Home > Khai Thị Phật Học > Bo-Thi-Dung-Phap
Bố Thí Đúng Pháp
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Hỏi.

Bạch Sư Ông! như vậy con hiểu rằng bản tâm tức Bồ đề tâm (Đại thừa) là kết quả hay là đích của việc con tu theo hai phương tiện thùy tích từ bi đến quy bản trí tuệ để thành Phật, như vậy mọi thứ tu tập đều tập trung vào việc phát triển tâm từ bi, và điều chính yếu để phát triển cùng tăng trưởng tâm từ bi chính là pháp bố thí mà đức Thế tôn đã từng tu tập khi còn hành Bồ tát đạo. Nếu như vậy những người như con không hiểu nhiều về Lý Luận của nhà Phật thì có thể tu bố thí đúng Pháp để thành tựu đại sự nhân duyên giác ngộ với chư Phật, vậy vấn đề thế nào là con tu bố thí đúng pháp ạ? con xin Sư Ông chỉ dạy!!!!! Adidaphat!

Bạch Sư Ông! từ Bố Thí quá rộng, con ngồi làm việc có rất nhiều tổ chức đến xin đóng góp và họ gọi là từ thiện, và nhiều người đến kêu khó khăn xin giúp đỡ, không phải lúc nào con cũng giúp được vậy mình có sai không?

Đáp.

Tâm đức Phật là tâm thanh tịnh nên không bị tham dục chi phối, nhờ vậy mới xóa sổ tham sân, và lợi lạc muôn loài. Diệt tận tham dục nên được niết bàn an lạc, lợi ích muôn loài khiến nhất thiết chúng sinh đồng được niết bàn. Cần hiểu rõ lợi lạc hữu tình chính là độ sinh, và độ sinh có nghĩa khiến chúng sinh trở về với bản tâm thanh tịnh bằng cách phát tâm nhiêu ích hữu tình, không có tâm thanh tịnh nào hơn được tâm giáo hóa chúng sinh phát tâm thanh tịnh. Bất cứ chúng sinh nào phát tâm thanh tịnh độ sinh đều trở thành Bồ tát bậc Pháp vương tử. Trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật dạy "bố thí ba la mật có ba phẩm. Hạ phẩm còn gọi là danh tự bố thí, đó là xả bỏ mọi thứ của cải của mình cho mọi người. Trung phẩm còn gọi là thân cận bố thí, đó là xả bỏ đầu mắt chân tay cho chúng sinh. Thượng phẩm còn gọi là chân thật bố thí ba la mật, đó là chỉ bày cho chúng sinh phát tâm thanh tịnh bồ đề.". Cho của cải chỉ có giá trị vài ngày, cho thân thể có giá trị được vài năm, cho sự phát tâm có giá trị đến muôn đời, người tiếp nhận sự bố thí này sẽ vừa lợi mình vừa lợi người, sự bố thí thượng phẩm này chính là bố thí pháp, bố thí này cao nhất trong các bố thí.

Sau khi đã hiểu rõ mối quan hệ mật thiết giữa phát tâm thanh tịnh và pháp bố thí, thì đồ chúng đại thừa sẽ phát tâm và sau đó tu tập pháp bố thí. Thành tựu tâm bồ đề là chứng quả bồ đề, muốn thành tựu tâm này cần phải duy trì bằng cách "đương nguyện chúng sinh" tức tư và hành mọi thứ vì muôn loài, cho đến khi nào cử chỉ động niệm đều lợi lạc muôn loài, khi ấy tâm thanh tịnh không cần duy trì mà vẫn chi phối mọi tư duy và hành động lợi sinh, gọi đó là thành tựu thanh tịnh tâm chứng bồ đề quả. Do vậy không cần

phải hiểu rõ mọi lý luận của Phật pháp mới tu được, ngược lại nhờ tu mới nhập nghĩa của mọi lý luận được.

Về vấn đề bố thí thế nào là đúng pháp. Bố thí nhằm mục đích cứu giúp muôn loài, như bố thí cho người bần cùng, phóng sinh cứu mạng các loại điểu ngư. Hành giả hành bố thí thường tư duy và quán sát đâu là đối tượng cần cứu giúp để hành động, như vậy bố thí là tổng hợp của tâm cứu và thân hành cứu, pháp bố thí này gọi là Bồ tát đạo. Khác với tổ chức từ thiện cá nhân phi quốc tế chuyên đi quyên góp của người khác mà không bỏ của mình để làm bố thí theo kiểu mượn đầu heo nấu cháo, từ thiện kiểu này thường phát sinh scandal. Hành giả tu bố thí không xin hay quyên, thay vì xin và quyên hành giả chỉ khuyên bảo mọi người phát tâm cứu giúp tha nhân. Đức Phật bao đời hành bố thí chưa bao giờ biết quyên hay xin, Quan Thế Âm bồ tát cũng chưa từng quyên góp trong việc cứu khổ cứu nạn muôn loài.

Do vậy đồ chúng đại thừa tu tập Bồ tát đạo bố thí cũng không quyên hay xin xỏ, hãy giúp tha nhân trọn vẹn bằng tấm lòng và hành động của chính mình mà không vay mượn của thiên hạ theo kiểu của người phúc ta, đó là chiêu trò của nhiều người làm từ thiện, vì vậy bố thí mà quyên góp và ép người phải đóng góp thì ta và người đều không có phúc đức gì cả, vì người thì cho gượng, mình thì tính toán lợi dụng sự nhẹ dạ và ngại chối từ của tha nhân.

Nếu khởi thắc mắc mình không có vật chất để bố thí lại cũng không quyên xin thì bó tay. Đừng bao giờ nghĩ vớ vẩn như vậy, bố thí không chỉ có tiền tài thực phẩm, mà có đủ mọi thứ làm phương tiện để bố thí, đức Phật dùng đầu mắt tay chân bố thí, nay ta cũng bố thí đôi tay dìu dắt, bồng bế người già bệnh tật, bố thí đôi chân lặn lội đi an ủi người neo đơn, bố thí đầu óc suy nghĩ làm sao cho tha nhân được an vui, bố thí thời gian chăm sóc cho những ai bị bỏ rơi, cái gì thuộc về thân tâm mình đều có thể dùng bố thí được, thậm chí hoan hỷ khi thấy ai đó hành các thiện pháp, chỉ chừng ấy cũng đủ sinh công đức.

Vấn đề cuối cùng là chị có sai không, khi từ chối các tổ chức từ thiện? Chị đừng sợ sai khi mình từ chối những tổ chức bất thiện ấy. Bố thí trong đạo Phật là tự mình phát tâm, tự mình bố thí những thứ của mình, chư Phật và Bồ tát Quan Âm không hề đi quyên góp để cứu khổ cứu nạn, ngài chỉ kêu gọi mọi người phát tâm cứu theo tinh thần bố thí không tính toán lợi dụng, không mượn hoa cúng Phật. Người nào muốn hợp tác thì đó là họ tự nguyện mà không phải "bị xin", nếu chị bị xin mà không giúp thì áy náy nên đành gượng cho, như thế lâu ngày chị sẽ có vấn đề với việc bố thí và hành thiện, khiến chị nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực về bố thí. Hành thiện mà bị ép buộc vì ngại mình không giúp người thì đó là bị đòi nợ và phải trả nợ mà không phải hành thiện. Hơn nữa những kẻ thích quyên ưa xin của thiên hạ để mình đi làm phúc thường hay lợi dụng lòng tốt của

người khác và biết cách ép thiên hạ phải cho, họ xin hết lần này đến lần khác không biết chán, khi nào bị chối từ thì họ sẽ tỏ thái độ thù địch chỉ trích.

Vì vậy tôi hành Bồ tát đạo bằng chính thân mình và tài sản của mình, không xin ai cả, có vậy mới chính xác là hành thiện pháp bố thí, ai tự nguyện đóng góp mà không do bị ép qua sự xin xỏ thì mới có phúc báo.

Tôi nhắc chị cách hành bố thí đúng pháp của tôi như sau: Tôi tự nguyện bố thí và bố thí bằng mọi thứ tôi có, không xin của bất kì ai. Tôi không cho các tổ chức nhân danh từ thiện đi xin, mà thường đi cho các nơi hẻo lánh bị xã hội quên lãng dù họ chưa từng xin tôi. Với tôi những người bị cuộc đời bỏ rơi, họ cô chiếc đến độ không biết xin ai, tôi tìm đến những người này để giúp và an ủi, khiến họ không chỉ vui với món quà nhỏ nhưng rất to lớn đối với họ, mà cũng rất sung sướng khi biết cũng còn có người nghĩ đến họ, điều này làm họ cực kì hạnh phúc và tôi cũng được chia sẻ hạnh phúc đó, tôi cũng tìm đến các chúng sinh không biết cầu cứu, dù chúng luôn sống trong thập diện mai phục, bị hiểm nguy vây khổn ba bề bốn phía để cứu chúng thoát khỏi hiểm nguy bằng pháp phóng sinh, pháp này thuộc về vô úy bố thí. Đó là lý do tôi lặn lội đến các nơi khỉ chê cò trốn bất kể ở non cao heo hút hay biên địa khô cằn. Đó là pháp bố thí của tôi bấy lâu nay.

Tóm lại bố thí đúng pháp là tự mình muốn cho và cho thứ mình có, không xin hay quyên, ai tự nguyện góp phần thì đó là họ phát tâm mà không bị xin nên họ mới có công đức. Đó là bố thí đúng pháp.

VTA 16.7.2023

.