Phật Học Vấn Đáp


Hối lỗi vì can dự vào việc người.
Bạch thầy, có lần sau khi thọ bát ở chùa về, con chứng kiến một cuộc cãi vả đôi chối giữa đứa con dâu với đứa cháu dâu kêu con bằng cô. Thấy vậy, con mới đứng ra hóa giải dàn xếp cho yên chuyện, nhưng không ngờ đứa cháu dâu phản bác lại bảo con không nên xen vào chuyện của nó. Con tức quá nói không ra lời, nên lúc đó con quỳ xuống xin lỗi và bảo: "Xin con cho cô gánh hết tất cả lỗi đừng cãi nữa để cô chịu hết". Đứa cháu dâu bắt lỗi con trù nó giảm thọ, con giải thích cách nào cũng không được. Như vậy, có phải con có lỗi trù nó hay không? Và việc làm nầy của con đúng hay sai? Mong thầy chỉ dẫn cho con cách nào xóa lỗi. Kính cảm ơn thầy nhiều.

8/1/2022 7:47:57 AM

Việc khuyên can của Phật tử đó là điều rất tốt không có gì là sai trái cả. Người có tấm lòng nhân từ hòa ái, hào hiệp, biết yêu thương người, khi thấy việc bất bình xảy ra dù là người thân hay sơ, họ cũng hết lòng dự vào can gián, vì họ không muốn chứng kiến cảnh ấu đả gây ra sự tổn thương thiệt hại cho đôi bên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì lòng tốt của mình mà mang họa hại vào thân. Bởi thế nên người xưa có câu nói: "Ách giữa đàng mang vào cổ". Chuyện can dự vào việc người cũng thường hay xảy ra như thế. Cùng một hành động can gián khuyên giải, nhưng có người vì nóng tánh không giữ được sự bình tĩnh kiên nhẫn sáng suốt, ban đầu còn ở vị thế là ngưòi đứng ra hòa giải, nhưng sau cùng cũng nhập cuộc lâm trận ăn thua đủ với nhau luôn. Ngược lại, có người thì họ còn giữ được sự bình tĩnh kiên nhẫn, khéo dùng lời lẽ can gián phải trái để khuyên bảo đôi bên, nên họ sớm dập tắt được ngọn lửa sân hận đang cháy của đối phương. Tuy nhiên, việc đứng ra hóa giải một cuộc tranh chấp, còn tùy theo cường độ tranh chấp nặng nhẹ của đối phương và cộng thêm đức độ uy tín, tài năng khéo léo của người đứng ra dàn xếp hóa giải nữa. Không phải cuộc hóa giải nào cũng được dễ dàng êm thắm yên xuôi hết đâu.

Trường hợp của Phật tử cũng thế. Vì Phật tử không thể dửng dưng khi chứng kiến giữa người thân trong gia đình xảy ra việc bất hòa tranh chấp cãi vã hơn thua với nhau. Tuy Phật tử khuyên giải bằng tất cả tấm lòng của một người lớn. Thế nhưng, lòng tốt của mình đôi khi cũng dễ bị đối phương hiểu lầm. Bởi do việc xử sự hành động của mình không được tế nhị, khéo léo. Hoặc có đôi khi người khuyên giải có hơi thiên lệch tình cảm không công bằng nên làm cho đối phương bất phục. Khi Phật tử khuyên giải thì bị người cháu dâu chẳng những không nghe theo mà còn thốt lời vô lễ với Phật tử. Do đó nên Phật tử vì quá tức giận nên mới hành động quỳ xin lỗi và bảo: " Xin con cho cô gánh hết tất cả lỗi đừng cãi nữa để cô chịu hết". Hành động và lời nói nầy của Phật tử rõ ràng là có sự hờn lẫy giận tức trong đó. Bởi thế nên người cháu dâu mới cho Phật tử là trù nó giảm thọ.

Hành động của Phật tử chẳng những không có kết quả tốt đẹp mà còn bị người cháu dâu phản bác lại. Bởi Phật tử là người vô can đâu có dính líu gì đến việc cãi vã của hai người. Đó chẳng qua, vì Phật tử nóng lòng muốn dàn xếp cho yên chuyện mà phải hành động như thế. Trong trường hợp nầy Phật tử vì giận tức mà hành động có hơi quá đáng. Tại sao Phật tử phải quỳ và gánh lỗi của người khác? Phật tử quên rằng, lỗi ai gây ra thì người đó phải chịu nhận lấy, không ai thay thế tội lỗi cho ai được cả. Dù là tình thân ruột thịt máu mủ cũng không thể nào thay nhau được. Nếu thay được thì còn gì là luật nhân quả? Không thể người nầy ăn mà người khác lại no bụng? Đâu có chuyện ngược đời như vậy. Nếu thay thế được, thì xưa kia, Tôn giả Mục Kiền Liên đã thay tội lỗi cho mẹ của Ngài rồi. Đâu cần gì phải thỉnh Phật và chư Tăng chú nguyện.

Chính hành động và lời nói của Phật tử không khéo nên mới gây ra  chạm tự ái mạnh của người cháu dâu, nên cháu mới tức giận và quy trách tội lỗi cho Phật tử là trù rủa cháu. Hai người đang cãi vã với nhau, lẽ ra, Phật tử nên lấy quyền của người mẹ, người cô, mà khuyên bảo hay la rầy cả hai người mới phải, ngược lại, Phật tử chỉ van xin người cháu dâu thôi. Chính điều đó làm cho người cháu dâu hiểu lầm nghĩ Phật tử thiên vị bênh vực người con dâu nên mới hành động như vậy. Hành động nầy tuy Phật tử không có ý như thế, nhưng chỉ vì nóng lòng mà hành động thiếu bình tĩnh sáng suốt đó thôi. Vì thế, nên Phật dạy người Phật tử, từ bi nhưng phải có trí huệ soi sáng. Nói cách khác, từ bi cần phải có sự điều động của lý trí. Có thế, thì việc làm mới không bị vấp phải lỗi lầm.

Tóm lại, việc làm của Phật tử tuy mục đích nhắm tới thì không sai nhưng hành động của Phật tử làm như thế thì không đúng lắm. Phật tử đâu cần phải quỳ lụy xin lỗi như thế. Vì Phật tử là bậc trưởng thượng của hai người kia mà! Phật tử chỉ dùng lời khuyên can phân tích phải trái để hóa giải việc tranh cãi. Nếu họ nghe thì tốt còn bằng không thì thôi. Bởi khi tranh cãi ai cũng muốn biện minh cho mình là phải hết nên không ai chịu khuất phục nhịn nhục thua ai. Đó là do lòng sân hận nóng giận thúc đẩy nên mới có sự tranh cãi hơn thua như thế. Lửa đang bùng cháy mà không biết cách dập tắt thì chỉ chuốc lấy họa hại vào thân thôi!

Lần sau, nếu gặp trường hợp như thế, tôi thành thật khuyên Phật tử nên bình tĩnh khéo léo trong việc khuyên giải. Thật ra Phật tử đâu có lỗi gì mà phải xóa. Chỉ có cái lỗi là khuyên can muốn cho hai người đừng tranh cãi nhau thôi. Phật tử nên hiểu biệt nghiệp tánh tình của mỗi người mỗi khác. Mình muốn người ta nghe theo mình hoàn toàn, điều đó không phải là chuyện dễ làm đâu. Người nào mình khuyên can được thì nên khuyên, còn bằng khuyên không được thì thôi. Nếu không khéo, thì mình cũng bị nhập cuộc và mang thêm phiền não họa lây vào mình.

Kính chúc Phật tử luôn sáng suốt an bình trong nếp sống.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật