Home > Khai Thị Niệm Phật
Niệm Phật Phá Vọng
Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch


Niệm Phật tam muội do đấng đại hùng chỉ cõi Ta bà này đầy thống khổ sanh, lão, bệnh, tử và các nghiệp quả nên dạy chúng ta phương pháp niệm Phật A Di Đà cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Vì thân và quốc độ của đức Phật ấy thanh tịnh không gì so sánh được, trang nghiêm đệ nhứt, y chánh cực diệu nên mới có danh xưng như vậy. Chúng hội của đức Phật ấy đầy đại tâm bồ tát. Người nghe lời Phật dạy được sanh về đó không chỉ có vạn ức mà từ khi pháp môn này loan truyền trong thiên hạ, từ Đông độ qua Tây quốc, từ trước đến nay, y theo giáo pháp được vãng sanh rất nhiều, không thể dùng hằng sa vi trần mà so sánh số lượng được.

Ngày nay cách Phật đã xa, người đời lại hồ đồ không biết Tây phương Cực Lạc thật có một cảnh giới, mới nói sai rằng các pháp tại tâm liền vọng nhận trong tâm, do sáu trần duyên ảnh quấy nhiễu tâm thức, mới bảo Cực Lạc tại tâm không cần cầu sanh đâu cả, thật điên đảo lắm lắm!

Sáu trần này duyên ảnh là thuộc tiền trần vốn không tự thể, tiền trần nếu không có thì tâm này cũng diệt, như vậy cõi kia làm sao có trong tâm này được?

Lại nói tâm vốn ở trong ngực. Tâm nhỏ xíu trong ngực làm sao chứa được cả cõi Phật rộng lớn kia được? Dù nói ngộ đạo thì Phật độ tại tâm. Chỉ có thể gọi kiến tánh ngộ đạo đâu có thể bảo Tịnh Độ tại tâm. Nếu ai nói như thế là tà kiến. Cả đến thiên ma, ác tặc, ngoại đạo cũng không có hạng tối hạ liệt kiến chấp ấy, đáng thương lắm thay!

Nay muốn ngộ tâm bản nhiên chơn thật ấy, trước hết phải thường quán sát tâm nhận thức sáu trần duyên ảnh tại ngực ngươi, cái ngực ấy trên thân thể ngươi, thân thể ngươi tại thế giới này, thế giới này cho đến tất cả tịnh uế sát hải đều ở trong hư không, hư không giới này không ngằn mé, không ở ngoài, mười giới y chánh tất cả ở trong đó, rộng lớn khó lường, hư không này thật lớn, nhưng thiên nhiên ngã ấy chẳng động đến bản tâm chơn thật, nó không lớn mà rất lớn, lại có thể bao trùm cả hư không tối đại ấy. Hư không kia ở nơi chân tâm ta như đám mây nhỏ hiện giữa bầu trời trong, vậy thì cõi Ta bà, Cực Lạc tất cả tịnh uế sát hải mà không ở trong bản nhiên tâm ta ư? Nhưng đức Phật nói các pháp tại tâm thật không phải chỉ cho cái tâm vọng tưởng duyên ảnh trong ngực ngươi. Tâm chơn thật này xa lìa tri giác, siêu xuất kiến văn, dứt sạch tướng sanh diệt tăng giảm, không có xưa nay, tánh vốn chơn như, đầy đủ vi diệu, là căn bản mười giới mê ngộ, bất khả đắc mà suy lường sự rộng lớn ấy.

Tất cả thân độ đều ở nơi ngươi nay đại giác không động đến chơn tâm, cùng Phật đồng chứng thì rõ biết cõi Cực Lạc, Ta bà tuy là cảnh thật cũng toàn từ tâm, toàn nơi tâm, nơi ý tưởng ta. Ngày nay đối với điều bỏ Đông lấy Tây, chán uế ưa tịnh, ghét Ta bà cầu Cực Lạc cho đến ghét sanh tử thích Phật quả, hết lòng tận ý trước tướng mong cầu đều không lìa ngã tâm vậy. Cầu mong như vậy không xa rời tâm thì tướng hảo A Di Đà ở cõi Cực Lạc liền hiển hiện nơi tự tâm, khi hiển hiện nơi tự tâm thời Phật hiện ra. Bấy giờ tâm ta là tâm đức Phật kia, đức Phật kia tức là nơi tâm ta, một thể không hai ấy mới thật “Duy tâm Tịnh Độ, bản tánh Di Đà”. Không thể cho phương Tây không có cõi nước không có Phật, không cần phải cầu sanh, chỉ tại duyên ảnh sanh diệt nơi ngươi mới cho là bổn tánh duy tâm vậy.

Lại nói cầu đức Phật kia tức cầu ở tự tâm, cầu tự tâm cần phải cầu nơi đức Phật kia, ý nghĩa rõ lắm rồi. Ngày nay tại sao có những hạng báng Pháp khinh Tăng, bỏ đạo theo nho, phiếm luận thiền lý, không tìm hìểu chân lý tức cảnh tức tâm, trái với pháp bất nhị mà phân chia nội, ngoại rồi biện luận về cảnh về tâm. Lại dạy người bỏ ngoại hướng nội, bỏ cảnh hướng tâm nên sanh ra nhiều sự phân biêt về thương ghét, sai lạc lý thú.

Hạng nói về cảnh thì cho Cực Lạc thuộc phần ngoại nên bất tất cầu sanh; còn hạng hướng về tâm thì cho sáu trần duyên ảnh là hư giả vọng tưởng, cho Cực Lạc tại nội, nhơn cho tâm không có hình thể mới nói tất cả không có nhơn quả, thiện ác, tu chứng, rồi từ đó phóng túng lăn lộn thế duyên, dạy người không cần phải lễ Phật, dâng cúng hương hoa, tụng kinh, bái sám, làm các thiện hạnh là trước tướng.

Các hạng người như trên làm cho kẻ khác giữ chặc tâm, trơ trơ như đá hoại loạn thiền pháp, hoặc khiến người như là buông xả tất cả rồi cho các nghiệp sát sanh, trộm cắp, dâm dục là không họa không phương hại đến đạo nghiệp. Nhơn tà kiến này phải đọa lạc vào vòng sanh tử, thẳng đến tận cùng địa ngục a tỳ chịu khổ báo, tội nặng hơn những hạng làm đồ tể, nấu rượu, đến bao giờ cảm thấy hối lỗi thì địa ngục kia cũng theo đó mà diệt mới được ra khỏi.

Lại như vườn nhà sơn hà đại địa các cảnh sở y ở ngoài thân, là thật có không thể nói không, đều là cảnh vật ở ngoài tâm, rồi đả phá nhị biên, không thể thành một phiến để tâm cảnh nhứt như được, chỉ xem trọng việc ăn mặc thân khẩu mà thôi. Đối với thiên đường địa ngục và Cực Lạc các cõi tuy đã từng nghe danh nhưng không thấy mới bảo là không có, trở lại cho những người hưởng cảnh vui thú khoái lạc là thiên đường, còn hạng người chịu cảnh khổ sở là địa ngục, chứ không biết cái chơn tâm không huyển kia có đủ cả thiên đường địa ngục các sát hải, lại đem chỉ dạy người ta chẳng cần phải cầu sanh, thật quá quá ngu vậy!

Than ôi! Đã không biết chơn tâm bất sanh bất diệt hàm chứa cả thái hư, vọng nhận cái vật nhỏ trong thân là tâm, nhận giặc làm con, không cầu nơi Phật, hiểu biết cạn cợt lắm vậy!

Kinh nói: Ví như biển cả lặng trong hàm chứa vạn vật, chỉ nhận bọt nước làm thể rồi cho đó là toàn thể biển cả, Như Lai nói thật đáng thương, chính là hạng người này. Tâm ta cùng tâm Phật đồng một thể, nên oai đức quang minh nguyện lực đức A Di Đà ở trong tâm ta, bằng vào sự ngu si của tâm ta mà làm các Phật sự nên không lúc nào mà không được dắt dẫn, bấy giờ tâm ta ở trong đại tâm nguyện lực đức A Di Đà tu các thiện hạnh niệm Phật cầu sanh thì không một thiện hạnh nào mà không gồm đủ Phật đức, như vậy rõ biết Phật đức kia giúp ta thành tựu tam muội.

Nên biết rằng nguyện lực đức A Di Đà do ở sự phát tâm lúc ban đầu để cuối cùng đạt đến chỗ cứu cánh. Như vậy không một pháp nào mà chẳng trực thuộc vào tâm ta, vậy tâm ta tức là tâm Phật. Tâm ta từ vô thỉ đến nay tột đến vị lai tu tất cả tam muội thì không một pháp nào mà chẳng nhiếp về Phật hải thành bổn lai Phật.

Phật tâm tức ngã tâm, như vậy y chánh sắc tâm, nhơn quả, tịnh uế cùng ở nơi một tâm, mà thật không trở ngại, tất cả an trụ ở vị trí của tâm. Ở nơi một tâm, tuy tịnh uế không đồng nhưng điều mong cầu cũng không ra ngoài chơn tâm. Do phần vị mỗi thứ, tuy ở nơi tâm mà bỏ phần xấu ác giữ phần thanh cao, bỏ điều xấu giữ điều tốt lành ắt có sự cảm ứng đạo giao thấy được bản tánh Di Đà, liễu ngộ nhứt tâm tức tịnh uế tự phân. Ngộ được lý duy tâm Tịnh Độ, cứ vậy mà tu tập, ví như một giọt nước rơi vào biển cả liền đồng một vị, mới biết biển cả tự như vậy, há lại có một hạnh hư ngụy mà chẳng có công đức hay sao?

Như vậy thời biết quang minh oai đức nguyện lực đức A Di Đà thường ở tại thế gian giáo hóa không dừng nghỉ, muốn nhiếp thủ những chúng sanh lẫn tránh mê vọng huống là người nhớ nghĩ đến Phật mà lại không được vãng sanh sao?

Quốc độ kia đã thù thắng, người cầu sanh phải hết lòng phát khởi thắng hạnh nguyện, hoặc chỉ xưng danh hiệu, chuyên trì một câu chơn ngôn, và chỉ lễ lạy tuần nhiễu, cho đến thiêu hương cúng hoa, sáu thời sám hối, phế bỏ thế duyên, nhứt tâm chuyên chú quán tưởng hình dung Phật và tướng bạch hào, tâm không lười nản, mạng chung quyết định được vãng sanh. Lại hằng hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát sanh, tu mười thiện nghiệp, thọ trì tam quy y, giữ tròn các giới, không phạm oai nghi, tin sâu nhơn quả, không hủy báng đại thừa, khuyến tấn tu hành, tu các điều như trên cũng được sanh về Cực Lạc.

Nếu được sanh về Cực Lạc, không những chỉ được sanh về lại hằng thấu rõ những sự nỗ lực tu tập niệm niệm cầu được sanh từ trước chính là lý vô niệm vô cầu vô sanh.

Nghĩa như thế nào? Tức là tinh tế tu tập là không tu cũng chẳng phải bảo là chẳng tu là không tu. Nếu quả thật bảo bỏ hẳn thiện ác không vướng vít không trở ngại là không tu thì đâu khác gì đoạn kiến của ngoại đạo, chẳng phải ngu si ư! Há không nghe bậc cổ đức nói sắc tướng lại là vô tướng, do thâm tu mới là vô tu, lấy đó so sánh pháp pháp là như vậy, có thể không thẩm xét sao!

Nay nên nghĩ mạng người vô thường, dứt hơi thở là sang đời khác, lại nữa thế sự tuần hoàn như vòng xích không dứt, nếu đối việc không vừa lòng phải nhọc tâm khổ trí đâm hờn trách sự đời, cho đến nếu đắc chí vừa lòng, xong rồi cũng chẳng được gì. Một khi quyết dứt thì nên đứt đoạn khởi hạnh lập nguyện tận lực vượt lên đúng với tâm niệm sanh về Cực Lạc.

Nên tôi nay chấp tay cúi đầu xin khuyên các vị Phật tử nên phải nhứt tâm tinh tấn tu tập.

(Hồng Võ ngày 23 tháng chín năm Ất Hợi. Cẩn bút)