Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-13

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 13
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mời mở kinh ra!

Năng linh chúng sanh, trì ngã danh hiệu, dữ bỉ cộng trì, lục thập nhị ức hằng hà sa, chư pháp vương tử, nhị nhân phước đức chánh đẳng vô dị”. Đoạn kinh văn này nói về xưng danh vô úy.

Từ đoạn này chúng ta thấy được công đức của danh hiệu Bồ Tát không thể nghĩ bàn. 62 ức hằng hà sa Bồ Tát, số lượng này thực sự không thể nào tính đếm được. Bồ Tát là tự lợi lợi tha, tượng trưng cho các loại pháp môn, mỗi mỗi sai biệt, ý nghĩa chính là tại đây vậy.

Trong Kinh Phật Danh chúng ta thấy đức Thế Tôn nói cho chúng ta biết hơn 10.000 đức Phật, danh hiệu của Phật, Bồ Tát, thực sự mà nói lại càng nhiều hơn. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta hiểu rõ Bồ Tát tượng trưng cho pháp môn tu hành ở nhân địa. Phật tượng trưng cho công đức viên mãn trên một địa cầu, một vị Phật, một vị Bồ Tát chỉ tượng trưng cho một loại pháp môn.

Trong tất cả chư Phật Bồ Tát có hai vị rất đặc biệt. Giống như Phật A Di Đà, trong Kinh Nhật Tụng chúng ta đều đọc “pháp giới tàng thân A Di Đà Phật”, quí vị thấy những vị Phật khác không có thêm dòng chữ như. Thêm vào dòng chữ như vậy tức niệm một đức A Di Đà Phật là đã niệm đến tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, tất cả đều đã niệm đến. Tức là quí vị niệm danh hiệu một Đức Phật thì tương đương với niệm danh hiệu của tất cả chư Phật.

Trong hàng Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát rất đặc biệt, chỉ cần niệm một câu Quán Thế Âm Bồ Tát tức là niệm 62 ức hằng hà sa số Bồ Tát, điều này quả thật không thể nghĩ bàn. Đây chính là nói Quan Âm Bồ Tát, A Di Đà Phật danh hiệu này tượng trưng cho pháp môn này, đây là pháp môn tổng trì, gọi là “tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa”, đây là công đức không thể nghĩ bàn, điểm này chúng ta phải hiểu được.

Huống gì Bồ Tát rất có nhân duyên với chúng sanh trong thế giới Ta bà, nhân duyên này từ đâu mà có? Đều giống nhau là nhĩ căn nhạy bén nhất. Bồ Tát tượng trưng nhĩ căn viên thông, chúng sanh thế giới Ta bà cũng là nhĩ căn sắc bén nhất. Cho nên Quan Âm Bồ Tát chứng viên thông chính là một môn nhĩ căn, từ trong tánh nghe được nhất tâm bất loạn. Trong nhà thiền gọi là minh tâm kiến tánh, sau khi kiến tánh liền có năng lực dùng một thân ứng vô lượng thân, dùng một tâm ứng vô lượng tâm của chúng sanh.

Tuần trước có đồng học nêu ra vấn đề này, chúng tôi cũng đã giải thích qua cho quí vị. Bồ Tát dùng một thân để ứng vô lượng thân, dùng một tâm ứng vô lượng tâm. Vậy rốt cuộc Ngài có một thần thức hay là có nhiều thần thức? Có một vị đồng tu đã nêu ra vấn đề này. Thật tình mà nói, vấn đề này là phàm phu chúng ta dùng kiến lượng của mình để đo lường cảnh giới của Phật Bồ Tát. Tôi dùng một câu trong kinh điển “vô hữu thị xứ”, không có cách nào, không làm được. Cảnh giới của chư Phật Bồ Tát, tư duy và tưởng tượng của chúng ta không thể đến được, cảnh giới này cũng không thể dùng mấy câu để giải thích một cách rõ ràng được. Người căn tánh lanh lợi một câu có thể nói rõ, người căn độn thì càng nói càng mê hoặc, đương nhiên nói nghe đều cần có phương tiện thiện xảo, điểm này cũng vô cùng quan trọng.

“Tùy tâm chúng sanh, ứng ra như thế, tuân nghiệp phát hiện” đoạn này nói về chư Phật Bồ tát ứng hóa tại thế gian. Nghiệp ở đây không phải là nghiệp của chư Phật Bồ Tát, chư Phật Bồ Tát không còn tạo nghiệp nữa, vì thế mới có thể tuân theo nghiệp cảm của chúng sanh. Chúng sanh có nghiệp cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng. Vô lượng vô biên chúng sanh có nghiệp cảm, Phật Bồ Tát liền hiện vô lượng vô biên thân, mỗi mỗi tại đó đều được cảm ứng.

Hiện tại đạo lý mà chúng ta nghĩ chưa thông, có một cửa ải chưa đột phá được. Đó chính là mê nơi thần thức này, rốt cuộc là một hay là nhiều? Nghi một hay nhiều đều là mê! Chưa thể phá được cánh cửa này, tức là chưa thể phá mê này. Một và nhiều là nhị biên, lúc chúng ta thoát ra khỏi nhị biên thì ta có thể thấy được đạo. Sau khi thấy đạo thì sự việc này mới bỗng chốc rõ ràng, không còn có nghi hoặc nữa. Vấn đề này hiện tại đang quấy nhiễu chúng ta, chúng ta tạm thời có thể đặt nó sang một bên. Vì sao vậy? Thần thức Bồ Tát một cũng được mà nhiều cũng được, tạm thời không quan tâm đến nó.

Trước tiên chúng ta cầu nhất tâm mới quan trọng, nếu như vấn đề này không buông xuống được thì đích thực sẽ chướng ngại ta chứng nhất tâm bất loạn, vậy thì thiệt thòi lớn rồi. Người học Phật, căn lợi một nghe ngàn ngộ, rất tốt không vấn đề gì. Người căn độn, thì có cách của người căn độn, tôi không hiểu, không hiểu cũng không sao, không hiểu thì đừng quan tâm đến nó, cũng không hoài nghi, chỉ cầu nhất tâm bất loạn. Bản thân đạt đến nhất tâm bất loạn thì những vấn đề này đều được giải quyết hết.

Đây là biện pháp tốt, cho nên trong Phật Pháp bất luận là Tông môn hay Giáo môn, điều lấy việc cầu căn bản trí làm việc lớn hàng đầu. Phàm là việc chướng ngại căn bản trí tất cả đều không để ý đến nó, không để cho nó chướng ngại chúng ta, vậy là đúng. Một tức nhiều, nhiều tức một, hàm dung chu biến, tự tại vô ngại. Cảnh giới này là cảnh giới của chư Phật và đại Bồ Tát. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất tường tận, trong Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Viên Giác và Đại thừa Khởi Tín Luận đối với những vấn đề này đều có những thuyết minh rất sâu sắc thấu triệt, hi vọng quí vị lưu ý nhiều hơn.

Bồ Tát trú tại cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn, nên ở đây nói 62 ức hằng sa Bồ Tát chứng đắc pháp môn này. Giống như trong Kinh Hoa Nghiêm dùng 53 vị Bồ Tát để làm tượng trưng, lược thuyết cho năm mươi mấy pháp môn.

Những vị Bồ Tát này chứng được pháp môn không tách rời pháp giới tuệ hải mà Quán Thế Âm Bồ Tát đã chứng, tuệ này là tuệ trong trí tuệ. Công đức danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát và 62 ức hà sa Bồ Tát, Bồ Tát ở đây không phải là Bồ Tát thông thường, trong kinh gọi là pháp vương tử. Pháp vương tử thông thường đều xưng cho Đẳng giác Bồ Tát, xưng là pháp vương tử. Đẳng giác trở xuống thì xưng đại Bồ Tát ma ha tát, Đẳng giác Bồ Tát mới có tư cách xưng pháp vương tử. Từ đó có thể biết, 62 ức hằng hà sa chư vị Bồ Tát này đều chứng Đẳng giác Bồ Tát vị. Danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát tương đồng với họ.

Nếu như chúng ta niệm 62 ức hàng sa Bồ Tát thì mệt chết mất, e rằng một vị Bồ Tát chỉ niệm một lần cả đời cũng niệm không hết. Nếu niệm từ sáng đến tối 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn suốt 100 năm cũng niệm không xong 62 ức hằng sa số bồ tát. Nhưng chỉ cần chúng ta niệm một câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát là thọ trì 62 ức hằng hà sa Bồ Tát, công đức này đã tương đồng rồi. Đây thực sự là không thể nghĩ bàn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhất định không nói lời dối trá. Điều này Quán Thế Âm Bồ Tát nói, đối diện với Phật Thích Ca Mâu Ni mà nói, vậy thì làm sao mà giả được? Nếu như Quán Thế Âm Bồ Tát nói quá, vậy thì Phật lập tức quở trách, quở trách Ngài nói quá đáng. Phật không những không quở trách mà còn tán thán, có thể thấy lời này là lời chân thật không giả dối. Chúng ta nhất định phải tin tưởng.

Tại Trung Quốc từ xưa đến nay người chuyên môn thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát rất nhiều, dựa theo pháp môn này mỗi thời đại đều có rất nhiều người. Tu pháp môn Quan Âm thì nhất định phải biết Quan Âm tam kinh. Trong ba kinh này hiện nay chúng ta xem chương này, đây là Quan Âm Bồ Tát Kinh. Nhĩ Căn Viên Thông Chương trong Kinh Lăng Nghiêm nếu như không rõ ràng thì nhớ là quyển thứ sáu, quyển thứ sáu trong Kinh Lăng Nghiêm. Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa là Quán Thế Âm Bồ Tát Kinh. Kinh Hoa Nghiêm có chương Quán Tự Tại là Quán Thế Âm Bồ Tát Kinh. Quí vị thấy Quán Thế Âm Bồ Tát Kinh đều nằm trong đại kinh, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm. Đây là điều mà người tu pháp môn Quan Âm không thể không biết, không thể không xem.

Pháp môn này giống như pháp môn Di Đà, cũng là ‘tam căn phổ bị, lợi độn toàn thu’. Hạng người thượng thượng căn thọ trì nhĩ căn viên thông rất dễ dàng khai ngộ, được nhiều lợi ích. Những người độn căn nghiệp chướng sâu nặng y theo pháp môn này mà tu học cũng có rất nhiều cảm ứng không thể nghĩ bàn. Có thể thấy được pháp môn này thật là từ bi rộng lớn!

“Phước đức chánh đẳng”, nếu y theo kinh này đã nói thì Bồ Tát đang ám thị cho chúng ta trong 25 loại pháp môn tu hành thì Nhĩ căn viên thông thù thắng nhất. Vì sao vậy? Đoạn trước hai mươi bốn viên thông chúng ta đều không nhìn thấy một xưng danh có thể tương đương với phước đức của 62 ức hằng hà sa pháp vương tử, không nhìn thấy. Duy chỉ có trong đoạn này chúng ta nhìn thấy, đây chính là hiển thị sự thù thắng của nhĩ môn, tức là trong tất cả viên thông chương thì nhĩ căn viên thông thù thắng nhất. Nhưng lời Ngài không có nói rõ, chỉ ngầm bao hàm có ý nghĩa này. Chư vị xem kỹ sẽ phát hiện được, nói rõ thì sau này mới có.

Sau này lúc lựa chọn viên thông Bồ Tát Văn Thù đã nói ra. “thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm thanh”. Bồ Tát Văn Thù nói cho chúng ta, Bồ Tát Quán Thế Âm không cần thiết tự giới thiệu, không cần đích thân khoe khoang, mà do Bồ Tát Văn Thù nói. Ngài nói đến đây, trên thực tế đã ngầm bao hàm ý nghĩa này rồi.

Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn dưới: “Thế tôn, ngã nhất danh hiệu”. “Ngã’ là Quán Thế Âm Bồ Tát tự xưng. “Dữ bỉ chúng đa danh hiệu vô dị”. ‘Chúng đa’ tức danh hiệu của 62 ức hằng hà sa pháp vương tử, không có sai khác. Một danh hiệu tương đương với danh hiệu của 62 ức hằng hà sa pháp vương tử. Nguyên nhân là gì vậy? “Do ta tu tập chứng được chân viên thông”, đạo lý chính là đây.

Chúng ta phải hiểu được danh hiệu chỉ là âm thanh, âm thanh chính là Như Lai tạng tánh. Ở đây phải đặc biệt chú ý đến chưa thông đạt về Như Lai tạng tánh, hàng phàm phu nhị thừa cho đến quyền giáo Bồ Tát đều chưa thông đạt tạng tánh. Vì nguyên nhân gì mà họ không thể thông đạt? Trong tất cả kinh điển Đại thừa, Phật đã nói chúng ta chỉ vì tình kế mà thôi. Tình là tình thức, kế là đo đếm phân biệt, đức Thế Tôn một câu đã nói rõ cho chúng ta.

Nói cách khác, sở dĩ chúng ta không thể chứng được nhất tâm, đoạn phiền não, khai trí tuệ, minh tâm kiến tánh, chướng ngại chính do nơi đây vậy, vì vậy tu hành là tu những gì? Là phá tất cả tình chấp mà thôi. Tình chính là tâm vọng tưởng, là vọng tưởng. Chấp là chấp trước, không có gì khác, thiên kinh vạn luận chỉ vì điều này.

Tình kế không đoạn thì sanh tử luân hồi này vĩnh viễn không thể nào dứt được. Đời đời kiếp kiếp thực sự rất phiền phức, vĩnh viễn không thể nào thoát khỏi. Trong quá trình không thể nào thoát khỏi đó, chư vị phải biết càng luân hồi càng khổ, đây là đạo lý chắc chắn. Nếu cho rằng tôi đời sau nhất định phải tốt đẹp hơn đời này, chính mình vọng tưởng.

Pháp thế gian chúng ta có một câu nói, đời sau không bằng đời trước. Lời này rất có lý, chúng ta thử lật sách lịch sử ra mà xem, từ khi có lịch sử phát triển mãi cho đến ngày nay quả báo, nghiệp chướng của nhân loại đích thực là đời trước tốt hơn đời sau.

Chớ cho rằng hình như chúng ta ngày nay khoa học phát triển rồi, tất cả những thọ dụng của chúng ta đều tiến bộ hơn cổ nhân, được hưởng thụ nhiều hơn cổ nhân. Không sai, đúng vậy, đây là sự thật, nhưng là hưởng thụ trên mặt vật chất. Nếu như quí vị xem xem hưởng thụ trên mặt tinh thần, vậy thì không bằng cổ nhân rồi. Từ phương diện hưởng thụ tinh thần mà nói đích thực là đời sau không bằng đời trước, từ phương diện hưởng thụ vật chất thì ngày càng tốt hơn. Bình luận về giá trị của hai điều này thì cuộc sống tinh thần quan trọng hơn cuộc sống vật chất rất nhiều, trong cuộc sống tinh thần có niềm vui chân thật.

Thời đại của Khổng Tử, Nhan Hồi cơm trong ống nước trong bầu ông vẫn không đổi niềm vui, niềm vui của ông ấy là gì? Mỗi ngày ngay cả cơn ăn cũng không no, ông ấy vẫn an vui. Đó chính là gì? Ông có cuộc sống tinh thần phong phú. Tuy rất nghèo khó, nhưng ông tự tại, an vui. Một người có cuộc sống rất an vui, đó chính là nhân sinh. Trên vấn đề vật chất mọi thứ đều không thiếu, cuộc sống rất đau khổ, cuộc đời này chẳng có giá trị gì nữa.

Quí vị xem nước Mỹ có một ông chủ lớn, tài sản cá nhân của ông ta hơn 2 tỷ mỹ kim, trên thế giới ít có những người giàu như vậy. Trong cuộc sống vật chất ông ấy có lẽ muốn gì có nấy, song  cuộc sống tinh thần đau khổ vô cùng. Có người hỏi ông ấy, cuộc sống của ông có an vui hay chăng? Không an vui, rất đau khổ. Bởi vì giàu có quá lúc ra khỏi nhà phải thuê rất nhiều vệ sĩ, khi giao dịch mua bán nói chuyện với người ta không dám mặt đối mặt, dùng truyền hình, bản thân có đến mấy cái phòng. Vì sao vậy? Sợ người ta hại mình. Chẳng khác gì bản thân tự nhốt mình vào trong lao ngục, tất cả đều không tự tại. Cho nên giàu mà không vui, giàu mà không vui thì chẳng bằng nghèo mà vui. Chư vị nên hiểu được điểm này, giá trị của cuộc sống là thật sự an vui, không phải giàu có. Đối với một người giàu có không phải điều quan trọng, an vui mới thực sự quan trọng, đặc biệt là niềm vui của luân thường.

Kiểu an vui này ở nước ngoài không có, chỉ có trong nền văn hóa xưa, có niềm vui luân thường, có niềm vui thiên luân. Ở nước ngoài không có, trẻ con nước ngoài sau khi lớn lên rất lạnh nhạt với cha mẹ, cha mẹ đến nhà ăn bữa cơm cũng phải tính tiền cơm như thường, quí vị nghĩ xem đáng thương biết bao. Đứa con đó nếu như mời họ ăn bữa cơm mà không thu tiền thì họ vui sướng vô cùng. Người nước ngoài đến Trung Quốc, người lớn tuổi, người trẻ tuổi không hiểu được, người trẻ thì sao? Còn chưa già, nỗi khổ này chưa đến, họ còn chưa nghĩ đến, đến khi họ già rồi, nhìn thấy người già chúng ta con cháu đầy nhà cùng ở chung với nhau, trẻ con đều rất hiếu thuận, lúc chúng nghe lời, họ đều ngưỡng mộ vô cùng, đây là nét văn hóa không tương đồng. Đây thuộc về niềm vui của phàm phu, niềm vui phàm phu không phải trường cửu.

Phật đã khai thị cho chúng ta sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh, ai có thể tránh được chứ? Không ai thoát khỏi cả. Điều hay của Phật Pháp là hay nơi ứng cơ thuyết pháp. Trong quá trình dạy học phân ra rất nhiều giai tầng, chúng ta nói ngũ thừa Phật Pháp là từ đại tầng mà nói.

Chúng ta thích tầng nào Phật sẽ giúp cho ta đạt đến mong muốn đó, làm hài lòng nhu cầu của ta, có thể làm được. Chúng ta cảm thấy cuộc đời rất an vui, cuộc đời rất tốt, Phật giảng về nhân thừa Phật Pháp. Nếu mong muốn đến cõi trời để hưởng phước trời, Phật sẽ giảng về thiên thừa Phật Pháp. Nhưng sẽ nói trước cho chúng ta nhân thiên không phải rốt ráo, niềm vui nhân thiên ngắn ngủi, không phải vĩnh hằng. Cho nên nó không phải niềm vui chân thật, niềm vui chân thật là phải giác ngộ, nhất định phải vượt thoát tam giới, ra khỏi luân hồi. Quí vị thành Phật, thành Bồ Tát, rồi sau đó thừa nguyện tái sanh, ứng hóa tại thế gian, đây là được niềm vui chân thật. Vì sao vậy? Không còn sanh tử nữa, đây là sự thật.

Nói đến ứng hóa, phải chăng lúc ứng hóa đến chính là một người xuất gia, một vị tổ sư? Không nhất định. Trong 53 lần tham bái trong Kinh Hoa Nghiêm, quí vị thấy 53 vị thiện tri thức đều là Phật Bồ Tát ứng hóa. Từ đó có thể biết chư Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian không có một ngành nghề nào Phật Bồ Tát không ứng hóa vào trong đó, nam nữ già trẻ thân phận như thế nào đều có. Đúng là đáng có đều có, trong đó mới có niềm vui chân thật. Điều này nhất định phải thông đạt Như Lai tạng tánh, chúng ta gọi là minh tâm kiến tánh, Quán Thế Âm Bồ Tát gọi là phải chứng chân thật viên thông. Quí vị cũng giống như Quán Thế Âm Bồ Tát vậy, phải được chân viên thông, mới có thể có niềm vui chân thật. Thực sự lìa khổ được vui đây là pháp thù thắng nhất, rốt ráo nhất trong Phật Pháp. Chứng đắc Như Lai tạng tánh rồi.

Chư vị thường đến đây nghe kinh, luôn ghi nhớ, trong Kinh Viên Giác Phật đã nói viên giác, Kinh Lăng Nghiêm là Như Lai tạng tánh, Kinh Di Đà là nhất tâm bất loạn, Kinh Hoa Nghiêm là nhất chân pháp giới, Kinh Pháp Hoa là nhất thừa pháp. Đều có một ý nghĩa, cảnh giới, sự việc, danh xưng khác nhau, nhưng sự việc thì giống nhau.

Cho nên sau khi thông đạt tạng tánh một cũng là pháp giới, nhiều cũng là pháp giới, một không phải ít, nhiều không phải nhiều. Chỉ cần có thể giống như Quán Thế Âm Bồ Tát chứng được văn tánh viên thông, không phải do vì thanh trần mà khởi tri kiến, đây là văn tánh viên minh. Nếu như do âm thanh bên ngoài, tức là thanh trần động tĩnh mà thành, đây là tri kiến khởi do âm trần. Trong kinh này Phật nói “tri kiến lập tri”, là gốc vô minh. Chúng ta phải hiểu rõ những cảnh giới này, hiểu được thì trong quá trình tu hành giác quan của chính mình, ta mới hiểu được thế nào gọi là giác, thế nào gọi là bất giác. Nếu như có thể giác được bất giác thì bất giác đó chính là giác, ngộ mê thì mê không phải mê nữa, mê đó chính là ngộ.

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta dụng công phu phải đặc biệt chú trọng điểm này, bản thân mới có thể nhập được pháp môn. Bồ Tát tại đây nói “do ta tu tập đắc chân viên thông”. Chúng ta không nên quên đương cơ trong hội Lăng Nghiêm là A Nan, đương nhiên A Nan tại đây là một tượng trưng, cũng tức là những người giống như Ngài A Nan vậy là đương cơ trong Hội Lăng Nghiêm. Những người như A Nan là những người nào vậy? A Nan trong mười đại đệ tử là đa văn đệ nhất, có thể thấy Kinh Lăng Nghiêm nói cho đa văn đệ nhất. Trong nhà Phật thường nói “thừa cấp giới hoãn”, A Nan tượng trưng cho hàng người này, Quán Thế Âm Bồ Tát  tại đây âm thầm điểm hóa cho hàng người này.

Vừa rồi cũng đã nhắc qua với quí vị, Bồ Tát và thế giới ta bà chúng ta đặc biệt có nhân duyên, chúng sanh ở thế giới chúng ta đại đa số đều là nhĩ căn tương đối nhạy bén. Quán Thế Âm Bồ Tát ở đây nói chân viên thông, lẽ nào 24 vị trước đã chứng viên thông là giả ư? Đương nhiên không giả, đều là thật. Bồ Tát tại đây nhấn mạnh một chân viên thông, trong 25 loại pháp môn viên thông, loại viên thông này dễ dàng thành tựu nhất, ý nghĩa chính là tại đây. Chứ không phải nói 24 vị trước chứng được được không phải là thật, ý nghĩa này chúng ta phải hiểu cho rõ ràng.

Ngày xưa cư sĩ Bùi Hưu, người này trong giới Phật Giáo cũng là một vị đại cư sĩ rất có danh vọng, trong thế gian ông có địa vị cũng tương đối cao, là một tín đồ Phật Giáo kiền thành. Một hôm ông ấy đi thăm thầy, thấy một mình thầy ngồi thiền trong thảo am rất thanh tịnh. Ông liền hỏi, hòa thượng có thị giả hay chăng, có người làm thị giả cho thầy chăng? Hòa thượng nói có một hai người, nhưng không tiện gặp khách. Bùi Hưu nói, ở đâu vậy? Vì sao không tiện gặp khách? Vị hòa thượng này liền gọi đại không, nhị không, các người ra đây đi! đại không, nhị không đi ra, đi ra là ai? Hai con hổ.

Hòa thượng tu hành trên núi, am tranh tu hành, làm bạn với ngài, hầu hạ ngài là hai con hổ. Hai con hổ từ đằng sau đi ra, Bùi Hưu, ông ấy làm tể tướng, Bùi tướng công giật thót mình. Thầy giáo nhìn thấy Bùi tướng công thần sắc không thể ổn định lại được, thấy ông ta có vẻ sợ hãi, liền nói với hai con hổ được rồi, được rồi, đã gặp mặt rồi, các ngươi ra đằng sau đi, con hổ liền đi ra ngoài. Bùi Hưu đối với hòa thượng khâm phục đến năm vóc sát đất.

Bùi Hưu liền thỉnh giáo hòa thượng, ông ta hỏi hòa thượng à, ngài tu pháp môn gì mà có cảm ứng được như vậy? Hòa thượng không nói câu nào. Đợi lúc lâu, hỏi lại ông ấy ông chăng? Ông ấy nói không biết. Quí vị nghĩ xem mình biết chăng? Nhất tâm bất loạn! Không cần nói đến chứng được lý nhất tâm, chứng được sự nhất tâm, được rồi. Trong sự nhất tâm đã ngã chấp phá được, thực sự nói là vô ngã. Vô ngã thì có thể sống với tất cả chúng sanh, không còn phân biệt nữa. Bùi Hưu không biết, nên hòa thượng nói ông trở về thường niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, khuyên ông ấy niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Mục đích của niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là muốn chứng được nhĩ căn viên thông. Nhĩ căn viên thông thuộc về lý nhất tâm bất loạn, cho nên mới có công đức không thể nghĩ bàn.

Xem tiếp đoạn kinh văn dưới: “Thị danh thập tứ thí vô úy lực phúc bị chúng sanh”. “Thí vô úy lực” nên căn cứ theo đoạn kinh văn sau mà nói, “thập phương vi trần quốc độ giai danh ngã thí vô úy giả”. Đoạn kinh văn sau có một câu như vậy, Quán Thế Âm Bồ Tát bố thí cho chúng ta đại vô úy. Đáng tiếc người niệm Quán Thế Âm Bồ Tát  rất nhiều, mà niệm như thế nào? Không tin tưởng. Vậy thì hết cách, niệm mà không tin tưởng. Nếu như niệm mà tin tưởng thì 32 ứng, 14 vô úy quí vị nhất định sẽ có cảm ứng đạo giao.

“Phúc bị chúng sanh”, ý nghĩa này là nói không những có thể khiến cho tất cả chúng sanh thoát ly tất cả khổ nạn, hơn nữa còn có thể được phước đức. Thật là đại từ đại bi, đại bi là cho chúng ta lìa tất cả khổ nạn, đại từ là cho chúng ta có thể được phước. Phước như thế nào? Vậy thì phải xem mức độ tín tâm của chúng ta, hoàn toàn chắc chắn tin tưởng, không có mảy may hoài nghi. Tất cả hiểu rõ, tu pháp môn này cao nhất có thể đạt được quả báo Như Lai quả địa thượng.

Phải hiểu được loại phước báo này không phải là Quán Thế Âm Bồ Tát ban cho, là quí vị từ trong pháp môn này mà tu học, sau khi ngộ tạng tánh rồi, phước đức Như Lai quả địa thượng này là Như Lai tạng tánh của chúng ta vốn đã đầy đủ, cho nên lìa khổ được vui không giả dối tí nào. Quán Thế Âm Bồ Tát cho chúng sanh thực sự là quá nhiều rồi. “Thí vô úy lực” bốn chữ này đã bao hàm, tất cả đã bao gồm hết.

Đoạn dưới đây là bốn loại bất tư nghì: “Thế Tôn, ngã hựu hoạch thị viên thông, tu chứng vô thượng đạo cố, hựu năng thiện hoạch, tứ bất tư nghì, vô tác diệu đức”. Đoạn này nói cho chúng ta về bốn loại bất tư nghì, dung hợp với hai quán trước kia. Đoạn trước tuy là rõ ràng trên đồng với mười phương Như Lai, dưới hợp với thời kiếp của nhất thiết chúng sanh, đây đều là tùy cơ ứng hóa. Trên lý luận thì vẫn còn có hạn lượng, vẫn là khả tư khả nghì.

Tuy nói tam muội, vẫn là từ trên tâm nhân địa để mà nói. Đến đoạn văn này thì hiển thị rõ ràng, viên dung đến cực điểm, viên cực. Đó chính là bất khả tư, bất khả nghì, ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. Cho nên bản thân Bồ Tát nói “tu chứng vô thượng đạo cố”, ở đây nói đạo này là “vô thượng đạo”.

Đã là thần diệu, càng bất khả tư, càng không thể nào mà suy lường được. Trước đây nói pháp cho đến nói công đức xưng danh chúng ta có thể suy đoán được một số hành, đến đây thực sự mà nói không thể nào hình dung được nó. Ở đây Bồ Tát nói ngài đã chứng được đến viên cực, có thể khiến cho chúng sanh được đại tự tại, đây là thực sự không thể nghĩ bàn.

Nói cách khác, tuy ngài là Bồ Tát nhưng so với Như Lai trên địa thượng thì cảnh giới đó thực sự không hai không khác, đó là “vô tác diệu đức”. Trong đoạn kinh văn này chú trọng tại hai chữ “vô tác”, hữu tác thì không diệu nữa. Chúng ta tu học phải đặc biệt lưu ý điều này.

Như thế nào là hữu tác? Như thế nào là vô tác? Hữu tác, vô tác đều làm, không phải không làm. Hữu tác là gì? Có tâm để làm, có tâm này là có vọng tâm. Nói cách khác, có tâm ý thức để làm. Vô tác thì sao, làm hay không làm? Làm, làm như thế nào? Không có tâm ý thức, họ ở đó làm, làm không có tâm ý thức là diệu tác, là tam luân thể không, là diệu đức. Có tâm ý thức để làm thì có nghiệp, quí vị làm với thiện tâm là thiện nghiệp, với ác tâm thì ác nghiệp. Chư vị phải hiểu được quan trọng là tâm. Thiện tâm làm việc ác vẫn là thiện nghiệp, ác tâm làm việc thiện vẫn là ác nghiệp. Đạo lý trong đây chư vị cẩn thận suy nghĩ xem.

Vì thế trong Pháp Đại thừa, trong giới luật Đại thừa luận tâm không luận sự, khác với giới Tiểu thừa. Giới Tiểu thừa là luận sự không luận tâm. Vì sao vậy? Vì chú trọng tại phước báo nhân thiên. Đại thừa là luận tâm không luận sự, chú trọng tại xuất ly tam giới, chứng bồ đề Niết bàn, đây là điều khác nhau. Thiện tâm, ác tâm đều không tách rời tâm ý thức, cho nên loại này không gọi nó là vô tác diệu đức.

Họ theo tu đạo mà nói là có tu có chứng, bởi vì họ có tâm nên có tu có chứng. Chúng ta niệm Phật nếu như là hữu tác mà niệm, công phu này có thể niệm đến sự nhất tâm bất loạn. Theo lý luận của Kinh Lăng Nghiêm, điều Phật giảng cho chúng ta có thể đạt đến sự nhất tâm bất loạn, nhưng không thể đạt đến lý nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn chắc chắn phải xả thức dùng căn. Pháp sư Giao Quang trong Lăng Nghiêm Chánh Mạch dạy cho chúng ta như vậy. Xả thức là gì? là không dùng tâm ý thức nữa. Nói cách khác, tám thức 51 tâm sở chúng ta đều không dùng nó, vậy thì quí vị chính là vô tác diệu đức rồi.

Quí vị nói tôi làm gì? Mặc y phục là vô tác diệu đức, ăn cơm là vô tác diệu đức, mặc áo ăn cơm chính là vậy! Chúng ta hiện tại ăn cơm mặc áo như thế nào? Mặc áo ăn cơm đều tại tâm, tâm sở so đo tính toán, ở trong đó khởi phiền não, khởi phân biệt, khởi chấp trước. Cho nên áo cũng không biết mặc, cơm cũng không biết ăn, lúc nào mặc áo ăn cơm rời khỏi tâm ý thức rồi, hoàn toàn tương ưng với chân như bản tánh.

 Thiền sư Huệ Hải đã nói, người ta thỉnh giáo ngài, bạch hòa thượng! ngài dùng công phu gì vậy? Ngài liền đáp một câu, “đói thì ăn cơm, buồn ngủ thì ngủ”, đây là chỗ người ta dụng công vậy. Chúng ta nghe rồi, có ai đói bụng mà không ăn cơm? Có ai buồn ngủ mà không đi ngủ? Người ta thực sự ăn cơm được, cũng thực sự ngủ được. Vì sao vậy? Việc của họ đã xong, không có việc gì nữa! Chúng ta hiện tại phiền não chưa đoạn, sanh tử chưa xong, ăn cơm cũng không an tâm, ngủ cũng ngủ không được, sanh tử chưa dứt. Ngài sanh tử đã xong, phiền não đã đoạn, cho nên đến lúc ăn cơm thì ăn cơm, đến lúc đi ngủ thì đi ngủ. Ngoài việc này ra không còn việc gì nữa, là ý nghĩa này vậy. Thực sự đến được vô tác diệu đức, mặc áo, ăn cơm, ngủ nghỉ đều là vô tác diệu đức. Đây là giản biệt, không phải là hữu vi, hữu ý để làm, mà là như thế nào? Mọi việc tự nhiên mà thành tựu.

Bốn loại dưới đây đều là cảnh giới này, trong cảnh giới này ý nghĩa sâu sắc hơn trước đây nhiều, viên mãn hơn nhiều.

Xin xem kinh văn, kinh văn này tương đối dài một tí, chúng ta nghiên cứu từng đoạn từng đoạn một: “Nhất giả do ngã sơ hoạch, diệu diệu văn tâm, tâm tinh di khai, kiến văn giác tri, bất năng phân cách, thành nhất viên dung, thanh tịnh bảo giác”. Đây là tự thuật lúc ngài thành tựu, thông thường chúng ta nói, bản thân Quan Âm Bồ Tát tu hành, ngài đắc đạo, cảnh giới đầu tiên đắc đạo đã nói ra cho chúng ta biết.

“Sơ hoạch”, chữ ‘sơ’ này tức trước đây nói là dụng công của ngài. Công phu của ngài là “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. Tức là nói ngài đầu tiên trong văn tánh đó, đầu tiên dùng công phu này. Lần đầu tiên trong văn tánh, lần đầu này có thể gọi là nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần, sát na đó gọi là ‘tối sơ’. Sát na đó như thế nào? Còn chưa khởi tâm động niệm, đây là nghe nhĩ tánh. Nếu như có một niệm tâm sanh khởi lên, thì rơi vào trong ý thức, vậy không phải là ‘sơ’ nữa, mà nó rơi vào nghĩa thứ hai. Quán Thế Âm Bồ Tát chỗ dụng công này của ngài có thể bảo trì nơi đệ nhất nghĩa, không rơi vào đệ nhị nghĩa.

Chúng ta tu hành, sỡ dĩ không thể thành tựu là do chúng ta từ trong sát na đệ nhất nghĩa đó, liền rơi vào đệ nhị nghĩa, đệ tam nghĩa, phiền phức chính là phiền ngay nơi này. Điều này đáng được chúng ta cảnh giác, chúng ta nhìn thấy Quán Thế Âm Bồ Tát lại nghĩ đến bản thân.

Nói đến văn, đây là một tượng trưng của sáu căn, kiến văn giác tri sáu căn đều như nhau, mắt thấy sắc ngài có thể duy trì đệ nhất nghĩa, tai nghe thanh cũng có thể duy trì đệ nhất nghĩa, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, căn tánh của sáu căn toàn bảo trì trên đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là kiến tánh, là kiến tánh trong mười lần hiển kiến ở đoạn trước, kiến tánh, văn tánh, khứu tánh, thường tánh, xúc tánh, tri tánh. Cho nên đối với bên ngoài không phải là sáu trần, đối với bên ngoài cũng là sáu trần tánh, sáu tánh đối với bên ngoài đó gọi là kiến tánh.

Nếu như biết dụng công như vậy, quí vị nghĩ xem chứng vô thượng đạo chỉ ngay trong một niệm, làm gì phải mất đến ba đại a tăng kỳ kiếp? Cũng giống như trong kinh đã nói “đàn chỉ siêu vô học”, vô học này là chỉ cho ai? Chư vị nên hiểu vô học này là nói đến Đại thừa A la hán, Bồ Tát pháp vân địa. Giới hạn thấp nhất của siêu vô học cũng là đẳng giác, siêu việt vô học. Chỉ trong khoảng khắc đích thực là từ phàm phu địa chứng Đẳng giác Bồ Tát, chỉ cần quí vị hiểu được đạo lý này. Từ đâu mà tu? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, quí vị đều có thể bảo trì trên đệ nhất nghĩa. Đại sư Giao Quang nói, dùng căn không dùng thức, dùng thức đó là đệ nhị nghĩa.

Có không ít đồng tu đọc Kinh Lăng Nghiêm xong đến hỏi tôi: dùng căn như thế nào? Làm thế nào mới có thể xả thức dùng căn? Ở đây nói rất rõ ràng, đệ nhất nghĩa là thế nào? Trong đệ nhất nghĩa, mắt thấy sắc, thấy mà không thấy. Không phải nói thấy rồi mà như nhìn không thấy vậy. Vậy thì pháp môn này chúng ta đừng học nữa, còn học nó để làm gì? Thấy là thật thấy rồi, không thấy là không có vọng kiến.

Thế nào gọi là vọng kiến? Quí vị học qua Duy thức có lẽ hiểu được, tám thức 51 tâm sở, tâm, tâm sở đều có kiến phần, kiến phần đó là vọng kiến. Không có vọng kiến vậy thì thấy kia là gì? Là thấy trong tánh thấy.

Nghe mà không nghe, thực sự nghe mà không có vọng văn, nghe đó là gì? Nghe cũng là kiến phần. Chư vị nên hiểu, tâm, tâm sở có bốn phần, tự chứng phần, chứng tự chứng phần, kiến phần, tướng phần. Kiến phần kia, tại mắt gọi là kiến, tại tai là văn, tại mắt chúng ta là nhãn thức, tại tai tức nhĩ thức. Trong sáu căn, tại nơi nào thì chúng ta gọi nó thức đó. Đó là gì? Đó đều gọi là kiến phần. Lúc nó khởi tác dụng kiến phần của nhĩ thức thì gọi là văn, tác dụng của nghe. Kiến phần nhãn thức là tác dụng của thấy, thấy tướng phần của nó. Kiến phần của tai là thấy tướng phần của nó, tức là nghe âm thanh của nó. Đây đều gọi là vọng kiến, vọng văn, không phải là chân thật. Vậy chân thật là gì? Tánh thấy, thấy đó mới là chân thật.

Quí vị nếu đến cảnh giới này rồi, vậy thì có thể phàm sở hữu tướng giai thị thật tướng, không phải là hư vọng. Chưa đến cảnh giới này thì phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Cách nói này nếu như chư vị vẫn không hiểu, tôi nêu thêm một ví dụ. Chẳng hạn như chúng ta mắt tốt nhìn thấy tướng cảnh giới bên ngoài này là thật tướng, chư vị mở mắt ra nhìn rất rõ ràng, phàm có hình tướng đều là thật tướng. Giả sử như chúng ta đeo đôi mắt kiếng râm màu xanh, vừa nhìn bên ngoài mặt của mỗi người đều là màu xanh. Tôi đeo đôi mắt kiếng màu hồng thì mặt quí vị đều là màu hồng, vậy thì phàm có hình tướng đều là hư vọng. Quí vị hiểu được ý nghĩa này chăng? Chúng ta hiện tại đeo lên tánh thấy một nhãn thức, nhãn thức đó chính là đeo lên đôi mắt kiếng tâm, tâm sở, nhìn thấy tướng bên ngoài đều là hư vọng. Nếu như lấy hết tất cả tâm, tâm sở thì tướng mà quí vị nhìn thấy đều là thật tướng. Chính là ý nghĩa như vậy.

Nếu hỏi bí quyết của tu hành, yếu lĩnh của tu hành thì chẳng có gì khác, chính là bảo trì đệ nhất niệm, không nên để rơi vào đệ nhị niệm, chính là đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là gì? Kiến tánh thấy, văn tánh nghe, Quán Thế Âm Bồ Tát chính là như vậy. Biện pháp này chính là ‘đàn chỉ siêu vô học’, cần gì phải ba đại a tăng kỳ kiếp. Trong kinh Di Đà nói một ngày đến bảy ngày là nhiều quá rồi, làm gì cần đến thời gian dài như vậy!

Chư vị nghĩ xem kinh Đại thừa nếu không nghiên cứu thì chúng ta làm sao có thể hiểu được đạo lý này, sao có thể hiểu được con đường này? Thường ngày dụng công, chúng ta sẽ hiểu được nên dụng công như thế nào. Không hiểu được đạo lý, phương pháp thì hằng ngày dụng công thật là tu mù luyện bậy. Vừa nói chúng ta tu mù luyện bậy lập tức hỏa khí nổi lên, có thể thấy đó là tu mù luyện bậy. Nếu như lúc thật tu thật luyện thì tám gió thổi không động, như như bất động. Khen vài câu thì vui mừng, đắc ý vô cùng, hủy báng vài câu thì tức giận dữ. Có thể thấy được cảnh giới nhỏ gió vừa thổi liền động, vậy quí vị không phải là tu mù luyện bậy thì là gì? Đương nhiên là tu mù luyện bậy rồi.

“Diệu diệu văn tâm” chính là phản văn văn tự tánh. Trên thực tế, trước đây đã nói qua phản là gì? Phản là quay đầu lại, cách quay đầu như thế nào thì điều này phải hiểu được, tâm chúng sanh tùy theo cảnh giới bên ngoài mà lưu chuyển.

Đoạn trước nói, nhĩ thức của chúng ta, thức thứ sáu, tâm tâm sở này. Chúng ta lấy nhĩ thức mà nói ‘lưu dật bôn thanh”, lưu đến cảnh giới thanh trần bên ngoài, nhãn thức là lưu dật đến sắc. Lưu giống như nước vậy, chảy ra bên ngoài, dật là phóng dật, phóng dật vào trong sắc tướng. Căn tánh của sáu căn bị sáu thức che đậy, bình thường vọng tâm khởi tác dụng phản văn, không phải nói tánh văn phản trở lại, văn tánh không có phản, văn tánh là chân thường, nó phản gì vậy? Nó tại thánh không tăng, tại phàm không giảm, là thường trú chân tâm, vậy nó phản điều gì? Có thể thấy phản đó là tâm, tâm sở phản trở lại, không hướng ra lục trần mà lưu dật, phản chính là điều này. Cho nên hai chữ phản văn có hai ý nghĩa.

Chữ phản này là đối với tâm, tâm sở mà nói. Tâm, tâm sở phản trở lại rồi không còn phan duyên cảnh giới sáu trần bên ngoài nữa, lúc này văn tánh đã hiện tiền rồi. Xả thức dùng căn, phản đó chính là xả thức, vì sao vậy? không dùng nó nữa.

Thông thường phàm phu lúc đang mê dùng tâm tâm sở thấy sắc, tôi nói như vậy tương đối dễ hiểu một chút. Bởi vì thấy sắc đích thực rất phức tạp, chớ cho rằng thấy sắc, tức nhãn thức này nhìn thấy sắc trần. Kỳ thật nó và thức thứ sáu có liên quan, thức thứ sáu khởi phân biệt, thức thứ bảy chấp trước, thức thứ tám ghi ấn tượng. Hơn nữa cùng với thức thứ sáu, thứ bảy, thứ tám và năm thức trước tương ưng, những tâm sở này trong khoảng sát na đồng thời đều khởi tác dụng, phức tạp vô cùng.

Tâm sở thì tất cả tâm hành phức tạp đều có thể bao quát ở trong đó, tâm tâm sở khởi tác dụng. Hiện tại chúng ta tâm tâm sở này không khởi tác dụng, thì đây chính là ý nghĩa của ‘phản’, tức là ý nghĩa của chữ ‘xả’, xả thức. Ở đây là dùng ‘phản’ này.

Dùng căn thì sao, dùng căn tánh này chính là văn. Vậy nếu xả thức dùng căn trong kinh này dùng hai chữ phản văn. Đoạn trước nói phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo, công phu này đích thực phải trải qua một thời gian tương đối dài để rèn luyện. Hơn nữa dụng công, tôi nói thêm với quí vị là bất luận người nào, bất luận hoàn cảnh nào đều không có chướng ngại nữa, điều này quả thật không thể nghĩ bàn. Cổ nhân nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm” đây là yếu lĩnh dụng công. Vì sao vậy? Vì niệm đó vừa khởi thì rơi vào tâm ý thức rồi, trong tâm ý thức mới có vọng niệm.

Giác là chánh niệm, niệm là vọng niệm. Phật Bồ Tát giác ngộ họ có chánh niệm, họ không có vọng niệm. Vừa có một vọng niệm khởi lên lập tức liền giác ngộ, vừa giác ngộ là gì? Vọng niệm này không tồn tại nữa, làm cho vọng niệm này bị đánh tan.  Cổ nhân nói, nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Đây là phương pháp dụng công của chúng ta.

Mắt thấy sắc vừa khởi tâm, vừa động niệm lập tức giác ngộ, lại rơi vào tâm ý thức rồi. Tai nghe thanh, mới vừa khởi niệm rơi vào tâm ý thức. Loại nguyên tắc nguyên lý này chúng tôi trên giảng tòa đã nói qua với chư vị rất nhiều, hi vọng mọi người phải ghi nhớ, phải biết dùng. Đây hoàn toàn là giảng về điều gì? Nói về tự thọ dụng. Vậy tha thọ dụng thì sao? Tha thọ dụng phải ở trong chánh niệm lại biến hiện ra vọng niệm này, là tha thọ dụng.

Thí dụ như mắt chúng ta nhìn thấy tách trà này, chúng ta tại trên đây khởi một ý niệm cái tách này cũng đẹp, vậy là sai, đây chính là mê, rơi vào tâm tâm sở mất rồi. Trong chân như bản tánh vốn là vô nhất vật, làm gì có cái gì đẹp hay không đẹp? Không có, tâm địa sạch sẽ không nhiễm mảy trần nào. Cái tách này khá đẹp, đây chính là rơi vào tâm ý thức, lúc người khác thọ dụng, người khác, chúng tôi giới thiệu với quí vị cái này khá đẹp, đẹp thế nào, không phải là tự thọ dụng, là bản thân từ trong tâm thanh tịnh biến hiện ra tâm tâm sở là tha thọ dụng. Chư vị phải hiểu được đạo lý này.

Tự thọ dụng và tha thọ dụng phải vạch ra cho rõ ràng, đem tha thọ dụng làm thành tự thọ dụng là phàm phu. Đem tự thọ dụng xem thành tha thọ dụng là A la hán nhập niết bàn. Vì sao vậy? Vì tâm của họ bất động. Họ cũng không giáo hóa chúng sanh nữa, nhìn thấy chúng sanh cũng không mở mạng internetet nữa, đều không cần nữa. Bồ Tát sở dĩ xưng Bồ Tát vì tự thọ dụng không phải tha thọ dụng, tha thọ dụng không phải tự thọ dụng, điều này không thể nghĩ bàn! Biểu hiện của tha thọ dụng và phàm phu không có gì khác, kết thành một khối, hòa quang đồng trần. Tuy hòa quang đồng trần trong tha tự thọ dụng, họ không khởi tâm động niệm, không rơi vào trong tâm ý thức. Vậy là cao minh cực điểm rồi.

Lúc muốn tu học bất luận là tu pháp môn nào, tám vạn bốn ngàn pháp môn quá ít, Quán Thế Âm Bồ Tát ở đây nói 62 ức hằng hà sa pháp môn, một vị Bồ Tát đại biểu một pháp môn, 62 ức hằng hà sa pháp môn, chỉ một câu danh hiệu, một câu nguyên lý, chính là nguyên lý phản văn này. Phản văn chính là nguyên lý xả thức dùng căn này.

Cho nên trong Kinh Viên Giác chúng tôi đặc biệt nói với mọi người tu hành là tu điều gì? Tu tâm viên giác, tịnh viên giác. Đề Kinh Viên Giác này chúng tôi chưa giảng hết. Chúng ta thấy chương thứ nhất của kinh, trong chương này Bồ Tát Văn Thù vừa khai khẩu đã nói những gì? Tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh chính là tâm viên giác. Chúng ta nên tu những gì? Tu tâm thanh tịnh.

Ở trong cảnh giới khởi tâm động niệm, tâm thanh tịnh không còn nữa, lúc bản thân không thành tựu, đừng quan tâm người khác. Bản thân tâm thanh tịnh còn chưa đạt được, ta ngày ngày đi quan tâm người khác ư, bản thân mình tâm thanh tịnh rồi, tu thêm vô lượng a tăng kỳ kiếp còn chưa đạt được. Đó chính là điều trong nhà Phật thường nói “ Bồ Tát đất qua sông tự thân khó giữ”, còn muốn độ người khác, làm gì có được đạo lý này!

Bản thân thanh tịnh rồi lại độ chúng sanh, lúc quí vị độ chúng sanh sẽ không hại họ, sẽ không làm trở ngại chúng sanh. Vì sao vậy? Vì lý luận thực sự thông đạt, pháp môn đã hiểu được, bản thân lúc tu hành thực sự đã có thành tựu. Nói cách khác, phương pháp lý luận này bản thân đã thử nghiệm qua rồi, không sai, mới dám dạy cho người khác. Bản thân chưa thử nghiệm qua thì không đáng tin, bản thân làm hỏng bản thân vậy thì đáng đời. Bản thân quí vị lại đi làm hỏng việc người khác, thì tội nghiệp này lớn quá rồi.

Cho nên nói tự tu còn quan trọng hơn dạy người khác, tu gì vậy? Chính là tu tâm thanh tịnh. Tất cả chúng sanh tu xả thức dùng căn, tất cả cảnh giới dùng phương pháp phản văn văn tự tánh này. Trong đoạn này ý nghĩa rất sâu sắc, chúng tôi vừa rồi chỉ nói về một điều sơ hoạch, chỉ mới giảng đến chữ sơ này. Tiếp đó còn có ‘diệu diệu văn tâm’, trong đó còn có ý nghĩa rất tinh túy.

Hôm nay thời gian hết rồi, lần sau chúng tôi vẫn bắt đầu giảng từ đoạn này. Tức là từ “nhất giả, do ngã sơ hoạch diệu diệu văn tâm’, giảng tiếp từ đoạn này.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.

Hết tập 13

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về