Phật, tức là chẳng giác. Nếu niệm đến độ trong mộng cũng có thể niệm, tức là thường giác không mê. Hiện tại, nếu tâm này không mê, thì lúc lâm chung tâm này cũng không u muội. Nơi tâm không u muội, tức là hạ lạc (được giải thoát). Hiện tại, Hiền Vương vì quốc sự đa đoan, quyết không thể tham thiền, mà chỉ nên niệm Phật là hay nhất. Không câu nệ trong động tịnh, tức là tại mọi nơi đều niệm được. Đạt được nhất niệm không quên, thì đâu còn pháp vi diệu nào nữa ! Trước mặt vẫn biết những việc thần thông, nhưng không thể cần cầu. Xưa kia, đức Phật không hứa khả cho sự tu tập việc đó. Nếu được thành Phật, thì tự nhiên sẽ có thần thông, chẳng cần mong cầu. Đây là việc mà quỷ thần biết trước, chứ con người không thể học được. Vì vậy, không nên nghĩ tưởng đến những việc này. Nếu niệm Phật được nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung, tự nhiên sẽ dự biết thời tiết ; đó là thành tựu niệm Phật tam muội. Những điều như trên, xin Hiền Vương tinh tường lưu ý xem xét.
 
Trích từ: Đường Mây Trong Cõi Mộng
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ