a. Y báo chuyển theo chánh báo.

Tổ Ấn Quang cả đời cực lực đề xướng ba cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, Văn Xương Ðế Quân Âm Chất Văn, và An Sĩ Toàn Thư, dụng ý của ngài là gì, chúng ta phải lắng lòng thể hội.  An Sĩ Toàn Thư có thể nói là trước thuật của nhà Phật vì Châu An Sĩ tiên sinh là một Phật tử kiền thành.  An Sĩ Toàn Thư tổng cộng gồm bốn thiên (phần), thiên thứ nhất là chú giải của Văn Xương Ðế Quân Âm Chất Văn, phần này dài nhất; thứ nhì là Vạn Thiện Tiên Tư, khuyên người đừng sát sanh, khuyên ăn chay; thư ba là Dục Hải Hồi Cuồng, khuyên người đừng tà dâm; thiên cuối cùng khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, đây là nội dung của sách này.  Văn Xương Ðế Quân Âm Chất Văn và Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đều thuộc về Ðạo Giáo.  Ấn Tổ cho phổ biến Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, chú giải rất tường tận, sau này cũng không ngừng thêm vào một số công án, nhân duyên.

Nếu ngay cả làm người cũng không được hoàn hảo thì học Phật làm sao có thể thành Phật, Bồ Tát được?  Không những làm Phật, Bồ Tát không nổi, nói thực ra Thanh Văn, Duyên Giác cũng chẳng nổi.  Tu Ðà Hoàn có khả năng đoạn dứt tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong Tam giới, được xưng là ‘Nhập Lưu’ -- đã nhập vào dòng Thánh.  Nếu chúng ta chưa có khả năng này thì nhất định sẽ là phàm phu sanh tử, sanh tử phàm phu chắc chắn ở trong tam đồ thọ báo.  Chúng ta khởi tâm động niệm, những chuyện đã làm, nghiệp nhân lục đạo bày trước mặt, tự nghĩ coi mình sẽ tương ứng với cõi nào.  Ấn Quang đại sư là Tổ Sư Tịnh Ðộ Tông, ngài dốc toàn tâm, toàn lực để phổ biến ba cuốn sách này, ngày nay chúng ta mới hiểu rõ dụng tâm của ngài, đây là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn.  Trong truyện ký có ghi ngài là Tây Phương Cực Lạc thế giới Ðại Thế Chí Bồ Tát tái lai, cả đời hành trì của ngài đích thật rất giống với Ðại Thế Chí Bồ Tát.  Ðại Thế Chí Bồ Tát tiêu biểu cho trí huệ, Quán Thế Âm Bồ Tát tiêu biểu cho từ bi, những gì ngài dạy chúng ta là trí huệ chân thật.

Ấn Tổ cả đời đề xướng ba cuốn sách này, dụng ý là nhằm cứu vãn kiếp nạn hiện nay.  Kiếp nạn là do tâm người tạo nên, là tâm của ai tạo vậy?  [Nếu] Là tâm của chính mình tạo thành, kiếp nạn này mới có thể cứu.  Nếu kiếp nạn là do người khác tạo tác chẳng thiện gây ra thì kiếp nạn này sẽ chẳng thể cứu, chính mình cũng phải thọ nạn theo.  Chẳng thể đẩy hết lỗi lầm cho người khác, chuyện tốt là do người khác làm, chuyện xấu là do chính mình làm, là do công phu tu hành của mình không đắc lực, tu hành chẳng đúng như pháp cho nên mới tạo thành hiện tượng y báo này.  Y báo chuyển theo chánh báo, thật sự có tâm đại từ bi, đại trí huệ thì phải chuyển biến bắt đầu nơi chính mình; tự mình chuyển biến thì hết thảy thân tâm thế giới đều chuyển biến, đó chính là ‘Tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì thế giới sẽ thanh tịnh’.  Phật pháp được xưng là Nội Học, tức là dụng công từ trong nội tâm của mình.

b. Quý tiếc pháp duyên

Nhà tiên tri Tây phương Nostradamus giống như Khổng tiên sinh kể trong cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, họ cho rằng hết thảy tai nạn đều là vận mạng, là Thượng Ðế an bài, chẳng thể thay đổi.  Ðó là chỉ biết như vậy chứ chẳng biết tại sao lại như vậy.  Trong kinh luận đức Phật nói về đạo lý ‘tại sao như vậy’ rất tường tận, không những từng ly từng tí quả báo theo sát thân mình do chính mình tạo ra, mở rộng đến hư không pháp giới đều do một niệm tự tánh của chính mình biến hiện thành.  Những người này vô cùng thông minh, nhưng chẳng đủ duyên gặp được Phật pháp.  Nếu họ có thể gặp Phật pháp, nội trong một đời sẽ tu hành chứng quả, có khả năng thoát ly tam giới.

Chúng ta có thể gặp được cơ duyên thù thắng, thiệt đúng là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp, đã gặp được thì phải trân quý, phải hiểu nghĩa, chẳng thâm giải nghĩa thú của lời Phật dạy thì sẽ chẳng được ích lợi.  Chỉ có thâm giải nghĩa thú mới có thể thật sự hướng dẫn đời sống, hành vi của chúng ta, mới có thể đạt được công đức lợi ích thù thắng.  Thâm nhập kinh tạng thì mỗi ngày đều phải giảng trên giảng đài, một ngày cũng chẳng thể nới lỏng.  Huân tu trong thời gian dài mới có thể đại khai viên giải, cảnh giới của đại khai viên giải và đại triệt đại ngộ trong Tông Môn hoàn toàn tương đồng, như vậy mới khế nhập vào cảnh giới Như Lai; không những siêu việt lục đạo, trên thực tế cũng siêu việt thập pháp giới.

Chúng ta khẳng định có thể làm được, chỉ cần tiêu trừ chướng ngại của mình, chướng ngại là phiền não tập khí, nhất định phải lánh xa, phải phát đại thệ nguyện: ‘Xả mình vì người, cứu độ hết thảy chúng sanh’, chỉ cần đầy đủ hai điều kiện này thì sẽ có khả năng thành công.  Thành công nhanh hay chậm là do tinh tấn, nếu có thể tinh tấn chẳng giải đãi thì thành công nhanh; nếu tinh tấn chậm thì sẽ thành công trễ.  Chướng ngại lớn nhất đối với chúng ta là Tình Chấp, vô lượng kiếp đến nay tu hành chẳng thể chứng quả chính là vì những chướng ngại này, phải nhận thức rõ ràng, phải buông xuống triệt để.  Sau khi buông xuống mới biết có lợi ích vô biên, trí huệ khai, phiền não đoạn, không những lãnh vực sinh hoạt tinh thần mở rộng, sanh hoạt vật chất cũng mở rộng.  Không gian hoạt động của chư Phật, Bồ Tát và Pháp Thân đại sĩ là cả hư không pháp giới, hết thảy chúng sanh là hóa thân, ứng thân của các ngài, tận hư không trọn khắp pháp giới là một thể hoàn chỉnh của sinh mạng.  Nếu không khế nhập vào cảnh giới thì không thể nào hiểu nổi sự thọ dụng như vậy.

Rất nhiều người muốn khế nhập vào cảnh giới này nhưng chẳng có duyên phần, chẳng có cơ hội.  Hiện nay từ nhiều nơi trên thế giới những người đến đây tham học mỗi tháng đều gia tăng, họ ngưỡng mộ Phật pháp nên mới tới đây.  Nhưng bị hạn chế bởi [quy chế] du lịch, có rất nhiều người từ Trung Quốc tới chỉ có thể lưu lại hai mươi bốn giờ đồng hồ.  Vì muốn cầu pháp nên chẳng ngại đường xá xa xôi [đến đây], tinh thần này rất đáng kính phục.  Người có duyên phần tốt hơn một chút thì dùng lý do thăm người nhà có thể lưu lại một tháng, họ thật sự hiểu được duyên phần quý giá.  Những người mỗi ngày ở chung với nhau, không biết quý tiếc duyên phận sẽ chẳng tinh tấn nỗ lực, đây là mấu chốt của sự tu học thành công hay thất bại.

Lúc trước tôi ở Ðài Trung theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi được kể là người ở phương xa đến nên vô cùng trân quý cơ hội ấy, có thể thân cận một ngày thì tuyệt chẳng để uổng phí.  Tôi chẳng nghĩ mình sẽ có cơ duyên tốt để thân cận ngài suốt mười năm, mười năm cũng như [chỉ có] một ngày.  Tôi thường nghĩ một khi duyên này hết, rời khỏi Ðài Trung thì sẽ chẳng có cơ hội đến để học tập.  Những người cư trú ở Ðài Trung ngược lại chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là vì họ nghĩ thầy Lý còn trụ ở Ðài Trung lâu dài, cơ hội [học tập] quá nhiều, hôm nay chẳng hiểu thì vẫn còn ngày mai, năm nay không biết thì vẫn còn năm sau.  Mãi đến lúc thầy vãng sanh mới hối hận nhưng không còn kịp nữa, đã chẳng nắm chắc cơ hội và thời gian.  Tâm trạng của những người từ xa đến để cầu pháp thì khác hẳn, họ chân thành khẩn thiết, chỉ cần nhắc nhở vài câu, thọ dụng cả đời chẳng hết.  Những đạo lý sự thật này chúng ta đều phải hiểu.  Ấn Tổ thường dạy ‘Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích’.  Trong kinh có nói thất bảo trong đại thiên thế giới cũng chẳng kỳ lạ, gặp được Phật pháp mới là trân kỳ.  Phật pháp có thể giúp chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới, mượn một câu nói theo tôn giáo để bàn thì Phật pháp có thể giúp chúng ta đạt được đời sống vĩnh cửu.  Người có trí huệ, thật sự thông minh nhận biết cơ hội, họ cầu mong còn không được thì làm sao có thể bỏ qua?  Ngạn ngữ thường nói: ‘Người đang hưởng phước mà chẳng biết’, câu này nói những người đã gặp cơ duyên nhưng chẳng biết trân quý.

Bởi vậy nên chúng ta phải thâm nhập thêm vào giáo lý, buông xuống thân tâm thế giới triệt để, hết thảy đều vì chúng sanh, vì Phật pháp tồn tại lâu dài nơi thế gian, mong cầu xã hội an định, thế giới hòa bình.  Muốn tiêu trừ hết thảy tai nạn của chúng sanh thì mọi người cần phải chân chánh giác ngộ, hết lòng nỗ lực.
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
3 Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
4 Phật Lý Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
5 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
9 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
10 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
11 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Hiện Báo Ác Báo Như Bóng Theo Hình
Theo Bản In Của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội

Luân Hồi Nghiệp Báo
Hòa Thượng Thích Đức Thắng

Phước Báo Và Trí Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Bàn về nhân quả báo ứng và sự giáo dục trong gia đình
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang