Phật Học Vấn Đáp


Anh có phải là phật tử không?

8/4/2022 3:08:39 PM

1) Tín ngưỡng dân gian:

Người Trung Quốc viết lý lịch của mình, đến mục "Tôn giáo" thường ghi "Phật giáo". Nói cách khác, đa số người Trung Quốc thường nhận mình là Phật tử. Trừ những người đã chính thức theo Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo v.v… biết rõ mình không phải là Phật giáo, còn lại mọi người, bất luận là do tự mình hay là do quan hệ bà con thân thuộc, đều cho rằng mình có ít nhiều gốc gác tín ngưỡng Phật giáo. Điều đó có nghĩa là những người đã không phủ định Phật giáo, không phản đối Phật giáo, thì đều là Phật tử cả. Vì vậy, trong dân gian Trung Quốc, hàm nghĩa của khái niệm Phật tử rất là rộng rãi. Nhân dân Trung Quốc đối với tín ngưỡng tôn giáo vốn có thái độ phóng khoáng, bao dung, như đối với tín ngưỡng thờ các vị Thần Cây, Nước, Gió, Mưa v.c… tín ngưỡng vật linh đối với cây cối, đá, tín ngưỡng thần đạo đối với thần tiên hay nhân vật huyền thoại và lịch sử, tín ngưỡng thần bí đối với quỷ thần v.v… họ đều tiếp nhận tất cả.

Tất cả các loại tín ngưỡng đó tuy bị các nhà duy vật và các nhà thần giáo phản đối, nhưng chúng vẫn lưu hành, tồn tại, tuy nhiên chúng không phải là Phật giáo chính thống.

2) Sùng bái đa thần

Phật giáo du nhập Trung Quốc vào đời Tần, đời Hán. Lúc bấy giờ, các loại tín ngưỡng dân gian đã tồn tại. Trong "Sở từ" đã có các từ Hà Bá, Quỷ Núi v.v… Cho nên khi Phật giáo mới vào Trung Quốc chẳng qua cũng chỉ là thêm một ông Thần phương Tây vào số các vị Thần bản địa mà thôi. Thế nhưng, do kinh sách Phật được dịch sang chữ Hán ngày càng nhiều, hình thành nên Hán tạng, trình bày rõ Phật giáo khác biệt với loại tín ngưỡng dân gian phổ thông, những nhận thức mới đó chỉ là của một lớp nhân sĩ trí thức có học Phật, chứ còn người dân thường vẫn tiếp tục xem Phật, Bồ Tát không khác gì các vị Thần dân tộc, các truyền thuyết, Tổ Thần v.v… Vì vậy, mà trong các tiểu thuyết dân gian, các truyền thuyết, thần và Phật không khác gì nhau. Dân chúng biết đến Phật, Như Lai, Quan Thế Âm là do các chuyện như "Phong Thần", "Tây Du Ký", "Quan Âm đắc đạo" chứ không phải qua trực tiếp nghiên cứu các kinh Phật.

3) Ông đồng, bà cốt

Các bộ "Kinh Hoa Nghiêm", "Kinh Địa Tạng" tuy có ghi chép tên các Thiên Thần, Thổ Thần nhưng tín ngưỡng sùng bái đa thần trong dân gian Trung Quốc không phải xuất phát từ Kinh Phật mà là xuất phát từ các truyện Thần Phật giáng thế, thông qua truyện kể của các ông đồng, bà cốt (linh môi), các truyện linh dị, cảm ứng mà một số người biết được qua những phương thức như chim rút thẻ, bút thần v.v… Từ miệng các ông đồng, bà cốt, từ linh môi, từ bút thần, ngoài danh hiệu của Thần, Tiên, Thánh Hiền ra vẫn thường có danh hiệu Phật Tổ, Như Lai, Bồ Tát. Đó là do trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc từ lâu đã có pha tạp tín ngưỡng Phật và Bồ Tát. Thế nhưng mục đích sùng bái Phật, Bồ Tát trong tín ngưỡng dân gian, không ở ngoài các việc cầu phước, tiêu tai, cầu an, sống lâu, trị bệnh, làm giàu, có con cái, cầu kết hôn v.v… đó là động cơ tôn giáo của tín ngưỡng dân gian. Cầu Phật, Bồ Tát như vậy nhiều khi cũng được toại nguyện, bởi vì tất cả các Thiên Thần đều ủng hộ Tam Bảo, và gia hộ cho những người tín ngưỡng Tam Bảo. Cho nên, cầu Phật và Bồ Tát cũng được sự cảm ứng của các thiên thần và chư thiên, được sự thương xót của chư Phật, Bồ Tát Quan Thế Âm rất là đặc sắc và phổ cập. Cho nên, ở đây người ta thường nói: Nhà nào cũng thờ A Di Đà, hộ nào cũng thờ Quan Thế Âm.

4) Tam Bảo : PHẬT PHÁP TĂNG

Thực ra các Phật tử phải dựa vào Tam Bảo, tức Phật Pháp Tăng làm đối tượng trong nương tựa và quy ngưỡng, chứ không phải sùng bái quỷ thần như trong dân gian thường làm. Do đó, sau khi thành đạo, Phật Thích Ca, ban đầu độ cho người tại gia, hướng dẫn cho họ thọ tam quy. Tam quy tức là quy y Phật Pháp Tăng. Phật là bậc đại giác, tự mình giác ngộ, lại giác ngộ cho người, trí tuệ và phúc đức viên mãn. Pháp là lời dạy của Phật nói ra, là đạo lý, phương pháp tu thành Phật. Tăng là những vị xuất gia học Phật, cầu pháp, giúp Phật trong sự nghiệp độ sinh, hoằng hóa. Phật Thích Ca lúc ban đầu thành đạo, chưa có tăng đoàn, nói với hai đệ tử tại gia đầu tiên là Đề Vị và Bả Lợi Ca rằng : Quy y Phật, quy y Pháp và quy y các vị Tỳ kheo tăng tương lai. Có đầy đủ tam quy mới thành người Phật tử chân chính.

Nếu chỉ tin Phật mà không tin Pháp, tin Tăng thì đó là niềm tin mù quáng, sùng bái mù quáng, giống như tục sùng bái quỷ thần trong dân gian.

Nếu chỉ nghiên cứu Pháp mà không tin Phật, tin Tăng, thì cũng giống như học giả chỉ đọc sách, chuyên về học vấn, chứ không có quan hệ gì đến niềm tin cả. Còn nếu chỉ quy y Tăng thì có khác gì nhận cha nuôi, mẹ nuôi là tục lệ lưu hành trong dân gian. Chỉ có quy y đầy đủ Tam Bảo, mới có thể học Phật, tu Pháp, kính Tăng.

Tăng là những người đại biểu giữ vững Phật Pháp. Vì Tăng tu Phật Pháp, nên Tăng là người biểu trưng cụ thể cho Phật Pháp. Khi Phật còn tại thế, cần có Tăng để truyền bá Phật pháp. Tăng là tổ chức của những người xuất gia nên gọi là Tăng đoàn. Mỗi người xuất gia là thành viên của Tăng đoàn, nên gọi là Tăng. Trong sự nghiệp giáo hóa, Tăng đại biểu cho Tăng đoàn để độ thoát cho những người có duyên với Phật Pháp. Do đó, Phật là nguyên tổ của Phật Pháp, Pháp là căn bản của Phật giáo. Tăng là trung tâm của Phật giáo. Ba nhân tố đó thiếu một thì không được. Ba nhân tố đó hòa hợp thì mới thành Phật giáo hoàn chỉnh.

5) Các thứ bậc tôn giáo

Phật có Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Phật ở thế giới này và Phật ở các thế giới khác, hợp lại gọi là chư Phật ba đời mười phương. Những điểm căn bản của Pháp bảo gồm 5 giới : Sát, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, bao gồm mười điều thiện : Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói chia rẽ, không nói ác, không nói phù phiếm, không tham, không giận, không si v.v… Năm giới mười thiện là những thiện pháp của đạo đức loài người và trời. Ở một bậc cao hơn là thiện pháp xuất thế. Ngoài ra còn có thiện pháp các vị Bồ Tát đã chứng được giải thoát, nhưng vẫn nhập thế vẫn sống giữa thế gian để độ chúng sinh.

Thứ bậc thứ nhất là Thiện pháp của loài người, loài trời. Nói chung tôn giáo đều khuyên người làm điều thiện.

Còn thứ bậc hai là Thiện pháp xuất thế vượt khỏi cõi Trời, người, vượt khỏi luân hồi sống chết của ba cõi là dục, sắc và vô sắc tiến vào cảnh giới giải thoát, đó là thứ bậc của A la hán, bậc Thánh của Tiểu thừa giáo.

Thứ bậc thứ ba gồm cả Thiện pháp thế gian và xuất thế, không bị ràng buộc bởi sống chết nhưng vẫn không rời bỏ phạm vi sinh tử, tự do tự tại ra vào cảnh giới sống chết, làm công tác độ thoát chúng sinh, nhưng vẫn không chấp vào các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Đó là cảnh giới của Bồ Tát đại thừa.

Các Đức Phật khai thị, bày tỏ tất cả Pháp bảo. Còn tất cả Tăng bảo thì tu học và hoằng dương tất cả các Pháp bảo. Tăng bảo bao gồm tất cả Tăng Ni là phàm phu xuất gia, các bậc Thánh của Tiểu thừa, tất cả các vị Bồ Tát thuộc Đại thừa. Tất cả mọi người nếu đã thọ Tam quy thì dù ở trình độ nào, dù là ai cũng được tất cả Đức Phật, Bồ Tát, các bậc Thánh, các cao Tăng dạy dỗ, gia hộ, bảo vệ và được lợi ích.

6) Hưởng phúc ở cõi Trời

Do vậy, có thể thấy là nếu thực hành theo tín ngưỡng dân gian lương thiện, hay là tín ngưỡng tôn giáo thần quyền, dù là đa thần hay nhất thần, miễn là đừng có trái với đạo lý làm người và hợp với điều kiện sinh lên cõi Trời đều có thể quy vào thứ bậc thứ nhất của Phật giáo, thứ bậc của đạo đức loài người và loài Trời. Tức là dạy người sống có nhân phẩm, làm hết trách nhiệm làm người, lại tu phúc, thì sau khi mệnh chung, có thể sinh làm người hoặc lên cõi Trời. Do đó, tu thiện pháp để sinh lên cõi Trời hay trở lại làm người, tốt hơn rất nhiều so với những người tạo nghiệp ác, để khi mệnh chung phải đọa vào các cõi ác như súc sinh, quỷ đói, địa ngục.

Thế nhưng, tuổi thọ của loài người ngắn ngủi, nhiều nhất cũng khoảng 100 năm. Thọ mạng của loài Trời có dài hơn, nhưng khi phúc báo hết cũng phải chết. Theo Phật giáo, loài Trời chia làm ba cấp. Hai cấp loài Trời sắc giới và vô sắc giới đều do tu thiền định mà thành. Cấp loài Trời thấp nhất thuộc dục giới, do tu phúc tu thiện mà thành. Ở các cõi Trời Dục giới, từ cõi TrờiBốn Thiên Vương đến cõi Trời Đao Lợi, cõi Trời Diệm Ma, từ Trời Đâu Suất, cõi Trời Hóa Lạc, cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, tổng cộng có 6 cấp cõi Trời dục giới. Càng lên cao, thọ mạng càng dài, thấp nhất là cõi Trời Tứ Thiên Vương, một ngày đêm ở cõi Trời này bằng 50 năm ở nhân gian. Ở cõi Trời cao nhất là Tha Hóa Tự Tại Thiên, một ngày đêm ở đây bằng 1600 năm ở cõi người, thọ mạng trung bình là 1 vạn 6000 năm. Nhưng một khi phúc báo hết, những người ở các cõi Trời cũng phải mệnh chung xuống làm loài người, thậm chí đọa xuống các cõi ác.

Được phúc báo ở cõi Trời và cõi người cũng như bắn mũi tên, cao đến tột cùng tên lại rơi xuống mặt đất. Đây là do chưa thoát khỏi sống chết luân hồi. A la hán đã thoát khỏi sống chết luân hồi. Các vị Bồ Tát, tuy đã vượt qua khỏi ba cõi nhưng vẫn ra vào các cõi người để độ chúng sinh. Chúng sinh ra vào sống chết là để thọ báo, cũng như kẻ phạm tội vào tù để chịu hình phạt, còn quan tòa, người phụ trách công việc cải huấn cũng ra vào tù, nhưng vẫn là người tự do.

A la hán vĩnh viễn thoát khỏi sống chết luân hồi. Các vị Bồ Tát tuy cùng với chúng sinh ở trong cảnh sống chết luân hồi, phiền não nhưng không bị sống chết luân hồi chi phối, ràng buộc. Bồ Tát là Phật tương lai. A la hán cũng có thể chuyển sang làm Bồ Tát. Phàm phu chúng sinh cũng có thể theo gương các vị Bồ Tát phát tâm tu học pháp môn Bồ Tát mà trở thành Bồ Tát.

7) Phật giáo chính tín

Các loại tín ngưỡng tôn giáo trong dân gian chỉ có thể làm cho người có tín ngưỡng cầu sự gia hộ của Thần linh, chứ không thể làm cho người ấy tự mình đứng dậy, tự cứu lấy mình và cứu người. Tín ngưỡng Phật giáo không những làm cho Phật tử cầu đạo mà có cảm ứng, hơn nữa tự mình làm cho được thanh tịnh và theo gương chư Phật và Bồ Tát, cũng giúp người cứu người, để rồi cuối cùng thành Phật và Bồ Tát. Trung Quốc là nơi hoạt động giáo hóa của Phật giáo Đại thừa. Người tín ngưỡng Phật giáo là các đệ tử của Tam Bảo, học Phật tu Pháp, kính Tăng. Phật là bậc tu hành Bồ Tát đến chỗ hoàn thiện, viên mãn. Hạnh Bồ Tát là khuôn phép độ thế của Phật giáo. Tăng là vị đại biểu giữ vững, duy trì Phật Pháp ở thế gian.

Hành vi tôn giáo trong tín ngưỡng dân gian tuy có giá trị và công năng tồn tại, nhưng vì không có giáo nghĩa làm chuẩn mực, không có giáo đoàn để ràng buộc, lại không có người hướng dẫn giảng dạy, chỉ dựa vào những phương thức như ông đồng, bà cốt, linh môi, bút thần v.v… nếu làm tốt thì phù hợp với phong tục tốt đẹp, nếu làm không tốt thì sẽ phá hoại phong tục tốt đẹp, làm hư hỏng nhân tâm. Phật giáo thì không như vậy. Phật giáo có một lịch sử lâu dài, có giáo nghĩa và giáo nghi thứ bậc phân minh, có giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sinh ra ở Ấn Độ cách đây 2600 năm, có giáo đoàn và các pháp sư truyền nhau từ đời này sang đời khác. Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thực. Đó là Phật bảo. Giáo nghĩa và giáo nghi của Phật giáo là Pháp bảo. Chỉ có những người tín ngưỡng và quy y Tam Bảo mới là những Phật tử chân chính.

Trích từ:  Học Phật Quần Nghi. Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Minh Quang


Thẻ
Phật Tử       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật