Phật Học Vấn Đáp


Nên giữ gìn và học tập giáo huấn “Lấy khổ làm thầy” của Đức Phật như thế nào ?
Nếu điều kiện xây dựng đạo tràng tương đối tốt, chúng thường trụ phải nên giữ gìn và học tập giáo huấn “Lấy khổ làm thầy” của Đức Phật như thế nào ?

8/14/2022 6:54:32 AM

“Lấy khổ làm thầy” là nhận thức của chính mình, nếu không học tập giáo huấn của Phật Đà, không y theo mà làm thì bạn vĩnh viễn không hiểu thế nào gọi là lấy khổ làm thầy. Xây dựng đạo tràng rất tốt, người tu hành trụ chúng ở trong đó liệu có thể giống như người xưa, vô cùng quy củ ở nơi đó tu học hay không? Trước khi xuất gia, tôi ở chòi tranh cùng Pháp sư Sám Vân, buổi tối tám giờ đi ngủ, làm được không? Buổi sáng hai giờ thức dậy, làm được không? Vì sao phải ngủ lúc tám giờ? Trong chòi tranh trên núi không có đèn điện, cho nên ăn cơm tối xong thì trời tối đen, làm xong thời khóa tối là đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy, trên thực tế là ngủ nhiều hơn hai tiếng đồng hồ. Khi Đức Phật còn tại thế, thời gian ngủ là bốn giờ đồng hồ, ngủ vào nửa đêm, tức là mười giờ tối đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy. Lúc đó Pháp sư Sám Vân quy định cho chúng tôi, chòi tranh của chúng tôi chỉ có năm người, tám giờ đi ngủ, hai giờ thức dậy. Thức dậy rửa mặt, đánh răng xong thì làm công khóa gì? Lạy Phật, lạy hai giờ đồng hồ. Tốc độ lạy hai giờ đồng hồ nhanh chậm khác nhau, tôi lạy được hơn ba trăm lạy, lạy nhanh thì có thể lạy được bốn trăm, năm trăm lạy. Lúc đó chúng tôi cùng ở với nhau, Pháp sư Đạt Tông lạy rất nhanh, một ngày Ngài lạy được một ngàn hai trăm lạy, chúng tôi là một ngày tám trăm lạy.

Đến bốn giờ thì chúng tôi bắt đầu làm việc, tôi làm công quả cho thường trụ, xuống nhà bếp nấu đồ ăn sáng. Bữa sáng của Pháp sư Sám Vân khá công phu, buổi sáng mỗi ngày phải uống sữa đậu nành, cho nên chúng tôi phải tự mình xay sữa đậu nành, trong đậu nành phải thêm đậu phộng. Sau khi cháo sôi thì cho cả sữa đậu nành và bã đậu vào cùng nhau rồi đun sôi lại, rất thơm, ăn rất ngon. Tôi thay Ngài làm việc bếp núc. Ở trên núi trồng rau, gánh phân. Trên núi là dùng bếp củi, mỗi ngày phải đi nhặt củi, quét lá cây làm nhiên liệu. Nước thì trên núi có nước suối, cách cũng tương đối xa, chúng tôi dùng cây tre, đục thông mắt tre để làm thành ống nước, dẫn nước từ trên núi xuống nên không phải đi gánh nước. Chăm sóc ba vị pháp sư xuất gia, còn có Lão cư sĩ Chu Kính Trụ, lúc đó tôi ba mươi tuổi, ông bảy mươi tuổi, đương nhiên không thể để cho ông làm việc được. Cho nên ở trên núi chỉ có mình tôi làm công quả, chăm sóc bốn người vẫn được. Chùa giàu có, có thể trải qua đời sống như vậy được không? Là thật sự như pháp, mỗi ngày học tập Kinh giáo, trì giới, giữ quy củ. Điều mà chúng tôi hiện nay đang yêu cầu là phải làm được một trăm phần trăm “Đệ Tử Quy”, “Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp” thì công phu của chúng ta mới thật sự đắc lực. Nếu không làm được thì công phu tự nhiên không đắc lực. Cho nên phải cắm gốc từ trên căn bản.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Hộ Pháp       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật