Phật Học Vấn Đáp


Xin nói thêm về hai chân lý?

2/18/2023 8:24:10 AM
Hai chân lý là tục đế và chân đế. Tục đế là chân lý công ước (samvriti satya/ conventional truth), tức chân lý tương đối, mang ý nghĩa phương tiện lâm thời. Chân đế là chân lý cứu kính (paramārtha satya/ absolute truth), tức là chân lý tuyệt đối, muôn đời nó vẫn là như thế. Trong kinh điển, tục đế và chân đế còn được gọi là phương tiện và cứu kính. Ở đây, một con người bình thường không thể dung hòa hai chân lý này làm một, cũng không thể chọn một trong hai; vì từ bản chất hai chân lý không hề giống nhau, và nếu bỏ một trong hai thì cuộc hành trình tìm kiếm chân lý của chúng ta sẽ không thành tựu. Hình ảnh con thuyền đưa người sang sông, nắm lá trong lòng bàn tay, hay mượn chỉ đưa diều là những ví dụ về hai chân lý. Con thuyền là phương tiện, tức tục đế; qua bên kia bờ sông là cứu kính, tức chân đế.

Nếu bỏ con thuyền, chúng ta không thể qua sông; nhưng khi đã qua sông, thì con thuyền cần được để lại. Hai chân lý này cũng nhắc nhở chúng ta một điều rằng đừng bao giờ đem cái hiểu biết của một tâm thức còn vô minh, còn tham, sân, si mà đo lường cảnh giới của bậc đã giác ngộ. Nếu đem tâm si mê mà mô tả cảnh giới của giác ngộ, thì cảnh giới của sự giác ngộ đó cũng trở thành si mê. Do đó, cần phải biết rõ rằng những gì chúng ta hiểu được từ lời dạy của Đức Phật cũng như những lời dạy của Đức Phật cho chúng ta là những gì mang tính chất phương tiện chứ không phải là chân lý tuyệt đối. Như cảnh giới của Niết bàn, với chân lý tuyệt đối, mỗi người hãy tự mình thể nghiệm lấy, vì chân lý đó không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt.
Trích từ:  Cẩm Nang Của Người Phật Tử Tập 1. Khải Thiên



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật