XVIII.5.1. Lời dẫn

Thần thông thù thắng, nếu không có thiền định thì không thể sinh. Trí tuệ vô lậu nếu không an tĩnh thì không thể khai phát. Cho nên, kinh chép: “Chuyên tu thiền định sẽ đắc năm thần thông, tâm duyên vào một cảnh là tướng của tam-muội”. Sách Nho cũng chép: “Hãy để thân như cây khô, tâm như tro lạnh, không khuất phục trước giàu sang, không nhụt chí trong nghèo khổ, gửi tinh thần trong tĩnh lặng, để thân thể ngoài trần ai”.

Cho nên, nhiếp tâm vào một chỗ là rừng công đức, tán tâm trong khoảnh khắc là la-sát[114]phiền não. Vì thế, Thích tử Đàm Quang hàng phục hổ dữ quỳ trước gối, tiên nhân Loa Kế[115] để chim làm tổ trên đầu. [100b] Nên biết, bậc đại sĩ[116] thường tu thiền định, chẳng đoạn phiền não mà vào niết-bàn, không bỏ đạo pháp mà thị hiện việc phàm phu. Lại nữa, hành giả phải khéo quán sát thân này, từ đầu đến chân có ba mươi sáu vật là chỗ chứa đựng tám vạn ổ vi trùng. Cho nên, thân này vốn là bất tịnh, vô thường, khổ, không, phi ngã[117]. Nhưng tâm tính của chúng sinh ví như khỉ vượn, chạy nhảy leo trèo, vui đùa phóng dật, nếu không biết nhắm mắt, kềm thân, giữ tâm, nhiếp ý, thì ngang ngược khó dạy, cứng đầu khó khuyên, quen chạy theo năm trần, trôi lăn trong ba cõi, rơi vào cạm bẫy của ngoại đạo, vướng vào tầm gậy của thiên ma. Lúc ấy, mãi chìm trong biển khổ, vĩnh viễn đọa vào địa ngục sâu thẳm. Tất cả đều là do buông lung tinh thần, tán loạn tâm ý, tợ như ngọn đèn trước gió, ánh trăng trên mặt sóng, cứ chao đảo lay động, nhấp nhô bồng bềnh. Bóng đã không rõ thì làm sao chiếu sáng được. Cho nên các điều ác từ đó mà dấy khởi, muôn điều thiện do đây mà tiêu diệt.

Bởi không tu đoạn trừ lậu hoặc, luôn khởi tham sân, chưa chế ngự được vô tri, chỉ tham đắm lạc thụ, để cho lậu hoặc tranh nhau kéo đến làm chướng ngại thiền định, các duyên đua nhau tụ tập làm hại định tĩnh, năm triền cái che tâm, cửa thiền định bị đóng kín, sáu trần buộc niệm, vọng tưởng đeo đuổi, khác nào voi cuồng không móc, vượn hoang gặp được cành. Cho nên phải luôn cảnh tỉnh tâm mình trong từng niệm khi vừa dấy khởi. Đâu thể thấy niệm trước ác bèn ra sức lắng tâm, nhưng khi niệm sau thiện, lại mặc tình theo ý làm ác.

Vì thế, luận ca ngợi bậc an định cả bốn mùa, kinh tán dương người chính định trong từng niệm, rồi sau mới có thể chính niệm vượt khỏi phàm tình. Nếu trái lẽ này bậc thánh cũng bó tay. Ngày nay, vạn vật không thể tự nhiên sinh xúc, mà phải nương vào các căn, trong tâm nghĩ tưởng mới có cảm. Vì sao biết được như vậy? Bên trong có tâm cảm nhận, sự vật bên ngoài mới phát sinh, hoặc do duyên theo ngoại cảnh làm cho tâm ô nhiễm. Nên biết, tâm và cảnh nương nhau khởi, trong và ngoài tác dụng nhau mà sinh. Tâm và thức như vua và bề tôi, không thể bỏ cả hai. Cho nên, kinh ghi: “Tâm vua chính trực thì sáu bề tôi chẳng tà vạy. Ý thức hôn trầm thì tâm vương không sáng suốt”. Nay răn sáu thức bề tôi, mọi người phải biết hổ thẹn, chế ngự sáu căn, đừng để rong ruổi tán loạn.

XVIII.5.2. Tướng của thiền định

Phẩm Tâm ý trong kinh Pháp cú ghi: “Xưa, lúc Phật còn tại thế, có một vị đạo nhân tu tập nơi gốc cây bên bờ sông. Trải qua mười hai năm, nhưng lòng tham vẫn chưa dứt, tâm ý rong ruổi, chỉ nhớ tưởng đến sáu dục: mắt đắm sắc, tai thích tiếng, mũi nhiễm mùi, miệng tham vị, thân ưa cảm thụ, ý duyên theo pháp trần. Thân tuy ngồi yên mà tâm chưa từng dừng nghỉ, nên mười hai năm vẫn không đắc đạo.

[100c] Phật biết đã đến lúc độ cho ông ấy, nên hóa làm một sa-môn, đến ngồi cạnh ông ta. Lát sau, trăng lên, một con rùa dưới sông bò đến bên gốc cây, lại có con chó đang đói cũng đi tìm thức ăn. Thấy rùa, chó định ăn thịt, rùa thụt đầu, rút đuôi và dấu bốn chân vào trong mai nên chó không ăn thịt được. Chó bỏ đi không xa, rùa lại ló đầu và chân, tiếp tục lên đường như cũ, chó không làm gì được, nên rùa thoát nạn.

Bấy giờ, đạo nhân hỏi sa-môn:

– Con rùa này nhờ có cái mai che thân, nên chó không ăn thịt được, phải không?

Vị sa-môn đáp:

– Ta nghĩ, con người ở đời không bằng con rùa này, không biết vô thường, buông lung theo sáu tình[118], nên bị ngoại ma nhiễu loạn. Đến khi hồn lìa khỏi xác thì sinh tử không cùng, luân chuyển trong năm đường, khổ não triền miên, đều là do ý gây ra. Vì thế, mỗi người phải cố gắng mong cầu sự an lạc của niết-bàn”.

Thế rồi, vị sa-môn nói kệ:

Dấu sáu căn như rùa,
Giữ ý tợ giữ thành,
Dùng trí tuệ đánh ma,
Quyết thắng không lo sợ.

Kinh Đại bảo tích ghi: “Bồ-tát tu tập thiền định có mười pháp khác với hàng Nhị thừa. Đó là:

1. Bồ-tát tu thiền định không còn chấp ngã, vì đầy đủ các loại thiền định của Như Lai
2. Bồ-tát tu thiền định không còn đắm trước, dứt trừ tâm nhiễm ô, không cầu niềm vui cho riêng mình
3. Bồ-tát tu thiền định đầy đủ các thần thông, biết rõ các tâm hành của chúng sinh
4. Bồ-tát tu thiền định biết rõ các loại tâm, hóa độ tất cả chúng sinh
5. Bồ-tát tu thiền định thực hành đại bi, để đoạn trừ phiền não kết sử cho các chúng sinh
6. Bồ-tát tu thiền định thành tựu các pháp tam-muội, khéo biết cách ra vào trong ba cõi
7. Bồ-tát tu thiền định thường được tự tại, đầy đủ tất cả thiện pháp
8. Bồ-tát tu thiền định tâm được tịch tĩnh, hơn hẳn các thiền tam-muội của hàng Nhị thừa
9. Bồ-tát tu thiền định thường được trí tuệ, vượt ngoài thế gian, đến bờ giác ngộ
10. Bồ-tát tu thiền định có khả năng làm chính pháp hưng thịnh, tiếp nối Tam bảo không để đoạn dứt”.

Bồ-tát tu tập thiền định như thế, nên khác với hàng thanh văn[119] và bích-chi phật[120].

Đức Phật dạy:

– Nếu bồ-tát thích tu hạnh đầu-đà[121] khất thực sẽ được mười lợi ích. Đó là:

1. Bẻ gãy cờ ngã mạn.
2. Không mong cầu thương yêu.
3. Chẳng màng đến danh tiếng.
4. An trụ vào dòng thánh.
5. Không dối trá, nịnh hót, không hiện tướng khác lạ, không kiêu căng ngạo mạn
6. Không tự đề cao mình
7. Không chê bai người khác
8. Dứt trừ tâm thương ghét
9. Nếu vào nhà người là vì bố thí pháp chứ không vì ăn uống
10. Các pháp nói ra đều được mọi người tin nhận.

[101a] Luận Đại trí độ ghi: “Tam-muội có hai loại là tam-muội của Phật và tam-muội của bồ-tát. Các vị bồ-tát chỉ được tự tại trong tam-muội của bồ-tát, không được tự tại trong tam-muội của Phật”.

Chư Phật yếu tập kinh ghi: “Bấy giờ, Văn-thù-thi-lợi[122] muốn đến diện kiến chư Phật nhưng không được. Sau khi các Đức Phật trở về chỗ của mình, Văn-thù-thi-lợi bèn đi đến chỗ chư Phật vân tập, thì thấy có một người nữ ngồi nhập định bên cạnh Phật. Văn-thù-thi-lợi đến đỉnh lễ Phật và bạch rằng:

– Vì sao người nữ này được ngồi gần Phật, còn con thì không?

Phật bảo Văn-thù-thi-lợi:

– Ông hãy làm cho người nữ này xuất định, rồi tự hỏi cô ấy.

Văn-thù-thi-lợi liền khảy móng tay để đánh thức, nhưng cô ấy vẫn không xuất định, gọi lớn cũng không xuất định, cầm tay kéo cũng không xuất định, lại dùng thần túc làm chấn động đại thiên thế giới, cô ấy cũng không xuất định. Văn-thù-thi-lợi bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Con không thể làm cho cô ấy xuất định.

Bấy giờ, Phật phóng một luồng ánh sáng lớn, từ cõi nước phương dưới có một vị bồ-tát tên là Khí Chư Cái hiện ra, đi đến chỗ Phật, đỉnh lễ Ngài, rồi đứng qua một bên. Phật bảo bồ-tát Khí Chư Cái:

– Ông hãy đánh thức người nữ này!

Vâng lời Phật, bồ-tát Khí Chư Cái khảy móng tay, người nữ này liền xuất định.

Văn-thù-thi-lợi bạch Phật:

– Vì nhân duyên gì mà con làm chấn động cả ba nghìn đại thiên thế giới cũng không thể làm cho người nữ này xuất định, còn bồ-tát Khí Chư Cái chỉ gảy móng tay một cái cô ấy liền xuất định?

Đức Phật bảo Văn-thù-thi-lợi:

– Ông nhờ người nữ này mà phát tâm bồ-đề, người nữ này nương bồ-tát Khí Chư Cái mà phát tâm bồ-đề. Vì thế, ông không thể làm cô ấy xuất định. Ông chưa đầy đủ công đức tam-muội của chư Phật, còn bồ-tát Khí Chư Cái đã được tự tại trong tam-muội. Ông mới vào được chút ít tam-muội của Phật nên chưa được tự tại”.

Ở đây chỉ trích dẫn một vài đoạn kinh nhằm khen ngợi pháp tu thiền định. Nếu muốn biết rõ cách tọa thiền, nghi thức pháp quán của Đại thừa và Tiểu thừa thì trong bộ Quán môn gồm mười quyển có ghi đầy đủ. Người học tự tìm xem, ở đây không trình bày hết được.
______________________

[114] La-sát 羅刹 (S:rākṣasa): loại ác quỉ trong thần thoại Ấn Độ, được thấy ghi đầu tiên trong bộ Lê-câu-phệ-đà, bộ kinh điển xưa nhất của Bà-la-môn giáo Ấn Độ. Tương truyền la-sát nguyên là tên gọi dân tộc Thổ Trứ ở Ấn Độ, sau khi người Arya chinh phục Ấn Độ, la-sát trở thành một đại danh từ chỉ kẻ ác, dần dần dùng làm tên gọi chung loài ác quỉ.
 
[115] Tiên nhân Loa Kế (Loa Kế tiên nhân 螺髻仙人): tiền thân Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Theo luận Đại Trí Độ 17, Đức Thích-ca là vị tiên nhân tên Thượng-Xà-lê, vì có búi tóc hình xoắn ốc trên đỉnh đầu nên được gọi là Loa Kế tiên nhân.
 
[116] Đại sĩ 大士 (S: mahāpuruṣa): ở đây chỉ cho hàng bồ-tát.
 
[117] Phi ngã 非我: những người biên dịch sau này dịch là vô ngã.
 
[118] Sáu tình (lục tình 六情): sáu căn. Các kinh điển cựu dịch phần nhiều dịch là sáu tình. Vì sáu căn mắt tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều có tình thức nên gọi là sáu tình.
 
[119] Thanh văn 聲聞 (S: śrāvaka): các đệ tử xuất gia nghe âm thanh thuyết giáo của Phật mà chứng ngộ.
 
[120] Bích-chi phật 辟支佛 (S: pratyeka-buddha): bậc thánh không có thầy mà tự giác ngộ.
 
[121] Đầu-đà 頭陀 (S: dhūta): khổ hạnh tu tập để dứt bỏ sự tham trước y phục, uống ăn, chỗ ở v.v… ngõ hầu điều phục thân tâm.
 
Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về
2 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về

Thiền Định Cho Mọi Giới
Hòa Thượng Thích Đức Thắng

Khai Thị Thiền Tịnh Không Hai
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Thiền Tịnh Quyết Nghi
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang