Phật Học Vấn Đáp


Niệm phật và trì thêm chú cũng như quỳ lạy phật có lỗi không?
Kính bạch thầy, trong nhà con có thờ Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà và Bồ Tát Quan Thế Âm. Mỗi sáng con tụng kinh niệm Phật, sau nầy con có niệm thêm chú của Phật Dược Sư để cầu cho tiêu trừ bệnh tật. Bạch thầy như thế có được không? Chân và tim con đau, nên con chỉ quỳ lạy Phật có được không? Đồng thời, lúc nào chân đau nhiều thì con đứng lên đi kinh hành ở ngoài vườn và chỉ niệm Phật nhỏ tiếng, như thế có được không? Kính mong thầy từ bi chỉ dạy cho con làm sao mới đúng?

8/1/2022 8:00:49 AM

Việc tụng kinh, niệm Phật của Phật tử như thế là điều rất tốt, tôi xin hết lòng tùy hỷ tán dương công đức. Phật tử nói, sau nầy Phật tử có trì thêm Chú Dược Sư để nguyện cầu tiêu trừ tật bệnh, điều đó cũng không có gì là sai trái. Tụng kinh, niệm Phật, trì Chú, đó là điều căn bản mà bất cứ người Phật tử nào thiết tha trong việc tu hành cũng đều phải hành trì. Tuy nhiên, theo lời Phật Tổ dạy, trong khi tu tập, chúng ta nên chọn cho mình một pháp môn chánh để hành trì. Vì có chuyên nhất thì tâm ta mới dễ được an định hơn. Như Phật tử chọn niệm danh hiệu Phật A Di Đà là phần chánh yếu, còn tụng kinh hay trì chú chỉ là phần phụ thuộc. Thường thì Phật tử chúng ta phần nhiều là  tạp tu hơn là chuyên tu. Tạp tu là pháp môn nào cũng tu hết. Thiền, Tịnh, luật, mật, giáo v.v... đều tu cả. Như niệm Phật cũng muốn niệm nhiều danh hiệu Phật. Vì Phật tử nghĩ rằng niệm nhiều vị Phật thì được phước nhiều. Do đó, mà sự tu tập của chúng ta khó đạt được kết quả mau chóng.

Theo lời Phật Tổ dạy, chỉ cần niệm một câu danh hiệu Phật A Di Đà là tóm thâu đầy đủ tất cả. Bởi danh hiệu Phật A Di Đà còn có nghĩa là Vô lượng công đức. Người đời thường nói: "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Chỉ cần chuyên làm một nghề thì nó mới tinh thuần xuất sắc và đạt hiệu quả cao. Còn làm nhiều nghề quá thì vừa cực thân xác mà kết quả cũng chẳng đạt là bao. Vì vậy, muốn đạt được kết quả cao, thì Phật Tổ khuyên chúng ta nên chọn cho mình một pháp môn tu tập thuần nhất không tạp, tùy theo căn cơ trình độ sở thích của mình mà chuyên hành trì. Bởi chúng sanh có nhiều căn cơ chủng tánh khác nhau, nên Phật mới nói ra có nhiều pháp môn sai biệt. Nhưng pháp môn nào cũng nhắm thẳng đến tiêu đích giác ngộ và giải thoát cả. Đó là một lộ trình duy nhất mà tất cả hành giả tu Phật đều phải trải qua.  

Trở lại câu hỏi của Phật tử, Phật tử hỏi: Mỗi sáng Phật tử tụng Kinh niệm Phật, sau nầy Phật tử có niệm thêm Chú Dược Sư để cầu cho tiêu trừ bệnh tật, như thế có được không?

Xin thưa ngay là được, không có gì sai trái. Phật tử cứ yên tâm mà nỗ lực hành trì. Tuy nhiên, tôi thành thật khuyên Phật tử nên ý thức và nhận định cho thật rõ: việc cầu nguyện Phật lực gia hộ, cho được tiêu trừ tật bệnh, đó là điều rất tốt nên làm. Thế nhưng, không phải vì sự cầu nguyện đó mà Phật tử sanh tâm ỷ lại hoàn toàn ở nơi Phật và Bồ tát gia hộ. Bởi Phật, Bồ tát chỉ gia trì khi nào mình phải hết lòng thành tâm tha thiết tu niệm. Bệnh tật là kết quả do nghiệp nhân sát sanh hại vật của mình trong nhiều đời hoặc hiện đời mà ra. Do đó nên hôm nay mình mới nhận lấy quả báo bệnh tật khổ đau. Tùy theo nghiệp nhân sát hại nặng nhẹ mà trả cái quả báo nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì sám hối mau hết tội, còn nặng thì phải trả quả báo nặng hơn. Nếu mình biết sám hối, tu hành tạo thêm nhiều phước đức thì sẽ chuyển nghiệp báo nặng thành nghiệp báo nhẹ. Nhưng dù nặng hay nhẹ gì cũng đều phải trả. Đó là luật nhân quả báo ứng rất công bằng một mảy may không hề sai chạy.

Có người tụng Kinh, niệm Phật không phải để dứt trừ phiền não, mau được giải thoát, mà họ chỉ muốn van xin cầu khẩn Phật, Bồ tát ban cho họ cái nầy cái kia. Nếu họ được toại nguyện, thì họ cho Phật, Bồ tát rất linh thiêng, bằng trái lại, thì họ cho các Ngài là không linh. Đó là một quan niệm rất sai lầm mà người Phật tử nên tránh. Thay vì tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú để cho tâm ta được an định thì chúng ta lại mong cầu đòi hỏi Phật Bồ tát ban cho đủ thứ.  Phật và Bồ tát các Ngài cũng phải nỗ lực chuyên cần tu tập trải qua nhiều gian khổ mới được thành tựu như thế. Chớ các Ngài đâu phải nhờ ai ban cho mà được đâu. Người Phật tử chơn chánh phải có quan niệm và đặt định niềm tin đúng đắn. Tu hành không nên hoàn toàn ỷ lại vào tha nhân, dù đó là Phật hay Bồ tát cũng thế. Tự lực là chánh mà tha lực là phụ. Phải có tự lực mới nhờ tha lực. Tha lực chỉ là phần trợ duyên giúp sức cho mình phần nào thôi. Cũng như mình phải hết lòng tha thiết niệm Phật, khi lâm chung thì Phật và Bồ tát mới tiếp rước mình. Tâm mình có an định thì mới cảm ứng đến tâm Phật.

Sự tu hành, niệm Phật cần nhứt là chúng ta phải lập chí bền tâm. Phải có lập trường kiên định dũng mãnh. Nếu Phật tử vì sức khỏe đau yếu, thì khi hành lễ nên tuỳ nghi linh động. Trường hợp Phật tử bị suy tim và chân yếu, đứng lên lạy xuống cảm thấy mệt mỏi đau nhức khó khăn, thì Phật tử quỳ lạy cũng không sao. Lễ nghi hình thức tuy là sự tướng bên ngoài nhưng nó cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta chưa được thấy tánh, thì chớ nên khinh thường sự tướng. Người tu hành Sự và Lý phải dung thông, không nên ngăn trệ một bên. Đối với căn cơ trình độ và nghiệp chướng sâu dày của chúng ta, thì chúng ta nên giữ phần sự tướng để tu trì. Như tụng Kinh, trì Chú, lễ bái, niệm Phật v.v... chúng ta phải gia công nỗ lực hành trì. Tuy nhiên, như trên đã nói, chúng ta cần chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp để ngày đêm gia công chuyên tâm tu tập. Nhờ đó mà nghiệp chướng chóng tiêu trừ và chóng mau được giác ngộ và giải thoát.

Điều quan trọng là trong khi hành trì, chúng ta không nên quá câu nệ vào hình thức mà phải khéo léo uyển chuyển linh động sao cho phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của mình. Trong khi hành lễ Phật tử cũng cần nên thay đổi những động tác: đi, đứng, quỳ và ngồi cho thích hợp. Việc đi kinh hành và niệm Phật nhỏ tiếng của Phật tử đó là điều rất tốt. Như đã nói, tùy theo sức khỏe của Phật tử mà linh động thay đổi không có gì lỗi lầm sai trái cả. Trong bốn động tác kể trên, Phật tử tùy nghi mà thay đổi. Điều quan trọng trong khi hành lễ là tâm hành giả phải có an lạc, thoải mái, nếu không thì sự thật hành của chúng ta sẽ không đạt được kết quả như ý muốn.

Kính chúc Phật tử thân tâm thường an lạc, đạo niệm tinh chuyên, chóng viên thành Phật quả.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Niệm Phật        Tụng Kinh        Địa Ngục        Dược Sư        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật