Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Coi-Ay-Vi-Sao-Ten-La-Cuc-Lac...?

Cõi Ấy Vì Sao Tên Là Cực Lạc...?
| Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc.
(Xá Lợi Phất! Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên gọi là Cực Lạc).      


Giải:

Trong đoạn này, Ðức Phật tự hỏi tự đáp về ý nghĩa của tên gọi Cực Lạc. Trước hết, Phật căn cứ trên chánh báo là chúng sanh để giải thích chữ Cực Lạc.

“Kỳ quốc chúng sanh”: Chúng sanh ở đây là những người đã niệm Phật đã vãng sanh về cõi Cực Lạc. Chữ Chúng Sanh dịch từ chữ Phạn “Tát Ðỏa” (sattva), dịch theo trường phái Tân dịch là Hữu Tình.

Gọi là “chúng sanh” vì do các nghĩa sau đây:

- Do các duyên hòa hợp mà sanh: Chúng sanh cõi Sa Bà ngoài phải nhờ tứ đại hòa hợp để tạo thành sắc thân, trong phải nhờ bốn pháp Thọ, Tưởng, Hành, Thức tạo thành tâm pháp. Chúng sanh chỉ là giả danh, ngũ uẩn là thật pháp.

- Phải trải qua nhiều kiếp sanh tử nên gọi là “chúng sanh”, nghĩa là thường phải luân hồi trong lục đạo. 

Ðó là chúng sanh hiểu theo nghĩa thông thường. Gọi người trong cõi Cực Lạc là “chúng sanh” chỉ là thuận theo giả danh mà gọi. Họ là những người lấy liên hoa thanh tịnh làm thân, tâm tịch tịnh, chiếu triệt mọi sự.

Cõi Cực Lạc rốt ráo không có các nỗi khổ nên bảo là “vô hữu chúng khổ”. Chữ “Chúng” nghĩa là chẳng phải chỉ có một thứ. Khổ nghĩa là bức bách, não loạn.

Khổ có nhiều thứ:

a) Tam khổ

- Khổ khổ: thọ thân có sanh, lão, bệnh, tử (thân là khổ quả). Ðã thế còn đèo bồng thêm những nỗi khổ như: Oán tắng hội ngộ khổ (khổ vì oán ghét mà phải gặp gỡ), ân ái biệt ly, sở cầu chẳng thỏa, và vô vàn các nỗi khổ khác. Ðã khổ lại càng thêm khổ nên gọi là Khổ Khổ.

- Hoại khổ: Sa Bà rốt cục sẽ hoại diệt, không có gì là vĩnh cửu cả, không có sự vui chân thật, dù có chút vui đi nữa, nhưng chẳng phải là rốt ráo. Dù những thứ lạc định cao quý như Ly Sanh Hỷ Lạc, Ðịnh Sanh Hỷ Lạc, Ly Hỷ Diệu Lạc cũng chỉ là lạc định hữu lậu. Khi đã hưởng hết phước lạc ấy, chư thiên các trời Tứ Thiền cũng vẫn phải bị đọa lạc. Vì thế gọi là Hoại Khổ.

- Hành khổ: Hành là dời đổi không ngừng, sanh diệt trong mỗi sát na. Các pháp biến đổi vô thường, sanh ra khổ não nên gọi là Hành Khổ. Chẳng hạn như chư thiên thuộc Tứ Không thiên ở Vô Sắc giới, tuy đã chứng đắc tứ không định, thọ tám vạn bốn ngàn đại kiếp, không có thân sắc chất, hưởng niềm vui trong Không định, nhưng khi mất định lực lại bị đọa xuống. Ngay cả trong khi đang hưởng thọ lạc thú Không Ðịnh, họ vẫn phải chịu nỗi khổ do các ấm: Thọ, Tưởng, Hành biến đổi không ngừng.

Xét ra, Dục giới đủ tam khổ, Sắc giới thiếu Khổ Khổ, Vô Sắc giới chỉ chịu mỗi Hành Khổ.

b) Bát khổ:

Gồm bốn nỗi khổ nơi thân (sanh, lão, bệnh, tử) và bốn nỗi khổ nơi tâm (khổ vì cầu chẳng được, khổ vì yêu thương phải bị chia lìa, khổ vì oán ghét mà cứ phải gặp gỡ, khổ vì năm ấm lừng lẫy). Khổ vì năm ấm lừng lẫy nghĩa là những phiền não trong thân tâm nung đốt. Bảy nỗi khổ đầu là Biệt, khổ thứ tám là Tổng (bảy nỗi khổ đầu chẳng ngoài phạm vi của Ngũ Uẩn).

Ngoài ra còn có thiên tai, địch họa, nóng, lạnh, mưa dầm, sét đánh, bị rủa xả, nhục mạ, châm chọc, khích bác, bỡn cợt, khinh khi, áp bức... Chẳng thể nào kể cho đủ hết những nỗi khổ trên thế gian này được.

Hễ là người sanh trong cõi Sa Bà này đều phải chịu đựng ba khổ, tám khổ như vậy, trên từ quốc vương dưới đến kẻ tiện dân, không một ai tránh khỏi những nỗi khổ đó. Riêng chúng sanh cõi Cực Lạc vĩnh viễn không phải chịu đựng những nỗi khổ sở đó.

“Ðản thọ chư lạc”: Chỉ toàn hưởng những điều vui sướng nên bảo là “đản thọ” (chỉ hưởng). Chẳng phải chỉ có một sự vui nên bảo là “chư lạc”. Cõi Sa Bà này lắm khổ, ít vui, mà muốn có những niềm vui ấy phải lao tâm khổ trí mới tạm đạt được, nhưng chẳng dễ gì duy trì lâu dài. Rốt cục vẫn có ngày bị mất đi. Bởi thế tục ngữ thường bảo: “Cực lạc sanh bi” (vui quá hóa buồn). Trong cõi Cực Lạc, hết thảy thứ thọ dụng và thân tướng mỗi mỗi đều thù thắng trang nghiêm, chẳng hề có chút sự khổ ải nào, luôn có vô lượng điều vui. Vì thế kinh chép: “Ðản thọ chư lạc”.

Tạm kể những niềm vui trong cõi Cực Lạc như sau:

a) Tam Lạc:

- Thanh tịnh vô lụy lạc: không có thân thô trược, không có ái dục nhiễm trước; tức là không có Khổ Khổ.

- Y chánh thường nhiên lạc: thọ mạng vô lượng, cõi nước chẳng biến hoại. Ðấy chính là không có Hoại Khổ.

- Chánh trí bất động lạc: an trụ vào chân lý bất sanh bất diệt. Ðấy chính là không có Hành Khổ.

b) Bát Lạc:  

- Liên hoa hóa sanh thân lạc: hóa sanh trong thai sen, không phải chịu cảnh đau khổ nằm trong thai ngục chín tháng mười ngày, tức là không có Sanh Khổ. 

- Tướng hảo trang nghiêm lạc: thân kết tụ bằng công đức trang nghiêm, vĩnh viễn không bị biến đổi, hư hoại; tức là không có Lão Khổ.

- Tự tại thanh thái lạc: thân thanh tịnh, vĩnh viễn thoát khỏi đau bệnh khốn khổ. Tức là không có Bệnh Khổ vì tứ đại chẳng điều hòa.

- Thọ mạng vô lượng lạc: tuổi thọ bằng Phật, bất sanh, bất diệt. Tức là không có Tử Khổ, tứ đại phân ly.

- Hân dục như ý lạc: y phục, thức ăn vật dụng hễ nghĩ đến liền có, chẳng phải nhọc công tạo tác, may sắm. Tức là không có Cầu Bất Ðắc Khổ.

- Hải chúng thường tụ lạc: các vị thiện nhân thanh tịnh tụ tập nhiều như biển cả, mãi mãi làm bạn bè thân thiết của nhau. Tức là không có Ân Ái Biệt Ly Khổ.

- Thượng thiện câu hội lạc: các bậc thượng thiện nhân yêu kính lẫn nhau, tức là không có Oán Tắng Hội Ngộ Khổ.

- Thân tâm tịch tịnh lạc: thân thanh tịnh, tâm hằng tịch chiếu, tức là không có Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ.

Nói chung: Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, mọi nỗi khổ vui của kiếp người chẳng qua đều do mỗi người tự tạo. Chúng sanh cõi Sa Bà niệm niệm điên đảo nên chiêu cảm y báo, chánh báo đều uế trược. Thế nên mới có Ngũ Trược, Tam Khổ, Bát Khổ, cho đến vô lượng các thứ nghiệp cảm khổ sở. Tâm chúng sanh trong cõi Cực Lạc luôn là chánh niệm, nên chiêu cảm y báo, chánh báo thanh tịnh. Thế nên chỉ có tam lạc, bát lạc cho đến vô lượng các thứ pháp tánh lạc.

Nói như vậy, ắt sẽ có kẻ nạn rằng cõi Cực Lạc có thuộc trong tam giới chăng? Ngài Khuy Cơ bảo: “Do vô dục nên chẳng phải là Dục Giới. Do ở trên đất nên chẳng phải là Sắc Giới. Do có hình tướng nên chẳng phải là Vô Sắc Giới. Trong không uế chủng, ngoài cảm cảnh tịnh, vượt khỏi tứ lưu, vĩnh viễn thoát ngoài tam giới, nên chẳng bị trói buộc trong các giới”.

“Cố danh Cực Lạc”: Ðây là câu tiếp ý để kết lại. Ý nói: do vì cõi kia chỉ hưởng các sự vui, không hề có những nỗi khổ, cho nên cõi ấy mới có tên gọi là Cực Lạc.

Nếu dùng tam giới để so sánh thì: ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) chỉ thuần khổ không vui; loài người, a tu la khổ nhiều vui ít; chư thiên tuy vui nhiều, khổ ít, nhưng khó giữ nổi sự vui ấy trường cửu bất hoại. Chỉ mỗi cõi Tây Phương thuần vui không khổ, vĩnh viễn chẳng biến cải, nên đấy là cõi vui rốt ráo. Do đó, chỉ cõi ấy mới xứng gọi là Cực Lạc. Thêm nữa, do so sánh với Khổ nên mới có Lạc. Nếu không có khổ thì dĩ nhiên chỉ thuần các điều vui.

Nhưng nếu ước về Lý mà nói thì nếu đã không có các khổ tức là đã không nhiễm, không nhiễm thì còn gì để so sánh nữa mà nói là tịnh? Tức là tịnh uế tương đồng, khổ lạc bình đẳng. Do toàn là sự vui chân thật như thế nên gọi là Cực Lạc.

Hỏi: Bồ Tát phát tâm lợi người, chẳng chấp lấy niềm vui Niết Bàn, chẳng buông bỏ chúng sanh khổ sở, không có tướng lấy vui, bỏ khổ thì mới xứng hợp với đạo Ðại Thừa. Nay người niệm Phật một bề chán khổ ưa vui, bỏ khổ cầu lạc, đấy chẳng phải là đạo phàm phu, Tiểu Thừa hay sao? Nếu vậy sao xứng gọi là pháp môn viên đốn?

Xin đáp: Chưa đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn ắt sẽ chưa thể rộng làm Phật sự cứu độ chúng sanh. Ví như chiếc xe yếu nhỏ chẳng kham chở nặng, chim cánh yếu ớt khó lòng bay cao. Nếu cứ gắng gượng làm, chẳng những vô hiệu quả, chỉ e mình lẫn người đều bị mắc họa! Vì thế, trước cần phải cầu sanh Tịnh Ðộ, gặp Phật, nghe pháp, chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, đạt đại trí huệ, đại biện tài, đầy đủ các oai lực thần thông, mới hòng trở vào thế giới này cứu tế chúng sanh.

Cứ đó mà suy: Bỏ khổ chính là vì muốn cứu khổ cho chúng sanh, đấy chính là tâm đại bi của Bồ Tát. Cầu vui là vì muốn ban vui cho chúng sanh. Ðấy chính là tâm đại từ của Bồ Tát. Như vậy còn dám bảo là hạng Nhị Thừa chỉ biết riêng cầu điều tốt lành cho chính mình nữa chăng? 

Nếu hiểu theo Lý, “bỉ độ” là tự tánh, “danh vi Cực Lạc” là chỉ Niết Bàn. “Kỳ quốc chúng sanh” là chỉ người đã chứng đắc tự tánh. “Vô hữu chúng khổ” nghĩa là đã đoạn trừ hết thảy phiền não, “đản thọ chư lạc” là đạt được giải thoát dài lâu. “Cố danh Cực Lạc” nghĩa là: Do đã chứng đắc tự tánh, đã đoạn sạch kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc phiền não, đã đạt được sự giải thoát dài lâu, nên gọi đó là Niết Bàn.
 
Trích từ: A Di Đà Kinh Hợp Giải
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh A Di Đà Lược Giải, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 A Di Đà Kinh Yếu Giải, Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận Đọc Tiếp
3 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hợp Giải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 A Di Đà Phật Thánh Điển, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 1, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 9, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 2, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 3, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 4, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 5, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 6, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
13 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 7, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Quyển 8, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn Tập 1, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Y Chánh Cõi Cực Lạc
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Cõi Ấy Vì Sao Gọi Là Cực Lạc...?
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Cực Lạc Thế Giới
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Phạm Vi Cõi Cực Lạc
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Cực Lạc Và Ta Bà
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ