Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Doi-Rat-It-Ai-Biet-Duoc-Chan-Tuong-Su-That-Cua-Cuoc-Song

Người Đời Rất Ít Ai Biết Được Chân Tướng Sự Thật Của Cuộc Sống
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Người đời rất ít ai biết được chân tướng sự thật của cuộc sống, không ai là không chấp trước, cho chiếc thân này là của ta (chấp ngã). Cho nên, ai cũng tham sống sợ chết, ai cũng muốn tự tư tự lợi cho riêng bản thân mình, vì vậy mà tạo ra không biết bao nhiêu điều tội lỗi, đến nỗi không thể tự cứu lấy mình. Kết quả là đọa lạc. Vị trí của họ trong xã hội cứ đời này lại thấp hơn đời trước, đời sau lại thấp hơn đời này. Điều đó đã được đức Phật giảng giải rõ trong biểu đồ mười pháp giới, từ súc sinh đọa xuống ngạ quỷ, từ ngạ quỷ đọa xuống địa ngục. Nếu như hiểu rõ được sự thật chân tướng của cuộc đời thì những ý niệm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng… tự nhiên đều bị tan biến hết. Họ biết được hễ rơi vào trong sáu đường, dù là ở cõi trời (Thiên đạo) cũng không tránh khỏi khổ đau. Pháp Phật đã dạy cho chúng ta biết cuộc đời có ba nỗi khổ, tám nỗi khổ, đó là sự thật.

Có thể lấy hình ảnh của một người bị giam trong nhà tù ở trần gian để làm thí dụ cho người bị đọa vào trong sáu nẻo luân hồi. Ở trần gian, người phạm tội sẽ bị giam tù và chịu hình phạt, mức án tùy theo mức độ phạm tội nặng hay nhẹ. Phạm tội nhẹ thì bị phạt nhẹ. Phạm tội nặng thì bị phạt nặng. Từ đó có thể liên tưởng đến hình ảnh của chúng sanh trong ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) là những chúng sanh phạm tội nặng, còn chúng sanh trong ba đường thiện (trời, người, a tu la) là những chúng sanh phạm tội nhẹ.

Bởi vậy, hễ ở trong sáu nẻo luân hồi là đều coi như ở trong lao tù, chịu hình phạt hết.

Trong kinh đức Phật thường dạy: "Ba cõi như lao ngục". Chúng sinh ở trong ba cõi, sáu đường giống như đang ở trong lao ngục. Đức Phật lấy ví dụ như vậy thật ra cũng không quá đáng. Chúng ta thử quan sát kỹ một chút, thì quả thật, gọi ba cõi, sáu đường là lao tù cũng rất phù hợp. Chừng nào chịu tội xong mới được ra tù, mới được tự do. Nhưng biết khi nào mới hết hạn tù, mới trả xong tội? Khi nào ở trong tù mà có biểu hiện, hành vi lương thiện, cải tạo tốt. Nếu như có biểu hiện thái độ và hành vi tốt thì được phóng thích, dù cho chưa hết hạn tù. Sự biểu hiện thái độ hành vi đó chính là chúng ta phải bỏ ác làm lành, nỗ lực tu tập, tiêu trừ nghiệp chướng, để thăng tiến vị trí trong xã hội, trong ba cõi, sáu đường. Làm như vậy mới mong sớm thoát ly lao ngục, sớm được tự do.

Chư Phật, Bồ tát đã phải khổ tâm nhọc trí để dạy dỗ cho chúng ta, cho nên, ân đức của quý Ngài đối với chúng ta còn cao sâu hơn cả ân đức của cha mẹ. Chúng ta phải luôn nhớ nghĩ đến ân đức của chư Phật, của thầy Tổ, y theo lời dạy mà tu hành, như vậy mới không cô phụ chính bản thân mình và không cô phụ công ơn dạy dỗ của chư Phật, Bồ tát.

Trong kinh Kim Cương đức Phật dạy các Bồ tát rằng: "Không nên thọ nhận phước đức". Câu nói này đối với hàng quyền thừa Bồ tát thì đơn giản, nhưng đối với hàng phàm phu chúng ta thì thật vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều người phát tâm xuất gia tu hành, những năm đầu tiên, lúc mới bước chân vào đạo, cái tâm của họ rất tốt, sự tu tập, hành trì đều được mọi người trong xã hội tôn trọng, cung kính, tán dương; nhưng đến tuổi trung niên hoặc về già, tự nhiên lại bị biến chất, tha hóa, đọa lạc. Chúng ta thử hỏi nguyên nhân vì sao? Bởi vì họ chỉ lo hưởng thụ phước báo hiện tiền, cho nên đã quên mất tự tánh.

Vì sao? Vì chỉ lo hưởng thụ phước báo thì các tâm tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… nhất định tăng trưởng. Vì vậy, không những không thể điều phục được tâm mình, mà ngược lại, các pháp bất thiện, những chướng duyên xấu ác mỗi ngày mỗi tăng trưởng thêm. Đây chính là nguyên nhân của sự đọa lạc. Ngoại trừ những bậc đại Bồ tát đã thấy được tự tánh, quý Ngài tuy có thọ nhận phước đức cúng dường, nhưng tâm địa của quý Ngài thanh tịnh tuyệt đối, một hạt bụi cũng không vướng, không bị các pháp bên ngoài làm cho ô nhiễm. Thế nhưng, khi chư vị Bồ tát vì chúng ta mà thị hiện trở lại cuộc đời này để hóa độ, quý Ngài vẫn còn thể hiện hành vi "không thọ nhận phước đức cúng dường". Sự thị hiện của chư Phật, cũng như của lịch đại chư vị Tổ sư, đều là vì lòng đại từ, đại bi, muốn làm một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta noi theo.

Quý Ngài hoằng pháp ở nhân gian là làm một tấm gương sáng cho người thế gian noi theo; thuyết pháp ở cõi trời là làm một tấm gương sáng cho chư thiên noi theo. Đó là quý Ngài tuỳ duyên hóa độ, tuỳ căn cơ, trình độ của chúng sanh mà thị hiện giáo hóa. Chúng ta thử nhìn lại, ở Trung Quốc, chư Phật, Bồ tát ứng hóa thị hiện rất nhiều, nhưng quý Ngài giáo hóa cao, thấp đều thích ứng, phù hợp. Phương thức sống của quý Ngài cực kỳ đơn giản, lúc nhặt lúc khoan, khai mở nắm bắt tùy thời, tùy lúc. Đó mới là sự hiển thị lòng đại từ bi chân thật.

Cho nên, trong bước đường tu tập đạo bồ đề, để đề phòng bị rơi vào chỗ đọa lạc, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm câu kinh "bất thọ phước đức", theo đó mà phụng hành suốt đời, không nên vi phạm.

Hối hận chi bằng đề phòng
Quý điều phước tốt nhất là tích phước

 

Trích từ: Sanh Tâm Vô Trú
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ