Phật Học Vấn Đáp


Người cư sĩ tại gia có được thuyết pháp giống như người xuất gia không?
Kính bạch thầy, có người nói việc thuyết pháp giảng kinh, chỉ có người xuất gia mới có thể thuyết giảng thôi, chớ còn người cư sĩ tại gia có gia đình thì không thể giảng kinh thuyết pháp được. Con không biết lời nói đó có đúng không? Xin thầy từ bi giải đáp cho con rõ.

8/1/2022 7:43:50 AM

Người nói như thế chứng tỏ họ chưa nghiên cứu sách sử văn hóa Phật giáo ghi lại. Trong nền văn học Phật giáo đã ghi lại có rất nhiều vị cư sĩ tài ba lỗi lạc, không những họ giỏi về thế pháp mà còn lão thông về kinh điển Phật giáo nữa. Dù rằng việc thuyết pháp giảng kinh đó là vai trò trọng trách hoằng pháp lợi sinh của người xuất gia, tuy nhiên, người cư sĩ tại gia cũng có thể giảng kinh thuyết pháp như người xuất gia. Điều nầy không phải ở thời đại hiện nay, mà trong thời đại của đức Phật vẫn có các vị cư sĩ giảng kinh thuyết pháp. Điển hình như cư sĩ Duy Ma Cật chẳng hạn. Vì muốn tuyên dương giáo nghĩa đại thừa, nên Ngài hiện thân có bịnh để nói pháp quở trách phá chấp cho các hàng Thanh Văn và chúng phàm phu ngoại đạo. Việc thuyết pháp đó đã được ghi lại trong văn bản của Kinh Duy Ma. Từ đó, trải qua nhiều thời đại ở các nước Phật giáo theo hệ phái Phật giáo Phát triển, rải rác đều có ghi lại những vị cư sĩ thuyết pháp giảng đạo. Tuy những vị nầy vẫn sống đời sống tại gia có gia đình vợ con như những người khác. Tuy nhiên, họ có một đời sống đạo đức tâm linh phong phú thanh cao khác hơn người thường. Họ có những sở đắc và những hành động xuất cách phi thường mà chúng ta không thể nào đoán định được. 

Ở Việt Nam thời Trần, có Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một vị cư sĩ tài ba lỗi lạc nổi bật xuất chúng. Ngài đã từng giảng dạy cho các Tăng Ni và cư sĩ đến tham vấn về đạo lý thiền. Ở Trung Hoa, thời xưa, thì có ông cư sĩ họ Bàng cũng nổi tiếng là người chứng ngộ lý thiền và cũng đã từng xiển dương chánh pháp. Trong thời cận đại và hiện đại cũng có nhiều vị cư sĩ rất thông hiểu giáo lý và giảng dạy cho chư Tăng, Ni và cư sĩ thụ học. Trường hợp như cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, hay như cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền v.v... Ở Trung Hoa thì có cư sĩ Lý Bỉnh Nam là người cũng đã từng giảng giải giáo lý đạo Phật cho chư Tăng Ni và cư sĩ dự nghe. Ngoài ra, còn và còn rất nhiều những vị cư sĩ thuyết pháp giảng kinh như thế.

Như vậy, chúng ta thấy, ngoài chư Tăng, Ni những vị có khả năng thuyết pháp giảng kinh ra, bên cạnh đó, còn có rất nhiều vị cư sĩ cũng tích cực đóng góp hoằng dương Phật pháp không thua gì chư Tăng, Ni. Về mặt hoằng dương Phật pháp, không phải chỉ có giảng kinh thuyết pháp không thôi, mà người Phật tử còn thể hiện đóng góp qua nhiều lĩnh vực khía cạnh khác nữa. Trong Phẩm Pháp Sư thứ mười của Kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã minh xác quy định rất rõ về những công hạnh của một vị pháp sư truyền bá chánh pháp mà đặc biệt là Kinh Pháp Hoa. Trong Kinh có nêu ra năm hạng pháp sư:

Hạng thứ nhứt là thọ trì kinh (Juji, thọ nhận và gìn giữ).

Hạng thứ hai là đọc tụng kinh (doku ju, đọc và tụng).

Hạng thứ ba là giảng nói kinh (gesetsu, giảng nói).

Hạng thứ tư thư tả biên chép kinh (shosha, sao chép).

Trong hạng thứ hai được chia làm hai: đọc và tụng. Ta cần nên phân biệt giữa đọc và tụng khác nhau. Đọc kinh có nghĩa là cầm bổn nhìn mặt chữ mà đọc. Còn tụng là tụng thuộc lòng không cầm bổn và tụng có âm điệu trầm bổng v.v... Trên đây gọi là năm hạnh pháp sư.

Trong năm hạnh nầy, thì hạnh thọ trì là quan trọng nhất. Thọ trì không có nghĩa là mình đem kinh ra tụng đọc mà gọi là thọ trì. Đó là cái nghĩa rất cạn cợt trên bề mặt. Thọ trì nói ở đây là sau khi hành giả nhận ra (thọ) Tri Kiến Phật (nói theo kinh nầy) và hằng sống (trì) với tánh thể sáng suốt thanh tịnh đó, được vậy mới đúng nghĩa là thọ trì.

Còn hạnh thư tả biên chép, đối với ngày xưa vì kỹ thuật in ấn chưa được phát minh nên người ta chuyền tay nhau để biên chép. Trong thời hiện đại, vì kỹ thuật máy móc tối tân nên việc in ấn không còn là một vấn đề khó khăn nữa. Do đó, ngoài việc ấn hành kinh sách ra, chúng ta còn sử dụng những phương tiện tốt khác như: phim ảnh, đĩa ghi âm, máy thu băng và nhiều phương tiện thính thị khác. Đó là điều rất tiện lợi cho việc phổ biến truyền bá giáo lý Phật giáo vậy.

Nói tóm lại, không luận xuất gia hay tại gia, đứng về phương diện truyền bá chánh pháp, thì ai cũng có thể đóng góp được cả, tùy theo khả năng, hoàn cảnh và phương tiện sẵn có của mình. Riêng về mặt giảng kinh thuyết pháp, thì không phải ai cũng có thể làm được. Tất nhiên, đòi hỏi người đó phải có một kiến thức sở học uyên thâm về Phật pháp và phải có phong thái đạo hạnh tốt mới xứng đáng với tư cách của một vị giảng sư hay pháp sư. Như vậy, người cư sĩ tại gia dù có gia đình cũng vẫn có thể giảng kinh thuyết pháp được. Tuy nhiên, có điều đối với niềm tin tưởng của người Phật tử thì lại có khác. Bởi người cư sĩ dù có trình độ uyên thâm về giáo lý nhưng họ vẫn còn có đời sống ràng buộc bởi gia đình. Do đó, nên đạo hạnh của họ không thể nào so sánh với những bậc chơn tu xuất thế được. Ngoại trừ những bậc xuất trần thượng sĩ như các Ngài: Duy Ma Cật, Tuệ Trung Thượng Sĩ và Bàng Long Uẩn v.v....  Những vị nầy, chỉ là các vị Bồ tát hiện thân của một người cư sĩ để dễ cảm hóa chúng sinh mà thôi. Ngoài ra, những vị cư sĩ bình thường thì không thể nào dám so sánh với các Ngài được.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Xuất Gia        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật