Về thân bệnh, sách y dược nói: “Thuốc trị trúng bệnh, bệnh lành là thuốc hay”.

Về tâm bệnh, Khế kinh nói: “Pháp môn tu hợp thời cơ là pháp môn tuyệt diệu”.

Thật sự, thuốc trị thân bệnh, không có thứ nào dở, mà dở là tại y sĩ đặt không trúng ngay bệnh của người đau. Cũng thế, pháp môn tu của Phật dạy pháp nào tu cũng được chứng ngộ, mà không chứng ngộ là tại thầy truyền giáo dạy không hợp thời cơ của người tu học đó thôi.

- “Thời cơ” là gì?

- Chữ “Thời” nói đủ là thời gian. Ấy là ngày giờ không cùng tận nó cứ lưu chuyển mãi không ngừng với ba trạng thái:1.- Thời quá khứ là ngày giờ đã qua.

2.- Thời hiện tại là ngày giờ đương nay.

3.- Thời vị lai là ngày giờ sẽ đến.

Chữ “Cơ”, nói đủ là căn cơ. Ấy là cái gốc khi nói về thảo mộc, cái trình độ, tài năng và đức hạnh khi nói về con người.

Hai chữ “Thời cơ” nghĩa là cơ hội vừa đúng ở buổi ấy.

- Như thế nào gọi là chỉ đạo hợp thời cơ và không hợp thời cơ?

- Muốn cho mau hiểu, thì sau đây là một thí dụ có ghi chép trong kinh nói cách chỉ đạo hợp thời cơ và bất hợp thời cơ.

Kinh nói: “Một lần kia, ngài Xá Lợi Phất lãnh trách nhiệm dạy hai thầy Tỳ kheo trẻ tuổi hai pháp môn Chỉ quán khác nhau. Thầy thứ nhất tu “Bất tịnh quán”, thầy thứ nhì tu “Sổ tức quán”

Hai thầy Tỳ kheo đã nhiều năm siêng năng tu tập, nhưng không thâu thập được kết quả gì hay. Chán nản quá, hai thầy Tỳ kheo bèn đem sự tình thành thật bạch lên Ðức Phật.

Ðức Thế Tôn xét căn cơ của hai thầy biết rõ: Một thầy, khi trước, còn ở ngoài đời, có làm nghề thợ rèn, nay đi tu, bắt tập môn “Bất tịnh quán” như thế là không hợp thời. Một thầy nữa, lúc chưa xuất gia, đã làm nghề khiêng thây người chết, bây giờ vào đạo, bắt tập môn “Sổ tức quán”, như thế là không hợp cơ.

Ðức Phật liền dạy hai thầy Tỳ kheo ấy phải đổi pháp hành: Thầy đã làm thợ rèn phải tu “Sổ tức quan” là pháp quán đếm hơi thở mới hợp thời, do vì trước kia, thầy đã từng thụt ống bễ cho không khí ra vào quạt lửa; còn thầy đã làm nghề chôn tử thi phải tu “Bất tịnh quán” là tu pháp quán thân thể không sạch sẽ mới hợp cơ, bởi vì trước kia, thầy đã từng ghê gớm mùi hôi tanh của mấy thây chết.

Quả nhiên, sau một thời gian đổi pháp môn tu tập, theo lời chỉ dạy của Ðức Phật, cả hai thầy Tỳ kheo trẻ tuổi đều thành công, chứng quả “Thanh Văn”.

Như thế, vấn đề “thời cơ” đối với người Phật tử trong khi chọn một pháp môn tu của Phật đã dạy, thật là rất quan trọng lắm vậy.

Xứng lý mà nói, ÐẠO lúc nào cũng hợp thời, vì ÐẠO là bản thể của vạn vật, nguồn sống chung của muôn loài, thì thời gian nào Ðạo lại chẳng hợp thời? Giả dự chúng ta rời bản thể ra trong khoảnh khắc, lìa ÐẠO trong giây lát coi chúng ta có khỏi bị khuynh phúc liền không?

- Chắc chắn là không khỏi khuynh phúc. Vì cớ nào? Vì nếu chúng ta không y theo ÐẠO mà xử thế, thì đời sống của chúng ta phải bị điêu đứng ngay. Lý do là mỗi khi xa lìa ÐẠO rồi, thì ý nghĩ, miệng nói, thân làm, nhất nhất đều sai lầm, tức là bị tội lỗi. Thân tâm chúng ta khi ấy không còn an vui, tự tại được nữa. Bởi thế, thành nhân có lời dạy rằng: “ÐẠO không thể rời ra một chốc lát nào được”.

Tuy nhiên, về sự hóa ÐẠO, truyền giáo phải biết thời cơ. Vì cớ mà Phật, Bồ tát và các Tổ có lúc phải tạm nín im một thời gian trên con đường hoằng pháp lợi sinh của Ngài. Dự như:

1.- Ðức Thích Ca đóng thất ở nước Ma Kiệt.

2.- Ngài Duy Ma Cật đóng thất ở thành Tỳ Da.

3.- Ðức Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trọn chín năm ngồi xoay mặt vào vách chùa Thiếu Lâm.

4.- Ngài Lục Tổ Huệ Năng ngót mười lăm năm ẩn dật sau khi đắc pháp chân truyền, là tại cơ duyên chưa đến, chớ không phải ÐẠO chẳng hợp thời.

- Cơ duyên là như thế nào?

- Cơ duyên nói cho đủ là “cơ hội” và “nhân duyên”.

“Cơ hội” là buổi thích đáng để làm việc.

“Nhân duyên” là nhân cái này mà sinh ra cái kia, ví như có hột giống mới sinh ra được quả gọi là nhân; vật kia theo vật nọ là thành, ví như cái bình theo đất sét mà thành gọi là duyên.

“Cơ duyên” là “cơ hội” và “nhân duyên” hòa hợp.

Hai chữ “cơ duyên” là điểm trọng yếu mà Ðức Giáo chủ thường nhắm để giảng đạo trọn một đời hoằng dương chánh pháp của Ngài. Như:

1.- Vì thấy căn cơ chúng sinh bất đồng, có kẻ trí người ngu, kẻ đại căn người tiểu trí, vì thấy cấp bậc chúng sinh sai biệt, có kẻ thượng lưu, trung lưu và hạ lưu nên giáo lý của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng tùy theo mà chia ra làm năm thặng, ba thặng, hai thặng, một thặng chẳng hạn và phân ra làm bốn giáo, tám giáo không chừng.

2.- Vì rõ cơ duyên mà chương trình thuyết pháp của Ngài ngót nửa thế kỷ phải phân làm năm thời nói kinh và thời kỳ hóa đạo của Ngài cũng tùy theo đó mà chia ra làm ba thời kỳ giáo hóa.

Năm thặng là: 1.- Nhân thặng, 2.- Thiên thặng, 3.- Thanh văn thặng, 4.- Duyên Giác thặng, 5.- Bồ tát thặng.

Ba thặng là: 1.- Tiểu thặng, 2.- Trung thặng, 3.- Ðại thặng.

Hai thặng là: 1.- Tiểu thặng, 2.- Ðại thặng.

Một thặng là Phật thặng cũng gọi là Tối thượng thặng.

Bốn giáo là: 1.- Tạng giáo, 2.- Thông giáo, 3.- Biệt giáo, 4.- Viên giáo.

Tám giáo là bốn giáo pháp hóa nghi: 1.- Ðốn, 2.- Tiệm, 3.- Bí mật, 4.- Bất định, cộng với bốn giáo hóa pháp: 1.- Tạng, 2.- Thông, 3.- Biệt, 4.- Viên, thành tám giáo.

Năm thời nói kinh là:

1.- Thời Hoa Nghiêm, 2.- Thời A Hàm, 3.- Thời Phương Ðẳng, 4.- Thời Bát Nhã, 5.- Thời Pháp Hoa và Niết Bàn.

Ba thời kỳ giáo lý là:

1/ Thời kỳ giáo lý thứ nhất, Phật dùng duyên sanh xác định là thật có, nên nói TÂM, CẢNH đều có để phá cái chấp về tự tánh thần ngã của ngoại đạo.

2/ Thời kỳ giáo lý thứ hai, Phật nói CẢNH không TÂM có để lần hồi Phật phá trừ chỗ chấp của Nhị thặng về lý duyên sanh thật có, mà nói lý ấy chỉ giả dối in tuồng như có mà thôi; vì Nhị thặng sợ về chỗ chân không nên phải để giả hữu lại (như tuồng có) mà dìu dắt họ.

3/ Thời kỳ giáo lý thứ ba Phật nói TÂM với CẢNH đều không mới đến chỗ rốt ráo của Ðại thặng, nên nói duyên sanh ấy là tánh không, một mực bình đẳng, viên dung cả hai Ðế không ngại.

3.- Vì biết trước phước đức của chúng sinh, một khi cách Phật lâu đời, càng ngày càng mỏng, nên mỗi Ðức Phật đều chia thời gian giáo hóa của các Ngài ra làm ba thời kỳ giáo hóa với bốn phương pháp độ sinh.

Ba thời kỳ giáo hóa là:

1/ Thời kỳ Chánh pháp.- Lúc Phật còn tại thế, người nào gặp Phật hóa độ thì được chứng quả thánh ngay, không sót một ai hết.

2/ Thời kỳ Tượng pháp.- Sau khi Phật nhập Niết bàn rồi, chỉ riêng những người căn tánh thuần thục, huệ sâu, chướng nhẹ mới được chứng ngộ mà thôi.

3/ Thời kỳ Mạt pháp.- Sau khi cách Phật lâu xa, phần đông chúng sinh bị nghiệp nặng, chướng dày, nên số người tu hành được chứng ngộ rất ít.

Bốn phương pháp độ sinh là:

1/ “Pháp thí độ chúng sinh”, tức là từ kim khẩu Phật nói ra mười hai loại kinh hóa độ chúng sinh.

2/ “Thân nghiệp độ chúng sinh”, tức là chư Phật dùng ba mươi hai tướng tốt với tám mươi vẻ đẹp và hào quang của các Ngài mà hóa độ chúng sinh.

3/ “Thần thông lực độ chúng sinh”, tức là chư Phật có vô lượng đức dụng thần thông đạo lực và các phép biến hóa dùng để hóa độ chúng sinh.

4/ “Danh hiệu độ chúng sinh”, tức là chư Phật có vô lượng danh hiệu, hoặc chung, hoặc riêng, nếu có chúng sinh nào biết chuyên tâm xưng niệm hồng danh của Ngài, thì một ngày kia sẽ được gặp Phật hóa độ cho.

Mỗi pháp môn tu đều hợp với mỗi căn cơ.

Thật sự, chúng sinh có nhiều tâm bệnh nên pháp dược của Phật phải tùy theo số bệnh mà có nhiều môn tu; cũng như thân thể con người ta thường đau nhiều chứng nên y dược phải chế ra nhiều thứ thuốc. Mà đã tùy bệnh chỉ bày phương thuốc, thì dầu pháp dược hay y dược, mỗi thứ đều trị mỗi chứng mà thôi.

Thí dụ: Trong y dược có “đại hoàng”, “bã đậu” tánh nhuận trường, thì dùng chữa bệnh táo kiết; còn “càng khương”, “phụ tử” tánh ôn nhiệt, thì dùng trị bệnh hàn lương. Không thể lấy “càng khương”, “phụ tử” mà chữa bệnh táo kiết được; làm như thế chẳng khác nào muốn tắt lửa mà lại chế thêm dầu. Cũng thế, trong pháp dược có pháp tu “đốn ngộ” để dạy bậc thượng căn, đại trí thành công tức khắc; và pháp môn “tiệm tu” để dắt dẫn hạng người hạ căn, tiểu trí đi từ từ trên con đường tu hành lần hồi cũng đến mức thành công. Không thể dùng pháp môn tu “đốn ngộ” mà dạy người hạ căn, vì có sẵn tánh độn tệ, người làm sao đủ sức lãnh hội nổi!

Như thế thì biết rằng giữa lương y với bệnh nhân cũng như giữa nhà giảng đạo với người tìm tu hai bên đều có liên đới quan hệ lắm. Vậy thì, khi thân thể đau, bệnh nhân muốn trị lành mạnh, phải tìm lương y, bác sĩ ký thác bổn mạng. Và người bệnh phải khai hết, không giấu giếm từ chi tiết tình hình bệnh biến chuyển trong thời gian đã qua với hiện nay, để cho lương y, bác sĩ nhận chắc đau chứng gì mà đặt trúng phương thuốc trị. Cũng thế, khi bị phiền não phức tạp ưu sầu quá, người tâm bệnh muốn cầu pháp dược giải khổ, phải tìm minh sư, thiện hữu. Còn làm ông thầy chỉ đạo phải để ý từ li, từ tí về trình độ học lực, căn tánh, nghề nghiệp với sự phát tâm của người muốn học đạo ra thể nào, trước khi thâu nhận làm đệ tử. Nhờ có dò xét kỹ lưỡng mới biết người ấy thuộc về hạng nào để chọn một pháp môn hợp với căn cơ dạy cho người tu được kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, trong y dược và pháp dược cũng có một vài trường hợp đặc biệt là: “Y dược” có thuốc bá chứng và “Pháp dược” có pháp môn tu hợp tất cả thời và nhiếp tất cả căn cơ.

Trong y dược, các thầy thuốc nghĩ đến tình cảnh những người nghèo ở xa thẳm, hẻo lánh, mỗi khi đau ốm, đi rước một ông thầy về uống thuốc thật là hết sức khó, nên mới chế ra một thứ thuốc đặc biệt trị đủ thứ bệnh, gọi là “thuốc bá chứng”. Thuốc này đỡ khổ cho kẻ bệnh nghèo và nhất là ở “xa tít mù khơi”. Cái sáng kiến chế ra thứ thuốc bá chứng của các ông dược sư thật đáng khen!

Trong pháp dược, Ðức Phật nghĩ thương xót chúng sinh trong thời kỳ Mạt pháp, nghèo phước đức, nghèo trí huệ, nghèo nhân duyên, nghèo thời cơ lẫn phương tiện, làm sao mà tu hành thành đạo được, nên mới nói ra một pháp môn tu đặc biệt hợp tất cả thời và nhiếp tất cả căn cơ để cứu độ những chúng sinh nào có kết duyên lành với Ngài. Pháp môn này thuộc về phương pháp độ sinh thứ tư của Phật là “Danh hiệu độ chúng sinh”, tên nó là “Trì danh niệm Phật”. Ấy là một pháp môn không ai hỏi mà Phật tự nói.

Môn pháp dược này cũng như “thuốc bá chứng” ở trong y dược vậy. Nó có một công dụng thù thắng là cứu thoát chúng sinh ở đời Mạt pháp tu ra khỏi ải sinh tử luân hồi, bằng cách đưa chúng sinh về Tây phương Cực lạc thế giới của Ðức Phật A Di Ðà ở đó tu thêm cho dễ, đến khi chứng được ngôi “Bất thối Bồ tát” và bổ xứ làm Phật.

Ðến chỗ này, chúng ta mới thấy rõ tâm từ bi của Ðức Phật đối với chúng sinh ở đời Mạt pháp rộng lớn vô cùng, chẳng biết dùng lời chi tán thán cho vừa, cho xứng!

- Thế nào gọi là pháp môn “Trì danh niệm Phật” hợp tất cả thời và nhiếp tất cả căn cơ?

- Ðứng về phương diện thời gian mà nói, trong một ngày đêm chia ra làm sáu thời, mà thời nào niệm Phật cũng được, sớm mai, trưa, xế, chiều, tối, khuya không hạn cuộc thời nào cả.

Ðứng về phương diện xứ sở mà nói, chỗ nào niệm Phật cũng được, ở chỗ thanh vắng cũng như chỗ ồn ào, ở chỗ tinh khiết cũng như chỗ nhơ uế không hạn cuộc vị trí.

Ðứng về phương diện tuổi tác mà nói, kẻ trẻ tuổi cũng như người tuổi già đều niệm Phật được cả.

Ðứng về phương diện oai nghi mà nói, lúc tới lui, qua lại, đi đứng, nằm ngồi, trong bốn oai nghi ấy con người đều niệm Phật được cả.

Ðứng về phương diện âm thanh sắc tướng mà nói, khi có khóa lễ bái sám công cộng hay lúc trong người thấy hôn trầm, tán loạn, thì cần niệm Phật lớn tiếng dài hơi có nhịp nhàng với chuông mõ; còn khi tâm mình bình tĩnh, ý mình vắng lặng cứ âm thầm niệm Phật, không tiếng người cũng không tiếng chuông mõ. Cũng được phép niệm Phật không đèn nhang, không y áo khi bị hoàn cảnh bắt buộc như lúc bị ngồi tù, nhốt khám, hay khi ra bãi chiến trường.

Ðứng về phương diện căn cơ mà nói, người trong ba bậc chín cấp: Thượng, trung, hạ lưu, đại căn, tiểu căn, thượng trí, hạ trí, lợi căn, độn căn, đủ căn, thiếu căn đều niệm Phật được cả.

QUYẾT NGHI

- Nói rằng: Pháp môn Trì danh niệm Phật hợp tất cả thời cơ, vậy trong ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp có ai tu theo pháp môn ấy mà được siêu thoát luân hồi không?

- Trong thời kỳ Chánh pháp, Kinh Bảo Tích nói: “Phụ vương của Phật chắp tay bạch với Phật rằng: Tu hành cách nào sẽ được đạo của chư Phật? Ðức Phật đáp: “Hết thảy chúng sinh đều tức là Phật. Vậy phụ vương phải chuyên cần tinh tấn niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà ở Tây phương Cực lạc thế giới, thì sẽ thành Phật đạo”.

Phụ hoàng vâng lời thành tâm niệm Phật liền được vãng sinh. Sau trong tộc thuộc của vua Tịnh Phạn cả thảy mấy vạn người cũng nhờ tu theo pháp môn niệm Phật mà được siêu thăng.

Ở thời kỳ Tượng pháp, khi Phật giáo ở Ấn Ðộ truyền sang Trung Hoa, đời Ðông Tấn có Ðại sư Huệ Viễn quy tập cả tăng lẫn tục cộng chung một trăm hai mươi ba người phát nguyện chuyên tu tịnh nghiệp đều được vãng sinh tất cả với các điềm lạ: Ngài Huệ Viễn niệm Phật chín năm thấy Phật đến rờ đầu ba lần thọ ký. Các vị khác có vị biết trước ngày giờ vãng sinh, có vị thấy Phật phóng hào quang đến tiếp dẫn, có vị nghe tiếng nhạc trời với mùi hương lạ trước khi lâm chung.

Trong thời kỳ Mạt pháp này, ở nước Việt Nam ta cũng có nhiều Phật tử tu pháp môn niệm Phật được kết quả tốt trong lúc cuối cùng, song tiếc vì ít ai lưu tâm nhật ký làm bằng để nêu gương khuyến khích.

Tôi còn nhớ cách ba mươi năm nay, các báo chí ở Sài Gòn có đăng tin ông Cả Thời, một tín đồ họ Thích chuyên tu niệm Phật, ở làng Hạnh Thông Tây, tỉnh Gia Ðịnh biết ngày giờ chết của ông trước một tháng. Và đến ngày ông chết, trước mười lăm phút, ông đi từ giã hết thảy người nhà để đi đến chỗ ông định cất xương. Ấy là một cái lu lớn có sơn phết và đặt sâu xuống đất từ lâu, con cái của ông đều biết. Ý của ông muốn: Khi gần bỏ xác, ông ngồi kiết già niệm Phật chờ vãng sinh và cũng được để y như vậy mà lấp đất, nên đâu đó ông đã sắp đặt sẵn sàng.

Lúc ông Cả Thời từ giã bà con để đi chầu Phật, con cái trong nhà không mấy tin, vì thấy ông không có đau ốm chi hết. Nhưng chúng cũng để ý theo rình coi thử. Ông cả đánh diêm quẹt lên rọi đường đi trước, sắp con nhẹ bước theo sau cách xa xa. Ðến sinh phần, ông dở nắp lu vào trong ngồi niệm Phật lớn tiếng dài hơi một chập. Bỗng đâu trên không trung có lằn ánh sáng giáng ngay chỗ ông ngồi. Vắng tiếng niệm Phật của ông Cả, các con theo rình đốt đèn lên xem, thì thấy ông đã hóa ra người thiên cổ.

Những người tu pháp môn niệm Phật được vãng sinh từ xưa đến nay thật rất nhiều, ai muốn rõ thêm sự tích có chứng nghiệm chắc chắn, thì xem Tập Vãng Sinh của Ðại sư Liên Trì và sách Tịnh độ Thánh hiền của Bành cư sĩ.

Tóm lại, về phần hợp thời cơ của pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh”, tức là pháp môn niệm Phật là một pháp dược tuyệt diệu gồm thâu tất cả các môn tu, chuyên trị tất cả tâm bệnh của chúng sinh cũng như thuốc bá chứng là một thứ y dược trị đủ các thứ thân bệnh của con người. Pháp môn niệm Phật được công nhận siêu việt hơn tất cả các pháp, lý do nó có công năng độ được ba bậc, chín cấp chúng sinh bất cứ thời kỳ nào, mà nhất là ở thời kỳ Mạt pháp, càng cách Phật lâu đời, chúng sinh bị nghiệp nặng, chướng dày, nếu không tu theo pháp môn niệm Phật, thì khó thành đạo lắm.

Ðức Bổn sư Thích Ca Từ phụ đã biết trước về đời Mạt pháp, chúng sinh khó tu khó chứng với pháp môn đốn ngộ như pháp Tham thiền minh tâm kiến tánh thành Phật tức thời, nên Ngài tự giảng Kinh A Di Ðà, nói ra một pháp môn khó tin là “Trì danh niệm Phật” cầu đới nghiệp vãng sinh về Tây phương Cực lạc thế giới ở đó tu hành dễ thành tựu quả “Vô thượng Bồ đề”.

Chư đại Bồ tát như đức Văn Thù, đức Phổ Hiền v.v... cũng công nhận ở nước của Ðức Phật A Di Ðà tu mau thành đạo nên đều phát nguyện sinh về Tây phương Cực lạc. Và chư Tổ trong mười tông: 1.- Câu Xá tông, 2.- Thành thật tông, 3.- Luật tông, 4.- Pháp Tướng tông, 5.- Tam Luận tông, 6.- Thiên Thai tông, 7.- Hoa Nghiêm tông, 8.- Mật tông, 9.- Thiền tông, 10.- Tịnh độ tông, đồng tán thán pháp môn “Trì danh niệm Phật” của Ðức Thích Ca dạy để làm bằng khuyến khích chúng ta nên phát tâm chánh tín tu theo.

- Vậy Phật tử Việt Nam chúng ta nghĩ thế nào?

- Chắc chắn chúng ta đều dư biết: Phải vâng lời Phật, noi gương các ông Bồ tát và nghe theo lời khuyên bảo của chư Tổ lo chuyên tu niệm Phật. Hơn nữa, Phật giáo truyền sang nước Việt Nam ta chỉ có ba tông: Luật tông, Thiền tông, Tịnh độ tông là được nhiều người tu theo.

Nam mô A Di Ðà Phật

Trích từ: Pháp môn dễ tu, dễ chứng, hợp cả thời cơ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Pháp Môn Dễ Tu
Đường Đại Viên

Pháp Môn Dễ Chứng
Đường Đại Viên