Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Trong-muoi-phuong-coi-Dong-Cu-Tinh-Do-rat-nhieu

Hỏi:

Trong mười phương, cõi Đồng Cư Tịnh Độ rất nhiều. Nay lại riêng chỉ thế giới Cực Lạc và duy khen cảnh duyên ở cõi ấy thắng diệu là tại sao?

Đáp:

Kinh Phật Thuyết A-di-đà nói: “Chúng sinh ở cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên gọi là Cực Lạc”. Cảnh duyên ở Cực Lạc rất thù thắng, có nhiều sự kiện thuận lợi cho chúng sinh nơi cõi nầy hơn các Tịnh độ khác, mà tâm lượng của phàm phu trong Tam giới không thể thấu hiểu được. Nay xin tạm đem cảnh duyên ở Ta-bà đối chiếu để so sánh lược qua:

– Ở cõi nầy, loài người bẩm thọ thân hình huyết nhục, có sinh là có khổ; cõi kia thì chúng hữu tình đều hóa chất nơi hoa sen, không còn sự khổ về sinh.

– Ở cõi nầy, thời tiết đổi dời, con người lần lần đi đến cảnh già yếu; cõi kia là thế giới trường xuân, không có đêm, ngày, nóng, lạnh, chúng sinh không bị sự khổ suy già.

– Ở cõi nầy, con người thân Tứ đại khó điều hòa, dễ sinh nhiều bệnh hoạn; cõi kia thì chúng sinh thể chất Kim Cương thơm sạch, không có sự khổ về yếu đau.

– Ở cõi nầy, con người ít ai sống đến bảy mươi, cơn vô thường mau chóng; cõi kia thì chúng sinh thọ số đến kiếp lượng vô biên, không có sự khổ về chết.

– Ở cõi nầy, con người bị sợi dây thân tình ái luyến ràng buộc, chịu đau khổ vì nỗi tử biệt sinh ly; nơi cõi kia chúng sinh hóa thân nơi hoa sen, không có cha mẹ vợ con, nên không bị khổ về ân tình chia cách.

– Ở cõi nầy, ai không có kẻ thương người ghét, nên khi oán thù gặp gỡ tất phải chịu nhiều nỗi phiền não gian truân; nơi cõi kia toàn là bậc thiện nhơn dắt dìu giúp đỡ lẫn nhau, không có sự khổ về oan gia hội ngộ.

– Ở cõi nầy, con người phần nhiều nghèo khổ thiếu kém, dù kẻ giàu sang cũng có biết bao ước vọng không thành; nơi cõi kia, sự thọ dụng về ăn, mặc, ở, các thứ trân bảo, bao nhiêu điều mong muốn, đều được hóa hiện tự nhiên, chúng sinh an vui, không có nỗi đau buồn về thất vọng.

– Ở cõi nầy, con người hoặc hình thể xấu xa, các căn không đủ; cõi kia chúng sinh đều có 32 tướng tốt, thân Kim Cương xinh đẹp, có ánh quang minh.

– Ở cõi nầy, chúng sinh xoay vần trong nẻo luân hồi; nơi cõi kia, bậc thượng thiện đều chứng Vô sinh pháp nhẫn.

– Ở cõi nầy, có đủ bốn ác thú khổ não; nơi cõi kia, tên ba ác đạo hãy còn không.

– Ở cõi nầy, nhiều gò nổng hang hố, rừng rậm chông gai, dẫy đầy các tướng nhơ ác; nơi cõi kia thì vàng ròng làm đất, cây báu vút trời, lầu chói trân châu, hoa đua bốn sắc.

– Ở cõi nầy thì Song Lâm đã khuất, Long Hoa còn xa; nơi cõi kia, Di-đà Thế Tôn hiện đang thuyết pháp.

– Ở cõi nầy thì Quán Âm, Thế Chí luống mến danh lành; nơi cõi kia, chư Bồ-tát thượng nhơn hằng làm thắng hữu.

– Ở cõi nầy thì các ma cùng ngoại đạo làm não loạn bậc chánh tu; nơi cõi kia, Phật hóa tinh thuần, ngoại ma tuyệt tích.

– Ở cõi nầy thì sắc thinh, danh lợi khiến mê hoặc người tu; nơi cõi kia, y chánh sạch nghiêm, không còn duyên nhiễm.

– Ở cõi nầy thì ác thú, muỗi mòng khiến hành nhơn không yên ổn; nơi cõi kia, nhạc, cây, chim, nước hằng nói pháp âm.

So sánh lược qua hai cõi, cảnh duyên hơn kém thật đã cách xa, nếu nói cho kỹ thì sự ưu liệt làm sao kể xiết! Tuy nhiên, tóm lại phần khái yếu cũng không ngoài hai quan điểm: một là vì cảnh Cực Lạc thù thắng, nên có thể khích phát lòng mong mến và quy hướng của loài hữu tình; hai là duyên Liên Quốc nhiệm mầu nên có thể giúp ích cho người vãng sinh dễ tiến mau trên đường tu chứng. Vì thế, cõi Đồng Cư Tịnh Độ ở mười phương tuy nhiều, song riêng cõi Cực Lạc có đầy đủ thắng duyên, các kinh luận đều chỉ quy, cũng do lẽ đó.

*

13. Hỏi: Trong mười phương có vô số chư Phật, những chúng sinh hữu tâm đều có thể thân cận. Nay lại riêng suy cử đức A-di-đà là tại sao?

Đáp: Trong ấy có ba lý do: vì đức A-di-đà thệ nguyện sâu rộng, vì chúng sinh ở cõi này có nhân duyên lớn với Ngài, và vì sự giáo hóa của hai đức Thế Tôn ở Tây Phương và Đông Độ liên quan nhau.

Về nguyên nhân thứ nhất, như kinh Vô Lượng Thọ nói: “Đức A-di-đà trong thời kỳ tu nhân đã phát nhiều thệ nguyện rộng lớn. Phần khái yếu trong các lời nguyện ấy là: “Khi Tôi thành Phật, nếu có chúng sinh nào muốn sinh về nước Tôi, siêng tu các căn lành và chí tâm xưng danh hiệu Tôi cho đến mười niệm, như kẻ ấy không được vãng sinh thì Tôi thề không thành Chánh Giác. Kẻ nào đã sinh về nước Tôi mà còn bị thối chuyển và không quyết định được thành Phật, Tôi thề không thành Chánh Giác”. Nên trong Hoa Nghiêm Sớ nói: “Phật A-di-đà có lời thề sâu nặng nguyện tiếp dẫn chúng sinh ở cõi Ta-bà”.

Về nguyên nhân thứ hai, khi Phật Thích-ca còn ở đời, chúng sinh nghe lời từ huấn, quy hướng về đức A-di-đà rất nhiều. Từ khi đức Thế Tôn niết-bàn về sau, không luận là hàng Tăng tục, nam nữ, giàu nghèo, sang hèn, kẻ đã nghe Chánh pháp hay chưa biết gì về Phật giáo vẫn thường xưng niệm danh hiệu A-di-đà Phật. Dù cho hạng hung dữ, kẻ không lòng tin, khi gặp cảnh nguy khốn tai nạn, hay lúc vui mừng, thán oán, bất giác cũng kêu gọi A-di-đà Phật. Cho đến trẻ nhỏ khi chơi đùa vẫn thường nắn hình, vẽ tượng Phật A-di-đà; người hát xướng hay đứa hài nhi năm ba tuổi nói năng chưa rành cũng biết niệm A-di-đà Phật. Sự không ai khuyến khích mà vẫn biết niệm ấy không phải do nhân duyên là gì? Lại như trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã bảo: “Nay Ta nói kinh nầy khiến cho chúng sinh được thấy Phật Vô Lượng Thọ và quốc độ của Ngài. Những kẻ muốn bước lên đường giải thoát nên cầu vãng sinh. Pháp môn nầy mọi người đều có thể tu, chớ vì Ta diệt độ rồi mà sinh lòng nghi hoặc. Trong đời đương lai, khi Tam tạng giáo điển đã diệt hết, Ta dùng nguyện lực từ bi, duy lưu kinh nầy trụ thế một trăm năm. Những chúng sinh nào có duyên được gặp, tùy ý mong cầu thảy đều đắc độ”. Lại nói: “Sau khi kinh nầy diệt rồi, Phật pháp hoàn toàn mất hẳn trong đời, chỉ còn lưu truyền bốn chữ A-di-đà Phật để cứu độ chúng sinh; kẻ nào không tin mà hủy báng sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu đủ các sự khổ”. Vì lẽ đó, nên ngài Thiên Thai nói: “Phải biết đức Phật kia đối với cõi trược nầy có nhân duyên rất lớn”.

Về nguyên nhân thứ ba thì các vị tiên giác đều bảo: “Đức Thích-ca ứng sinh nơi cõi uế, đem các duyên: nhơ ác, khổ não, vô thường, chướng nạn mà chiết phục chúng sinh, khiến cho họ sinh lòng nhàm chán mà tu theo chánh đạo. Đức Di-đà hiện thân nơi cõi Tịnh, dùng các duyên: trong sạch, an vui, lâu dài, không thối chuyển mà nhiếp hóa loài hữu tình, khiến cho họ khởi tâm ưa mến mà trở lại nguồn chân. Hai bậc Thánh nhơn đã dùng hai môn Chiết và Nhiếp làm cho chánh giáo lưu hành, nên sự hóa độ có liên quan nhau. Lại, đức Bổn sư ngoài sự chỉ dạy ba thừa để giáo hóa chúng sinh, đặc biệt nói thêm môn Niệm Phật để nhờ đức A-di-đà tiếp dẫn những kẻ còn chưa được độ. Vì thế, trong các kinh Đại thừa, đức Thế Tôn đã ân cần dặn bảo, luôn luôn khen ngợi và khuyến khích sự vãng sinh”.

Ba lý do trên đây đã nói rõ tại sao đức A-di-đà được riêng suy cử trong số mười phương chư Phật!

Trích từ: Tịnh Độ Hoặc Vấn
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
2 Tịnh Độ Nhập Môn, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
3 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
4 Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm Tải Về
5 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
7 Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Tịnh Độ Hoặc Vấn, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
9 Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
10 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
11 Tịnh Độ Vấn Đáp, Thích Nhuận Nghi Tải Về
12 Tịnh Độ Vựng Ngữ, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
13 Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về