Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa quý Phật tử!
Hôm nay tôi xin được chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện Phật giáo, câu chuyện này được trích từ kinh Pháp cú thí dụ, trong Đại Chánh tạng, quyển 4, trang 593c6 594a2.
Vào thời quá khứ, lúc đức Phật ở tại nước Xá vệ, có năm trăm vị Bà la môn thường muốn tìm cơ hội phỉ báng Phật.
Phật đã thành tựu ba loại trí tuệ là thiên nhãn minh, túc mạng minh, lậu tận minh, nên có khả năng nhìn thấy rõ tâm người khác. Phật mặc dù với tâm đại bi, muốn hóa độ những vị Bà la môn này, nhưng quả báo của họ còn chưa chín muồi, nhân duyên vẫn chưa đến. Khi thời gian kết thành quả của tất cả tội báo, phước báo đã đến, tương ứng với nghiệp nhân mà họ đã tạo, nhất định sẽ nhận lãnh tội báo hoặc phước báo. Những vị Bà la môn này trong quá khứ đã có một ít phước đức, nên có thể sẽ được hóa độ, bởi phước đức này sẽ dẫn dắt họ khiến tạo nhân duyên tương ưng.
Năm trăm vị Bà la môn này cùng nhau thảo luận:
- Cần tìm một vị đồ tể, nhờ anh ta sát sanh, và rồi thỉnh mời Phật và chúng Tăng đến cúng dường. Phật nhất định sẽ nhận lời mời thỉnh và khen ngợi đồ tể, chúng ta sẽ đến trước mặt Phật để cười chê, phỉ báng Phật.
Bấy giờ, đồ tể liền nhận lời Bà la môn, thỉnh Phật đến cúng dường. Phật tiếp nhận lời mời, đồng thời nói với đồ tể rằng:
- Quả đã chín muồi, tự nhiên sẽ rơi rụng; phước báo thành thục, tự nhiên sẽ được hóa độ.
Sau khi về nhà, đồ tể liền chuẩn bị đồ ăn thức uống cúng dường Phật. Đức Phật dẫn các vị đệ tử đến thôn đồ tể, vào trong nhà thí chủ.
Những vị Bà la môn này, lớn nhỏ hết thảy đều rất vui mừng, nghĩ: ‘Hôm nay, cơ hội thích hợp cuối cùng đã đến, chúng ta có thể cười chê, phỉ báng Phật rồi! Nếu Phật khen ngợi đồ tể có phước đức, chúng ta sẽ dẫn việc đồ tể từ trước đến nay sát sanh vô số, tạo rất nhiều nghiệp tội để che cười phỉ báng Phật. Nếu Phật nói về các tội ác của đồ tể từ trước đến nay, chúng ta sẽ đem việc đồ tể cúng dường Phật có được phước đức để hỏi vặn Phật. Hai cách này này đều có thể dùng để cười chê, phỉ báng Phật. Hôm nay, cơ hội thích hợp cuối cùng đã đến’.
Đức Phật đến nhà thí chủ, sau khi Phật ngồi xuống, đồ tể rót nước mời Phật rửa tay, rồi đích thân dâng lên vật thực cúng dường Phật. Bấy giờ, Thế Tôn quán sát tâm niệm của đại chúng, biết được trong chúng có những người nào có thể hóa độ. Ngài bèn hiện tướng lưỡi rộng dài, dùng lưỡi có thể che trọn khuôn mặt, liếm đến lỗ tai, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp cả thành; tiếp đó dùng Phạm âm thanh tịnh nói một đoạn kệ tụng chúc phúc đại chúng, đại ý như sau:
‘Như lời Thánh nhân dạy, người xuất gia thực hành đạo chân chánh (tu hành, khất thực) để duy trì cuộc sống. Người ngu si lại khởi tâm đố kỵ, thấy người khác làm thiện, tu đạo lại muốn phá hoại.
Làm việc ác, tự nhận lãnh quả báo khổ; như trồng hạt giống đắng chát thì gặt lấy quả đắng chát. Làm việc ác, tự mình phải nhận lãnh tội báo; làm việc thiện, tự mình thọ hưởng phước báo.
Quả báo của tội này và phước này đều tự thành thục, nào ai có thể thay thế ai lãnh thọ. Làm việc thiện được quả báo thiện, như trồng xuống hạt giống tốt thì được quả ngọt ngon’.
Sau khi Phật nói xong đoạn kệ tụng này, năm trăm vị Bà la môn khai mở tâm ý, bước về phía trước, năm vóc gieo sát đất đảnh lễ đức Phật, chắp tay bạch Phật:
- Chúng con kém cỏi, ngu độn, không đủ trí huệ, chưa thể hiểu thấu lời Thế Tôn dạy. Xin Ngài thương xót giáo hóa chúng con, cho chúng con được theo Ngài xuất gia làm sa môn.
Phật từ bi hứa khả, tiếp nhận các vị ấy làm sa môn.
Người già trẻ trong thôn, thấy được thần thông biến hóa của Phật, đều rất ngạc nhiên, vui mừng; mọi người đều chứng được Kiến đạo, được gọi là Hiền thánh, không còn làm nghề sát sanh, cũng không còn ai gọi là đồ tể.
Đức Phật dùng cơm xong, về lại tinh xá.
Câu chuyện này nhắc đến việc:
Có người thấy người khác làm thiện tích đức, bản thân đã không tùy hỷ khen ngợi, mà lại thích thú phỉ báng người khác. Như các vị Bà la môn trong câu chuyện này vốn không có ý tốt, tìm một vị đồ tể cúng dường Phật, mượn cơ hội này để hỏi vặn, muốn khiến Phật khó xử. Trong tâm các vị Bà la môn nghĩ: “Sau khi Phật tiếp nhận sự cúng dường của đồ tể, nếu Phật khen ngợi đồ tể có phước đức, thì chúng ta sẽ chê cười phỉ báng Phật rằng: ‘Đồ tể sát sanh vô số, vì sao có được phước đức chứ?’. Ngược lại, nếu Phật nói sát sanh là có tội, chúng ta sẽ hỏi vặn Phật: ‘Đồ tể tuy tạo nghiệp sát, nhưng hôm nay cúng dường Phật nên được phước chứ! Chẳng lẽ không có phước đức ư?’.
Sự trả lời của Phật vượt tầm suy tính của những vị Bà la môn này. Phật nói:
- Tạo nghiệp ác thì nhận lấy tội báo, tích tập nghiệp thiện thì thọ nhận phước báo; quả báo của tội và phước đều tự thành thục, không thể nào thay thế cho nhau. Giống như những loại hạt giống khác nhau được gieo xuống đất, tùy theo nhân ban đầu mà quả kết thành có sai biệt, hoặc đắng chát, hoặc ngọt ngon.
Nói cách khác, đồ tể tạo nghiệp sát sẽ nhận tội báo; nhưng đồ tể cúng dường Phật cũng có thể được phước báo; thiện ác và tội phước nên phân biệt rõ ràng.
Ngoài ra, Lục tổ đàn kinh cũng nói:
Người mê tu phước không tu thiện,
Chỉ nói tu phước chính là đạo;
Bố thí, cúng dường, phước vô biên,
Tâm khởi ba ác mãi gây tạo.
Nghĩ rằng tu phước tội sẽ tiêu,
Đời sau được phước, tội vẫn theo.
Ý của bài kinh trên muốn nói: Người ngu si chỉ biết tu phước, ngược lại chẳng hiểu cần phải tu đạo (không biết tu giới, định, huệ); cho rằng tu phước chính là tu đạo, hiểu nhầm rằng tu một ít phước đức có thể tránh trừ quả báo khổ của việc làm ác trong quá khứ. Thí như có người giết người khác, trong lòng nghĩ: “Tôi bố thí một ít tiền của thì có thể lập công chuộc tội”. Thật sự chẳng biết rằng, bố thí cúng dường tuy có thể được phước đức, nhưng mà người ngu si vẫn đầy ắp ba độc tham, sân, si, tạo rất nhiều nghiệp ác. Có người muốn tu phước để diệt trừ tội nghiệp đã tạo, đời sau tuy được phước báo, nhưng tội nghiệp vẫn tồn tại, khi nhân duyên tụ hội vẫn phải chịu quả báo khổ. Quả báo được tạo nên của hai loại nghiệp thiện và ác có sự sai khác, không thể thay thế cho nhau.
Lúc Phật giáo bàn về nhân quả, nghiệp báo, cũng sẽ nhắc đến ‘dẫn nghiệp’ và ‘mãn nghiệp’.
‘Dẫn nghiệp’ là một loại nghiệp lực vô cùng mạnh mẽ, dẫn dắt chúng sanh nhận lấy quả báo nhất định ngay lúc lâm chung, thọ thân vào trong sáu cõi: Trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Năng lực của loại nghiệp này vô cùng mạnh mẽ, nên gọi gọi là ‘dẫn nghiệp’. Năng lực của ‘mãn nghiệp’ không mạnh mẽ như ‘dẫn nghiệp’, nhưng sẽ ảnh hưởng đến thân quả báo chiêu cảm có viên mãn hay không; thí như sáu căn có đầy đủ hay không, tướng mạo có trang nghiêm hay không, âm thanh có ưu mĩ hay không v.v., loại nghiệp này gọi là ‘mãn nghiệp’.
Luận Câu xá nêu một thí dụ, thí như có một họa sĩ, trước tiên dùng một màu đơn nhất phát thảo một hình trạng, sau khi hoàn thành phần ngoại hình sẽ thêm vào các sắc màu khác. ‘Dẫn nghiệp’ giống như dùng màu sắc đơn nhất, vẽ nên hình của một người hoặc một loài súc sanh; ‘mãn nghiệp’ giống như việc thêm vào các sắc màu khác nhau, tạo thành các sắc thái đẹp, xấu không giống nhau. Ngay cả mọi người cùng là thân người nhưng tướng mạo, âm thanh, thể lực, cho đến tính cách, tài năng của mỗi một người đều không giống nhau; đây là sự khác nhau do ‘mãn nghiệp’ tạo nên.
Cho nên, chúng ta cần lưu ý rằng tuy làm cùng một công việc, nhưng sự phát tâm, hành vi của thân và miệng, chỉ một sai khác rất nhỏ, đều sẽ chiêu cảm quả báo không giống nhau. Hi vọng mọi người đều có thể giữ gìn chánh niệm, chánh tri, thận trọng trong từng lời nói và việc làm.
Những điều trên đây, xin được chia sẻ cùng mọi người, chúng ta cùng nhau cố gắng!
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 16.05.2015